"Only Yesterday": Về chốn đồng quê, tìm gặp đứa trẻ bên trong mình
Bài: Vĩnh Anh
Mar 27, 2022
Ảnh: wallpaperaccess
Ra mắt cách đây 31 năm, “Only Yesterday” (tựa Việt: Chỉ Còn Ngày Hôm Qua) vẫn mang hơi thở thời đại khi phản ánh xu hướng ngày nay ở người trẻ: “bỏ trốn” về quê và ngần ngại kết hôn.
Khi cầm trên tay bộ manga Omoide Poro Poro của bộ đôi tác giả Hotaru Okamoto và Yuko Tone, đạo diễn Hayao Miyazaki đã nhìn ra được tiềm năng của tác phẩm nếu được chuyển thể thành phim, nhưng ông lại chưa sẵn sàng cho điều đó.
Trong Only Yesterday, Taeko là một nữ nhân viên công sở cảm thấy chán
chường với cuộc sống đông đúc chốn đô thị. Bỏ ngoài tai những lời hối
giục từ gia đình về việc kết hôn, Taeko quyết định nghỉ phép và bắt một chuyến tàu về
chốn thôn quê để trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân.
Trong hành trình, cô gái 27 tuổi bắt gặp phiên bản 10 tuổi năm xưa đồng hành giữa hàng loạt câu hỏi về bản thân trước ý định tiếp tục gắn bó nơi đồng ruộng hay quay lại thành phố Tokyo xô bồ.
Nét mới lạ trong phong cách nghệ thuật
Với bộ phim ra mắt năm 1991, quả nhiên đạo diễn Hayao Miyazaki thật sự sáng suốt khi trao quyền lại cho Isao Takahata. Tác phẩm đã tận dụng tối đa thế mạnh của Isao khi bản thân nguyên tác là bộ manga slice-of-life mang nhiều chất liệu cuộc sống thực tế.
So với bản gốc, nhà làm phim người Nhật đã mang lại tạo hình mới có phần chững chạc cho nhân vật Taeko lúc mười tuổi, qua việc thay đổi tỉ lệ cơ thể, gương mặt, đôi mắt.
Nếu tác phẩm Nausicaa of the Valley of the Wind (Isao Takahata ở vị trí sản xuất) và Grave of the Fireflies (vị đạo diễn làm biên kịch) khiến người xem cảm thấy choáng ngợp trước sự tỉ mỉ của không gian màu sắc, thì ở Only Yesterday, từng nhân vật bất kể chính phụ đều làm chủ khung hình.
Các nhân vật được viền nét ngoài đen đậm hơn, làm nổi bật được gương mặt và biểu cảm trong những phân đoạn đối thoại, trò chuyện. Ở đây, cách họ trao đổi, suy ngẫm, nhìn ngắm nhau đóng vai trò chủ đạo.
Phim cũng thể hiện sự độc đáo của Isao khi khắc hoạ màu sắc và nét vẽ riêng biệt cho phân cảnh ở thực tại và quá khứ. Với khung cảnh Taeko ở hiện tại, các nét viền nhân vật là màu đen, gương mặt và thân hình nhân vật chiếm gần trọn khung hình, màu sắc cũng có phần trầm hơn. Ở chiều quá khứ, trong ký ức của Taeko 10 tuổi, nhân vật được viền nét mảnh màu xanh hay nâu, được bố trí ở vị trí vừa phải trong khung hình.
Khung nền cũng là yếu tố thể hiện sự tinh tế đặc biệt trong phim, khi ở phân cảnh quá khứ, tông màu sắc được sử dụng là màu pastel, các cảnh vật có phần mờ nhạt, còn hiện tại lại tỉ mỉ đến từng chi tiết và màu sắc đậm nét hơn.
