Monster: Quỷ dữ hay chỉ là quái vật đáng yêu trong lòng trẻ con?

Bài: Vĩnh AnhAug 7, 2023

Lấy bối cảnh câu chuyện học đường, bộ phim mới nhất được xướng tên tại giải thưởng Cannes 2023 của đạo diễn Kore-eda đưa ra thông điệp đáng suy ngẫm về bản chất và đạo đức của con người.

Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim

Tác phẩm “Monster” (怪物 - Kaibutsu) mở đầu bằng một đám cháy to ở một hộp đêm. Đứng từ ban công của khu căn hộ, cậu bé Minato (Soya Kurokawa) hỏi người mẹ Saori (Sakura Ando) rằng liệu một đứa trẻ có còn là con người khi đứa trẻ đó đã bị lắp não lợn vào không.

Người mẹ kinh ngạc và cười trừ trước câu hỏi của cậu con trai, nhưng cho rằng đó chỉ là suy nghĩ của trẻ thơ. Nhìn về đám cháy, bà nghe lời đồn đoán từ những người xung quanh về việc thầy giáo của con mình – Hori thường thích “giải trí” trong tụ điểm như vậy. Nhưng câu hỏi tưởng chừng vu vơ của một đứa trẻ thực chất lại mở đầu cho một câu chuyện nghiêm trọng hơn thế.
monster koreeda
Monster (Kaibutsu) - bộ phim mới nhất của đạo diễn từng thắng giải Cành cọ vàng. Ảnh: imdb

Một hôm, trong lúc đưa con trai từ khu rừng về nhà, Saori thấy con hành xử bất thường, kèm với đó là những vết thương lạ trên người. Khi Minato rấm rứt khóc về việc mình bị thầy chủ nhiệm Hori gọi là đứa trẻ có “não lợn” và "tác động vật lý", cô lên trường để chất vấn vị hiệu trưởng và thầy chủ nhiệm của con.

Thay vì trao đổi và giải quyết vấn đề tường tận, ban giám hiệu cùng các thầy cô chỉ đáp lại bằng sự lảng tránh và thờ ơ. Một thầy giáo trong cuộc họp còn buột miệng nói rằng do cô là mẹ đơn thân nên mới hành xử thái quá như vậy.

“Monster” bắt đầu câu chuyện về bất cập trong giải quyết bạo lực học đường qua lăng kính của bà mẹ Saori. Những tưởng rằng chúng ta sẽ được theo dõi một câu chuyện về hành trình tìm kiếm công lý hay cuộc đấu tranh nảy lửa nào đó như những bộ phim Hàn về đề tài này, nhưng đạo diễn Kore-eda lại đưa đến cú xoay chuyển tình thế bất ngờ.

Người thầy chủ nhiệm của Minato – Hori (Eita Nagayami) – thủ phạm bạo lực học đường đã quay ngược lại chất vấn người mẹ và nói rằng con trai cô mới là kẻ bắt nạt. Sau khi anh dứt lời, khán giả bắt đầu bước vào câu chuyện thực sự của người thầy. Lần này, cuộc sống hằng ngày của Hori và những quan sát của anh về vụ việc lại hé lộ một câu chuyện khác hẳn với nhìn nhận tiêu cực ban đầu về nhân vật này.

phim quái vật 2023

Mạch truyện của “Monster” gợi khán giả nhớ đến lối kể chuyện trong kiệt tác “Rashomon” (Lã Sinh Môn) năm 1950 của đạo diễn Akira Kurosawa. Trong "Rashomon", nhân lúc trú mưa tại cổng Lã Sinh Môn, ba người gồm một nhà sư, một tiều phu cùng một thường dân đã bàn luận về vụ án mà hai người kia chứng giám và nghe được.

Ngày nọ, người tiều phu vào rừng và nhìn thấy thi thể của một samurai. Kinh hoàng với cảnh tượng trước mắt, người đàn ông về án phủ để bẩm báo. Còn theo lời nhà sư, ông đã thấy samurai này và một người phụ nữ đi cùng nhau vào ngày xảy ra vụ án mạng. Tiếp theo đó là lời khai của ba người được cho là liên quan đến cái chết: tên cướp khét tiếng bị tình nghi là thủ phạm, người vợ của samurai, bà đồng thỉnh hồn của vị samurai đã chết kia.

Điều khó lý giải ở đây là không câu chuyện nào đưa ra dữ kiện đồng nhất, cả tên cướp và người vợ đều thừa nhận đã gây ra cái chết cho nạn nhân, còn hồn ma samurai lại nói rằng chính mình đã tự sát. Cả khi có lời kể của nhân chứng thứ tư là bác tiều phu - người ngoài cuộc trong án mạng, sự thật của vụ án vẫn bị bỏ ngỏ. Tất cả 4 người họ đều nói chệch đi nhằm bảo vệ hoặc là hình ảnh, danh dự của bản thân, hoặc như người tiều phu là che giấu việc ông đã ăn trộm thanh kiếm ngắn từ thi thể. 

Trong "Monster", mặc dù câu chuyện được tường thuật từ góc nhìn của người thứ ba, nhưng khi lên màn ảnh lại theo góc nhìn của ngôi thứ nhất, thông qua cuộc sống, thói quen khác biệt và cách họ nhìn nhận về vụ bạo lực học đường kia. 

Ở câu chuyện của từng người, nhiều góc quay chỉ cho thấy sau lưng của nhân vật và tập trung nhiều hơn vào người mà họ đối thoại, chất vấn. Điều khiến vụ bạo lực học đường còn nhiều khuất tất là do khoảng cách trong giao tiếp và cả cách họ nhìn nhận về nhau, được thể hiện rõ qua khung hình và dàn cảnh. Từng câu chuyện cho thấy rằng ở lăng kính của người này, người kia có thể là quái vật, là “cái gai” trong mắt.

phim monster cannes
Nhân vật Yori và Minato do hai diễn viên nhí Hinata Hiiragi và Soya Kurokawa thủ vai.

Chỉ đến hồi thứ ba, sự thật mới được sáng tỏ. Phim lúc này nhường lại mảnh đất cho hai nhân vật trung tâm – cậu bé Minato, người khơi mào vụ việc, và cậu bạn cùng lớp Yori.

Trong khi Minato sở hữu dáng người cao dong dỏng, với gương mặt luôn bất cần và lầm lì, thì Yori lại trong trẻo và đáng yêu như viên kẹo ngọt tan chảy. Minato luôn lấm lét thì người bạn kia luôn dễ gần và vô tư. Hai đứa trẻ có tính cách khác biệt gắn kết với nhau vì đều thiếu thốn tình yêu thương của người cha.

Với đứa trẻ thứ nhất, người cha đã khuất vẫn hiện diện như linh hồn song hành cùng gia đình, thì với đứa trẻ còn lại, chính cha ruột lại là người hắt hủi, đánh đập và gọi cậu là "quái vật", "đồ não lợn". Chẳng có một cuộc gây gổ, đánh nhau nào ở trường học, và vụ bạo hành của thầy Hori chỉ là một câu chuyện được Minato dựng lên.

Nếu hai hồi đầu là những thước phim có phần gấp rút, khơi gợi sự bức xúc mạnh mẽ từ phía người xem thì hồi cuối lại tạo nhiều khoảng nghỉ và sự nhẹ nhàng trong khán giả. Những khung cảnh long take (cú máy dài) đậm chất cinema khai thác sự tương tác giữa hai đứa trẻ tạo cảm giác êm ả và chậm rãi của nhịp sống ở vùng quê.

Đạo diễn Kore-eda cho người xem thấy tình cảm mà hai đứa trẻ dành cho nhau qua từng đồ vật trên màn ảnh, những trò chơi và cả cách chúng đối diện với màn ghép đôi ác ý mà nhóm bạn cùng lớp dành cho mình. Khi người lớn mải hành hạ nhau bằng nhiều hình thức khác nhau, coi nhau là "quái vật" cần bị diệt trừ, thì ở một chốn “địa đàng” trong miền quê kia, có hai đứa trẻ mải chơi trò quái vật với nhau.

Quái vật có thể là thứ ghê tởm, gớm ghiếc cần bị loại bỏ trong mắt người lớn như cách cha Yori gọi cậu bé, nhưng nó cũng có thể là sản phẩm do trí tưởng tượng tạo nên, là trò đùa của lũ trẻ. Từ lời miệt thị của người cha, từ "quái vật" trở thành thứ biệt hiệu vui mà hai đứa trẻ con dành cho nhau.

