Sonic: Linh vật hãng SEGA từng thống trị thị trường game
Bài: Nguyễn Đức HuyNov 8, 2021
Sonic được xem là đối thủ đáng gờm của Super Mario và cho đến nay, loạt Anime về Sonic vẫn thu hút được một lượng lớn người hâm mộ đón chờ.
Khoảng năm 1989, SEGA – công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm và phần cứng điện tử với trụ sở chính ở Nhật Bản, mong muốn mở rộng thị trường ra toàn thế giới. Chính vì thế, họ đã tạo ra SEGA Master System nhằm cạnh tranh với Nintendo Entertainment System (NES) nhưng kết quả lại không mấy khả quan khi sự chú ý đổ dồn về Super Mario Bros 3 mới ra mắt một tuần trước đó. Không dừng lại, SEGA cho ra đời máy SEGA Genesis 16-bit đầu tiên để "đá" Nintendo Entertainment System với phần cứng 8-bit cũ kỹ khỏi vị thế thống trị thị trường game thời bấy giờ. Đồng thời, để “đối đầu” với Super Mario của Nintendo cũng phải có một nhận vật xứng tầm, khi đó những ý tưởng đầu tiên về Sonic dần hé lộ.
Một linh vật đại diện cho thương hiệu
Câu chuyện về sự ra đời của chú nhím xanh Sonic đã được Naoto Oshima – "cha đẻ" của nhân vật Sonic và Hirokazu Yasuhara – người thiết kế trò chơi Sonic the Hedgehog, tiết lộ vào năm 2018.Theo đó, vào đầu thập niên 90, SEGA mong muốn tạo ra nhân vật game thế hệ mới, có sức ảnh hưởng tương tự hoặc vượt xa NES và Mario. Trên thực tế, trước đó SEGA đã sở hữu những linh vật cho riêng mình như Alex Kidd, Flicky... nhưng không tạo được nhiều tiếng vang. Chính vì thế, công ty đã quyết định tổ chức một cuộc thi thiết kế linh vật trong toàn thể nhân viên và thu về hơn 200 bản thảo, trong đó có tác phẩm của Oshima với linh vật là một con nhím và ý tưởng này đã được chọn. Song song đó, SEGA vẫn tiếp tục thử nghiệm với ý tưởng khác như “một ông già với bộ ria mép” mà sau này được biết đến với tên gọi Doctor Eggman.
Trong khi đội ngũ phát triển còn đang thảo luận, Oshima đã có một chuyến công tác sang New York. Nhân cơ hội ấy, ông đã vẽ 3 ý tưởng của đội ngũ và cả chính mình ra để khảo sát. Công viên trung tâm ở Manhattan là nơi Oshima lựa chọn, ông mang 3 tấm phác thảo: chó, nhím, ông già với bộ ria mép để đưa cho mọi người quanh đó lựa chọn thứ mà họ thích nhất. Bất ngờ thay, thứ tự được mọi người lựa chọn nhiều nhất lần lượt là nhím, Eggman và cuối cùng là chó. Sau nhiều lần tham khảo ý kiến, Oshima đã đưa ra kết luận rằng nhiều người chọn nhím bởi vì chúng trông có vẻ trung tính, vượt lên trên chủng tộc, giới tính...
Ban đầu, hình minh họa của Sonic đơn giản hơn rất nhiều so với phiên bản mà chúng ta quen thuộc hiện nay. Bức phác họa chỉ là những nét đen trên nền trắng cơ bản. “Chúng tôi muốn tạo ra một nhân vật mà mọi trẻ em đều có thể vẽ được, tương tự như chuột Mickey, mèo Felix hay Doraemon. Từ đó linh vật của chúng tôi mới có thể tạo cảm giác thân thuộc và dễ mến với mọi người”, Oshima và Yasuhara chia sẻ.
Một nhân vật game tạo cảm giác gần gũi
Tuy nhiên mọi việc không đơn giản, thách thức lớn nhất mà đội ngũ SEGA phải vượt qua đó là biến con vật này thành biểu tượng của hãng, một thứ đủ mạnh để “gánh vác” công ty, khiến ai nhìn vào linh vật này cũng sẽ nhớ ngay đến SEGA. Cuối cùng, họ chọn “phủ xanh” hoàn toàn con nhím để phù hợp với biểu tượng công ty, đồng thời nhân vật sẽ được phát triển dựa trên nền tảng 3 từ khóa: Tuyệt vời – Thách thức – Lịch sử. “Tuyệt vời” và “Thách thức” đề cập đến sự bí ẩn, vượt qua mọi trở ngại của SEGA khi đối đầu với kẻ mạnh Nintendo. “Lịch sử” là việc nhóm nghiên cứu cố gắng thiết lập Sonic như một nhân vật có câu chuyện dựa vào nền tảng hoạt hình, tương tự như vũ trụ Disney, Marvel...Ý tưởng về câu chuyện của Oshima như sau: Năm 1940 có một phi công với biệt danh là “Hedgehog” (Nhím) vì anh ta yêu thích bay với tốc độ cao, điều đó khiến tóc của anh dựng lên như gai nhọn. Người phi công mê tốc độ đó sau này kết hôn với một phụ nữ chuyên viết và vẽ tranh minh họa cho thiếu nhi. Cô ấy đã viết câu chuyện về một con nhím dựa trên cuộc đời của chồng mình và ông chính là nguyên mẫu của Sonic the Hedgehog.
Ban đầu, Sonic có tên gọi là Needlemouse, sau này đổi tên thành Sonic The Hedgehog với bộ lông xanh, đôi giày màu đỏ lấy cảm hứng từ đôi giày của Michael Jackson. Cái tên Sonic được chọn vì chú nhím này có tốc độ nhanh như tốc độ của âm thanh.
Oshima cũng chia sẻ rằng ông muốn tạo ra một nhân vật chạy siêu nhanh và có thể lăn tròn để tấn công kẻ địch, chính vì thế Yuji Naka – người đã sáng tạo hàng loạt các game nổi tiếng khác của SEGA được chọn mặt gửi vàng.
Ban đầu Naka muốn trò chơi có gameplay càng nhanh càng tốt, nhưng sau khi kết hợp tốc độ nhanh và các chi tiết lấy cảm hứng từ tàu lượn siêu tốc, ông đã bị chóng mặt sau khi chơi thử, nên quyết định giảm tốc độ game sao cho hợp lí hơn.
Khi Sonic The Hedgehog gần được hoàn thiện, ông đã mời một số người đến chơi thử. Không giống như tưởng tượng của Naka rằng người chơi sẽ chơi theo lối chậm và chắc, họ lại chạy hết tốc độ của Sonic. Những chiếc nhẫn từ đó ra đời, nó cho phép người chơi liều lĩnh vẫn có thể qua màn khi nhân vật còn 1 chiếc nhẫn.
Nhân vật phản diện chính của tựa game, Tiến sĩ Eggman, là người đàn ông có thân hình to và bộ ria đồ sộ, cũng chính là 1 trong các bản phác thảo bị loại bỏ của Naoto Oshima.
Thay đổi để phù hợp với thị trường
Cuối cùng, Sonic cũng sẵn sàng ra mắt công chúng. Nhưng công ty lại lo lắng về doanh thu tại Mỹ khi mà các bản vẽ của Sonic bấy giờ theo phong cách Anime. Madeline Schroeder - giám đốc sản phẩm của Sonic the Hedgehog cho SEGA Mỹ, đã đưa ra các thay đổi của Sonic nếu muốn thành công tại thị trường này.Madeline đã cho đội ngũ SEGA tại Mỹ vẽ lại Sonic theo phong cách Mỹ hóa hơn, điều này đã khiến Team Sonic tại Nhật rất tức giận, nhưng vì muốn đứa con của mình thành công nên họ phải ngậm ngùi nhìn thấy Sonic bị thay đổi theo cách vẽ khác.
Nhưng như thế vẫn không đủ để SEGA hạ bệ Nintendo tại thị trường này. Sau đó, SEGA đã thuê Tom Kalinske làm CEO tại Mỹ. Tom đã đưa ra 4 đề xuất như: giảm giá máy SEGA Genesis từ 199$ xuống còn 149$, kết hợp với các công ty phát hành game tại Mỹ để giúp Genesis có kho game phù hợp với thị hiếu tại Mỹ, tạo ra các chiến dịch quảng cáo đánh thẳng vào Nintendo dẫn đến sự ra đời của khẩu hiệu “Genesis does what Nintendon’t” (tạm dịch: Genesis làm điều mà Nintendo không làm được), và cuối cùng, SEGA sẽ tặng kèm Sonic The Hedgehog cùng với máy Genesis.
Cuối cùng tất cả sự cố gắng đã được đền đáp khi Sonic xuất hiện trong hơn 15 triệu gia đình Mỹ, nhanh chóng chiến thắng ông hoàng Nintendo khi chiếm 65% thị phần game tại thị trường này. Sonic và SEGA đã thu về lợi nhuận cực lớn khi có rất nhiều hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng lớn như Howard Johnson, McDonald's...
Cuối 1993, Sonic có ngay cho mình 1 bộ truyện riêng và xuất hiện trong 1 bộ phim hoạt hình cùng tên, biến Sonic trở thành nhân vật game đầu tiên có độ phủ sóng rộng khắp các nơi và phổ biến với các thế hệ 8x, 9x. Ngày nay, dù không còn phổ biến rộng rãi nhưng những tác phẩm về Sonic vẫn thu hút sự quan tâm. Năm 2022, dự án phim hoạt hình Sonic Prime do Netflix Animation, Sega of America, WildBrain Studios và Man of Action Entertainment đồng sản xuất dự kiến sẽ được khởi chiếu.
kilala.vn