Chuyên đề "Hành trình tìm kiếm sức mạnh từ thực phẩm của Reiko Yamada!"
Kỳ 12: sự kiện “Super food & Onigiri De Party” tại Chicago
Tôi đã đến Chicago vào tháng 10 năm 2015. Trong gần 2 tuần trú lại đây, tôi đã có rất nhiều dự định công việc và một trong số đó chính là sự kiện này. Trong buổi hội thảo được tổ chức dành cho các nhân viên của Ngân hàng JAL Mileage Bank , tôi đã thuyết trình về “Super food & Onigiri De Party”.
Với quan niệm “Ăn uống là cách ngoại giao dễ tạo sự thân thiện nhất”, nên hằng năm tôi đều mở lớp học nấu ăn ở nước ngoài và tổ chức những hoạt động quảng bá vẻ đẹp ẩm thực truyền thống Nhật Bản đến bạn bè thế giới.
Cơ duyên khiến tôi bắt đầu tổ chức những hoạt động này bắt nguồn từ những năm tháng tham gia vào đoàn tình nguyện viên để dẫn các trẻ em Nhật Bản sang Phần Lan giao lưu văn hóa khi tôi còn là thanh niên. Có lẽ một phần cũng do rào cản về ngôn ngữ mà trẻ em Nhật khó kết bạn và hòa đồng với những bạn nước khác. Mặc dù khi đó tôi vẫn chưa trở thành chuyên gia ẩm thực nhưng tôi đã cùng với các em làm khoảng 60 phần Sushi để thết đãi mọi người. Thông qua bữa ăn này, chẳng mấy chốc các em đã mở rộng thêm vòng tròn bạn bè nước ngoài của mình. Qua chuyện này, tôi đã phần nào cảm nhận được rằng, ẩm thức chính là một người “trợ lí” giúp thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa nên đã hạ quyết tâm “trở thành một chuyên gia ẩm thực và tạo nên môi trường giao lưu văn hóa với bè bạn quốc tế thông qua các món ăn ngon”.
Năm ngoái, tôi đã phát hành quyển sách nấu ăn song ngữ Nhật – Anh “101 công thức làm cơm nắm Onigiri”. Onigiri không những là món ăn “quốc hồn quốc túy” của Nhật Bản mà còn rất được ưa chuộng ở nước ngoài. Tại Mỹ, quốc gia có nhiều bữa tiệc mà các vị khách thường mang đồ ăn nhà làm đến chia sẻ cùng mọi người, thì món ăn vừa dễ làm vừa được nhiều người yêu thích không kể độ tuổi như Onigiri quả thực rất hấp dẫn. Đây cũng chính là món ăn được nhiều học viên yêu cầu trong các lớp học nấu ăn tôi từng tổ chức ở nước ngoài.
Lần này, việc bày bán quyển sách này ở hội trường đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Không những có vẻ ngoài vui mắt và hương vị thơm ngon, Onigiri còn được đánh giá là món ăn thích hợp khi thết đãi khách khứa bởi đặc trưng “chăm chút đến sức khỏe người dùng”.
Điều thú vị là, một trong những điều khiến người nước ngoài cảm thấy bị hấp dẫn bởi ẩm thực Nhật Bản chính là “tốt cho sức khỏe”. Trong sự kiện lần này, bên cạnh Onigiri, tôi còn giới thiệu “super food”, tức “siêu thực phẩm” vốn đang được chú ý tại Mỹ bởi tác dụng tốt cho sức khỏe và sắc đẹp của nó.
Nói đến “siêu thực phẩm” có thể kể đến quả Acai, hạt Chia hay dầu lanh,v.v..., vốn là những thực phẩm có thành phần vượt trội trong việc cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người. Thế nhưng, tôi nghe nhiều học trò nói rằng, vì vẫn chưa quen thuộc với các loại “siêu thực phẩm” này, nên dù biết là chúng tốt cho sức khỏe nhưng vẫn không biết nên ứng dụng chúng như thế nào trong nấu ăn. Do đó, trong buổi hội thảo, tôi cũng đã giới thiệu một số công thức tuy đơn giản nhưng lại giúp chúng ta phong phú hóa cuộc sống thường ngày.
Tôi đã làm một vài món khai vị như “Salad lúa mạch với dừa và cá ngừ”, “Lúa mạch và giăm bông tươi rưới sốt húng tây” và “Salad kiều mạch”. Phía góc bên trái tấm hình đầu tiên, các bạn có thể thấy các loại Onigiri như cơm nắmc ải mầm với cá nhỏ sấy khô, cơm nắm hạt Chia” và cơm nắm với các loại hạt và nho khô.
Ngoài ra trong thế giới ẩm thực Nhật Bản cũng có rất nhiều các loại thực phẩm được gọi là “siêu thực phẩm thuần Nhật” với hàm lượng dinh dưỡng vô cùng dồi dào. Trong số những “siêu thực phẩm thuần Nhật” này, tôi đặc biệt muốn giới thiệu về “sức hấp dẫn của đại mạch”. Đại mạch được cho là có thể cung cấp hàm lượng chất xơ gấp 4 lần so với gạo lứt và có hiệu quả cao trong việc cải thiện đường ruột. Hơn nữa, vì là một thực phẩm giàu chất xơ nên dù có nấu thành cơm vẫn giúp gia giảm sự hấp thu carbohydrate vào cơ thể, từ dó tránh tình trạng gia tăng lượng đường đột ngột trong máu và ổn định đường huyết. Trong những loại đại mạch thì có “đại mạch Mochi”, đặc điểm mềm dẻo như cơm nên rất dễ ăn. Nếu như các loại đại mạch thông thường sẽ trở nên bời rời khi nấu chung với gạo nhưng đại mạch Mochi thì lại rất ngon và mềm dẻo. Chỉ cần trộn chúng vào gạo đã được vo và nấu lên là được, rất đơn giản và dễ làm.
Tôi hi vọng rằng sự kiện lần này sẽ trở thành một bữa tiệc mà qua đó khách tham dự sẽ cảm nhận được ít nhiều những nét hấp dẫn của ẩm thực Nhật Bản.
Chuyên gia nghiên cứu ẩm thực Yamada Reiko
Tâm Nhiên dịch/kilala.vn