Cách nhau đến 73 năm về thời điểm ra mắt, nhưng điểm chung giữa "Rashomon" và "Monster" nằm ở việc thách thức những quan điểm, khuôn mẫu truyền thống và sự đa chiều về đạo đức ở con người.

hirokazu koreeda

Nếu "Rashomon" đặt vấn đề với người xem về chuẩn mực đè lên người phụ nữ, phẩm giá của samurai thời bấy giờ và bản chất của lời nói dối, thì "Monster" mang đến góc nhìn trong bối cảnh thời hiện đại, qua đề tài gần gũi là câu chuyện của những đứa trẻ con. 

Đó là thách thức về quan điểm nghề giáo và khả năng của người thầy, người cô trong việc thấu hiểu, bảo vệ đứa trẻ trước bạo lực. Đó là tình cảm tuổi mới lớn giữa hai đứa trẻ cùng giới trong một môi trường học đường kỳ thị sự khác biệt và dùng cách ghép đôi như hình thức bắt nạt. Đó cũng là một xã hội phụ quyền, khi tiêu chuẩn về tính nam luôn bị áp lên đứa trẻ trai. Hay đó cũng là câu hỏi về nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, kể cả khi cuộc sống thường ngày đầy rẫy buồn đau. 

Và hai đứa trẻ, bất chấp mớ rối rắm chúng gây ra cho người lớn từ vài lời nói dối của mình, bất chấp cuộc sống hằng ngày thiếu vắng sự yêu thương, chúng tạo cho mình một vườn địa đàng riêng.

Trong bộ phim thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Cannes, thật khó để biết ai trong số những người lớn ấy mới thực sự mới là quái vật. Bi kịch đều bắt nguồn từ việc họ thiếu sự quan sát kỹ lưỡng và giao tiếp trực diện với nhau. Trong "Monster", rất nhiều lần diễn ra những cảnh trốn chạy, và những lần trốn chạy của người này lại khiến người kia thêm hiểu lầm.

yuko tanaka
Nhân vật hiệu trưởng do nữ diễn viên gạo cội Yuko Tanaka thủ vai.

Nhân vật cô hiệu trưởng do diễn viên Yuko Tanaka - người từng thủ vai nữ chính trong Oshin - vẫn là một ẩn số. Nhân vật này vẫn giữ nguyên nét mặt của sự bình thản và lãnh đạm xuyên suốt những câu chuyện, và thật khó đoán về con người thật sự của bà.

Ở cái kết của "Rashomon", cuộc trò chuyện của ba người bị gián đoạn bởi tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên giữa đống đổ nát. Sau một hồi cãi vã, người khách rời đi với chiếc kimono cướp đoạt từ đứa trẻ, còn bác tiều phu lại quyết định nhận nuôi đứa bé dù gia đình nghèo đã có 6 mụn con. Ông và nhà sư quyết định rằng bản thân vẫn tin vào điều tốt đẹp, rằng con người chỉ tin vào những điều họ muốn tin. 

“Monster” cũng kết thúc bằng hình ảnh của hai đứa trẻ ở một thế giới tươi đẹp, nhưng nơi ấy có lẽ khác với cuộc sống trần gian của chúng. "Rashomon" mở đầu và kết thúc với một cơn mưa rào, còn “Monster” kết thúc khi cơn bão và trận sạt lở qua đi. Và cả hai bộ phim đều mang đến một hứa hẹn vừa giả tưởng mà tưởng chừng rất thật, một sự thật còn bỏ ngỏ và không có lời hoà giải.

quái vật

Xem thêm:Những tác phẩm điện ảnh thấm đẫm tình người của Hirokazu Koreeda

kilala.vn

Thông tin phim:

  • Tiêu đề: Monster (tựa Nhật: Kaibutsu/ 怪物)
  • Thời lượng: 125 phút
  • Đạo diễn: Hirokazu Koreeda
  • Biên kịch: Yuji Sakamoto
  • Âm nhạc: Ryuichi Sakamoto
  • Phân phối: Toho, Gaga Corporation

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU