La Quốc Bảo: Gen Z Việt đưa họa tiết Vương quốc Lưu Cầu vào
Bài: Andante
Oct 19, 2021
Ảnh: NVCC
Với ước muốn lưu giữ và tôn vinh nét đẹp văn hóa của cố quốc Lưu Cầu (Ryukyu), một quốc gia đồng văn với Việt Nam, nay thuộc tỉnh Okinawa, Nhật Bản, La Quốc Bảo đã đưa những họa tiết trên trang phục cung đình Bingata vào bộ sưu tập CONVERSE x BARO “Splendor of Ryukyu”.
Những ai yêu thích sneakers và những đôi giày custom có lẽ không còn xa lạ với La Quốc Bảo, một cái tên có tiếng trong giới “độ giày” với những tác phẩm ấn tượng được lấy cảm hứng từ trang phục triều Nguyễn. Sáng tạo, hiểu biết cùng khả năng tạo ra xu hướng, có thể nói những ưu điểm nổi trội của người trẻ thuộc Gen Z được hội tụ ở chàng trai 24 tuổi này.
La Quốc Bảo, cựu sinh viên ngành Thiết kế kiến trúc tại Đại học Monash (Úc), trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội vào năm 2018 khi ra mắt BST giày Converse họa tiết áo Nhật Bình. Đây là một loại cổ phục của Việt Nam, được Hậu Phi, Công chúa triều Nguyễn mặc như thường phục; do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật trước ngực nên mới có tên gọi này. Nhật Bình thuộc một BST lớn hơn là “Annam Heritage”, nơi Bảo tái hiện những họa tiết đậm bản sắc cung đình Huế như họa tiết áo Bình Lĩnh, họa tiết mành rồng… vào trong những đôi giày Converse.
Ngoài thiết kế độc đáo là sự hòa quyện giữa truyền thống - hiện đại, các sản phẩm của BST đều được tỉ mỉ vẽ tay 100% để tạo nên những đôi giày độc bản với số lượng giới hạn, có lẽ vì vậy mà những đôi giày của BARO - thương hiệu do Bảo sáng lập, luôn được nhiều người săn đón. BST “Annam Heritage” đã vinh dự được chọn tham gia triển lãm WORLD EXPO 2020, hiện đang diễn ra tại Dubai từ ngày 1/10/2021 đến 31/3/2022.
Bên cạnh BST lấy cảm hứng từ họa tiết cung đình Huế, Bảo cũng đặc biệt dành sự quan tâm đến văn hóa các nước đồng văn (cùng văn hóa, chữ viết) gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và cho ra đời những sản phẩm liên quan. Trong đó phải kể đến BST “Splendor of Ryukyu”, được lấy cảm hứng từ vương quốc cổ xưa tồn tại từ năm 1429 đến năm 1879 trên Quần đảo Ryukyu (Quần đảo Nansei), phía Tây Nam Nhật Bản. Trước khi hợp nhất thành tỉnh Okinawa vào năm 1879, Vương quốc Lưu Cầu (Ryukyu - 琉球) từng đóng vai trò quan trọng trong giao thương hàng hải với Đông Nam Á và Đông Á, trở thành trung gian giữa nhà Minh của Trung Quốc và các quốc gia khác.
Vừa qua, Kilala đã may mắn được trao đổi với La Quốc Bảo về “Splendor of Ryukyu”, từ cảm hứng sáng tạo đến quá trình anh làm nên những sản phẩm trong bộ sưu tập. Đồng thời, Bảo cũng có những chia sẻ liên quan với tư cách một người nghiên cứu văn hóa độc lập và hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật tại Việt Nam.
Xin chào Bảo! Vì sao Bảo lại quyết định cho ra mắt BST “Splendor of Ryukyu”? Nói cách khác, điều gì của vương quốc cổ đại này thu hút Bảo khiến bạn muốn đưa nó vào trong những đứa con tinh thần của mình?
Cách đây vài năm, biết đến Khối đồng văn (Sinosphere) cũng có thể chưa hề nghe qua cái tên Lưu Cầu, nên mọi khía cạnh văn hoá của nó đều rất huyền ảo và bí ẩn, ngay cả Bảo trước đây cũng không hề để tâm. Cho đến một hôm tháng 3 năm 2019 không ngủ được nên mình lướt web thì bất chợt thấy một bức hình so sánh phục trang Lưu Cầu và Nhật Bản trong một group Cổ phong quốc tế. Bị thu hút bởi sự sặc sỡ lạ mắt nên Bảo tìm hiểu mới biết trang phục cung đình nơi đây phần lớn là vẽ và nhuộm thủ công - hoàn toàn phù hợp với concept giày vẽ mình đang thực hiện. Thế là mình bắt tay vào nghiên cứu và tìm tư liệu, càng đi vào sâu mình càng thấy quốc đảo này quá độc đáo, cả từ kiến trúc đến văn hoá nghệ thuật đều thừa hưởng từ nhà Minh nhưng lại pha âm hưởng Nhật Bản. Thế là Bảo kết nối với cộng đồng Okinawa hải ngoại để học hỏi thêm, được sự ủng hộ của nhiều người nên Bảo chính thức từng bước thực hiện BST “Splendor of Ryukyu”, dựa trên tên cuốn sách “Splendor of the Dragon” xuất bản năm 1995 phối hợp cùng Bảo tàng Okinawa.
Muốn hiểu rõ về một nền văn hóa sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức tìm hiểu, và để đưa những kiến thức, nghiên cứu ấy vào một thiết kế sẽ càng khó khăn hơn. Bảo đã mất bao lâu để tạo ra BST “Splendor of Ryukyu”, và đâu là những trở ngại mà bạn gặp phải?
Bảo mất chính xác 11 tháng để nghiên cứu và cho ra thành phẩm cuối cùng. Hơi bất ngờ là Okinawa tuy khá nổi tiếng ở Nhật nhưng họ đều tập trung vào các bãi biển và lịch sử chiến tranh với Mỹ chứ ít ai nhắc đến cố quốc Lưu Cầu, đa phần có vẻ xem nhẹ vấn đề này nên tư liệu cũng khá khan hiếm. Bảo phải đặt mua trực tiếp tầm 10 đầu sách từ Naha, thủ phủ Okinawa cũng như trong Nhật Bản, được biên soạn dưới góc nhìn của người bản xứ để có kiến thức tổng quát rồi đến chi tiết. May mắn là các ấn bản này đều viết cô đọng súc tích. Một số có dịch tiếng Anh cũng như ghi chú bằng Hán tự nguyên bản, vì vậy quá trình nghiên cứu được đẩy nhanh hơn dự kiến.
Khó khăn lớn nhất chính là dựng lại quá trình vẽ “Bingata - 紅型”, là thứ vải chỉ có quý tộc và triều đình được phép dùng, được tạo hình bằng cách quét hồ tinh bột gạo/ bột rong biển lên stencil để lấy “khuôn” hoa văn, sau đó “vẽ” màu lên, sau quá trình xử lý và và đảm bảo màu đã bám vào vải, lớp hồ tinh bột (phần không dính phẩm nhuộm) sẽ được rửa sạch bằng nước nóng làm lộ ra bức tranh hoàn chỉnh. Phần này Bảo mất 4 tháng để thử nghiệm tỉ lệ hồ tinh bột và nước, cũng như phẩm màu và độ thẩm thấu. Lý do là vì Bingata nguyên thuỷ tạo tác trên cotton mỏng và lụa, trong khi sản phẩm sneakers là cotton dày, tính chất rất khác biệt. Ngoài ra Bảo cũng cố gắng mua bột nhuộm thiên nhiên từ rễ cây, khoáng thạch, indigo, v.v pha vào màu acrylic để tăng tính “tượng trưng” nhưng lại “chân thật”, tạo độ kết nối hơn với ý tưởng gốc.
Bảo có thể chia sẻ một chút về ý nghĩa của những hoa văn được vẽ trên BST này không?
Thời xưa, Bingata có tính cá nhân cao, gần như mỗi bộ áo là độc bản nên Bảo không gò bó việc thiết kế. Tuy nhiên 3 mẫu đầu tiên mở màn Bảo quyết định chọn:
1. Chiếc áo vũ công cung đình với hình rồng tranh châu rặt lối Lưu Cầu màu hồng đào (mumu iru - 桃色), đây là hiện vật quý giá còn sót lại, minh chứng cho một thuở vàng son của cố quốc này. Đây cũng là hình ảnh trên bìa cuốn “Splendor of the Dragon”.
2. Chiếc áo Bingata thải phụng thuỷ ba (phụng hoàng đa sắc bay trên sóng cuộn) màu kim hoàng (chin-o iru - 金黄色) của một Vương phi, màu vàng trên áo này được nhuộm từ vỏ một loại cây đặc hữu tại Lưu Cầu, vừa là biểu trưng cho vương thất, vừa thể hiện tính nội địa rất cao. Đây là một trong những hiện vật hiếm hoi có đồ án phụng hoàng được xác định dành cho Vương phi còn giữ lại được.
