Trong nhan nhản những chương trình truyền hình được trình chiếu tại Nhật, ASADORA thu hút lượng khán giả đặc biệt đông đảo. Hầu hết ASADORA đều là phim tâm lý gia đình trải dài theo cuộc đời các nhân vật, phản ánh tâm tư của thời đại. ASADORA gần gũi với người Nhật đến mức nhắc đến buổi sáng là nhắc đến ASADORA. Theo kết quả của một khảo sát liên quan trên trang ORICON STYLE vào năm 2014, có đến 35% trong tổng số 1.000 người được hỏi cho biết họ có thói quen xem ASADORA vào mỗi sáng.
Khi internet phổ biến đến mức bất cứ lúc nào cũng có thể xem trọn một bộ phim chỉ với vài cú click chuột, có lẽ việc mỗi sáng chỉ được xem 15 phút/tập phim là quá trễ nãi so với tốc độ thời đại, thậm chí là hi hữu với nhiều người nước ngoài. Vậy thì, nhờ đâu mà ASADORA tồn tại ở Nhật đến hôm nay?
Một nốt nhạc trong giai điệu cuộc sống
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng, một trong những nguyên do khiến người Nhật gắn bó với ASADORA là bởi “nội dung thú vị và có thể xem chỉ trong 15 phút”. Do đứng trước sức ép của một xã hội Nhật Bản tất bật, ASADORA mới bị giới hạn trong khung giờ ngắn ngủi, thế nhưng lạ lùng thay, cũng chính sự tất bật cực độ ấy đã khiến sự tồn tại của ASADORA trở nên cần thiết với họ như một nốt lặng cuộc sống. Ý nghĩa của việc phát sóng ASADORA cũng giống như việc truy bài 15 phút trước khi bắt đầu buổi học, nhờ đó ta mới có thể “lên dây cót” tinh thần để hướng đến buổi học tốt hơn.
Cách đây vài năm, trong giới khán giả xem đài Nhật Bản từng nổi lên một hiện tượng kì lạ gọi là “Ama loss”, biểu thị cảm giác mất mát trong lòng người xem khi bộ phim đình đám “Amachan” (Nữ thợ lặn, 2013) đi đến hồi kết. Hiện tượng ấy đưa đến một ý tưởng thú vị rằng, phải chăng ASADORA đã vượt ra khỏi ranh giới của một chương trình giải trí, một sở thích cá nhân để sắm vai trò là một phần lịch trình trong cuộc sống hàng ngày của họ? Với những người yêu thích “Amachan”, bộ phim chính là chương trình mà họ thường xem trước khi đi học hoặc đi làm, và được coi phát lại sau khi đi học, đi làm về. Vì vậy khi bộ phim kết thúc, một phần lịch trình hàng ngày ấy bị khuyết đi khiến đời sống sinh hoạt của họ đột nhiên bị lỗi nhịp.
Những nhân vật tỏa sáng
Trong chặng đường lịch sử hơn nửa thế kỷ của ASADORA, tuy thi thoảng cũng xuất hiện những phim kể về cuộc đời của những nhân vật nam (gọi là “Hero”), nhưng về mặt nguyên tắc, nhân vật chính của ASADORA thường là nữ (các “Heroine”). Nhìn chung, hình tượng nữ chính trong ASADORA có thể phân thành 3 nhóm chủ yếu: một, những phụ nữ giàu đức nhẫn nại, luôn vùng vẫy với nỗi khao khát thoát thân ra khỏi khuôn khổ bó buộc; hai, những phụ nữ theo đuổi đam mê các ngành nghề mà ở đó nữ giới không được đề cao như kí giả, Sumo, luật sư, thợ mộc,... và ba, những phụ nữ mong muốn khẳng định giá trị bản thân mình.
Như vậy, nhân vật chính trong ASADORA không nhất thiết phải là “nữ anh hùng” hay bậc vĩ nhân lỗi lạc, xuất chúng. Thế nhưng, với đam mê và lẽ sống riêng, họ vẫn khiến thế giới xung quanh tỏa sáng và khiến người xem “muốn được nhìn thấy mỗi ngày”. Ví dụ trong “Amachan”, nhân vật chính Aki chỉ là một cô gái bình thường và giản dị, thế nhưng ước mơ trở thành nữ thợ lặn, thế giới quan tươi sáng và những nụ cười căng tràn sức sống của Aki đã đưa “Amachan” thoát khỏi bầu không khí bi lụy và nặng nề của bộ phim trước đó là “Jun & Ai” (2012), đồng thời gây nên một cơn sốt hâm mộ dữ dội sau nhiều năm ASADORA lạc vào một lối mòn u ám. Tương tự như vậy, nhân vật Meiko trong bộ phim “Gochisosan” (sản xuất năm 2013 và được phát sóng trên kênh HTV9 từ 4/10/2015 đến 30/1/2016 với nhan đề “Hương vị tình yêu”) cũng là kiểu nhân vật chính điển hình của ASADORA. Thông qua những trải nghiệm trong cuộc đời của Meiko – người luôn xem lời cám ơn mà người khác dành cho bữa cơm của mình như một ý nghĩa sống, những người nội trợ Nhật Bản dường như cũng thấy cuộc sống của mình ý nghĩa lên từng ngày.
Bất kể các nhân vật sống trong thời đại nào, theo đuổi ước mơ ra sao, tinh thần ấy trong ASADORA là không thay đổi.
Nhịp điệu chậm rãi và cảm giác "an tâm"
Có những dòng phim nhất thiết phải tạo tình huống kịch tính và cao trào để khiến người xem háo hức muốn xem phần sau thật nhanh, nhưng ASADORA lại không chủ trương đề cao yếu tố ấy. Ngược lại, nhịp điệu phim chậm rãi, kết cấu mỗi tập phim tương tự nhau và tình tiết dễ đoán chính là những nguyên tắc cơ bản hàng đầu để làm nên “thương hiệu ASADORA”, bởi chúng tạo cho người xem cảm giác “an tâm” và muốn gắn bó lâu dài với bộ phim đó.
Với những ý nghĩa như thế, sẽ không phải quá phiêu lưu khi những nhà làm phim Nhật Bản luôn có lòng tin rằng, dù thời đại mỗi ngày đổi thay, những tác phẩm ASADORA nhẹ nhàng, bình dị mà đầy nội lực vẫn sẽ giữ một chỗ đứng vững vàng trong trái tim hàng triệu người xem đài Nhật Bản.
Hanako & Anne (2014)
Bắt đầu từ ngày 27/2/2016, bộ phim ASADORA thứ 90 là “Hanako & Anne” (2014) đã được phát sóng tại Việt Nam trên kênh HTV9 với tựa đề “Ngã rẽ cuộc đời” vào 17h30 - 18h15 vào thứ 6, 7 và Chủ nhật hàng tuần. Nội dung phim được viết dựa trên cuộc đời của học giả – dịch giả văn học thiếu nhi khá nổi tiếng thời Cận đại là Hanako Muraoka (tên cũ: Hana Ando), người đầu tiên chuyển ngữ tiểu thuyết “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” sang tiếng Nhật. Ngay từ tựa đề, "Hanako & Anne" đã gây ấn tượng đặc biệt khi xây nên chiếc "cầu nối" cho cuộc gặp gỡ kì lạ giữa Hanako – người phụ nữ sinh ra trong gia đình tiểu nông nghèo khó vùng Kofu, tỉnh Yamanashi với Anne – cô bé tóc đỏ lắm mồm, rắc rối và hay mơ mộng của nữ nhà văn người Canada L.M. Montgomery, khi cả hai đều có chung những giấc mơ đẹp đẽ và tinh thần không ngại đương đầu với thử thách.
Ngay từ thuở nhỏ, Hana đã là một cô bé lạc quan, có trí tưởng tượng “bay cao và xa hơn bất cứ loài chim nào”. Lên 10 tuổi, cô bé Hana từ giã vùng quê nghèo và bước đầu đặt chân vào thế giới của những cô gái thượng lưu ở trường Nữ sinh Shuwa, Tokyo. Từ chỗ sợ hãi, muốn bỏ cuộc và bị đẩy đến bước đường phải thôi học, Hana đã kiên quyết học tập để vươn lên với thành tích tiếng Anh đứng đầu lớp.
Dưới bút danh Hanako Ando, cô đã sáng tác một số truyện ngắn dành cho thiếu nhi được đánh giá cao và đồng thời cũng là dịch giả của cuốn “Hoàng tử và ăn mày”. Sau khi lấy chồng, Hana chính thức đổi tên thành Hanako Muraoka và tiếp tục con đường dịch thuật. Khi được cô Scott – một giáo viên của trường nữ sinh Shuwa gửi tặng cuốn sách “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh”, giữa tình thế chiến tranh diễn ra khốc liệt, Hanako vẫn kiên trì theo đuổi sự nghiệp dịch thuật, để rồi 13 năm sau đó, bản dịch “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” tiếng Nhật chính thức ra đời.
Lần bước theo cuộc đời đầy sóng gió của nhân vật Hanako trong “Hanako & Anne”, khán giả sẽ tìm thấy tinh thần của ASADORA trong những ước mơ và nghị lực của Hanako, giống như những điều cô tâm niệm: “Tôi không biết sẽ có điều gì chờ đợi ở tương lai. Thế nhưng, tôi tin chắc rằng đó sẽ là những điều tốt đẹp nhất”.
Inako/ kilala.vn