Thập niên năm 50 cho đến đầu thập niên 60 được xem là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Nhật Bản, với những tác phẩm kinh điển được giới chuyên môn quốc tế ca ngợi cho đến tận ngày nay. Cùng Kilala điểm qua những tựa phim mang đậm chất duy mỹ và thể hiện tài năng của các đạo diễn bậc thầy như Yasujiro Ozu hay Masaki Kobayashi.
Banshun - Xuân muộn (1949)
Phim
Banshun (Xuân muộn) của đạo diễn Yasujiro Ozu kể về người cha cố gắng
gả cô con gái 27 tuổi của mình. Ngược lại, không nỡ để bố cô đơn, người
con không muốn lập gia đình.
Vai diễn được nữ diễn viên Setsuko Hara thể hiện tinh tế, khiến người xem cảm nhận được tình cảm của cô, nhất là trong cảnh cuối cô từ biệt cha để đi lấy chồng.
Đây là một trong những phim đầu tiên của giai đoạn hậu chiến, khắc họa một đất nước yên bình sau chiến tranh. Yasujiro Ozu thể hiện những suy ngẫm về bản chất con người trong các tác phẩm của ông một cách chậm rãi, yên bình.
Xuân muộn là một bộ phim thích hợp để bắt đầu với kho tàng phim ảnh của Ozu và hiểu được những ngôn ngữ nghệ thuật của ông.
Tokyo Monogatari - Câu chuyện Tokyo (1953)
Phim là tác phẩm nổi tiếng nhất của Ozu, khẳng định tên tuổi ông với thế giới qua phong cách kể chuyện đơn giản nhưng không nhàm chán.
Trong chuyến lên Tokyo thăm con của cặp vợ chồng già, họ từ từ nhận ra sự vô tâm của con trai cả. Thay vào đó, vợ của con trai thứ đã mất tích trong chiến tranh lại là người chăm lo chu đáo cho họ.
Tokyo Story tận dụng những cảnh quay tĩnh lặng, bình dị. Ông nổi tiếng với các Tatami shot – đặt máy quay ở tầm mắt của người đang quỳ trên chiếu. Cách làm này khiến người xem như đối diện trực tiếp với diễn viên, như thể đang đối thoại với nhân vật.
Ugetsu Monogatari - Chuyện đêm mưa trăng lu (1953)
Phim đặt bối cảnh trong thời kỳ Azuichi-Momoyama (1568-1600), kể về thợ làm gốm bỏ vợ con theo đuổi các ham muốn vật chất và bị một hồn ma quyến rũ.
Phim sử dụng yếu tố kỳ ảo trong bối cảnh chiến tranh để thể hiện một câu chuyện bí ẩn và hấp dẫn. Qua tác phẩm, ta nhận ra sự thê lương trong số phận của người vợ luôn chờ chồng và sự kệch cỡm của người chồng phụ bạc.
Tên phim Ugetsu Monogatari (雨月物語) có nghĩa là chuyện đêm trăng mờ sau cơn mưa. Mờ mịt như màn đêm, tâm trí con người đôi khi rối ren, không phân biệt đúng sai. Phim phản ánh số phận thời cuộc, cuộc đời mất mát của người đàn bà, đặt trong con mắt duy mỹ của đạo diễn Kenji Mizoguchi.
The Human Condition II: Road to Eternity (1959)
Masaki Kobayashi đã thực hiện nhiều bộ phim tuyệt vời trong suốt sự nghiệp của mình, nhưng nhiều người cho rằng thành tựu lớn nhất của ông là bộ ba phim The Human Condition (Ningen no joken).
Phần 2 Road to Eternity là nơi nhân vật chính theo chủ nghĩa hòa bình, cố gắng đấu tranh để theo đuổi lý tưởng của mình. Đây là một tác phẩm phản chiến mang đậm chất sử thi. Trong suốt thời lượng ba giờ, khán giả nhận ra con người mạnh mẽ đến nhường nào trong hoàn cảnh tàn bạo nhất.
The Human Condition III: A Soldier's Prayer (1961)
Trang Collider đánh giá đây xứng đáng là một trong tác phẩm hay nhất từng được thực hiện, đạt 8.8/10 điểm IMDb.
Những yếu tố mà bất kỳ tín đồ điện ảnh nào tìm kiếm đều hội tụ ở đây: diễn xuất mạnh mẽ, câu chuyện hấp dẫn, hình ảnh và âm thanh đẹp đến ám ảnh. Masaki Kobayashi đã thể hiện rõ tài năng của mình trong việc mô tả những xúc cảm con người trong bối cảnh chiến tranh.
Harakiri (1962)
Harakiri là cách nói khác của Seppuku - nghi thức mổ bụng của võ sĩ đạo. Tác phẩm thuộc dòng phim Samurai. Phim mở đầu với một Samurai vào nhà lãnh chúa, yêu cầu một nơi nghiêm trang để thực hiện Seppuku. Sau đó, các bí mật dần hé lộ trước mắt người xem.
Nội dung phim được tính toán kỹ lưỡng, cùng với màn hành động đậm chất Samurai khiến tác phẩm trở nên đáng xem khi bạn tiếp cận điện ảnh Nhật.
Xem thêm:Các dòng phim tiêu biểu của Nhật