Review Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen
Bài: Dương Gia Thịnh
Nov 23, 2020
Ảnh cover FB: Twitter@goro_murata
Vào thời điểm tôi đang viết những dòng này, hiện tượng phòng vé đầy bất ngờ “Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen” (劇場版「鬼滅の刃」 無限列車編) đang tiếp tục khuấy đảo Nhật Bản. Thu về hơn 10 tỷ Yên trong 10 ngày công chiếu, “Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen” trở thành bộ phim đạt cột mốc này sớm nhất trong lịch sử phòng chiếu xứ sở mặt trời mọc. Chỉ sau 38 ngày, bộ phim đã vượt qua anime có doanh thu cao thứ hai lịch sử Nhật Bản là "Kimi no Na wa (Your Name)" và hướng tới mục tiêu lật đổ ngôi vị số một, đồng thời cũng là tượng đài Oscar – Sen to Chihiro no Kamikakushi (Spirited Away).
Đáng ra, đây chỉ là một bộ phim phục vụ cho riêng những fan của bộ truyện Kimetsu no Yaiba, việc nó trở nên thành công đến mức này là điều không tưởng. Nhưng con số lại không biết nói dối. Vậy mị lực nào đã khiến bộ phim hấp dẫn đến như vậy? Tạm gác qua những yếu tố khách quan như sự lây lan của COVID-19. Chúng ta hãy cùng tập trung nhìn vào sự hấp dẫn vốn có của bộ phim – mà ở đây tôi muốn chia thành hai phần chính là: Hình ảnh/Âm thanh và Cốt truyện.
Về hình ảnh/âm thanh
Hình ảnh: mọi khung hình đều được làm rất chi tiết và mãn nhãn
Đạo diễn huyền thoại Nhật Bản: Akira Kurosawa – người từng nhận giải Oscar cho thành tựu trọn đời năm 1990, trong một bài phát biểu về sức mạnh của chuyển động trong điện ảnh, đã nói: “Bạn biết đấy, chỉ có kích thích thị giác mới thu hút được khán giả. Đó chính là lý do chúng ta làm phim. Còn không, chúng ta chỉ cần tắt hết đèn đi và gọi nó là Radio”. Dù phim người đóng hay hoạt hình, nguyên tắc này không hề thay đổi. Đó là thứ giúp lôi kéo chúng ta đến rạp và cũng là thứ giữ chúng ta ngồi yên không rời mắt từ đầu đến cuối. Và “Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen” là một bộ phim như thế. Chỉ việc ngồi đó và nhìn thôi cũng đã con mắt rồi.
Tất nhiên, đối với những fan cứng có kiến thức thâm niên về anime, những gì thể hiện được về mặt hình ảnh của bộ phim này là không hề bất ngờ vì đứng đằng sau nó là studio Ufotable. Môi trường 3D được nhấn mạnh và thể hiện xuyên suốt nhằm xây dựng kết cấu không gian sống động, nhiều sự kết hợp kỹ thuật số cũng được áp dụng để bộ phim khoác lên mình một vẻ ngoài bóng bẩy. Tất cả mọi khung hình đều được làm rất chi tiết và mãn nhãn. Trong đa phần thời lượng, đội ngũ làm phim có lẽ đã phải vật lộn để theo kịp sự phức tạp của thiết kế nhân vật, đặc biệt là với nhân vật Rengoku. Mái tóc bồng bềnh và chiếc áo khoác của anh mang lại cho anh ấy một khí chất cuốn hút, và điều này được khắc họa cẩn thận trong tất cả các lần xuất hiện của anh. Không một khắc nào trong bộ phim, nhân vật bị kém trau chuốt. Mặc dù có lẽ đây là điều mọi người đều dự đoán được, vì ngay từ nguyên tác manga, thiết kế nhân vật độc đáo chính là một trong những xương sống tạo nên sức hấp dẫn của Kimetsu no Yaiba.
Thêm nữa, điểm nhấn chính của bộ phim này là những cảnh chiến đấu, hành động. Vì vậy, sẽ thật thiếu sót nếu không dành nhiều "đất" để nói về điều này. Về bối cảnh, nội dung chính của bộ phim này kể về nhóm Tanjirou, Inosuke, Zenitsu đến “Chuyến tàu vô tận” để hỗ trợ Viêm Trụ Rengoku ngăn chặn con quỷ đã gây ra hơn 40 vụ mất tích ở đoàn tàu này. Đây là một con quỷ rất mạnh, không những đã lên chức Hạ Huyền mà còn được Muzan cho thêm máu. Tuy nhiên, sau khi vất vả đánh bại được, họ phải đối mặt với một Thượng Huyền còn mạnh hơn gấp bội. Chính vì thế, bộ phim được chia thành hai phần: phần đánh nhau với quỷ Hạ Huyền và phần đối đầu với quỷ Thượng Huyền.
Và có vẻ như đoàn làm phim đã quyết định “để miếng ngon về cuối”, nên tất cả những pha hành động hay nhất bộ phim được dồn về phần đánh nhau với quỷ Thượng Huyền. Khi tôi ngồi trong rạp Keisei Rosa 10, trên hàng ghế D, trong một tối thứ hai se lạnh, ở thành phố Chiba và xem đến đoạn này. Không khí trong cái rạp kín chỗ ngồi đó dường như bị bóp nghẹt, mọi người nín thở, đôi mắt và tâm trí như bị hút về phía màn ảnh, thậm chí đến cả tiếng hút nước ngọt hay nhai bắp cũng không thể nghe thấy. Điều gì khiến nó hấp dẫn đến vậy? Đó chính là sự chi tiết trong từng khung hình.
Nghe có vẻ mơ hồ, nhưng thực tế đây là một phương pháp cổ điển. Nó tự nhiên đến mức, chúng ta ngầm chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên. Hãy nhớ lại trận chiến thành Troy trong Thần Thoại Hy Lạp. Có một chiến binh ngã xuống nước chết, bị “bọn lươn, cá xúm xít quanh thân, rỉa màng mỡ bám quanh thận”. Hay Achilles đâm giáo giết Hector “ngay cuống họng, đúng nơi tử huyệt lấy mạng người nhanh nhất”. (theo bản dịch của Martin Hammond). Chính việc mô tả chi tiết đến mức cứ như tác giả thật sự có mặt tại nơi đó khiến câu chuyện vô cùng sống động. Dù văn học hay điện ảnh, quy tắc này đều đúng. Trong Sen to Chihiro no Kamikakushi, Chihiro không chỉ đơn giản là mang giày và ra khỏi cửa, cô bé chỉnh lại gót giày, đập đập mũi giày xuống đất sao cho vừa chân nhất, rồi mới đi ra ngoài. Nhờ sự tập trung vào từng chi tiết tưởng như nhỏ nhặt này, khiến chúng ta cảm thấy một câu chuyện rõ ràng hư cấu hoàn toàn nhưng lại trở nên cực kỳ chân thực.
Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen cũng dùng chính thủ thuật này trong những cảnh chiến đấu của mình. Từng pha chạm kiếm, từng tuyệt chiêu, từng vết thương đều được miêu tả cẩn thận. Camera sẽ lia theo đường kiếm để tạo ra chuyển động điện ảnh, nhằm mang lại hiệu ứng thị giác tốt nhất. Đôi khi chỉ một khoảnh khắc, nhưng rất nhiều góc máy được sử dụng, ghép nối liên tiếp với nhau để truyền tải đến người xem toàn bộ không gian chiến trường.
Âm thanh: hoàn thành nhiệm vụ của mình
Tuy nhiên, hình ảnh không phải là vạn năng. Mãn nhãn thôi chưa đủ, phải sướng tai nữa. Để hòa nhập cảm xúc người xem vào bộ phim, không thể thiếu phần âm thanh. Tạm thời chưa bàn đến các bài nhạc, chỉ phần hiệu ứng âm thanh thôi cũng đủ để thuyết phục bạn đến rạp, thay vì chờ đợi bản Blu-ray.
Dường như bộ phim đã khai thác được tối đa ưu thế của việc xem rạp so với xem đĩa tại nhà. Âm thanh của đoàn tàu rền vang với âm bass đập mạnh, khiến người xem cảm giác như mình đang thật sự ngồi trên “chuyến tàu vô tận”. Hay như lúc quỷ Hạ Huyền Enmu sử dụng sóng âm phát ra từ tay mình để thôi miên đối phương, cảm giác như có một luồng bom âm thanh đập vào mặt thật vậy. Đến khúc Rengoku đấu với Thượng Huyền Tam, tiếng va chạm binh khí, chiêu thức vang lên chát chúa đến chói cả tai. Rồi tiếng thét xung trận cả hai đấu sĩ, đến tiếng la tuyệt vọng của Thượng Huyền Akaza đi từ nhỏ lên to dần rồi vang vọng khắp nơi, tạo cảm giác sống động như thật và miêu tả cảm xúc nhân vật một cách thuyết phục.
Âm nhạc cũng thật sự hoàn thành nhiệm vụ của mình, tuy không quá nhiều đột phá so với phần TV Series (dù nó vốn đã làm rất tốt rồi). Kajiura Yuki và Shiina Go – những người vốn đã khẳng định được tên tuổi của mình qua những tác phẩm trước, nay quay trở lại với những bản nhạc hùng tráng, đầy kịch tích nhằm khuếch đại sự căng thẳng và nguy hiểm của các trận chiến. Đặc biệt là trong trận solo giữa Rengoku và Thượng Huyền Akaza, cũng như Tanjirou với Enmu. Ngay cả trong những khoảnh khắc êm dịu hơn, nhạc phim vẫn đủ hồi hộp để duy trì tâm trạng và nhịp độ chung của bộ phim.
Cốt truyện: vừa đủ để đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ
Hình ảnh có thể thuyết phục khán giả đến với bộ phim và giữ họ lại đến phút cuối. Nhưng đến khi họ về nhà và điều khiến họ quyết định giới thiệu nó với bạn bè, đồng thời, bản thân họ cũng không thể ngăn nổi ham muốn trả tiền và quay lại rạp một lần nữa, chính là cốt truyện.
Đạo diễn nổi tiếng người Đức Wim Wenders trong cuốn “Những bài học điện ảnh”, từng nói rằng: “Tôi không muốn khái quát hóa, song tôi cảm thấy mục đích của thế hệ trẻ hôm nay là làm một điều gì đó mới mẻ. Phải gây bất ngờ, phải làm một điều chưa từng thấy, và, đôi khi chỉ có tính thị giác là đủ lý do cho họ làm phim. Trong khi bổn phận của đạo diễn, theo tôi, trước hết phải có điều gì để nói, có ham muốn kể chuyện”.
Ông nói rằng, mãi đến khi làm phim Paris, Texas (đạt giải Cành cọ vàng tại Cannes năm 1984) ông mới giác ngộ điều này. Ông cho rằng, câu chuyện giống như dòng sông vậy. Nếu ta mạo hiểm đặt thuyền lên nước và tin tưởng vào con sông đó, nó sẽ đưa thuyền đi đến một cái gì thần diệu.
Cốt truyện của Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen, chính là một bước phát triển tiếp theo của TV Series và có thể nói là hay nhất cho đến lúc này. Khó có thể nói cốt truyện cực kỳ xuất sắc, ngoài mong đợi, nhưng chắc chắn một điều, nó đáp ứng kỳ vọng của những fan bộ truyện này.
Như bất kỳ một nhân vật chính hấp dẫn nào, Tanjirou phải đối mặt với cả những vấn đề bên ngoài và những vấn đề bên trong. Nếu như trong phần TV Series, Tanjirou chủ yếu phải đối mặt với những vấn đề bên ngoài: phải bảo vệ Nezuko, phải luyện tập vượt qua bài kiểm tra, vượt qua các nhiệm vụ, cố gắng để các trụ cột trong Sát quỷ đoàn nhìn nhận,… Trong quá trình đó, nội tâm của cậu ấy cũng được bộc lộ. Tuy nhiên, chưa có một chương nào tập trung vào những vấn đề bên trong Tanjirou như phần này.
Từ phần TV Series đến giờ, Tanjirou hiện ra như một nhân vật mạnh mẽ, quyết đoán, luôn dùng sự quyết tâm, trí thông minh của mình để vượt qua các thử thách. Tuy nhiên, một nhân vật hấp dẫn không thể chỉ được xây dựng một chiều được, anh ta cũng phải có những vấn đề trong nội tâm, những yếu đuối trong cảm xúc. Điều này khiến anh ta thay vì là một hình tượng lý tưởng xa vời, nay trở nên “người” hơn, gần gũi và dễ đồng cảm hơn.
Và trong chương này, Tanjirou gặp phải một con quỷ có khả năng thao túng trái tim con người, bằng cách giam giữ họ trong những giấc mơ đẹp đẽ nhất. Tanjirou giờ đây phải đối mặt với chính nỗi đau, sự hối hận khi không thể cứu được gia đình mình, đồng thời cũng là mặc cảm khi chỉ một mình cậu ấy sống trong khi cả gia đình bị sát hại, còn Nezuko thì hóa quỷ.
Từ trước tới nay, Tanjirou chỉ nhờ vào việc Nezuko còn sống mà không sụp đổ hoàn toàn. Vì bảo vệ Nezuko nên cậu ấy mới có thể trở nên kiên cường. Nhưng nay, khi cậu bị đưa vào giấc mơ nơi tất cả người thân của cậu vẫn còn sống yên vui, hạnh phúc, cậu không thể ngăn nổi sự yếu đuối của trái tim mình. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, sau khi vượt qua được thử thách này, cậu lại trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngược lại, Inosuke và Zenitsu dường như chẳng phát triển được thêm chút nào. Thậm chí, tình bạn ba người cũng không hề được gắn kết hơn. Trong khi Tanjirou phải đối mặt với bóng ma quá khứ của mình, thì Inosuke và Zenitsu tiếp tục nhiệm vụ tấu hài. Ngay cả Nezuko tuy đóng vai trò chủ động hơn, là chìa khóa để Tanjirou thức tỉnh nhưng cũng không có bước tiến đáng kể. Đây cũng chính là điều đáng tiếc nhất.
Tuy vậy, đây là cốt truyện trong nguyên tác, thay đổi sẽ có đôi chút mạo hiểm. Hơn nữa, chỉ trong một bộ phim chiếu rạp với thời lượng khoảng hai tiếng. Lựa chọn chỉ tập trung khai thác một số ít nhân vật cụ thể là có thể hiểu được. Có hai nhân vật được khai thác chính ở đây: đầu tiên là Tanjirou, như đã nói ở trên, và thứ hai là ngôi sao của phần này – Viêm Trụ Rengoku.
Rengoku được xây dựng như một người cương trực, thẳng thắn, nhiệt huyết và mạnh mẽ. Tuy nhiên, anh cũng mang những gánh nặng từ cha đã mất mục đích sống, tâm nguyện của mẹ và trách nhiệm đối với đứa em trai còn nhỏ. Dù vậy, khác với Tanjirou, cách xây dựng của Rengoku khiến anh trông như một biểu tượng hơn so với một con người. Khó mà cảm nhận hết được những tình cảm của nhân vật này. Tuy nhiên, phần anh ta chiến đấu ở cuối phim chắc chắn vẫn sẽ là trường đoạn không những là kịch tính mà còn giàu cảm xúc nhất của cốt truyện từ đầu phần TV Series cho đến nay.
Kết
Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen là một bộ phim xứng đáng để bạn bỏ tiền ra rạp. Dù vậy, không nên đặt cho nó một kỳ vọng quá cao. Có thể nói, bộ phim khá may mắn khi có nhiều yếu tố khách quan đã góp phần giúp nó nhận được sự chú ý nhiều hơn bình thường. Thậm chí nếu xét về mặt sản xuất, so với những gì studio Ufotable thể hiện trong loạt phim Heaven’s Feel trước đó, Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha không phải là bộ phim tốt nhất của studio này. Tất nhiên, so sánh này có chút bất công, vì Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen được sản xuất trong điều kiện khốn khó hơn. Tóm lại, đây vẫn là một bộ phim hay, nhưng không xuất sắc đến mức phá vỡ kỷ lục phòng vé mọi thời đại. Dù vậy, nếu bạn là một fan của tác phẩm Kimetsu no Yaiba, chắc chắn bạn sẽ bị hút hồn vào bộ phim đến tận giây cuối cùng.
Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen dự kiến sẽ được chiếu tại các rạp ở Việt Nam vào khoảng tháng 12 năm 2020.
kilala.vn