Dù đôi khi bị đánh đồng là món đồ chơi dành cho trẻ em, figure hay mô hình trên thực tế hầu như chỉ dành cho người lớn, những người có đủ kiến thức và điều kiện kinh tế để theo đuổi thú chơi này, không khác những môn sưu tầm tem hay đồ cổ. Vậy đâu là lý do khiến giới sưu tầm chi tiền triệu cho những mẫu mô hình?
Lê Công Anh Kiệt (27 tuổi), hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, sở hữu một bộ sưu tập hoành tráng mô hình của các nhân vật manga và anime. Tham quan căn phòng trưng bày figure của anh, khó mà không chú ý đến mô hình Songoku tỷ lệ 1:1, cao đến 2,5m. Được biết, mẫu mô hình này được sản xuất giới hạn chỉ 50 bản trên toàn thế giới, và bản của Kiệt là con cuối cùng, được đánh số 50/50.
Anh cho biết, các bộ phận của nhân vật như đầu, tay chân... được đóng gói trong những thùng riêng biệt rồi vận chuyển về Việt Nam, sau đó mới lắp ráp hoàn chỉnh. Phải bốn người hợp sức lại mới có thể nâng được mô hình này.
Đồ sộ nhất nhưng đây chỉ là một thành viên trong “gia đình” figure lên đến cả trăm con của Kiệt, gồm đa dạng các nhân vật từ những bộ manga, anime đình đám như One Piece, Naruto, Dragon Ball, Kimetsu no Yaiba... Đa phần chúng được xếp gọn gàng cạnh nhau bên trong các tủ kính chống ẩm, xa nguồn sáng mặt trời để tránh bụi bặm và những tác nhân khác có thể ảnh hưởng xấu đến độ bền đẹp của mô hình.
Kiệt cho biết, anh chính thức bước chân vào con đường “chơi” fig (gọi tắt của figure) cách đây đúng ba năm: “Nó giống như tuổi thơ vậy. Mình mê những nhân vật này từ khi mới biết đọc cho đến bây giờ. Và hiện tại khi đã có điều kiện hơn, mình muốn được sờ tận tay những nhân vật yêu thích, cảm giác “đã” hơn là khi đọc truyện”.
Điều khiến Kiệt bắt đầu sưu tầm mô hình cũng là lý do đưa rất nhiều người khác đến với niềm đam mê figure, đó là tình yêu dành cho văn hóa 2D của đất nước mặt trời mọc.
Xem thêm:Akihabara - Thiên đường của Otaku ở Nhật Bản
Một cộng đồng ngày càng mở rộng
Ngược dòng lịch sử, truyện tranh hiện đại Nhật Bản bắt đầu xuất hiện và phát triển vào thời kỳ hậu Thế chiến hai, những năm từ 1945 đến thập kỉ 60, tiêu biểu với tác phẩm “Tetsuwan Atom” (Astro Boy) của “cha đẻ” manga - anime Nhật Tezuka Osamu hay “Sazae-san” của nữ họa sĩ Hasegawa Machiko. Đến cuối những năm 90, văn hóa 2D nở rộ, trở thành cơn sốt trên toàn cầu với sự phổ biến rộng rãi của những “Sailor Moon”, “Pokémon” hay “Dragon Ball”...
Ngày nay, có lẽ không cần nói nhiều về tầm ảnh hưởng của các bộ truyện tranh và hoạt hình đến từ nước Nhật, bởi minh chứng thực tế nhất nằm ở việc chúng đã trở thành một phần không thể tách rời trong tuổi thơ của nhiều 8x, 9x trở đi. Và để được tận mắt ngắm nhìn nhân vật yêu thích của mình bước từ trang giấy ra đời thực, nếu có người chọn hóa trang thành chính nhân vật ấy (với một cộng đồng cosplayer vô cùng đông đảo), thì cũng có không ít chọn sưu tầm các mô hình được làm ra dựa theo nguyên mẫu trong truyện.
Để hiểu rõ hơn về thế giới của figure manga/anime và những người sưu tầm, chúng tôi đã tìm gặp anh Huỳnh Ngô Phú Đức (30 tuổi), hiện đang công tác trong lĩnh vực giáo dục và là một người dành nhiều đam mê, tâm huyết cho mô hình. Hiện anh là Admin của cộng đồng Vietnam Figure Group hoạt động rất sôi nổi với hơn 3.600 thành viên (Kiệt cũng nằm trong số đó), dù mới chỉ thành lập hơn 3 tháng. Nhóm nằm trong số nhiều cộng đồng chơi fig đang ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.
Theo anh Phú Đức, Vietnam Figure Group được lập ra với mục đích mang đến sân chơi cho cộng đồng yêu mến figure, nơi mọi người chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu với nhau về mô hình. Để tăng tương tác giữa các thành viên, nhóm cũng có các sự kiện đặc biệt với những phần quà được trao cho người chiến thắng.
“Nhờ những hoạt động đó, mọi người có thể tương tác với nhau nhiều hơn. Hội viên cũng thường xuyên gặp nhau, mang theo những mẫu figure, unbox mô hình với nhau, cùng uống cafe và trò chuyện. Nhờ vậy mà cộng đồng mới ngày càng phát triển”, anh cho hay.
Mới đây, nhóm cũng vừa tổ chức sự kiện offline tại một địa điểm gây sốt trong thời gian vừa qua là Trênboong Concept, một quán cafe theo chủ đề One Piece, quy tụ đông đảo thành viên tham dự. Trong những năm gần đây, các hoạt động offline như vậy ngày càng xuất hiện nhiều hơn, cho thấy sưu tầm figure không còn là thú chơi của những cá nhân đơn lẻ, mà họ đã được kết nối với nhau để tạo thành một cộng đồng lớn mạnh.
Lý giải sự phát triển của figure ở hiện tại, anh Đức nhận định: “Mặc dù ngày xưa khi chúng ta còn bé, những mẫu đồ chơi như siêu nhân hay khủng long cũng đều được gọi là mô hình, nhưng nhờ sự phát triển của manga - anime mà sau này chúng ngày càng được nhiều người chơi biết đến hơn.”
“Sự thay đổi nhiều nhất theo mình quan sát được trong những năm qua đó là số lượng người chơi tăng lên đông đảo. Kết hợp với số lượng người chơi thì sau này cũng có rất nhiều hãng studio sản xuất mô hình, vì vậy mọi người sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn”, anh nói thêm.
Một điều đặc biệt, trái với dự đoán rằng đây dường như chỉ là sở thích phổ biến với nam giới, anh Đức cho biết hiện nay có không ít nữ giới cũng tham gia vào công cuộc “săn lùng” và sưu tầm fig.
“Trẻ con” nhưng không dành cho trẻ con
Có một sự thật rằng việc sưu tầm mô hình hầu như chỉ dành cho người lớn, bởi bạn sẽ cần có nền tảng kiến thức lẫn kinh tế ở một mức độ nhất định để theo đuổi niềm đam mê này. “Tùy vào kích thước, chất liệu, hãng sản xuất mà giá thành của một con fig có thể dao động từ vài trăm ngàn cho đến vài trăm triệu”, anh Đức cho biết.
Vậy vì sao những người lớn lại quyết định chi số tiền “khủng” để sở hữu một figure?
Theo anh Đức, giá trị tinh thần là điều quan trọng nhất: “Miễn sao mọi người chơi trong khả năng của mình, và khi cầm con fig trên tay, họ cảm thấy yêu thích, không quan trọng việc giá thành như thế nào.”
Cụ thể, với anh, giá trị tinh thần bên cạnh việc được sở hữu một mô hình bước ra từ trong truyện tranh còn nằm ở chỗ “khi unbox một con fig, mùi nhựa tỏa ra khi cầm lên, nét tinh xảo của mô hình cùng cảm giác đắm chìm vào nó khiến mọi buồn phiền, stress trong công việc đều qua đi. Khi nhìn ngắm những figure đó, mình cảm thấy rất nhẹ nhàng, ấm áp và như được quay về với tuổi thơ vậy”.
Nhưng ngoài tấm vé trở về ngày ấu thơ vô tư lự, những phút giây thoát
ly khỏi bộn bề cuộc sống, chúng còn đem lại cho người chơi một điều đặc
biệt không kém, đó là những “đồng chí” cùng chung niềm đam mê.
Bởi niềm vui được chia sẻ là niềm vui nhân đôi.
Sự xuất hiện của internet và các nền tảng mạng xã hội trao cho những người có chung sở thích cơ hội để kết nối với nhau bất kể khác biệt về địa lý, độ tuổi... Đây là những mối quan hệ mà trong cuộc sống thường ngày đi đi về về giữa nơi làm việc, trường học và nhà, chúng ta sẽ khó lòng có được. Vì vậy, tình yêu với manga, anime khiến người ta bắt đầu, nhưng thứ giữ người chơi ở lại với figure có thể lại nằm chính ở những kết nối đặc biệt ấy.
Chưa kể, thú chơi này còn có khả năng thu về lợi nhuận không nhỏ cho người sưu tầm. Tại Việt Nam, hoạt động trao đổi và mua bán mô hình khá phổ biến, đặc biệt là trên Facebook, với nhiều hội nhóm, chợ hoạt động rất nhộn nhịp. “Có những con mô hình ban đầu chỉ khoảng 20 triệu nhưng sau này có thể tăng giá lên đến cả trăm triệu trên thị trường”, anh Đức cho biết.
Muốn chơi figure, bắt đầu từ đâu?
Nếu bạn có hứng thú với figure nhưng còn loay hoay chưa biết phải bắt đầu như thế nào, lời khuyên của anh Đức là “nên vào các hội nhóm và tìm những người chơi lâu năm để hỏi thông tin, kiến thức, nghe họ chia sẻ để có thể lựa chọn mẫu mô hình một cách chính xác nhất.”
Hiện tại, nhu cầu lớn về figure dẫn đến việc xuất hiện nhiều cá nhân, cửa hàng bán sản phẩm nhái, kém chất lượng khiến nhiều người ngậm ngùi khi “mất tiền oan”. Đặc biệt là những người mới, việc tự tìm hiểu và trau dồi kiến thức tuy rất quan trọng đối với bất kỳ thú chơi nào, nhưng sự hỗ trợ từ phía các “senpai” giàu thâm niên trong lĩnh vực đó sẽ giúp hạn chế tối đa những sai lầm không đáng có.
Một lưu ý thứ hai là “nên chơi theo khả năng của bản thân, đừng quá theo người khác”. “Không nhất thiết là bộ sưu tập của mình phải quá đồ sộ, quá đắt tiền. Quan trọng là hãy luôn nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của mình với mô hình, coi nó như một sở thích để chúng ta có thể theo đuổi và mang lại niềm vui trong cuộc sống”, anh Đức nhấn mạnh.
Tạm kết
Có thể đâu đó vẫn sẽ có quan điểm cho rằng đầu tư tiền triệu vào những mô hình manga, anime bằng nhựa là lãng phí. Tuy nhiên, để đánh giá một thứ có “đáng tiền” hay không sẽ luôn tùy thuộc vào nhận định của người mua và sở hữu chúng. Nếu người sưu tầm cảm thấy những giá trị mà figure đem lại cho họ là xứng đáng với những gì bỏ ra, thì khi ấy, chúng sẽ hoàn toàn đáng tiền.
Mời bạn xem những chia sẻ và hướng dẫn chi tiết của anh Phú Đức về figure qua clip dưới đây.
kilala.vn