3. Thiết kế này Bảo mở rộng ra với chủ đề “Eigata - 藍型”, là một biến thể của Bingata nhưng chỉ sử dụng màu lá chàm đặc hữu “Ryukyu-ai - 琉球藍” và mực tàu. Thay vì huy hoàng sặc sỡ với hàng chục tông màu như hoa xuân của Bingata thì Eigata lại mộc mạc, trầm lắng như màu biển xanh ngoài khơi. Thứ vải này đã gắn liền với đời sống tầng lớp bình dân thuở xưa, đồ án chủ yếu là sóng nước cách điệu, chim cá, hoa cỏ, nói chung là những biểu tượng gần gũi rất đời thường. Một điều đáng tiếc là Ryukyu-ai chỉ sản xuất nội địa và không được công nghiệp hoá nên Bảo không mua được, phải dùng bột chàm Việt Nam pha thêm mực xanh coban thay thế.
Theo Bảo, điều gì là quan trọng nhất khi một thương hiệu hoặc cá nhân muốn theo đuổi concept văn hóa? Bạn có thể chia sẻ dẫn chứng về một vài thương hiệu đã thực hiện hiệu quả và thành công trong việc “tôn vinh văn hóa” không?
Quan trọng nhất vẫn là tôn trọng nền văn hoá mình đang khai thác và thực sự dám bỏ thời gian tâm huyết nghiên cứu kĩ lưỡng. Converse là một thương hiệu cực kì thành công trong việc “nội địa hoá” nhưng vẫn giữ bản sắc riêng tại thị trường Nhật Bản. Họ khai thác đề tài lịch sử văn hoá, kết hợp với các làng nghề nội địa một cách bài bản. Điển hình là việc sử dụng gấm tiến cung Kyoto là Nishijin trong chiến dịch năm 2014 nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt. Rồi các đề tài như tranh thuỷ mặc Sumie (墨絵) và hình ảnh “tam thể” của cá Koi cũng được khai thác triệt để. Song song Converse, các hãng khác là Nike và Adidas cũng rất thành công với các BST Chinese New Year theo sát chủ đề “12 Con Giáp” đổi mới hằng năm rất thú vị.
Dạo gần đây, khái niệm “chiếm dụng văn hóa” (culture appropriation) được nhắc đến ngày càng thường xuyên hơn. Là một người đã có kha khá kinh nghiệm trong tay, theo Bảo cần làm thế nào để phân biệt giữa “tôn vinh” và “chiếm dụng”, cũng như tránh việc rơi vào tình trạng trên?
Ngoài vấn đề rõ ràng nhất là việc lấy một thứ thuộc về văn hoá khác và tự nhận thuộc về văn hoá mình thì “bối cảnh” để đặt sản phẩm có chứa “hình ảnh văn hoá” đó cũng quyết định là “vinh danh” hay “chiếm đoạt”. Ví dụ khi bạn đang quảng bá văn hoá Việt Nam, lại lồng ghép các yếu tố ngoại quốc (kiến trúc, trang phục đặc trưng, v.v) mà không hề nhắc đến nguồn gốc của các yếu tố này, thì bạn đang “chiếm đoạt văn hoá” một cách có chủ đích cho dù chưa “nhận” chúng là của Việt Nam hay không. Chúng ta có thể hiểu ngắn gọn “tôn vinh văn hoá” là chia sẻ, học hỏi trong khi “chiếm đoạt văn hoá” là lợi dụng giá trị của văn hoá khác cho mục đích riêng mà không được những người sở hữu nền văn hoá đó đồng ý, gây ra định kiến cho văn hoá đó dù là vô tình hay không. Một ví dụ là cách các nhà thiết kế phương Tây lấy cảm hứng từ một văn hoá phương Đông, vì là người nằm ngoài nền văn hoá đó, khi phối đồ họ không có đủ trải nghiệm và nghiên cứu nên đã phạm vào những “đại kỵ” khó mà làm ngơ. Những việc này khiến người ngoài có cái nhìn sai lệch và vô thức cho rằng đó là một nét riêng của dân tộc đang được khai thác hình ảnh.
Bảo có thể chia sẻ một vài dự định sắp tới của cá nhân bạn và với BARO? Bạn có kế hoạch ra mắt BST nào khác liên quan đến Nhật Bản không?
Hiện Bảo đang trong quá trình thực hiện công tác phục hồi các cổ vật vừa về Việt Nam trong năm nay, do Bảo tự đứng ra đấu giá mua lại. Về phần Nhật Bản thì chắc chắn rồi, họ vẫn còn giữ được rất rất nhiều ngành thủ công mỹ nghệ xưa cũ - là nguồn cảm hứng siêu lớn cho các BST trong tương lai. Trước mắt Bảo đang thử nghiệm và nghiên cứu kỹ thuật nhuộm “kyo-yuzen - 京友禅” của Cố đô Kyoto, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm hoặc đầu năm 2022.
Cảm ơn Bảo đã dành thời gian chia sẻ cùng Kilala!
kilala.vn