Loài mèo trả ơn: Phim Ghibli các “con sen” không thể bỏ lỡ

Bài: Vĩnh Anh
Apr 17, 2022

Ảnh: ghibli.jp

Là phần ngoại truyện của “Whisper of the Heart”, tác phẩm năm 2002 đến từ xưởng Ghibli sở hữu cốt truyện đơn giản nhưng dí dỏm, đưa người xem theo chân nữ sinh trung học Haru trong hành trình “dở khóc dở cười” của cô nàng khi bất ngờ bị ép cưới ở Vương quốc Mèo.

Sẽ ra sao nếu một ngày kia, bạn giải cứu chú mèo khỏi một tai nạn và cuối cùng có nguy cơ biến thành “đại boss” ở một vương quốc chỉ dành cho mèo? Đó là tình huống hài hước trong “Loài mèo trả ơn” (tựa Anh: The Cat Returns) của Studio Ghibli.

haru cứu mèo
Cô bé Haru vô tình cứu một chú mèo và rồi bị ép kết hôn với Hoàng tử của Vương quốc Mèo. 

Trong phim, Haru là nữ sinh trung học có ngoại hình bình thường, tính tình nhút nhát nhưng sở hữu khả năng siêu đặc biệt: giao tiếp được với mèo. Trên đường đi học về, cô cứu một "hoàng thượng" khỏi bị xe tông nhưng không hay biết đó lại là Thái tử từ Vương quốc Mèo. 

Ngày hôm sau, nữ sinh nhận được rất nhiều món quà kỳ quái từ bầy mèo, rồi bị Vua mèo và đoàn tuỳ tùng lôi kéo về cung điện ép kết hôn với Hoàng tử. Được sự trợ giúp của Bá tước Baron, chú mèo mập Muta và Thái tử mèo, Haru trải qua một hành trình trốn thoát nghẹt thở để trở về thế giới loài người.

Phần ngoại truyện dí dỏm sau “Lời thì thầm của trái tim”

Những ai từng xem qua bộ phim “Lời thì thầm của trái tim” (tựa Anh: Whisper of the Heart) của Yoshifumi Kondo ắt hẳn sẽ bị ấn tượng bởi bức tượng chú mèo lịch lãm với đôi mắt ngọc lục bảo trong cửa hàng của ông nội Seiji. 

Khoảnh khắc Bá tước mèo Baron trong hình hài bức tượng vô tri vô giác hóa thành nhân vật bằng xương bằng thịt, nắm tay cô bé Shizuku trong câu chuyện cô đang viết khiến khán giả muốn “vút bay” trong sự say mê, hào hứng.

phim loài mèo trả ơn 2
Nữ chính Haru cùng mèo mập Muta. 

Trong “Loài mèo trả ơn”, Baron lại tiếp tục mang đến cho người xem cảm giác được thong dong dạo bước giữa bầu trời khi anh nắm tay cô bé Haru thoát khỏi Vương quốc Mèo. Nếu trong “Lời thì thầm của trái tim”, "quý mèo" Baron chỉ là nhân vật phụ mang vẻ lịch lãm nhất định, chắp cánh cho ước mơ của Shizuku thì ở tác phẩm năm 2002, Baron trở thành nhân vật chủ chốt, thể hiện sự đa dạng trong tính cách cùng những mẹo chiến đấu thông minh.

phim loài mèo trả ơn
Nữ chính Haru gặp gỡ Bá tước Baron. 

Khởi đầu của “Loài mèo trả ơn” là một phim ngắn dài 20 phút có tên “Cat Project” (Dự Án Mèo) vào năm 1999. Lúc ấy Studio Ghibli nhận được đơn đặt hàng từ một công viên giải trí Nhật Bản cho bộ phim ngắn với nhân vật chính là những chú mèo. 

Hayao Miyazaki muốn tác phẩm có sự xuất hiện của ba yếu tố chính: mèo Baron, mèo Muta và cửa hàng đồ cổ bí ẩn. Cùng với thành công từ “Lời thì thầm của trái tim”, họa sĩ truyện tranh Aoi Hiiragi chịu trách nhiệm tạo ra tác phẩm manga tương ứng với phim ngắn, mang tên “Baron: The Cat Returns”. 

