Phim “Makanai: Đầu bếp nhà Maiko” mang lại cho người xem cảm giác ấm áp của những bữa cơm bình dị trong căn nhà chung của các maiko (geisha tập sự).
Phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh bán chạy nhất của tác giả Aiko Koyama: “Maiko-san chi no Makanai-san” (舞妓さんちのまかないさん) và chiếu toàn cầu trên Netflix. Tác phẩm có bối cảnh tại quận geisha truyền thống của Kyoto, từ đó miêu tả thế giới nội tâm và những khoảnh khắc của những maiko.
Câu chuyện xoay quanh đôi bạn Kiyo và Sumire, hai cô gái 16 tuổi đến từ tỉnh Aomori ở miền bắc Nhật Bản, đến Kyoto để theo đuổi ước mơ trở thành maiko. Họ cùng một nhóm phụ nữ trẻ sống tại nhà Saku – một okiya (置屋), nơi tất cả các maiko được đào tạo và sống cùng nhau. Trong khi Sumire chứng tỏ mình sở hữu tài năng thiên bẩm trong nghệ thuật truyền thống, Kiyo lại gặp nhiều vấp ngã trong các bài học.
Khi đầu bếp trong nhà bị ốm, Kiyo đảm nhận vai trò chuẩn bị bữa ăn cho mọi người. Như là định mệnh, cô bé tìm thấy niềm đam mê của mình trong việc nấu ăn và chăm sóc người khác. Từ ý định ban đầu trở thành maiko, nay Kiyo trở thành đầu bếp cấp dưỡng makanai với đầy lòng nhiệt thành.
Trong văn hóa Nhật, makanai dùng để chỉ những người chuẩn bị bữa ăn, xuất phát từ “makanai ryori” (賄い料理), nghĩa là phần ăn dành cho nhân viên nội bộ tại nhà hàng, một cơ sở kinh doanh hoặc cho những người cùng ở trọ, ký túc xá.
Ẩm thực đặc sắc là sợi dây liên kết xuyên suốt bộ phim
Đặt căn bếp làm trung tâm, những khoảnh khắc xúc động trong phim thường gắn với một món ăn. Trong tập một, trước khi rời Aomori lên Tokyo, Kiyo và Sumire ăn nabekko dango do bà của Kiyo nấu. Món này gồm những miếng dango thả trong nước súp đậu đỏ. Hình dáng của dango giống nồi lẩu (nabe) nên có tên gọi “nabekko dango”.
Khi xưa, người Nhật hay ăn món này để mừng vụ thu hoạch vào cuối thu, cũng như làm lễ vật cầu mong việc trồng trọt thuận lợi. Chính vì thế, hai cô gái nhỏ ăn món này như một điềm lành cho cuộc phiêu lưu sắp tới.
Từ lúc Kiyo trở thành makanai, những bữa ăn ngon, đơn giản hằng ngày trở thành lý do mọi người trong nhà Saku tụ tập. Đầu năm mới, các cô gái chia sẻ những món ăn đặc biệt, đơn cử như món toshikoshi soba vì “giao thừa nhất định phải ăn mì soba”.
Mì có thành phần là kiều mạch – một loại thực vật mỏng, vươn dài, tượng trưng cho sự trường thọ. Ngoài ra, cọng soba dễ cắt nên người Nhật quan niệm rằng: ăn mì này trong thời khắc đất trời chuyển giao có thể cắt bỏ hết những vất vả của năm cũ, đón chào năm mới với nhiều vận may. Mì được phục vụ với nước dùng dashi nóng hổi cùng hành lá cắt nhỏ.
Món thứ hai là Osechi, gồm những thức ăn đầy màu sắc đặt trong những hộp đặt biệt gọi là Jubako. Và trong bữa sáng đầu tiên của năm mới, họ ăn món Ozoni, một loại súp với mochi (bánh gạo). Ngoài ra, mọi người còn ăn bánh chiên từ vụn của Kagami mochi (bánh mochi lớn dùng để thờ cúng vào năm mới). Những cô gái quây quần bên căn bếp ăn bánh nóng hổi do Kiyo chuẩn bị và kể nhau nghe những chuyện về vùng quê của họ.
Một trong những khoảnh khắc ẩm thực đáng nhớ là lúc Kiyo nấu Amazake (rượu ngọt) cho Sumire để người bạn mình có thể ngủ ngon hơn sau điệu múa Mai (舞) đầu tiên. Khung cảnh hai cô gái trò chuyện bên bếp hiện lên trong phim thật dễ chịu, ý nhị. Amazake làm từ gạo lên men, có vị ngọt, khi uống nóng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, sảng khoái cả người. Món này chính là đại diện cho một Kiyo ấm áp, tinh tế, luôn nghĩ tới cảm giác của những người cô thương yêu.
Và ở tập cuối, người xem đắm chìm trong thế giới của những chiếc sandwich, đặc biệt là những chiếc Sando trứng (sandwich nhỏ) được cắt bỏ viền bánh mì vuông vức. Kiyo để dành lại những chiếc vỏ bánh nhằm đãi Sumire món Pan no mimi (パンの耳) – viền bánh chiên giòn tựa như một món snack.
