Tất cả bắt đầu từ một ý tưởng táo bạo
Câu chuyện trong nguyên tác và các bản chuyển thể hầu như đều trung thành với tuyến nhân vật 4 nam 3 nữ, trong đó có 3 cặp vợ chồng và 3 người đàn ông là bạn thân từ thuở nhỏ. Trong dịp mừng tân gia và ngắm mặt trăng máu hiếm có, nhóm bạn đã tập hợp lại tại nhà đôi vợ chồng được xem là thành đạt nhất trong bọn. Ban đầu bữa tiệc rất vui vẻ, và trong lúc ngẫu hứng, mọi người đã đồng ý tham gia trò công khai các cuộc gọi và tin nhắn bất ngờ gửi đến, từ đó một loạt bí mật ẩn giấu trong mỗi người bị phơi bày. Bữa tiệc ấy rồi sẽ kết thúc như thế nào?
Người người nhà nhà remake thì liệu Nhật Bản liệu có thành công?
Hòa chung với xu thế remake “qua lại” của các quốc gia, Nhật Bản cũng cho ra đời những phiên bản remake riêng, cả truyền hình lẫn điện ảnh. Trong đó, kịch bản của Hàn Quốc được Nhật Bản ưa chuộng nhất, một phần là do sự tương đồng về văn hóa. Một số tác phẩm được chuyển thể không thay đổi tinh thần nguyên tác những vẫn mang hơi thở Nhật Bản có thể kể đến như Ikemen Desu Ne (chuyển thể từ You’re Beautiful/ Cô Nàng Đẹp Trai), Maou (chuyển thể từ The Devil/ Giác Quan Thứ Sáu)… nhưng thành công nhất phải kể đến My Boss My Hero chuyển thể từ phim điện ảnh Hàn cùng tên.
Ở mảng điện ảnh, trào lưu remake nổi bật với các sản phẩm của nhà CJ, với kịch bản gần như giữ nguyên bản Hàn như Ayashii Kanojo (Ms Granny / Bà Ngoại Tuổi Đôi Mươi), SUNNY: Tsuyoi Kimochi Tsuyoi Ai (Sunny / Tháng Năm Rực Rỡ)… Nhìn chung, các phiên bản remake chỉ sống ở rạp một thời gian rồi chìm vào quên lãng.
Thế nên, việc một tác phẩm đã có quá nhiều phiên bản làm lại kể cả ở Hàn Quốc khiến khán giả phát ngán rồi, thì phiên bản của Nhật có đủ lôi kéo người xem ra rạp không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Hãy cùng Kilala phân tích lý do nhé.
1. Tuyến nhân vật đã có sự thay đổi
Có rất nhiều nguyên nhân để phân tích sự thất bại của dòng phim remake ở thị trường Nhật Bản, trong đó yếu tố “gu xem phim” và “cốt truyện quá quen thuộc” là hai nguyên nhân chính dẫn việc khán giả không mấy mặn mà thưởng thức. Otona no Jijo sẽ không đi lên vết xe đổ ấy khi nhà sản xuất tung nội dung của bản Nhật hóa này. Theo đó, các nhân vật sẽ ở những độ tuổi khác nhau, tượng trưng cho suy nghĩ cũng như mối quan hệ vợ chồng ở các thế hệ 30 – 40 – 50 tuổi thay vì bằng tuổi nhau ở các phiên bản trước. Điều này cũng sẽ dẫn đến những hành động khác nhau của nhân vật.
Bối cảnh theo như trailer tiết lộ cũng không phải là một ngôi nhà quá sang trọng, một bàn tiệc quá xa hoa mà nó phù hợp với nếp sống và văn hóa của người Nhật hơn. Bên cạnh đó, nếu trong bản gốc, đất diễn sẽ chia đều cho bảy nhân vật khó phân chính phụ thì ở phiên bản mới này, dù các nhân vật đều có không gian phát huy, nhưng phim sẽ tập trung khai thác một nhân vật ít ai ngờ đến: anh chàng độc thân đồng tính. Từ sự thay đổi tưởng chừng “không quá lớn ấy”, câu chuyện sẽ đi theo một hướng khác.
Đặc biệt, dù khán giả có thể mường tượng tình tiết câu chuyện thông qua nguyên tác cũng như trailer vừa được tung ra, nhưng cái kết vẫn sẽ là điều khiến người xem tò mò. Với cái kết còn nhiều tranh luận trước đây, liệu rằng các nhà làm phim Nhật Bản sẽ giữ nguyên hay biến hóa nó theo một cách nào khác? Chúng ta cùng chờ xem nhé.
2. Dàn diễn viên thừa sức kéo khán giả ra rạp
Nếu không quan tâm đến phim Nhật và chỉ nhìn vào poster, không chừng bạn sẽ thốt lên: “Trời ơi diễn viên gì vừa già vừa xấu, không bằng ABC, XYZ…” Thế nhưng, đây đều là những diễn viên thực lực rất được yêu thích tại quốc gia mặt trời mọc đấy.
Nam chính Koyama Sanpei sẽ do Higashiyama Noriyuki đảm nhiệm. Anh là thành viên của nhóm nhạc Shonentai nổi tiếng một thời của đế chế trai đẹp Johnny’s Entertainment. Nhóm thành lập vào năm 1985 và đến nay vẫn còn hoạt động. Higashiyama chính là cánh chim đầu đàn của Shonentai, người thành công nhất trong sự nghiệp nghệ thuật và khẳng định được năng lực diễn xuất qua hàng loạt vai diễn ấn tượng. Keiji 7 nin đã lên đến mùa thứ 6 là do Higashiyama đóng chính. Anh cũng để lại ấn tượng trong vai thám tử phàm ăn hài hước với hai phần phim Kuitan. Còn trong phim truyền hình đặc biệt The Partner (Người Cộng Sự) kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, anh thủ vai bác sĩ Asaba Sakita, người bạn thân thiết của chí sĩ Phan Bội Châu.
Với bề dày kinh nghiệm diễn xuất cùng hàng loạt vai nam chính ấn tượng, vai diễn Koyama Sanpei là một thử thách mới mẻ của Higashiyama Noriyuki. Đây cũng là nhân vật gây chú ý nhất trong phim với sự thay đổi về kịch bản. Song song đó, đây là lần đầu tiên Higashiyama nhận vai đồng tính nhưng thông qua trailer lại vào vai “ngọt xớt” và cũng có một nội tâm phức tạp, thật đáng mong chờ!
Cái tên gây chú ý thứ hai là Suzuki Honami – nàng Rika đáng yêu của Tokyo Love Story (Chuyện Tình Tokyo) thập niên 90. Không chỉ chinh phục khán giả Nhật Bản, vai diễn Rika còn lấy nước mắt của rất nhiều khán giả Việt Nam trong thời gian phát sóng. Sau thời gian dài rời xa màn ảnh để chuyên tâm chăm sóc gia đình, Suzuki đã trở lại với một số vai diễn chính hoặc phụ và đều dành được lời khen ngợi của khán giả. Vai diễn Rokko Eri với bề ngoài sang trọng, có một gia đình khiến mọi người ngưỡng mộ nhưng lại chất chứa những nỗi niềm riêng chắc chắn không thể làm khó Suzuki.
Một cái tên thu hút khác là Tokiwa Takako trong vai bà nội trợ thật thà Sonoyama Kaoru. Thời còn trẻ, Tokiwa thường đảm nhận vai chính trong các phim tình cảm như Aishiteiru to Ittekure, Beautiful Life… rồi dần dần chuyển sang những vai gốc cạnh hơn. Thời gian trôi qua, Tokiwa vẫn chinh phục khán giả bằng hàng loạt vai diễn đa sắc, và nhân vật Sonoyama chắc chắn sẽ là một lát cắt thú vị dành cho khán giả.
Trong năm 2021, Tiệc Trăng Máu – bản remake của Việt Nam cũng sẽ ra rạp. Đến lúc đấy chắc chắn những bộ phim này sẽ được đưa lên bàn cân so sánh. Bạn ủng hộ phiên bản nào hơn? Để lại bình luận cho Kilala biết nhé.
kilala.vn