Vì một lý do không rõ, bên đặt hàng đã huỷ dự án. Sau đó, nhà làm phim người Nhật quyết định biến “Cat Project” thành bài kiểm tra dành cho các đạo diễn tiềm năng của Ghibli. Và Hiroyuki Morita, trước đó là hoạ sĩ tham gia vẽ "My Neighbors the Yamadas", được chọn để đạo diễn cho bộ phim này. Như vậy, Studio Ghibli sở hữu hai tác phẩm cùng nói về một chú mèo, đều là tác phẩm đầu tay và cũng là duy nhất của hai họa sĩ trẻ tại Xưởng. 

haru được đưa đến vương quốc mèo
Haru được mèo Muta đưa đến Vương Quốc Mèo. 

Do được chuyển thể từ manga của cùng một tác giả, “Loài mèo trả ơn” gợi nhớ nhiều đến “Lời thì thầm của trái tim”. Sự chân chất của các nhân vật, câu chuyện về lòng dũng cảm vượt qua sợ hãi, khó khăn cùng cảm giác tận hưởng khoảnh khắc hiện tại dù có ra sao là ba giá trị cốt lõi được tôn vinh trong cả hai tác phẩm.

Và tương tự phần phim trước đó, “Loài mèo trả ơn” cũng là viên ngọc thô đáng trân trọng trong lịch sử phim Ghibli, dù xét về chiều sâu câu chuyện, “Lời thì thầm của trái tim” có phần nhỉnh hơn nhiều. 

Nếu gam màu chủ đạo xuyên suốt trong “Lời thì thầm của trái tim” là đỏ, vàng, hồng gợi cảm giác ấm áp, thì ở “Loài mèo trả ơn”, tông màu chính là sắc xanh êm dịu, từ xanh lá đến xanh da trời. Theo dõi phim, khán giả được tặng những khoảnh khắc thư thái trước màu xanh ngát của cánh đồng cỏ mèo, màu xanh da trời của bầu trời vời vợi...

Điều tương tự cũng đến từ ca khúc nhạc phim, khi ở đây bài hát “Kaze ni Naru” mang âm điệu từ tốn, nhẹ nhàng hơn nhiều so với “Take Me Home, Country Road” của “Whisper of the Heart”.

Khi bầy mèo có cả vương quốc riêng

Nếu được cho một từ hoặc cụm từ để mô tả về bộ phim, khán giả chỉ có thể thốt lên: rất-nhiều-mèo! Xuyên suốt phim là loạt sắc thái hài hước khác nhau của mèo, và xã hội của các đại boss cũng quy củ, trật tự chẳng khác thế giới loài người.

Cảnh đàn mèo rước kiệu đến nhà của Haru là phân cảnh tạo ra nhiều tiếng cười với khán giả, khi ở đây các “đại boss” khiến người xem có cảm giác mình đang chứng kiến một đám kiệu linh đình bình thường, cho đến khi sực nhớ ra hình ảnh bầy mèo trước màn ảnh.

màn rước kiệu của đại boss
Màn rước kiệu không thể không bật cười đến từ các đại boss.

Phim cũng gợi nhắc đến tác phẩm “Gia Đình Mèo Quý Tộc” (The Aristocats) của Disney. Tạo hình của nàng tùy nữ mèo Yuki mang nét tương đồng với bé mèo con Mari điệu đà trong phim của Nhà Chuột. Bên cạnh đó, cách loài mèo gọi báo tin cho nhau ở đoạn đầu cũng giống với cảnh cuối trong Gia Đình Mèo Quý Tộc.

Cả phiên bản Nhật và Mỹ đều toát lên thần thái quý tộc, đều kể câu chuyện về cuộc giải cứu, nhưng bản của Ghibli có phần nhẹ nhàng và thiên về con người hơn khi kể về quá trình vật lộn của một cô gái giữa việc tiếp tục làm người hay trở thành mèo.

con sen chào thua nghi thức của đại boss
“Con sen” cũng phải chào thua với nghi thức của các “đại boss”.

Tuyến nhân vật phản diện cũng là điểm nhấn mới lạ. Trong các phim về động vật – con người, nhân vật phản diện thường là loài người (một cá nhân hoặc một tập thể). Tuy nhiên, trong “Loài mèo trả ơn”, kẻ phản diện cũng là… một bầy mèo.

Vị vua trị vì Vương quốc Mèo được khắc hoạ với sự ngớ ngẩn, dị hợm là điểm nhấn hài hước trong phim. Khán giả cũng có phần thót tim trước cách hành xử của nhân vật này trước những sự việc không như ý muốn.

Điểm mới lạ trong cốt truyện và cách khai thác nhân vật

Nếu tác phẩm của Yoshifumi Kondo nói về hoài bão của những trái tim hồn nhiên đang lớn, thì khi xem “The Cat Returns”, khán giả cũng có cảm giác tươi mới tương tự vì độ nhí nhảnh, hài hước của phim. So với tạo hình của các nhân vật nữ trước kia, nữ chính Haru mang ngoại hình có phần mới lạ hơn trước. Đôi mắt to hơn, mái tóc nâu so le được cột lên và dáng điệu luôn vội vã, lóng ngóng. 

nữ chính haru
Nữ chính Haru với đôi mắt to, mái tóc nâu so le khác lạ. 

Haru chỉ là một nữ sinh rụt rè đang trong hành trình khám phá thế giới xung quanh. Bản thân cô không cần một lý tưởng để đi theo, cô chỉ đơn giản là lạc vào tình huống bất đắc dĩ và học cách thoát khỏi nó.

Nhân vật Bá tước Baron đóng vai trò là người dẫn dắt, giải cứu Haru. Mối quan hệ giữa chàng mèo và nàng người sau cùng khiến người xem có phần hơi tiếc nuối, vì sự phát triển và kết nối giữa họ chưa sâu sắc, trong khi cô nữ sinh cũng đã có đôi chút cảm tình với ngài Bá tước khi bị hóa thành mèo. 

haru bị biến thành mèo
Haru bị biến thành mèo ở Vương quốc Mèo và được Baron giải cứu. 

Cốt truyện cũng được xây dựng có phần hơi đơn giản. Dù sở hữu khá nhiều cú twist khiến khán giả phải bất ngờ về trí tưởng tượng độc đáo của tác giả Aoi Hiiragi, nhưng những chi tiết ấy chỉ tăng độ kịch tính cho hành trình trở về thế giới loài người của Haru.

So với các phim Ghibli trước, phim không nói về hành trình đấu tranh ngạt thở hay sự trưởng thành qua thời gian của các nhân vật. Đây cũng là lý do khiến người xem có phần hơi thất vọng, khi cuối cùng nhân vật Haru vẫn như đang dạo chơi giữa thế giới mèo và người, và việc cô bị ép làm vợ của Thái tử Mèo cũng chỉ là hành trình phiêu lưu trong thế giới khác. 

mối quan hệ đặc biệt giữa haru và bá tước baron
Mối quan hệ đặc biệt giữa Haru và Bá tước Baron. 

Tuy vậy, những chướng ngại vật, thử thách mà các nhân vật phải vượt qua cũng được khai thác khá hiệu quả. Tuy chúng phần nào đơn giản và thiếu hợp lý, nhưng vẫn có sự lôi cuốn nhất định. Lồng ghép vào đó là những phút giây ngọt ngào đến từ câu chuyện của lòng tử tế và tình yêu giữa các nhân vật. 

Giống như nhân vật mèo Baron nói với Haru khi cô bước vào thế giới Mèo, “Cô cứ tận hưởng giây phút hiện tại này đã”, tác phẩm năm 2002 đã thể hiện đúng tinh thần của nó. Đây là một câu chuyện tưởng tượng đúng nghĩa. Chứa nhiều tiếng cười và sự thong thả, đây là lựa chọn không thể bỏ qua với hội cuồng mèo để thư giãn sau ngày học tập, làm việc mệt mỏi. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU