Sở dĩ Mio và Takkun trong “Em sẽ đến cùng cơn mưa” trở nên chân thực và sống động đến mức có thể lay động trái tim của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới như vậy là vì hình mẫu đó được khắc họa từ chính Ichikawa và người vợ mà nhà văn hết mực yêu thương.
Được mệnh danh là bậc thầy của dòng tiểu thuyết tình cảm pha lẫn kỳ bí, nhà văn Ichikawa Takuji là một trong những tên tuổi được nhiều độc giả trên khắp thế giới yêu thích bởi khả năng kiến tạo đề tài vô cùng độc đáo cùng giọng văn trong sáng, dịu dàng và nhẹ bẫng như không. Kể từ tác phẩm đầu tiên được xuất bản vào năm 2002, chỉ trong vòng 17 năm, ông liên tục cho ra mắt 2 tập truyện ngắn cùng 15 quyển tiểu thuyết với quá nửa trong số chúng là các ấn bản best seller và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Chân dung nhà văn Ichikawa Takuji.
Mặc dù sở hữu gia tài văn chương đồ sộ, thế nhưng Ichikawa Takuji từng chia sẻ rằng ông chỉ mới thực sự bén duyên với nghề cầm viết khi đã bước qua những năm tháng cuối cùng của độ tuổi 30. Khoảng thời gian tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cũng chính là những chuỗi ngày ông vấp phải những trở ngại liên tuc, không chỉ ngăn cản ông chạm đến ước mơ trở thành vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, mà còn gây nên sự gãy đoạn đầy tiếc nuối trong mối tình từ thời học trò.
“Cả thời thơ ấu, tôi chỉ biết đến chạy bộ...”
Vào năm 2016, Ichikawa Takuji cho ra đời quyển tự truyện mang tên “Những điều tôi đã làm được khi là người mắc chứng khuyết tật phát triển” (Boku ga Hattatsushougai dakara dekita koto – ぼくが発達障害だからできたこと). Vốn là người mắc hội chứng Asperger, Ichikawa gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Ông không thể giữ được sự tập trung cần thiết trong các giờ học, là một đứa trẻ vô lo, nghịch ngợm, luôn tay luôn chân và nói huyên thuyên cả ngày. Điều duy nhất khiến ông hứng thú và giữ được bình tĩnh, chính là chạy bộ. Trong suốt các giờ học phổ thông, hầu như ông đều có mặt ở sân trường để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Ichikawa Takuji đam mê chạy bộ.
Khi nhắc lại khoảng thời gian này, ông thường lém lỉnh buông câu bông đùa: “Cả thời thơ ấu, tôi chỉ biết đến chạy bộ...” Không chỉ dừng lại như một sở thích, ông đã rèn luyện chăm chỉ và đạt nhiều thành tích điền kinh đáng nể. Ông từng xếp hạng 3 toàn tỉnh Saitama và thứ 80 toàn quốc. Vốn có dự định trở thành một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, thế nhưng, trong một lần luyện tập, ông đã bị chấn thương và đành phải từ bỏ giấc mơ từ đó.
Tuổi trẻ xô lệch và chông chênh
Có thể nói, hội chứng Asperger là nguyên nhân kéo theo mọi sự rắc rối trong những năm tháng tuổi trẻ của Ichikawa Takuji. Hội chứng này khiến ông trở nên vụng về và lúng túng ở nơi đông người. Thậm chí ông không thể leo lên bất kỳ phương tiện công cộng nào bởi những toa tàu và khoang xe buýt chật ních người trong không gian kín chính là nỗi ám ảnh của ông. Sau khi từ bỏ con đường trở thành vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, ông rẽ hướng sang làm phóng viên thể thao, và từ đó theo học kỹ năng viết văn bản. Nhưng một lần nữa, ông lại không thực hiện được dự định của mình và đầu quân vào một công ty xuất bản. Sự rối rắm trong các mối quan hệ xã hội cũng như những luật lệ trói buộc khi trở thành một nhân viên công sở khiến một người mắc hội chứng Asperger như ông quyết định nghỉ việc chỉ sau 3 tháng. Ông từng chia sẻ trong cuốn tự truyện ở trên rằng: “Tôi cảm thấy rất khó chịu trong một xã hội gồ ghề và đầy ích kỷ này. Tất cả những gì tôi muốn là thoát ly khỏi nó. Việc phải kết nối với nhiều người như một gánh nặng đè xuống vai tôi, và tôi tự hỏi tại sao mình phải ép buộc bản thân đến mức này.”
Trước khi trở thành nhà văn, Ichikawa Takuji có một tuổi trẻ đầy chông chênh.
Trong vòng 3 năm sau khi nghỉ việc, ông chỉ nhận những công việc bán thời gian. Khoảng thời gian làm tự do này cũng mang đến cho ông nhiều trải nghiệm thú vị. Một trong những công việc khi đó của ông là vẽ bản đồ. Cùng với chiếc xe đạp của mình, ông đã rong ruổi trên khắp Nhật Bản để vẽ nên những cung đường mới khai phá, vốn chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khó khăn vẫn đeo bám ông khi sức khỏe của ông dần xuống dốc. Chứng mất ngủ hằng đêm dần dần dẫn ông đến những suy nghĩ bi quan về tương lai, và ông đã phải chia tay mối tình gắn bó keo sơn từ thời học trò (mà sau này đã nên duyên với ông thêm một lần nữa và trở thành vợ ông) vì cảm thấy bản thân không đủ sức để làm chỗ nương tựa.
“Trở thành nhà văn là điều tôi không thể ngờ!”
Đây là câu nói mà Ichikawa đã thốt lên với chúng tôi trong buổi phỏng vấn trực tuyến vào một buổi chiều tháng 3 năm nay. Ở Nhật Bản, để có thể trở thành nhà văn, bạn sẽ phải nộp tác phẩm cho một cuộc thi văn chương nào đó, sau đó nếu đạt giải cao, bạn mới có thể nhận được lời mời xuất bản. Tuy nhiên, con đường trở thành nhà văn của Ichikawa thì không đơn giản như vậy. Mặc dù yêu thích viết lách từ bé, nhưng phải đến những năm cuối cùng của tuổi 20, Ichikawa mới bắt đầu nghĩ đến việc sáng tác, và phải mất đến 10 năm sau, cái tên “Ichikawa Takuji” mới dần được biết đến. Ông chia sẻ một cách hóm hỉnh rằng, có thể ông là một trong những nhà văn hiếm hoi ở Nhật Bản bước vào con đường văn chương bằng hình thức đăng tác phẩm lên mạng Internet.
Chính bản thân ông cũng không nghĩ rằng mình sẽ trở thành nhà văn.
Tác phẩm đầu tay của ông có tên gọi “Kimi ga Kaeru Basho – きみが還る場所" (đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam với tựa đề “Nơi em quay về có tôi đứng đợi”), được viết vào năm 1989, khi đó ông mới 27 tuổi. Khi đó, ông viết để thỏa mãn đam mê, và chỉ cất làm tư liệu riêng mà không công bố với ai. Cho đến 10 năm sau, khi Nhật Bản dần phổ biến máy máy vi tính cá nhân cùng với hệ điều hành Windows và mạng Internet, ông mới dần dần đăng những tác phẩm của mình lên mạng và nhận được sự hưởng ứng bất ngờ. Thời bấy giờ, Nhật Bản nở rộ làn sóng các tiểu thuyết kỳ bí, kinh dị và rùng rợn, nên ông từng có ý định theo đuổi trường phái này nhưng ngay sau đó ông nhận ra mình muốn viết thứ gì đó gần gũi với con người thật của mình hơn.
Tác phẩm "Em sẽ đến cùng cơn mưa" của nhà văn Ichikawa Takuji được độc giả Việt Nam rất yêu thích.
Đến năm 1999, ông nhận được lời mời xuất bản và chính thức trở thành nhà văn với tác phẩm debut “Kimi ga Kaeru Basho – きみが還る場所” vào năm 2002. Tác phẩm này cũng đã được Công ty sách Nhã Nam xuất bản với tựa đề “Nơi em quay về có tôi đứng đợi”. Rất nhanh sau đó, các tác phẩm khác của ông cũng lần lượt chiếm trọn cảm tình của độc giả trong và ngoài nước. Trong đó có thể kể đến “Em sẽ đến cùng cơn mưa” (Ima, Ai ni Yukimasu – いま、会いにゆきます) và “Tấm ảnh tình yêu và một câu chuyện khác” (Renai Shashin: Mouhitotsu no Monogatari – 恋愛写真: もうひとつの物語) được xuất bản năm 2003, hay tác phẩm “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” (Sono Toki wa Kare ni Yoroshiku – そのときは彼によろしく) được xuất bản năm 2004 đều là các tác phẩm đã bán ra hàng triệu bản.
