Inu-Oh: Khi Truyện Heike được kể bằng Rock và kịch Noh

Bài: Vĩnh AnhJul 4, 2023

Bộ phim năm 2021 cho thấy sự phá cách độc đáo của bộ đôi hoạ sĩ Matsumoto Taiyou và đạo diễn Masaaki Yuasa kể từ series “Ping Pong - The Animation” năm 2014. Lấy chất liệu truyền thống từ tiểu thuyết hư cấu về truyện cổ Heike và phong cách của các ban nhạc rock thập niên 70, phim xứng đáng là tác phẩm mang tinh thần quốc tế khi kể câu chuyện về khao khát tự do trong thời phong kiến. “Inu-Oh" đã là ứng cử viên nặng ký cho giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2023 và nhận được vô số lời khen từ giới phê bình.

Những người hâm mộ Masaaki Yuasa hẳn đều đồng tình với nhận định này: khó mà biết được ông nghĩ gì.

Trong nhiều trường hợp khi xem phim, chúng ta dễ nhận diện phong cách đặc trưng của đạo diễn qua những chủ đề hay xuất hiện trong các sản phẩm của họ. Khán giả hẳn không xa lạ với tác phẩm mang thông điệp bảo vệ môi trường và giấc mơ bay thời chiến của Hayao Miyazaki, những tác phẩm lấy cảm hứng từ thơ haiku và truyện cổ Nhật Bản của Isao Takahata, nỗi buồn về khoảng cách tình yêu trong phim của Shinkai Makoto...
Hay Satoshi Kon - đạo diễn quá cố cùng thế hệ với Masaaki Yuasa cũng nổi bật với những anime đan xen hiện thực và huyền ảo, phản ánh vấn đề của xã hội Nhật đương thời.

masaaki yuasa

Với vị đạo diễn có mái đầu trọc đặc trưng, ông chứng tỏ tư duy quái lạ khi “gánh” hết từ chủ đề dành cho gia đình đến những đề tài dành riêng cho người lớn, từ đời thường đến “nặng đô” như siêu nhiên, vũ trụ... Các sản phẩm của ông đều mang giá trị xuyên thời gian và thông điệp thức thời. Tuy nhiên, "Inu-Oh" là lần đầu tiên người hâm mộ chứng kiến ông chọn một chủ đề khác hoàn toàn với những gì từng làm trước đây: một bộ phim hoạt hình cổ trang.

“Inu-Oh” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Tales of the Heike: A Chapter of Inu-Oh” của Hideo Furukawa, một tác phẩm được viết dựa trên “Truyện Heike”. “Heike Monogatari” hay “Truyện Heike” là một truyện kể trường thiên quan trọng về cuộc xung đột giữa hai gia tộc lớn Taira và Minamoto vào cuối thời Heian.

Vào năm Masaaki Yuasa bắt tay vào “Inu-Oh”, Studio Science Saru của ông cũng ra mắt series 22 tập “Heike Monogatari” do Naoko Yamada - đạo diễn của phim “A Silent Voice” đảm nhiệm. “Heike Monogatari” mang đậm hơi thở truyền thống, nhiều hình ảnh ẩn dụ và phản ánh hiện thực lịch sử hưng thịnh cho đến suy tàn của gia tộc Taira. “Inu-Oh”, trong khi đó, lại mang màu sắc khác về nhân vật và cả thông điệp về tự do của người nghệ sĩ trước lịch sử.

tales of heike

Poster phim Tales of Heike. Ảnh: IMDb

Bộ phim năm 2021 mở đầu bằng khúc điệu biwa của giọng kể giấu mặt, đưa người xem về bối cảnh 900 năm trước, khi gia tộc Taira (tức Heike) bị đánh bại bởi gia tộc Minamoto (tức Genji). Sau sự suy vong của gia đình, tộc trưởng của Taira đang mang thanh Kiếm Cắt Cỏ bên mình, chết đuối.

300 năm sau, Tomona khi ấy còn nhỏ tuổi đã cùng cha đi lấy thanh kiếm theo chỉ thị, kết cục khiến người cha mất mạng còn Tomona thì bị mù. Cậu bé gặp nhóm nghệ sĩ mù chơi đàn biwa và quyết theo học nghề từ họ, bên cạnh sự dẫn dắt của hồn ma người cha.

review phim

Cùng thời điểm ấy, Inu-Oh là đứa con trai thứ ba của trưởng đoàn nhạc kịch Noh. Sinh ra với thân mình giống một con chó, tay phải dài bất bình thường và khuôn mặt kì dị, cậu bị cha hắt hủi - luôn phải mang mặt nạ và bị đối xử không như con người. Cậu tự học các vũ đạo từ kịch Noh qua việc bắt chước và nghe lời khuyên từ người khác trong đoàn.

Hai con người có số phận trớ trêu gặp nhau, thành đôi bạn thân. Dưới sự dẫn dắt của những linh hồn chiến binh thời Heike, cả hai lập nên một bộ đôi âm nhạc, cùng làm sống lại những câu chuyện lịch sử hào hùng và đau thương của thời kỳ bị vùi lấp.

Tiếng vang của họ vươn xa đến tai triều đình, nhưng lúc này cả hai đối mặt với lời cảnh cáo. Họ chỉ được hát cho gia tộc Minamoto nghe những ca khúc Tướng quân muốn nghe, và không được hát bất kỳ ca từ nào liên quan đến thời kỳ Heike. Lựa chọn giữa cuộc sống sung túc, bình yên và quyền tự do để nói sự thật đưa Inu-Oh và Tomoari (tên của Tomona sau này) vào ngõ cụt. Số phận của họ từ đây rẽ hướng, khi một người kiên quyết với sự thật đến cùng và người kia chọn im lặng để bảo vệ người bạn thân.

Clip Masaaki Yuasa vẽ lại nhân vật trong Inu-Oh

Làm phim cổ trang từ những suy tư cá nhân

Trong bài phỏng vấn với Crunchyroll tại Liên hoan phim Venice, Masaaki Yuasa chia sẻ rằng với “Inu-Oh”, khi nghĩ đến thiết kế trực quan của phim, ông chỉ muốn phản ánh cách một người khiếm thị quan sát và thể hiện góc nhìn với thế giới của riêng họ. Bên cạnh đó, ông cố gắng dàn dựng bối cảnh trung thành với thời kỳ Muromachi - khi để đường phố và cảnh quan xung quanh tối đen như không có đèn điện.

Trang phục, những dấu ấn đỉnh cao của nghệ thuật tuyệt mỹ được nghiên cứu tỉ mỉ và áp dụng trong phim. Dù lồng ghép nhiều yếu tố tưởng tượng, hư cấu, nhưng Masaaki Yuasa vẫn muốn khán giả nhớ về thực tế lịch sử mà ông mang lại xuyên suốt phim.

Vào thời kỳ Muromachi, bạo lực và chết chóc thường xuyên xảy ra. Với những cảnh bạo lực, chiến đấu và chém giết, vị đạo diễn người Nhật cũng nỗ lực tiết chế sự tàn khốc của những cái chết trong phim. Khán giả đồng cảm trước sự ra đi của nhân vật, nhưng không bị ám ảnh trước sự dã man của những pha hành quyết. Hay ở cảnh đầu, người cha của Tomona thiệt mạng bởi thanh kiếm của gia tộc Heike, Yuasa đã cố sử dụng cảnh quay dài để khán giả hiểu rằng ông đã ngã xuống sau khi chết.

Tạo hình hai nhân vật chính cũng là điểm nhấn. Từ kiểu tóc dài, vóc người thanh mảnh, các ngón tay thon dài, trang phục biểu diễn, Tomona và Inu-Oh được khắc họa như những con người có vẻ ngoài phi giới tính.

Trong bài phỏng vấn với Letterboxd, vị đạo diễn chia sẻ ý đồ khi thiết kế nhân vật như vật nhằm thể hiện rằng “cả hai rất tự do. Tự do khỏi những kìm kẹp, như không có gì đang ngăn cản họ. Trong quá trình xây dựng tính cách cho cả hai, tôi bị ảnh hưởng từ rất nhiều thứ: không chỉ người chơi nhạc, mà cả vũ công ba lê hay vận động viên.”

phim hoạt hình inu-oh

Tomona (trái) bên cậu bạn thân Inu-Oh (phải) của mình. Ảnh: NeonSakura

Cá tính của Inu-Oh nằm ở âm nhạc và chuyển động của các nhân vật. Các cảnh hát và nhảy múa làm chủ khung hình, dẫn dắt câu chuyện. Vị đạo diễn người Nhật coi đây là yếu tố quan trọng hơn cả từ ngữ và đầu tư nhiều công sức vào hai khâu này.

Lối chơi gảy biwa để sau đầu và nhảy múa không ngừng khi chơi của nhân vật Tomona được tham khảo từ cách chơi nhạc của những nghệ sĩ đương đại ở Nhật Bản và thế giới, như một sự phá vỡ khuôn khổ so với hình ảnh truyền thống thường thấy.

Phần trình diễn kịch Noh cũng có sự biến tấu mới lạ so với truyền thống. Noh vốn là một loại hình nghệ thuật mang tính ước lệ cao, được đặc trưng bởi những động tác chậm rãi và uyển chuyển, mang tính gợi hơn tả.

Còn với Inu-Oh, Yuasa đã cho nhân vật chuyển động nhiều hơn, với những động tác phóng khoáng được thể hiện bởi cả cơ thể. Những pha trượt gối, nhảy breakdance, thậm chí shuffle dance lấy cảm hứng từ những buổi biểu diễn glam rock máu lửa ở phương Tây được hưởng ứng nhiệt liệt. Ca khúc “The Whale" được đánh giá là hay nhất phim, phần nhịp chân đoạn đầu gợi nhớ bài hát “We Will Rock You” của Queen.

Phân đoạn Tomona chơi biwa sau đầu gợi nhớ đến những tay chơi nhạc rock để guitar điện sau đầu, cho thấy màu sắc phương Tây trong tiếng nhạc truyền thống.

Vì thế, chúng ta có một danh sách soundtrack thú vị  - những bài hát với giai điệu glam rock của phương Tây, nhưng lời nhạc là những câu chuyện cổ Nhật Bản về gia tộc Heike.

Đoạn đầu bài hát “Kujira" (The Whale) có phần intro tương đồng với đoạn mở đầu bài “We Will Rock You”.

Với nhân vật Inu-Oh, khán giả không thể rời mắt trước khung cảnh nhân vật mang mặt nạ, lao người về phía trước chạy như bay. Nó cho thấy sự phóng khoáng, vô tư bất chấp những lời đàm tiếu từ miệng lưỡi độc ác của đám đông.

Phân cảnh chạy nước rút mãnh liệt vào không trung là dấu ấn đặc trưng của Masaaki Yuasa trong nhiều phim trước đây, có thể kể đến phân đoạn trong trong một tập của “Samurai Champloo” mà ông làm key animator, hay những cảnh chạy nước rút trước quỷ dữ trong series “Devilman Crybaby”.

Những suy ngẫm về bảo tồn giá trị lịch sử

Nếu nhân vật Inu-Oh tỏa sáng trên sân khấu nhờ kiểu trình diễn phá cách - đại diện cho sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật, thì sự trung thành với chân lý của Tomona khiến khán giả băn khoăn: tự do cũng có thể là được quyền trung thành với những giá trị cốt lõi và niềm tin của bản thân, sẵn sàng đón nhận cái chết nếu sự thật bị vùi dập. Với chàng nghệ sĩ mù, giữ gìn câu chuyện thất truyền của người xưa là cách anh kết nối với quá khứ và cảm thấy được sống.

Chia sẻ với Letterboxd về vấn đề bảo tồn - khi nói về nỗ lực kể lại Heike cho thế hệ trẻ, Masaaki Yuasa không nhìn nhận nhân vật nào thực sự tốt hay xấu - từ phe triều đình đến những người nghệ sĩ:

“Vấn đề là ngay cả sự mất mát về tinh thần (sau trận chiến) và những câu chuyện về Heike cũng như cách lịch sử được kể lại cho thế hệ sau đều quan trọng. Cần có ai đó hiểu, cóp nhặt và kể lại cho thế hệ sau. Vì vậy, thông điệp cốt lõi trong bộ phim này là chúng ta nên làm điều đó ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta nên nhận thức về những người xung quanh và những gì họ đang làm. Đó là thông điệp chính của phim.”

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU