Horikoshi Jiro: Kỹ sư tài năng của Đế quốc Nhật, cảm hứng cho bộ phim The Wind Rises
Bài: MitouAug 5, 2021
Nếu đã từng xem bộ phim Kaze Tachinu (The Wind Rises - Gió nổi) của Studio Ghibli, ắt hẳn bạn sẽ không thể nào quên hình ảnh anh chàng kỹ sư Jiro đứng trên ngọn đồi cùng những cơn gió. Bộ phim đã khắc hoạ hình ảnh của đất nước Nhật Bản trước và trong Thế chiến II qua câu chuyện của một nhân vật có thật trong lịch sử, người đã truyền cảm hứng cho bộ phim - kĩ sư Horikoshi Jiro.
Những năm đầu cuộc đời
Horikoshi Jiro sinh năm 1903, tại thành phố Fujioka, tỉnh Gunma. Ông tốt nghiệp Phòng thí nghiệm Hàng không, Khoa Kỹ thuật, Đại học Đế quốc Tokyo (nay là Đại học Tokyo) và bắt đầu công việc của mình tại công ty Động cơ đốt trong Mitsubishi.
Thuở nhỏ, cậu bé Jiro có một niềm mơ ước với những chiếc máy bay. “Trong giấc ngủ, tôi thường mơ thấy mình đang lái một chiếc máy bay nhỏ tự chế tạo, bay qua những cánh đồng, những con sông và đôi khi bay là là gần mặt đất”- ông viết trong hồi ký.
Niềm đam mê này đã dẫn lối Jiro trên con đường trở thành một kỹ sư thiết kế máy bay tại Mitsubishi. Vào thời kỳ này, Nhật Bản đẩy mạnh tăng cường vũ trang trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp (thời kì trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai).
Việc chế tạo máy bay chiến đấu được ưu tiên khi mà lúc đó, sức mạnh không quân của Đế quốc Nhật đang tụt hậu so với thời đại. Các kỹ sư hàng không tại Mitsubishi, bao gồm cả Jiro, nhận được lệnh phát triển và chế tạo các mẫu máy bay chiến đấu mới theo yêu cầu của quân đội. Điều này đã một phần dự báo hiện thực nghiệt ngã dành cho ước mơ của cậu bé Jiro.
Trong giấc ngủ, tôi thường mơ thấy mình đang lái một chiếc máy bay nhỏ tự chế tạo, bay qua những cánh đồng, những con sông và đôi khi bay là là gần mặt đất.
Mitsubishi A6M Zero - chiến đấu cơ huyền thoại của Hải quân Nhật Bản
Dù là một kỹ sư tài năng, con đường của Horikoshi Jiro không hề bằng phẳng. Chiếc máy bay đầu tiên được ông làm ra - Mitsubishi 1MF10 (còn được gọi là mẫu 7), đã rơi trong quá trình thử nghiệm và mãi mãi không được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, thất bại không làm ông nản chí, nó trở thành bài học kinh nghiệm để Horikoshi phát triển thành công Mitsubishi A5M (mẫu 9) và đặc biệt là Mitsubishi A6M Zero (mẫu 12) - một huyền thoại trong các dòng máy bay quân sự của Nhật.
Khi được đưa vào tác chiến đầu Thế chiến II tại chiến trường Thái Bình Dương, chiếc Zero đã thể hiện sự vượt trội của mình so với máy bay đối phương và gieo rắc nỗi sợ hãi trên bầu trời. Với lợi thế về độ cơ động và tầm bắn, Zero đã hạ rất nhiều máy bay địch. Chuyện kể rằng các phi công F4F của Mỹ nhận được lệnh “Hãy rút lui bất cứ khi nào các anh gặp phải bão sấm sét, hoặc là gặp phải một chiếc Zero. Đừng bao giờ một chọi một với những chiếc Zero này”.
Thiết kế của Jiro đã góp phần giúp Nhật Bản giành thế chủ động vào giai đoạn đầu của cuộc chiến Thái Bình Dương. Nhưng rồi, cục diện chiến trường bắt đầu thay đổi và đó cũng là lúc Horikoshi phải đối diện với hiện thực nghiệt ngã của ước mơ chế tạo máy bay.
Máy bay - giấc mơ bị nguyền rủa
Vào giai đoạn sau của cuộc chiến, Zero không còn duy trì được lợi thế của mình khi Mỹ triển khai các dòng máy bay mới hiện đại hơn và có các chiến thuật để đối phó với Zero. Do sự thiếu thốn nhân lực và vật lực, Nhật Bản không thể bắt kịp tiến độ nâng cấp của đối thủ.
Zero dần tụt hậu nhưng vẫn được sử dụng trong phần còn lại của cuộc chiến, chủ yếu ở thế phòng thủ - vị trí không phù hợp với một chiếc máy bay tấn công, và cuối cùng là để thực hiện các cuộc cảm tử Kamikaze, khi phi công Nhật lái máy bay đâm thẳng vào mục tiêu đối phương.
Đế quốc Nhật dần thất thế và ông phải chứng kiến quê hương của mình bị tàn phá bởi những cuộc ném bom rải thảm từ máy bay quân Đồng minh.
Mặc dù là kỹ sư thiết kế máy bay chiến đấu nhưng bản thân Horikoshi Jiro phản đối cuộc chiến tranh mà tầng lớp cầm quyền của Đế quốc Nhật đã châm ngòi. “Tôi không thể tưởng tượng được rằng Nhật Bản lại liên minh với phát xít Đức và tham gia vào cuộc chiến tranh với Mỹ, Anh. Tôi cũng không nghĩ rằng Zero sẽ diễu hành trong lịch sử, ban đầu là với vinh quang và sau đó là với bi kịch” - trích đoạn từ hồi ký của Jiro. Cuộc chiến, với ông cũng như những người dân Nhật Bản, là hoàn toàn vô nghĩa.
Những chiếc máy bay, ước mơ của ông, giờ đây lại trở thành công cụ tàn phá phục vụ chiến tranh. Ở vị trí một người kĩ sư trưởng, trên đôi vai ông là trách nhiệm với công việc, lòng trung thành với Tổ quốc và cả ước mơ với máy bay từ thời thơ ấu.
Chắc hẳn, những mâu thuẫn đó đã làm ông suy nghĩ không ít. Đó cũng là khoảng thời gian mà tình hình thế giới không hề đơn giản, chỉ có những người trong cuộc trải qua cuộc chiến như ông mới có thể hiểu hết sự phức tạp của hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Chiến tranh rồi cũng trôi qua, tất cả những gì còn lại là lịch sử. Những chiếc A6M Zero sót lại vẫn nằm đó, trong những bảo tàng, như hiện thân của những gì Nhật Bản đã trải qua. Zero cũng mang trong mình hình ảnh của người kỹ sư tài năng đã tạo ra nó, người đã gửi gắm ở nó ước mơ và cả niềm tự hào dù cho chúng có chưa trọn vẹn - kỹ sư Horikoshi Jiro.