Đây là khoảnh khắc ý nghĩa với Sumire, đánh dấu sự biến đổi hoàn toàn của nhân vật. Trước đó, Sumire đã lập lời hứa sẽ chỉ thưởng thức sandwich do cô bạn Kiyo làm sau khi đã đạt được mục tiêu: trở thành maiko chính thức. Cuối cùng, cô bé đã được chia sẻ niềm vui này với người bạn thân trong căn bếp quen thuộc, với món bánh sandwich như một phần thưởng đặc biệt cho những nỗ lực và công sức đã bỏ ra.
Xem thêm:Mineko Iwasaki: Nguyên mẫu phim "Hồi ức của một Geisha"
Thông điệp chữa lành hướng đến sự cân bằng
Bộ phim mang lại một cảm giác Nagomi (和み) – nghĩa là sự cân bằng của cảm xúc và lối sống trong những việc nhỏ nhất. Ví dụ như chúng ta biết sử dụng hài hòa các gia vị trong món ăn hay đi chậm lại để thưởng thức nét đẹp của mùa anh đào nở rộ.
Với phim, tinh thần này nằm ở cách Kiyo luôn nghiêm túc trong việc mình làm, hay sự dịu dàng và lòng biết ơn mà cô dành cho từng nguyên liệu. Kiyo chào buổi sáng với rau củ và ân cần chăm sóc những mẻ mơ khô ngoài nắng. Những cử chỉ của cô đầu bếp nhỏ này bộc lộ một tâm hồn biết trân trọng và nuôi dưỡng. The Guardian nhận xét: “Món ăn được tôn trọng hết mực và món ngon làm với tình yêu, niềm vui có thể làm dịu mát những vết thương”.
Ngoài ra, thức ăn ngon cũng tạo ra năng lượng và tinh thần tích cực để vượt qua những khó khăn. Như người đầu bếp tiền nhiệm nói với Kiyo rằng món ăn luôn cần bình dị, giống như những món cơm nhà thông thường và mang lại cảm giác “Soko soko oishii” – “ngon vừa vặn” để người thưởng thức có thêm sức lực sau mỗi bữa cơm.
Có lẽ chỉ trong phim ảnh Nhật Bản, niềm đam mê nấu ăn mới có thể được miêu tả thật giản đơn và đầy sự diệu kỳ như thế. Xem qua mỗi tập phim, chúng ta lại chỉ muốn xông ngay vào bếp, tự tay nấu cho mình và những người thân yêu một bữa ăn thật ngon.
Tác giả Missy Frederick của trang Eater thú nhận rằng cô được truyền cảm hứng thật nhiều và còn nấu cả một bữa ăn sáng kiểu Nhật, trứng cuộn và cả mì Soba năm mới. Cô còn lùng sục khắp nơi tìm nguyên liệu để có thể làm món mì Udon đúng chuẩn Kyoto.
Bộ phim cũng là một câu chuyện theo đuổi ước mơ lặng lẽ
Trong phim, mỗi nhân vật đi theo một con đường khác nhau để đạt được ước mơ. Việc Kiyo không đạt chuẩn những kỹ năng của một maiko không có nghĩa là cô thất bại. Kiyo theo đuổi một hào quang khác những người bạn của mình, đó là ánh đèn vàng ấm áp của căn bếp, tiếng cười của người thân và những món ăn ngon lành, ấm bụng.
Như cô ấy chú ý ngay đến món mì udon của sư phụ đang nguội và rạng ngời khi mọi người “chén” ngon lành mỗi món mà cô chuẩn bị. Điều này cổ vũ một lối sống lành mạnh, rằng ta đừng ngại thử thách các định kiến xã hội với trái tim sáng trong, miễn là cảm thấy hạnh phúc.
Khi đặt Kiyo là trung tâm, đạo diễn chứng minh những điều nhỏ nhất cũng đủ truyền cảm hứng. Bữa cơm nóng sốt và sự quan tâm của Kiyo là động lực cho những nhân vật còn lại quyết chí hơn trên con đường của mình. Kiyo qua món ăn đã truyền sức lực và nhiệt huyết cho mọi người, dù không bao giờ câu thoại cổ vũ nào xuất hiện. Xung quanh bàn ăn, họ chia sẻ về những hoài bão, nỗi lo, khát khao và từ đó tìm thấy hơi ấm của gia đình. Chính vì thế, các nhân vật thường cảm thán “Natsukashii” – “Nhớ quá đi” mỗi khi ăn món của Kiyo.
Bộ phim do Hirokazu Kore-eda - đạo diễn Nhật Bản đoạt giải Palme d’Or với phim Shoplifters vào 2018 – kết hợp thực hiện cùng ba đạo diễn khác. Ông thú nhận rằng mình bị thu hút với các câu chuyện thức ăn trong manga gốc và mong muốn làm một bộ phim diễn tả được nét đẹp của các món ăn Nhật.
Còn đồng đạo diễn Takuma Sato cho biết series phản ánh được phong thái sống lấy hạnh phúc làm trung tâm của người Nhật xoay quanh chủ đề văn hóa, ẩm thực. Hiroshi Okuyama, một đạo diễn khác của phim, cho biết ông còn học Kiyo cách làm các món ăn và tìm thấy niềm vui trong việc chọn các nguyên liệu tươi ngon.