Nekojiru: nữ tác giả của bộ truyện tranh mèo tràn ngập sự u tối

Bài: Vĩnh AnhOct 19, 2023

Trong khi những mangaka nổi tiếng khác của Nhật Bản vẽ và kể chuyện về mèo theo lối hài hước, dễ thương, Nekojiru lại dùng mèo để kể những câu chuyện bạo lực và cực kỳ ức chế về bản chất tàn nhẫn của con người cùng vấn đề phân biệt chủng tộc.

Năm 2001, Cat Soup ra đời, cho thấy khả năng phá vỡ mọi giới hạn về điện ảnh của một phim hoạt hình ngắn thể nghiệm. Trong cùng năm, bộ phim giành liên tiếp giải thưởng “Phim hoạt hình xuất sắc” tại Liên hoan Nghệ thuật truyền thông Nhật Bản, giải thưởng “Phim ngắn hay nhất" tại Liên hoan Fantasia, giải Bạc tại Triển lãm Phim và Video ngắn New York. Bộ phim ngắn với thời lượng 34 phút cũng giúp biên kịch Masaaki Yuasa có bước đệm lớn trong sự nghiệp và dấn thân vào công việc đạo diễn cho nhiều bộ phim hoạt hình đình đám sau này.

poster cat soup
Poster Cat Soup (2001). Ảnh: IMDb

Cat Soup là hành trình khám phá cái chết và nỗ lực để tìm sự sống của hai chị em Nyaako và Nyatta. Nhìn vào poster phim với hai chú mèo đáng yêu, ngây thơ, khán giả sẽ không ngờ phim lại mang bầu không khí u ám, lạ lùng như vậy. Nhiều phân cảnh kỳ lạ trong phim - như cảnh hai chị em gặp cỗ máy thời gian, hay bước vào vùng sa mạc mênh mông, gợi nhớ đến những bức tranh của Salvador Dalí.

Tuy nhiên thực chất, đây là sản phẩm điện ảnh mà đạo diễn Sato Tatsuo làm với mục đích tri ân người sáng tạo nguyên tác của nó - hoạ sĩ quá cố Nekojiru. Bộ phim sau khi ra mắt từng làm mưa làm gió với những người yêu điện ảnh ở phương Tây.

cảnh phim cat soup

Khung cảnh siêu thực trong Cat Soup.

phim hoạt hình

Phân cảnh kinh dị nhất trong Cat Soup - chú lợn “giảm 10kg” do bị hai chị em mèo xẻ thịt để làm Tonkatsu trên tàu. Chính chú lợn cũng thưởng thức món Tonkatsu từ thịt của mình. Ảnh: YouTube

Mèo như một cách thể hiện góc nhìn tiêu cực cá nhân

Nekojiru tên thật là Chiyomi Hashiguchi, sinh ngày 19 tháng 1 năm 1967 trong một gia đình khá giả ở Kawaguchi, tỉnh Saitama. Không có nhiều thông tin về thời thơ ấu của bà, nhưng trong một buổi phỏng vấn, người em trai đã thừa nhận bà có “tính cách khắc nghiệt, ngay cả với gia đình”. Theo lời cựu biên tập của Chiyomi, bà tốt nghiệp từ một trường dạy làm đẹp.

Bà gặp gỡ Hajime Yamano, họa sĩ vẽ truyện tranh cho tạp chí Garo thông qua một người quen và cả hai kết hôn khi Chiyomi 18 tuổi. Sau khi về chung một nhà, Chiyomi làm trợ lý bán thời gian cho chồng, giúp đỡ những công việc đơn giản như tô màu nền nhưng không có ý định trở thành họa sĩ truyện tranh.

họa sĩ nekojiru
Nekojiru chụp ảnh cùng một chú mèo. Ảnh: animationstudies 2.0

Một ngày nọ, khi Chiyomi rảnh rỗi và vẽ một “bức tranh mèo nhưng trông giống bạch tuộc”, Yamano đã trông thấy và cảm nhận ở nó "một sự quyến rũ kỳ lạ pha trộn giữa sự dễ thương, ghê tởm và tàn nhẫn''. Từ bức tranh này, cả hai đã phát triển thành một tác phẩm manga, Nekojiru vẽ và Yamano viết cốt truyện. Đây chính là tác phẩm đầu tay của nữ họa sĩ, có tên là Nekojiru Udon, được xuất bản trên tạp chí Garo vào năm 1990. Bà lấy cũng lấy cho mình bút danh là Nekojiru.