Ở Nhật Bản, Ichikawa Takuji gần như là cây bút không có đối thủ trong mảng văn học ông đang theo đuổi. Cùng với sự độc đáo trong cách chọn lựa chủ đề, ông mang đến cho độc giả những câu chữ hết sức dịu dàng và chan chứa tình cảm dù không sử dụng đến bất kỳ mỹ từ xa hoa nào. Có một nhận định khá thú vị về nhà văn Ichikawa Takuji. Đó là những tác phẩm của ông không được liệt kê vào bất cứ thể loại văn học nào.
- Tình cảm? Không!
- Viễn tưởng? Cũng không phải...
Chúng được xếp vào thể loại “Ichikawa Takuji”!
Chuyện tình đẹp gây xốn xang nhiều thế hệ độc giả khắp năm châu
Mối tình của nhà văn Ichikawa và vợ (Miho) cũng dịu dàng như những trang chữ của ông vậy. Gặp gỡ nhau từ hồi cấp 3, Ichikawa vốn sẵn để ý cô bạn Miho cùng lớp từ những năm đầu trung học. Dù mỗi năm, trường học đều xáo trộn học sinh với nhau, nhưng cả 3 năm phổ thông này, chàng và nàng vẫn ngày ngày gặp mặt nhau như những người bạn cùng lớp, nếu không ngồi cạnh nhau, thì cũng ngồi xeo xéo, hoặc đâu đó kề bên. Dù tình trong như đã, nhưng phải đến những năm tháng đại học sau này, Ichikawa mới chính thức ngỏ lời và nên duyên với Miho. Trải qua một lần tan hợp bởi vấn đề sức khỏe, chuyện tình của Ichikawa và Miho cũng có cái kết viên mãn bằng cuộc hôn nhân khi ông 26 tuổi. Nếu bạn đã từng bồi hồi trước câu chuyện tình nhẹ nhàng và quá đỗi đẹp đẽ của cặp đôi Takkun và Mio trong “Em sẽ đến cùng cơn mưa”, hãy một lần nữa để con tim reo vui bởi đó chính xác là câu chuyện thực của tác giả ngoài đời. Miho và Mio, Takuji và Takkun, phải, bạn đã nhận ra rồi phải không?
Câu chuyện tình yêu đẹp giữa tác giả Ichikawa Takuji và vợ Miho là cảm hứng cho ông sáng tác "Em sẽ đến cùng cơn mưa".
Một năm sau khi kết hôn, Miho có thai và hạ sinh đứa con đầu lòng. Trong quãng thời gian vợ mang thai, Ichikawa luôn lo lắng cho sức khỏe của vợ, bởi người mẹ mà ông hằng yêu quý cũng từng trở nên yếu đi sau một ca sinh khó. Đó cũng chính là thời điểm nhen nhóm trong lòng ông ý định “Mình muốn trở thành tiểu thuyết gia”. Cảm xúc của ông dành cho mẹ và vợ trong thời gian này cũng chính là nguồn cảm hứng dạt dào và chân thực để ông sáng tác nên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong sự nghiệp văn chương của mình – Em sẽ đến cùng cơn mưa.
Dù bao giông tố bủa vây, bà Miho vẫn luôn sát cánh cùng ông Ichikawa Takuji.
Nếu bạn hình dung một nàng Mio vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ trong tiểu thuyết như thế nào, thì ở ngoài đời, vợ của nhà văn Ichikawa cũng đáng mến như vậy. Suốt những năm tháng khó khăn thời tuổi trẻ, bà chưa một lần buông tay ông mà vẫn kiên quyết đồng hành cùng ông trong tất thảy mọi sự. Bà chia sẻ rằng: “Cá nhân tôi và ông nhà đều là những người không có hứng thú với của cải và vật chất, nên tôi chưa từng thấy thiếu thốn dù ngay cả trong những lúc ông ấy chưa có sự nghiệp ổn định. Tôi cũng có công việc riêng mà, nếu ông ấy có ngã quỵ, thì tôi chỉ cần cố gắng thêm một chút để thay cho phần của ông ấy là được.” Quả thật, thứ tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng ấy, nếu không viết nên thành tiểu thuyết sẽ là một điều uổng phí phải không?
kilala.vn