Chủ đề “Oshigoto” bùng nổ sau thảm họa
Trong phim ảnh Nhật Bản có một thể loại gọi là “Oshigoto”, ý chỉ đến những tác phẩm lấy chủ đề công việc, công sở. Thể loại này đã tồn tại được một thời gian, nhưng sau thảm họa sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011, đề tài này thật sự bùng nổ trong giới làm phim. Hàng loạt tác phẩm về “Oshigoto” ra đời thay vì chỉ xoay quanh các mối quan hệ tình cảm trong giới văn phòng thì nội dung được khai thác lại là lát cắt trần trụi của xã hội, khi bạn bán mạng làm việc không có nghĩa là bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Tiêu biểu cho thể loại này này là một trong những bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản Hanzawa Naoki. Phim dựa trên tiểu thuyết của nhà văn chuyên đề tài “Oshigoto”, Ikeido Jun, được phát sóng vào năm 2013. Phim kể về nhân viên ngân hàng Hanzawa Naoki ngày làm việc 14 giờ và sống trong căn hộ nhỏ do công ty trợ cấp, bỗng một ngày phải đi đòi số tiền khổng lồ từ khách hàng. Và hành trình đấu tranh để tồn tại giữa những mưu mô trong ngành ngân hàng ở Nhật Bản bắt đầu.
Đến năm 2015, tác phẩm Shitamachi Rocket cũng của Ikeido Jun được chuyển thể thành phim và đạt thành công vang dội không kém Hanzawa Naoki với tỷ suất khán giả trung bình 28,7%, cao nhất trong số tất cả các bộ phim truyền hình được phát sóng cùng năm. Phim xoay quanh Kohei là một cựu nghiên cứu viên tại Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, hiện tham gia vào kế hoạch phát triển tên lửa nội địa Stardust do một tập đoàn lớn điều hành. Anh nỗ lực từng ngày nhưng lại gặp hết cú sốc này đến cú sốc khác quật ngã tinh thần. Cho đến khi nhìn thấy một nông dân lái máy kéo thì anh mới tìm được giấc mơ mới cho mình.
Ngoài ra còn có bộ phim tài liệu Kaki Koba do Soda Kazuhiro đạo diễn. Bộ phim đã nêu bật vấn đề lớn nhất mà lực lượng lao động Nhật Bản đang phải đối mặt, đó là họ đang đứng trên đà khó khăn do dân số già, lương thấp và hệ thống sản xuất chuyển ra nước ngoài để giảm tải kinh phí.
Quay trở lại với điện ảnh, các nhà làm phim như đạo diễn Yaguchi Shinobu luôn trăn trở với đề tài “Oshigoto” và ra những tác phẩm truyền tải thông điệp rằng làm việc chăm chỉ cũng là một cách để tạo niềm vui. Bạn dễ dàng bắt gặp điều này trong Happy Flight, Wood Job! và ROBO-G, những bộ phim truyền cảm hứng về tinh thần làm việc của người Nhật.
Những bộ phim về phụ nữ Nhật nơi công sở
Ngày càng có nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng về lao động nữ ở Nhật Bản, và đây là một bước tiến lớn về văn hóa, dành tặng cho những người phụ nữ làm việc chăm chỉ ở Nhật Bản, cố gắng vượt qua không chỉ với công việc mà cả sự phân biệt giới tính.
Nurse no Oshigoto (Công việc của y tá) là bộ phim truyền hình dài tập gây chú ý cuối những năm 1990 nói về những người phụ nữ làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Những người phụ nữ này đảm nhận vai trò phù hợp với giới tính, nhưng vẫn được tôn trọng vì những đóng góp to lớn của họ trong công việc. Phim kéo dài bốn mùa (1996, 1997, 2000, 2003) và một tập đặc biệt, không xoay quanh y khoa mà thể hiện hài hước thông qua lăng kính của một y tá trong một bệnh viện lớn.
Một loạt phim ăn khách khác vào cuối những năm 1990 là Shomuni (1998, 2000, 2002, 2003, 2013) với bốn loạt phim theo mùa và ba tập đặc biệt. Phim thay đổi dàn diễn viên sau mỗi mùa nhưng vẫn xoay quanh năm nữ nhân viên ở bộ phận hành chính tổng vụ. Trong công ty tồn tại vấn đề đấu đá nội bộ vì sự đối xử và phán xét không công bằng đối với không chỉ bộ phận hành chính mà còn với những đồng nghiệp mang giới tính nữ. Năm nhân vân này đã đứng lên để mang lại bình đẳng giới trong công sở. Bộ đồng phục nữ công sở màu xanh lam của họ với váy ngắn đi giày cao gót đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng, cho thấy rằng phụ nữ tại nơi làm việc cũng có thể trông xinh đẹp và tự hào về công việc của họ chứ không chỉ phụ trách bưng trà rót nước.
Trong những năm 2000, đã có nhiều loại hình công việc mới hơn và có nhiều phụ nữ làm việc chăm chỉ hơn nam giới để tồn tại trong môi trường làm việc do nam giới thống trị. Về vấn đề này thì bộ phim Hataraki-man được đánh giá khá cao. Nhân vật chính của phim là Matsukata Hiroko, làm biên tập viên của tạp chí hàng tuần. Cô phải chạy khắp nơi để đưa tin và phỏng vấn các vụ bê bối của các chính trị gia và người nổi tiếng tham nhũng. Công việc vất vả cả về thể chất lẫn tinh thần của phụ nữ, nhưng khi làm việc thì Hiroko luôn bật “chế độ đàn ông”. Vì tận tâm với công việc nên cô cũng gặp phải những rắc rối khi mất liên lạc với bạn trai và cũng phải đấu tranh với những phụ nữ rập khuôn nơi công sở. Không chỉ có Hiroko, mà phim còn mô tả cả nam và nữ đồng nghiệp tại tòa soạn, cách họ làm việc và triết lý của riêng họ đối với ý nghĩa của công việc.
Một lần nữa tác phẩm của Ikeido Jun được chuyển thể lên màn ảnh, cũng là đề tài “Oshigoto” nhưng tập trung khai thác các khía cạnh của phụ nữ, đó là Hanasaki Mai ga Damatte Inai. Hàng ngày, các chi nhánh ngân hàng gặp phải nhiều vấn đề khác nhau như thiếu tiền, rò rỉ thông tin, vấn đề cho vay và vi phạm nghĩa vụ. Công việc của Hanasaki Mai là đến đó giải quyết. Dù cô không phải lãnh đạo cấp cao nhưng cô không để yên nếu thấy sai phạm. Cô sẵn sàng đứng về phía những người yếu thế, bất kể mối quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao và nhân viên thấp cổ bé họng.
Với những bạn vừa tốt nghiệp và đi làm thì Nakanai to Kimeta Hi hẳn là “kim chỉ nam” hướng dẫn bạn cách ứng xử và vượt qua những thử thách ở công ty. Nhân vật chính là Kakuta Miki, cô gái được nhận vào một công ty hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn ngay khi vừa ra trường. Tuy nhiên, mọi thứ tồi tệ hơn những gì cô tưởng tượng, khi cô trở thành mục tiêu bị bắt nạt của đồng nghiệp. Mỗi ngày cô phải sống trong trạng thái lo sợ, và điều đó ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất làm việc của cô. Mỗi tập phim trôi qua, khán giả lại thấy nặng nề thêm trước những gì Miki phải đối diện. Nhưng càng về sau, Miki càng rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu và mạnh mẽ vượt qua tất cả. Đến cuối phim, giống như tựa đề, cô đã không còn phải khóc nữa mà có thể mỉm cười tiến lên phía trước.
Các nhà làm phim Nhật Bản mong rằng, bằng cách xem những bộ phim như thế này, khán giả nữ này sẽ tiếp thêm năng lượng cho ngày mai.
kilala.vn