Hành trình tìm về đứa trẻ bên trong của cô gái gần 30 và những trăn trở khi là phụ nữ
Ra đời vào thời điểm năm 1991, Only Yesterday phản ánh những vấn đề vẫn còn rõ nét trong đời sống hiện nay: mong muốn thực sự của người phụ nữ và tình trạng kết hôn muộn. Ngày nay, Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ dân số già cao nhất thế giới và số phụ nữ có xu hướng kết hôn muộn hay sống độc thân ngày càng gia tăng.
Một lý do giải thích cho tình trạng này là bản thân họ trải qua bậc giáo dục cao, đồng thời không muốn gò bó trong gia đình truyền thống nơi nam giới nắm quyền chủ chốt. Điều này cũng diễn ra ở các đất nước châu Á khác, như Việt Nam và Trung Quốc.
Nhân vật Taeko được khắc hoạ là một cô gái với vẻ ngoài hồn nhiên, vui vẻ. Nhưng bên trong, cô vẫn băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời mà mình hướng tới, cũng như cảm thấy không vui trước lời nhắc nhở kết hôn từ gia đình mình lẫn gia đình cho cô tá túc ở miền quê.
Mỗi lần cô lo ngại, bỡ ngỡ thì Taeko bé hay đoạn ký ức ấu thơ lại hiện rõ mồn một, như xảy ra ngay trước mắt cô gái 27 tuổi. Chúng xen kẽ với những lo âu và trăn trở ở thực tại, mang đến cảm giác hoài niệm, đôi khi xen lẫn hối tiếc cho nhân vật chính khi điều ấy gợi cô nhớ đến một sai lầm của mình khi xưa.
Điểm độc đáo là các ký ức xuất hiện không phải lúc nào cũng thực sự tích cực và tươi đẹp, nhưng cách cô nhìn nhận lại về chúng lúc trưởng thành mới là điều thực sự đáng quý.
Với khán giả thế hệ 8x, 9x, Only Yesterday gợi nhớ nhiều về thời cắp sách đến trường. Từ trò ghép đôi tinh nghịch thuở học trò, hay nỗi e ngại về lần “đèn đỏ” đầu tiên khiến người xem không khỏi phì cười khi nhớ về sự tinh quái và xấu hổ trẻ thơ.
Cảnh cá nhân người viết thấy đáng yêu nhất, chính là lúc Taeko hồi tưởng lại rung động đầu đời của mình. Phân cảnh kéo dài một phút diễn tả cảm giác “bay giữa biển trời” của Taeko bé trước "crush" đầu đời khiến khán giả ngất ngây.
Đây là cảnh duy nhất thể hiện sự bay bổng, lãng mạn trong phim, nhưng cũng chạm đến trái tim người xem rất nhiều, vì dường như ai trong chúng ta cũng có ít nhất một lần thấy mình “vút bay” khi tình cảm được đáp lại.
Mang nhiều phân cảnh vui tươi và trong sáng, tuy nhiên khán giả vẫn cảm nhận sự trầm buồn ở hai phần ba đầu của bộ phim. Bởi Only Yesterday chạm đến nỗi lo lắng của phụ nữ trẻ trước áp lực kết hôn và công việc. Phân cảnh tinh tế ẩn dụ cho sự trưởng thành là hình ảnh con nhộng đang dần chuyển mình thành bướm.
Khúc độc thoại nội tâm của Taeko đầy những suy tư và chiêm nghiệm: “Dù thích hay không, sâu bướm trước tiên phải sống như một con nhộng trước khi trở thành một con bướm. Có thể tôi nhớ những ngày đó vì tôi lại đang đi qua giai đoạn nhộng một lần nữa. Một thứ gì đó chắc chắn đã thay đổi khi tôi bắt đầu làm việc. Khi làm việc và đi chơi, con gái chúng tôi năng động và có tinh thần hơn nam giới. Như thể cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy đôi cánh của mình. Nhưng giờ nhìn lại, có thể chúng tôi đã đập chúng trong vô nghĩa.”