Câu chuyện về Nekojiru Udon rất dễ giải thích: hai chị em mèo dễ thương, Nyatta và Nyako, gây ra sự tàn phá và kinh hoàng cho bất cứ thứ gì làm phiền chúng. Điểm ấn tượng của bộ đôi anh em mèo chính là biểu cảm - chúng vừa thốt ra những lời tàn nhẫn lại vừa tỏ ra ngây ngô, vô tội.

Dùng loài vật để nói về loài người, truyện của bà cho thấy trẻ con cũng có thể tàn ác và nhẫn tâm, đồng thời đào sâu vào bản chất xấu xa của xã hội loài người.

Tính thẩm mỹ đại chúng và phong cách vẽ siêu thực trong tác phẩm của Nekojiru bắt đầu thu hút công chúng nói chung, đặc biệt là thanh thiếu niên. “Dễ thương" và “rùng rợn" là hai nhận xét ngắn gọn dành cho bộ truyện này. 

nekojiru udon

Nekojiru Udon.

Đột nhiên, vào khoảng những năm 90, sự nổi tiếng của Nekojiru bùng nổ. Các tác phẩm của bà ngày càng được giới thiệu nhiều hơn, khiến nhiều độc giả mới bị cuốn hút bởi cách miêu tả về sự tàn ác thông qua những chú mèo có tạo hình đáng yêu. Các tập truyện và hàng hóa của Nekojiru Udon bắt đầu bán chạy như tôm tươi, và cả nước bị cuốn theo cơn sốt Nekojiru. Từ bộ truyện của bà, chúng ta có từ “abunakawaii”, trong đó “abuna" nghĩa là nguy hiểm và “kawaii" là dễ thương.

nekojiru udon truyệnNgười bạn tanuki đang chơi vui vẻ với hai chú mèo thì bị cha của chúng bắn chết. Ảnh: Saburaku

Với nữ họa sĩ, bộ truyện Nekojiru thể hiện dấu ấn cá nhân trong sự nghiệp vẽ manga, khi bà chưa trải qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về vẽ truyện tranh. Đồng thời nó cũng là cách bà thể hiện tính cách và góc nhìn của bản thân về cuộc sống: một cái nhìn u tối, trầm uất, nghiệt ngã về thế giới thực.

Ngoài sự dã man đến từ nhân vật chính - những chú mèo, nhân vật lợn cũng là điểm nổi bật trong các manga của Chiyomi. Lợn được xem như kẻ thấp kém, bị phân biệt đối xử và bị bạo hành, giết hại không thương tiếc bởi gia đình mèo.

Điều này cũng tương ứng khi ở ngoài đời, Chiyomi luôn ghét thức ăn, đặc biệt là thịt và cá. Bà từng ví rằng “Tonkatsu chỉ là xác một con lợn”. Do đó trong truyện của bà luôn xuất hiện hình ảnh con lợn cùng món Tonkatsu. Và điều kinh dị hơn, chúng chứng kiến người anh em của mình bị giết hại, hay bản thân bị xẻo thịt một phần mà vẫn hồn nhiên thưởng thức món ăn từ gia đình mèo như một sự ban ơn.

Sau này, Chiyomi đã làm một loạt truyện tranh nhật ký, được gọi là Jirujiru Diary. Loạt truyện giới thiệu cuộc sống hàng ngày của bà và chồng, cũng như quan điểm của bà về các loại thực phẩm, chương trình truyền hình, con người...

Phần tiếp theo có tên Jirujiru Travel Diary giới thiệu chuyến đi của Chiyomi đến Ấn Độ, nơi bà thử cần sa trộn với sữa chua và chứng kiến một con chó chạy ngang qua với một cái chân người trong miệng, cùng nhiều thứ khác. Nhìn chung, các manga của bà luôn phủ màu sắc u tối một cách hài hước.

Yoshiaki Yoshinaga - biên tập viên từng cộng tác lâu năm với Nekojiru, khi tưởng nhớ về cái chết của nữ họa sĩ đã mô tả về tính cách hà khắc và cực đoan của bà. Bản thân bà “không thể nói dối" và “sẽ nói thẳng vào mặt người khác nếu bà không thích họ.”

Chồng của nữ họa sĩ mô tả bà là người rất kiệm lời, nhưng sẽ thành thật với những người thân thiết. Nhiều người đã phỏng vấn Nekojiru thì nói rằng bà sẽ không giao tiếp bằng mắt thường xuyên, nhưng khi đã nhìn vào mắt ai, sẽ “có một cái nhìn xuyên thấu tâm hồn họ”.

truyện nekojiru udon
 Đoạn truyện kinh điển trong quyển Nekojiru. Hai chị em mèo thân thiết với một chú lợn sống trong nhà, để rồi chú lợn bị mèo cha giết làm thịt rất dã man. Ảnh: Saburaku

Cho đến việc chọn tự kết liễu cuộc đời

Nhờ tính chất hài hước, dễ thương và vô cùng rùng rợn trong các tác phẩm của mình, Nekojiru và chồng đã nhận được rất nhiều lời mời cộng tác từ tạp chí Garo, công ty Điện lực Tokyo và nhiều xưởng anime. Năm 1999, một vài tập truyện tranh của bà đã được chuyển thể thành series Nekojiru 27 tập, mỗi tập 2 phút chiếu trên đài truyền hình Asahi.

Khối lượng công việc chồng chất khiến Chiyomi liên tục rơi vào tình trạng stress, mất ngủ và nghiện rượu, thậm chí bà từng hành hung chồng do căng thẳng liên tục.

Với mong muốn bộ truyện tiếp cận được với lứa trẻ nhiều hơn, bà luôn thương lượng để đứa con tinh thần của mình có giá tiền thấp, đồng thời luôn nghiêm túc hoàn thành công việc đúng thời hạn. Chính vì tận tâm với công việc quá mức, Nekojiru phải nhập viện một thời gian ngắn vì làm việc quá sức trước khi qua đời vì tự tử. 

Khi manga của bà trở nên nổi tiếng, Yoshiaki tiết lộ rằng bà không quan tâm đến việc kiếm tiền hay kinh doanh, cũng như sự nổi tiếng. Một tháng trước khi qua đời, Nekojiru đã phàn nàn với một số biên tập viên về khối lượng công việc quá tải và hạn chế về mặt nghệ thuật đến từ dòng tác phẩm manga mới mang lại. Thậm chí bà còn tỏ thái độ chán ngán với việc vẽ manga và muốn nghỉ việc, đến một đất nước khác cùng chồng.anime cat soup

Ngày 10 tháng 5 năm 1998, Nekojiru qua đời do treo cổ tự tử. Sự ra đi của bà là cú shock lớn cho độc giả và những người trong ngành công nghiệp manga. Nhưng với chồng bà và một số người biết đến bà, cái chết đó là điều đã được tiên đoán.

Chồng của Nekojiru chia sẻ rằng bà bị trầm cảm và từng có ý định tự tử nhiều lần. Những trang truyện tranh Nekojiru cũng cho thấy rõ sự hoài nghi và căm ghét tận cùng với thế giới mình đang sống. Thậm chí bà đã lập di chúc trước khi qua đời vài năm. Do đó, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất và họa sĩ hoạt hình trong cộng đồng anime, manga cảm thấy vô cùng đau buồn khi biết tin bà qua đời, nhưng nói rằng bà đang ở một nơi tốt đẹp hơn.

Dù Nekojiru đã yêu cầu trong di chúc rằng đừng lập bia mộ mang tên bà, Yamano đã lập một bia nhỏ và khắc một ký tự tiếng Phạn lên đó. Ông cũng bắt đầu rơi vào trầm cảm sau cái chết của bà, nhưng vài năm sau đã hồi phục và quay lại vẽ manga. Yamano tiếp tục manga Nekojiru của vợ, với bút danh “Nekojiru-y”. Tác phẩm chỉ là một cách thể hiện sự nhớ thương và không còn sức hút, vì độc giả vốn quen thuộc với lối vẽ giản đơn và trẻ con của Chiyomi.

nekojiru yamano Manga Nekojiru do chồng bà vẽ. Sự khác biệt ở đây là lối vẽ tỉ mỉ từng chi tiết của họa sĩ Yamano.  Ảnh: myfigurecollection.net

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU