“Lời thì thầm của trái tim”: Viên ngọc thô bất hủ của Studio Ghibli
Bài: Vĩnh AnhApr 2, 2022
Bộ phim năm 1995 về đam mê tuổi trẻ và tình cảm học trò trong sáng, dễ thương là tác phẩm đạo diễn đầu tay nhưng cũng là cuối cùng từ người “kế vị” duy nhất của Ghibli – hoạ sĩ quá cố Yoshifumi Kondo.
Trong nghệ thuật nói chung, thật không khó khi một áng văn, bài thơ hay bộ phim lấy khung cảnh vùng quê hoặc bối cảnh thiên nhiên để truyền tải sự bình yên. Nhưng sẽ ra sao nếu ở chốn thành thị tấp nập dòng xe và người qua lại, khán giả vẫn cảm nhận được sự êm ả đến từ con người nơi đây? Hãy cùng đến với “Lời thì thầm của trái tim” (tựa Anh: Whisper of the Heart, tựa Nhật: Mimi o Sumaseba) của nhà Ghibli nhé.
Câu chuyện bắt đầu ở vùng ngoại ô Tokyo, khi cô nữ sinh cấp hai Shizuku cố gắng tự sáng tác lại phiên bản lời tiếng Nhật cho bài hát “Country Road” của John Denver dành cho buổi lễ tốt nghiệp.
Bài hát nhanh chóng trở thành chủ đề trêu chọc của nam sinh cùng trường Seiji Amasawa. Cả hai bắt đầu khắc khẩu với nhau, nhưng đồng thời trong họ, nụ hoa tình cảm cũng dần chớm nở thông qua tấm thẻ thư viện và ngôi nhà của ông nội Seiji.
Khi Seiji chia sẻ ước mơ trở thành người thợ làm đàn violin, trong lòng Shizuku nhen nhóm ý định trở thành nhà văn. Nhờ sự động viên của ông nội cậu bạn và gia đình, cô bé bắt đầu viết nên bản nháp đầu tiên của mình.
Hội tụ “easter egg” trong nhiều tác phẩm Ghibli trước đó
Trước khi bắt tay vào sáng tạo đứa con tinh thần đầu lòng, Yoshifumi Kondo đã là đạo diễn hình ảnh cho nhiều bộ phim gây tiếng vang của Ghibli: Grave of the Fireflies, Kiki’s Delivery Service, Only Yesterday, Porco Rosso, Ocean Waves và Pom Poko. Với bộ phim Whisper of the Heart, người kế vị tiềm năng của hãng đã biến phim trở nên thú vị giống Pixar và Disney khi lồng ghép nhiều “trứng phục sinh” trong đó.
Nếu hình ảnh cô phù thuỷ treo trên bàn học của Shizuku gợi nhắc đến Kiki’s Delivery Service thì hình ảnh chiếc đồng hồ trong cửa hàng của ông nội Seiji lại hiện rõ chữ Porco Rosso. Không chỉ vậy, cả cách xây dựng câu chuyện của Whisper of The Heart cũng là sự tổng hợp của nhiều phân cảnh ở các tác phẩm trước.
Trong câu chuyện tưởng tượng của Shizuku, người xem có thể nhớ đến phân cảnh Pazu dắt tay Sheeta trong Laputa: Castle in the Sky. Hay hình ảnh sân trường, cách thổ lộ tình cảm của nhân vật trong phim có nét tương đồng với phân đoạn Taeko bé hạnh phúc trước rung động đầu đời trong Only Yesterday.
“Nếu bạn lắng nghe thật kỹ”
Whisper of the Heart được chuyển thể từ bộ shoujo manga cùng tên Mimi o Sumaseba của tác giả Aoi Hiiragi. Tên tiếng Nhật của bộ truyện này có nghĩa là “Nếu bạn lắng nghe thật kỹ”. Xuyên suốt tác phẩm được sản xuất năm 1995 của xưởng Ghibli, nếu lắng nghe thật kỹ, khán giả sẽ được trải qua những cung bậc âm thanh khác nhau, từ tiếng nhạc, đối thoại đến cả sự yên lặng.
Đoạn intro hợp xướng “Country Road/ Take me home/ To the place, I belong” vang lên ở phân cảnh mặt trời mọc dẫn dắt người xem bước vào khung cảnh bình minh của khu đô thị Tama. Ở đó, đường lát bằng bê tông thẳng tắp, dòng xe hơi thưa thớt đi lẫn với xe đạp. Xa xa khu ghế đá, Shizuku bắt đầu hát cho cô bạn thân bản phổ lời mới của ca khúc Country Road – Concrete Road (Con đường bê tông). Lời bài hát ngô nghê được cô bạn hưởng ứng và cả hai cùng hát theo.
Phiên bản lời non nớt của cô nữ sinh cuối cấp 2, bài hát “Concrete Road”, tuy có phần hơi vụng về, nhưng đó là tâm huyết của một đứa trẻ đang độ tuổi mới lớn và ôm ấp nhiều hoài bão. Bản thân Shizuku, cô bạn học và nhiều người bạn đồng trang lứa khác đều chan chứa những dự định cho tương lai. Dẫu biết chúng chưa chắc thành hiện thực, họ vẫn ôm ấp nó vào lòng với nụ cười mỉm thích thú.
Giai đoạn chuyển cấp cũng là lúc chúng ta chứng kiến những tình cảm e ấp của các cô cậu học trò dành cho nhau. Ở cái tuổi không còn tự nhiên thổ lộ mọi thứ, những đứa trẻ chưa lớn đôi khi chọn giấu kín trái tim mình.Cứ thế, xuyên suốt tác phẩm là những mẩu chuyện, những ước mơ thầm kín chờ được thổ lộ, nhưng vì quá ấp ủ và mong mỏi mà trái tim cứ e sợ, xấu hổ chẳng nói ra. Nhưng với sự thôi thúc và ủng hộ từ những người thương yêu, tất cả bằng một cách nào đó đã dũng cảm nói to điều mình muốn.
Điểm hay trong Lời thì thầm của trái tim là cách đạo diễn đan xen những kết cục khác nhau với mỗi lời trái tim được cất ra. Có khi điều mong mỏi mãi chỉ là thứ không chạm đến được, hoặc kết cục nhận về lại là điều gì đó mà ta chẳng thể ngờ tới. Hay vui hơn là tình cảm được đáp lại, và một thứ gì đó dần thai nghén để trở thành hiện thực.
Và trái tim con người vẫn mãi trẻ dù ở bất kỳ độ tuổi nào, miễn ta còn điều ấp ủ chờ được nói ra. “Hãy cứ lắng nghe thật kỹ”, và hành động.
Lời khuyên cho người làm sáng tạo và lời đề từ cuối cùng của vị hoạ sĩ tài hoa yểu mệnh
Bất kỳ ai ở tuổi nào cũng có thể trở thành khán giả của Ghibli. Whisper of the Heart là bộ phim tuyệt vời như thế: cho những ai có ước mơ mà chưa dám thực hiện, hay đang giữ bóng hình ai đó trong tim mà chưa thể nói ra. Không chỉ là bộ phim về tình cảm học trò, bộ phim truyền tải thông điệp ý nghĩa cho người trẻ đang trên đường định hướng sự nghiệp và theo đuổi giấc mơ, hoài bão của riêng mình.
Trong phân cảnh đối thoại giữa ông nội Seiji và Shizuku, người ông đã chỉ cho cô bé những viên ngọc trong mỏ khoáng sản để ẩn dụ cho câu chuyện về tiềm năng và rèn luyện. Có những viên ngọc nhỏ, hình dáng xù xì nhưng nếu được mài giũa sẽ thành ngọc quý, và có những viên đá lớn, lấp lánh nhưng lại không mang giá trị gì.
Trong phim, Seiji và Shizuku được ví như những viên ngọc nhỏ, thô, chờ được khai thác và mài giũa. Đôi bạn trẻ đều giữ trong lòng những lo lắng và do dự, nhưng cuối cùng cả hai đã kiên định khổ luyện để có được “kiệt tác” cho mình.
Cây đàn violin của Seiji hay ca khúc “Concrete Road” do Shizuku sáng tác cũng giống như tác phẩm “Whisper of the Heart”. Đó cũng là một quá trình học hỏi, sao chép, cải biên và sáng tạo. Điều quan trọng ở đây không phải là ý tưởng ban đầu phải hay ho, mới lạ, mà là cách họ thổi hồn vào sản phẩm mình đang làm như thế nào.
Cũng như “Whisper of the Heart”, với cái kết có phần hồn nhiên bằng màn cầu hôn con nít buồn cười, đây vẫn mãi là viên ngọc thô trong xưởng phim Ghibli. Tuy nhiên khác với bộ phim - vốn có sự dẫn dắt, trò chuyện ân cần, không khoảng cách giữa thế hệ già trẻ, thì ngoài phim trường mọi thứ lại kết thúc không có hậu.
Nếu bộ phim đầu tay của Yoshifumi Kondo làm về tiếng gọi trái tim, thì cuối cùng ông lại qua đời vì cơn đau tim do làm việc quá sức. Đạo diễn Isao Takahata, đồng sáng lập Ghibli và cũng là tiền bối của Yoshifumi Kondo, đã bị coi là người chèn ép ngạt thở, gián tiếp dẫn đến cái chết của vị hoạ sĩ quá cố này. Điều này gióng lên hồi chuông báo động về môi trường làm việc quá khắc nghiệt trong ngành công nghiệp hoạt hình.
Sau khi Yoshifumi Kondo ra đi, Hayao Miyazaki cũng tuyên bố sẽ giải nghệ sớm. Sự ra đi của Yoshifumi Kondo là điều đáng tiếc cho xưởng Ghibli, khi người được kỳ vọng kế vị là Goro Miyazaki có sự phá cách, nhưng lại thất bại ở nhiều sản phẩm do xây dựng nhân vật không tốt và lối kể chuyện thiếu hấp dẫn.
Tuy nhiên, như nhân vật ông nội của Seiji mãi không thực hiện được điều mình muốn, Yoshifumi Kondo đã giao lại hòn đá khoáng vật chứa nhiều ngọc quý cho những người làm phim sau này.
Cụ thể là bộ phim The Cat Returns được xem như phần hậu truyện của Whisper of the Heart, khi nhân vật quý ngài Baron - vốn là tượng trưng bày trong phim trở thành nhân vật chính.
Hay Goro Miyazaki sau thất bại của Tales from Earthsea thành công vớiFrom Up On Poppy Hill và series Ronja: The Robber's Daughter. Và bản thân Hayao Miyazaki sau lời tuyên bố nghỉ hưu (dù đến hiện tại vẫn đang miệt mài với tác phẩm hoạt hình cuối cùng) cũng thay đổi phong cách làm phim mới trong Ponyo, From Up on Poppy Hill và The Wind Rises.
Dù những phim sau của Hayao nhận lại một số ý kiến trái chiều từ khán giả khi cách triển khai câu chuyện có phần thiếu logic, nhất là Ponyo, nhưng chúng vẫn khiến người xem cảm thấy hạnh phúc trước sự đáng yêu, tự nhiên của thứ tình cảm trẻ con. Có thể nói, kể cả khi Yoshifumi Kondo ra đi, “lời thì thầm trái tim” của ông vẫn sống mãi ở phân xưởng Ghibli.
Trong đoạn kết của “Whisper of the Heart", cặp đôi Seiji và Shizuku đứng trên cao cùng hướng về bình minh của thành phố - hình ảnh tượng trưng cho cả một tương lai dài rộng đang chờ đợi cả hai ở phía trước.
Như ca khúc “Concrete Road” với màu sắc tươi tắn, thay thế cho không khí hoài niệm và khao khát về nhà ở bản gốc của John Denver, rõ ràng là, dù trái tim dẫn dắt họ đi đến cùng trời cuối bể, nó vẫn sẽ trở về với quê hương, để rồi sau đó dũng cảm bước tiếp.
"Lời thì thầm của trái tim" được xuất bản lần đầu tiên vào năm bao nhiêu?
kilala.vn