Với một cô gái có cá tính lạ và trưởng thành chậm như Taeko, cô đang chuyển mình trong thầm lặng để có được đôi cánh của riêng mình. Cách cô nói về hành trình lớn lên của mình và những cô bạn gái – “đập cánh trong vô nghĩa” như nói về những rào cản và định kiến phụ nữ gặp phải trong xã hội xưa lẫn cả ngày nay.
Kể cả khi nữ giới sở hữu nhiều tiềm năng, họ cũng phải mạnh mẽ để chống lại áp lực từ vai trò mà xã hội phân công cho một phụ nữ: hy sinh vì gia đình. Điều này được thể hiện rõ qua những phân cảnh trong gia đình của Taeko lúc cô còn bé.
Xem thêm:“Trần nhà thủy tinh”: rào cản thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ Nhật
Những lời khuyên thực tế về cuộc sống nông thôn
Ngày nay, xu hướng “bỏ phố về quê” đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi. Nhu cầu kết nối thiên nhiên trước cuộc sống bức bối hằng ngày đã khiến người trẻ khao khát tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời ở chốn đồng quê, nơi không có những deadline, áp lực từ người đồng trang lứa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể gây dựng tốt cuộc sống ở nơi hoang vu, đặc biệt khi lối sống thành thị vẫn hằn sâu trong họ.
Toshio, người bạn tâm giao với Taeko trong chặng đường làm người nông dân, đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này. Anh cũng từng gắn bó với thành thị trước khi trở về làm đứa con của miền quê thôn dã. Những mô tả về thu hoạch cây trái lồng ghép khéo léo với thông điệp phát triển bền vững vẫn đúng với bối cảnh hiện nay.
Được khắc hoạ với ngoại hình rắn rỏi và tính cách khảng khái, nhân vật này như là mảnh ghép vững vàng với sự mông lung, bất định của Taeko. Tương tác của bộ đôi được vẽ rất tự nhiên và diễn tả nhẹ nhàng, nhưng không kém phần tinh nghịch khi cả hai còn sót lại ít nhiều nét trẻ con.
“Tình yêu là một bông hoa, và anh là hạt giống duy nhất”
Mang thanh âm trong trẻo và nhiều phân cảnh chạm cảm xúc, Only Yesterday còn đọng lại trong lòng người xem với ca khúc “Ai wa Hana, Kimi wa sono Tane”. Đạo diễn Isao Takahata đã tự tay dịch lại lời từ bài hát gốc “The Rose” của Amanda McBroom trong bộ phim cùng tên.
So với Only Yesterday, The Rose khai thác áp lực của người phụ nữ trong sự nghiệp và vấn đề cá nhân với góc độ gai góc và đen tối hơn. Phiên bản Nhật đã biến ca khúc mang màu sắc của sự thủ thỉ, tâm tình. Đoạn hát du dương cất lên khi Taeko lớn lên tàu trở về thành phố, cùng Taeko bé và những cô cậu bé lớp năm.
Những đứa trẻ cứ đi, đi mãi, rồi biến mất khi cuối cùng cô quyết định gắn bó với chốn đồng quê. Đây là phân cảnh nằm ngoài khuôn khổ bản gốc, khi đạo diễn Isao Takahata quyết định mang đến cái kết có hậu cho phim.
“Em nghĩ rằng, tình yêu là một bông hoa
Và anh là hạt giống duy nhất
Con tim lo sợ vụn vỡ
Sẽ chẳng bao giờ học cách nhảy múa
Một giấc mơ không dám thức tỉnh
Sẽ không bao giờ tóm lại cơ hội
Một người không bao giờ biết nhận
Sẽ không thể cho đi
Và linh hồn khi quá sợ chết
Sẽ không bao giờ học cách sống.”
Kết lại phim, Only Yesterday như nhắc nhở người trẻ rằng, hãy dũng cảm đi theo con tim mình. Như bản thân thuở ấu thơ vô lo, vô nghĩ, không e ngại. Vì tình yêu ẩn chứa khắp muôn nơi trong cuộc sống này, miễn con tim mình dám làm, thì hạnh phúc sẽ chờ đó.
kilala.vn