Điêu khắc tượng anime – cách nghệ nhân Gen Z lan tỏa nghề thủ công truyền thống
Bài: Vĩnh Anh
Oct 6, 2022
Ảnh: NVCC
Khi đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Trần Duy đã quyết định dừng lại con đường học hành để về quê nhà Quảng Nam nối nghiệp điêu khắc gỗ từ cha. 7 năm sau, phân xưởng Nghệ Nhân Âu Lạc đã trở thành cái tên nổi tiếng qua các clip Youtube về quá trình cậu và những người thợ cùng làm các nhân vật manga, anime cực kỳ tinh xảo. Trong sự kiện ra mắt quán cà phê One Piece đầu tiên tại Việt Nam, không ít khách tham quan phải trầm trồ trước độ hoành tráng của bức tượng gỗ khắc nguyên khối Vua Hải Tặc Gol D.Roger cao 2m, được vận chuyển từ Quảng Nam vào Sài Gòn có đề tên “Nghệ nhân gỗ Trần Duy”.
Sau một hồi chán chê lướt nhiều clip hướng dẫn làm mô hình từ đất sét,
vật liệu thừa... từ Hàn, Nhật, Mỹ, tôi được Youtube giới thiệu một đoạn
clip 8,2 triệu view làm nhân vật Nezuko bằng gỗ. Đang trong lúc rảnh
rỗi, clip cũng dưới 10 phút nên tôi nhấp vào và bất ngờ với cái tên
thuần Việt của kênh - Nghệ Nhân Âu Lạc.
Dưới phần bình luận của clip điêu khắc Titan Thủy Tổ của Eren, rất nhiều bình luận đến từ những khán giả ngoại quốc: Pure talent (Quả là tài năng trời sinh), This needs to be put in a museum. The precise and details of this beautiful piece. (Tác phẩm xứng đáng được trưng bày ở bảo tàng, vì sự chính xác và tỉ mỉ tuyệt đẹp của nó). Nghệ Nhân Âu Lạc không chỉ được các báo và trang thông tin điện tử Việt Nam ca ngợi, mà còn có mặt trên trang tin tức quốc tế như SoraNews24.
Để khán giả nước ngoài dễ nhớ đến tên của xưởng mình hơn, Duy đã đổi tên trang Nghệ Nhân Âu Lạc thành Woodart Vietnam, kèm theo việc sử dụng tiếng Anh trong các bài post và tựa video. Khi đã kết nối được với Duy qua một cộng đồng J2TEAM trên Facebook, tôi còn bất ngờ hơn khi cậu chỉ mới 25 tuổi - thuộc về lứa 9x. Vì thế kênh Youtube của Nghệ Nhân Âu Lạc toát lên một cảm giác trẻ trung và gần gũi hơn rất nhiều so với những cảnh chế tác gỗ bên ngoài xưởng thường thấy trên tivi.
Câu chuyện về hành trình trở thành một nghệ nhân trẻ tuổi với hướng đi khác biệt của Duy mang nhiều màu sắc kỷ niệm tuổi thơ, sự mạo hiểm, song song với đó là những suy tư sâu sắc của một người trẻ thuộc về thế hệ Gen Z. Cùng Kilala khám phá cuộc trò chuyện thú vị này nhé!
Chào Duy! Hành trình của bạn với nghệ thuật điêu khắc gỗ bắt đầu như thế nào?
Thực ra lúc nhỏ, mình không mặn mà với nghề điêu khắc gỗ lắm. Mình ghét việc cưa và tiếng ồn đến từ xưởng nhà mình, mà thích cảm giác ngồi “chill chill” trong nhà để vẽ hơn. Nên đó là lý do năm lớp 12 mình luyện vẽ để thi vào Trường Đại học Nghệ thuật Huế.
Đến khi học đại học tầm 1 tháng, nhận ra mình không thích học và đặc biệt là không thích vẽ nữa, mình quyết định trở về quê nhà. Đã từng vẽ rất nhiều, nhưng việc luyện thi vẽ trong quãng thời gian ôn thi vào đại học khiến mình “ngán”.
Tự thấy bản thân có thiên hướng nghệ thuật, nên khi quyết định vậy rồi thì mình muốn tập trung học một kỹ năng và nghề nào đó để phát triển. May mắn thay, ba mình làm điêu khắc, vì vậy mình quyết định học điêu khắc ở ngay tại quê nhà luôn.
Trước khi chọn điêu khắc gỗ, Duy có nghĩ đến những lựa chọn nghề nghiệp nào khác nữa không?
Ở thời điểm bỏ đại học, mình không cho bản thân nhiều sự lựa chọn. Khi không thích vẽ nữa thì mình chọn điêu khắc vì thấy nó hay, và nhà mình là xưởng mà, nên học rất tiện.
Một điểm hay nữa là ba mình (Trần Thu) là nghệ nhân điêu khắc gỗ quốc gia, người đem nghề về cho thanh niên trong làng, cũng là người sáng lập Gỗ Nghệ Thuật Âu Lạc - thương hiệu điêu khắc của Việt Nam.
Mình nghĩ chỉ cần về nhà là sẽ tiếp cận được những tinh hoa và được các nghệ nhân trong xưởng chỉ dạy hết. Sau mình có hai đứa em đang đi học ngành thiết kế đồ họa. Chỉ có mình là theo nghề điêu khắc gỗ thôi, do mình bỏ học ấy chứ (cười).
Vậy thời điểm nào Duy quyết định sẽ gắn bó với nghề này?
Thời điểm mình quyết định theo điêu khắc là khi vào đại học, nhưng thời gian đầu mình học với tâm thế bị động, và hơi lười nhác. Mình chọn vì bản thân cũng không có những sự lựa chọn khác thú vị hơn.
Hai năm đầu mình rất ngại ra xưởng làm mỗi ngày, phải cầm cưa, cầm đục và bụi bặm nữa. Mà những cái đó mình không thích tí nào. Nên mình học theo kiểu không tập trung chú tâm, không chủ động tìm tòi. Giống như một bạn sinh viên đại học vào lớp ngồi cho có thôi (cười). Nhưng khác với các bạn sinh viên không tiếp thu ấy, mình vẫn phải đụng việc. Não không tiếp thu kiến thức gì nhưng tay vẫn phải cưa đục đều đặn.
Một thời gian sau, mình thực hiện một chuyến đi bụi - kiểu vác ba lô mang lều đi bộ, đi xe phượt xuyên Á. Mình đi vòng quanh mấy nước Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Malaysia...) dạng hitchhiking (quá giang người lạ), ở nhờ nhà người dân hoặc cắm trại trên núi. Điều duy nhất mình biết ở thời điểm đó là bản thân rất thích đi chơi, thích đi du lịch, mỗi tội không có tiền thôi (cười).
Ban đầu mình dự định đi trong vòng 2 tháng, nhưng sau 1 tháng mình cảm thấy đã khám phá mọi thứ đủ rồi. Khi nhìn thấy Lào, Thái Lan như nhà của mình, mọi thứ đều quen thuộc hết thì mình mới nghĩ rằng: mình dành nhiều thời gian để đi như vậy, cuối cùng mình để lại cái gì cho cuộc đời này?
Suy nghĩ này tình cờ xuất hiện khi mình đang nằm trên đỉnh núi. “À, nếu như mình có thể tạo một tác phẩm gì đó mà mình có thể sờ được, mọi người có thể nhìn ngắm được thì nó lại thích hơn là mình cứ đi chơi rồi kể trải nghiệm của mình cho người khác nghe, và người ta không thể thấy được.”
Và khi đã nghĩ vậy rồi thì mình không còn học với tâm lý phải có cái nghề nữa, mà nghiêm túc để có thể làm được những thứ của riêng mình. Khi về nhà, mình đã tự mày mò một thể loại khác, đó là anime.
Ở nhà xưởng, công việc đầu tiên là sales - bán sản phẩm điêu khắc gỗ tại các hội chợ. Sau đó học về content để làm marketing, cuối cùng mới tới điêu khắc. Bên cạnh học điêu khắc, mình vẫn tiếp tục hai công việc kia. Mình thấy việc học những kỹ năng đó là cần thiết, nhưng cũng không ngờ đến một ngày mình phải dùng tất cả những thứ mình đã học.
Mình dành nhiều thời gian để đi như vậy, cuối cùng mình để lại cái gì cho cuộc đời này?
Kết hợp nghệ thuật điêu khắc gỗ và manga/anime quả là một ý tưởng khác biệt, đúng chất “Gen Z” khi có thể làm mới được loại hình nghệ thuật truyền thống bị nhiều người xem là nhàm chán. Ý tưởng ấy đến với Duy như thế nào, và khi nào thì nó bắt đầu trở nên “viral” trên mạng xã hội?
Lúc bắt đầu học nghề, mình chỉ làm những bức tranh 3D (tranh hoa trái đồng quê, chân dung người) chứ không muốn học điêu khắc tượng vì học tượng phải cưa gỗ. Làm tranh thì chỉ cầm đục - nhẹ nhàng hơn nhiều. Khi có quyết định theo nghề nghiêm túc, mình muốn “đổi gió” qua việc làm tượng. Nhưng thay vì học từ các anh thợ trong xưởng, mình tự dạy mình - tự tưởng tượng cấu trúc 3D, tự mang miếng gỗ vào trong bếp và tự đục.
Mình làm vậy là vì thấy bản thân có xu hướng “anti-school” - tức mình sẽ không tiếp thu được nếu có người dạy, nhưng khi tự tìm tòi thì mình lại làm rất nhanh. Điều này sẽ không theo đúng nguyên tắc nhưng mình sẽ cố gắng bằng mọi cách để đạt được mục tiêu và thứ mình muốn.
Mình bắt đầu làm những con vật nhỏ nhỏ, rồi đến con chim, con nai và cuối cùng cho ra được con Goku. Chụp lại đăng lên facebook thì được đến hơn 200 likes, trong khi trước đó đăng post nào cũng chỉ được mấy chục lượt thích. Khi đó mình tự nhủ rằng đã tạo ra được cái gì đó khiến mọi người thích rồi. Tiếp theo là chuyển qua làm những thứ hiện đại hơn. Thay vì làm tượng Phật, làm động vật, chim chóc, hoa lá thì mình thử làm những nhân vật “dễ dàng” xíu - như Iron Man.
Song song với việc học điêu khắc, mình vẫn mày mò content, marketing vì lúc đó đang quản mảng marketing cho xưởng Nghệ Thuật Âu Lạc của ba. Mức lương khởi điểm là khoản phụ cấp nhỏ của ba và tiền tiêu xài xin từ mẹ, nên sau 1 năm mình để dành ra được 12 triệu. Thế là mua chiếc máy ảnh để tập tành làm những video Youtube đầu tiên.
Khi có máy ảnh mới rồi, bên cạnh việc quay các anh thợ trong xưởng làm thì mình tự quay chính mình đang điêu khắc. Lúc đó cũng chưa đủ tự tin để đăng tải clip mình làm vì mới chỉ theo nghề được hơn 2 năm, sản phẩm làm ra còn nhiều sai sót.
Nhưng đến ngày không còn clip đăng lên kênh nữa, mình mới lấy clip của bản thân đăng thử - đó là video quay cảnh mình làm Iron Man. Nhìn thấy clip được vài trăm nghìn view, mình nhận ra “A, người ta vẫn thích và đón nhận những gì mình làm dù mình chưa đủ trình”. Thế là làm clip về quá trình điêu khắc nhân vật Goku trưởng thành, một phát được 7 triệu view!
Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời. Kiểu trước đó bạn nghĩ mình không hề biết thứ gì, nhưng khi được công nhận rồi tự dưng thấy bản thân “biết” rất nhiều thứ. Cảm giác như “muốn bùng cháy” á. Thế là mình tiếp tục làm ra nhiều nhân vật anime khác.
Quyết định chuyển hướng sang điêu khắc tượng anime, vậy có phải Duy là “fan cứng” của truyện tranh, hoạt hình Nhật Bản?
Thực ra mình không phải là một fan anime chính hiệu đâu. Mình chỉ là fan của Bảy Viên Ngọc Rồng thôi, vì đây là bộ đầu tiên và duy nhất mình đọc hết. Lúc nhỏ ở quê, truyện tranh với mình chỉ có Cô Tiên Xanh, còn những truyện khác thì rất xa xỉ. May thay, một ông anh nhà giàu trong xóm mua được quyển manga rồi cho thuê, mà chỉ cho các anh cấp 3 thuê thôi nhé, giá thuê 1 quyển 500 đồng. Vô tình mình lại chơi rất thân với một anh đang thuê cuốn truyện đó, thế là qua đọc ké.
Tập đầu tiên mình đọc lại là tập cuối của bộ, rồi thì lâu lâu mới có duyên gặp được tập khác để đọc. Từ lớp 1 mà mãi đến lớp 5 mình mới đọc xong. Mình luôn phải đi mượn hoặc tìm ở đâu đó, cũng không có tiền để đi thuê. Có một thời kỳ lại thích vẽ nữa nên mình cứ lật cuốn truyện ra, xong chọn một trang và vẽ đầy thành quyển tập. Mọi người thường có quyển nhật ký, lưu bút, còn mình có tuyển tập tranh vẽ Bảy Viên Ngọc Rồng.
Khi nghĩ lại thì thấy nó rất dễ thương. Vì một bộ truyện nào đó theo mình từ nhỏ cho đến lớn, từ lúc chưa vẽ ra trò trống gì rồi trở thành cái gắn liền với công việc. Từ trò chơi mà thành sự nghiệp. Goku là cảm hứng, chất xúc tác khiến mình cảm thấy vui trong những việc mình làm.
Nhân vật Goku nhỏ là thứ mình thử nghiệm và được mọi người yêu thích trên Facebook, còn phiên bản trưởng thành lại giúp kênh của mình viral. Cảm giác như những nhân vật anime ấu thơ luôn song hành và xuất hiện để cổ vũ mình.
Quá trình điêu khắc một nhân vật manga/anime sẽ trải qua những bước nào? Đâu là công đoạn khó khăn nhất với Duy?
Mình không có quy trình nào hết. Chỉ là khi làm một nhân vật, mình phải biết cái hồn và nét chính nhân vật nằm ở đâu. Cũng như nếu giao cho bản thân làm tượng Phật, mình làm không đẹp được vì không thể hiện được khuôn mặt phúc hậu, đầy đặn. Cũng như một người chuyên làm tượng Phật được giao làm anime thì làm Goku sẽ không ra nét của nhân vật đó.
Đầu tiên sẽ là quyết định mẫu mình muốn làm, hoặc mình tự vẽ mẫu của mình, phác thảo dáng cơ bản. Nhanh hơn là in ra mẫu rồi dán lên làm luôn. Để làm vậy, trước đó mình phải nắm bắt được xu hướng, thường đến từ việc tự cảm nhận và kinh nghiệm “nằm vùng” các group anime, hay đề xuất từ Youtube. Hoặc có những lúc thấy không có gì mới, mình sẽ phải tự cập nhật. Chẳng hạn gần đây là Titan thuỷ tổ - trực giác mách bảo mình rằng nhân vật này sẽ rất viral.
Về phần điêu khắc, sau khi tạo dáng ban đầu xong và thấy tỉ lệ các phần cơ thể hợp lý thì bắt tay vào làm chi tiết - gương mặt, ngón tay, bắp tay, áo quần. Với mình, công đoạn khó nhất là phá dáng. Khó thứ hai là thể hiện khuôn mặt của nhân vật. Phá dáng phải chuẩn, mặt phải rất giống như trong anime, manga. Nếu chệch đi một chút là thành nhân vật khác luôn.
Vậy thông thường để tạo ra một tác phẩm sẽ mất bao nhiêu thời gian?
Thường mình mất tầm 1 đến 3 ngày để chọn hoặc vẽ mẫu. Với một tượng thì mất tầm 20-30 ngày để điêu khắc. Với các tác phẩm phức tạp (cảnh đánh nhau của nhân vật) thì mất hơn 1 tháng. Tượng nhỏ thì chỉ tầm 2-3 ngày là xong nhưng mình hay tập trung vào tác phẩm lớn - những sản phẩm được đăng trên Youtube.
Trong số các tác phẩm điêu khắc manga/anime đã thực hiện, tác phẩm nào Duy cảm thấy tâm đắc nhất?
Thực ra là không có cái nào cả. Mỗi tác phẩm mình làm ra đều gắn với một thời điểm nhất định. Mình không phải fan cuồng anime, manga, khi làm thì cứ tìm hiểu nhân vật rồi cảm thấy thích thú. Và sự yêu thích nhân vật này thì không như sự yêu thích nhân vật khác, tương tự với tác phẩm. Mỗi tác phẩm điêu khắc đều có ý thích riêng của mình, có ấn tượng riêng, có câu chuyện riêng.
Được biết tham gia chế tác không chỉ có Duy mà còn có nhiều đàn anh trong xưởng. Làm thế nào để thuyết phục được các anh thợ lớn tuổi tại Gỗ nghệ thuật Âu Lạc “chịu” điêu khắc các nhân vật hoạt hình?
Trong xưởng của mình người lớn nhất ở độ tuổi 40, là học trò đầu tiên của ba mình. Còn lại thì các anh thợ ở độ tuổi 30-35.
Lần đầu khi đem thành phẩm tượng anime ra khoe, mọi người nhìn rồi trầm trồ khen dễ thương. Kiểu trong họ cảm thấy có làn gió mới thổi qua tâm hồn “khô cằn” thường ngày vậy (cười). Mọi người rất thích, vì họ vốn nghĩ điêu khắc chỉ có tượng Phật, những thứ rất trang nghiêm, tự dưng có một thằng đục con Goku, xong đem ra xưởng, thấy ngộ ngộ, hề hề.
Ban đầu việc điêu khắc tượng anime hay tác phẩm anime, manga phức tạp chỉ do một vài anh thợ lành nghề tham gia làm, họ cũng khá dễ chịu. Mình sẽ biết đặc trưng của nhân vật như thế nào và yêu cầu họ sửa theo những cái đó. Khó ở đây chính là việc không quen khi đứng trước ống kính. Lần đầu mình mang máy đi quay, các anh cũng không thấy thoải mái. Nhưng quen rồi thì khi thấy máy quay, các anh vẫn có thể diễn được.
Cuối tháng 5 vừa qua, các fan One Piece Sài Gòn vô cùng háo hức với sự ra đời của quán cà phê chủ đề One Piece “Trênboong Concept”. Trong đó, nổi bật có hai tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam là họa sĩ Việt Mỹ, còn lại chính là tượng Gol D. Roger nguyên khối cao 2m của Nghệ Nhân Âu Lạc. Duy có thể chia sẻ một chút về quá trình tạo nên tác phẩm điêu khắc này?
Chủ quán Trênboong Concept có ý tưởng trưng bày những tác phẩm của các artist trẻ nên mời mình, sau khi xem qua kênh Youtube. Bạn đề nghị đúng hôm mình vào Sài Gòn nên hai bên đã gặp nhau, chốt và làm thôi!
Trong vòng 1 tháng mình phải huy động thợ làm để bạn kịp khai trương. Bạn chủ đề xuất làm Roger, cũng gửi mẫu, mình chỉ vẽ lại cho rõ hơn. Mình vẽ ký họa mẫu trên giấy, thể hiện rõ ra nhân vật phải ngồi ra sao, dáng thế thế nào rồi cùng thợ bắt tay làm thôi.
Từ những thành công bước đầu khi góp phần truyền bá điêu khắc gỗ của Việt Nam đến nhiều người, Duy nghĩ như thế nào về tiềm năng đưa những nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đến gần hơn với các bạn trẻ? Điều cốt lõi cần làm ở đây là gì?
Ở đây Kilala muốn hỏi về khía cạnh như một bộ môn để trải nghiệm hay về sự tồn tại của nghề điêu khắc? Nếu là về trải nghiệm, mình nghĩ điêu khắc là một thứ có thể tiếp cận dễ dàng như làm gốm, origami... Đó là điều mình hy vọng tương lai sẽ làm được qua Hata Daily. Mình chưa biết làm sao để tạo ra trào lưu cho các bạn tìm về điêu khắc và hiện tại cũng đang tìm cách để truyền thông về nó.
Còn nếu nói về việc tiếp cận điêu khắc gỗ như một cái nghề thì từng có một phóng viên khác hỏi mình về việc có nên khuyến khích các bạn theo nghề điêu khắc hay không. Mình sẽ nói là “Không”. Nghề này rất cực, chưa chắc mang lại nguồn thu nhập tốt, lại đòi hỏi phải học và luyện tập rất chăm, phải cống hiến rất nhiều năm để có tay nghề thật sự cao. Thậm chí chưa chắc các bạn đã tạo ra sản phẩm đẹp, có người mua nữa. Nên về khía cạnh truyền cảm hứng thì mình không muốn giới thiệu về nghề lắm, trừ khi các bạn trẻ thực sự muốn cống hiến, muốn dấn thân.
So với ngày xưa, bây giờ có rất nhiều công việc để lựa chọn, không như ở quê không có gì làm phải theo cái nghề. Nên Gen Z hiện tại có kiên nhẫn để theo đuổi, để học nghề không, mình nghĩ rất khó. Khoá của mình ban đầu có 15 người, nhưng hiện tại chỉ khoảng 5 người. Những bạn trẻ này chọn điêu khắc không phải vì yêu thích, mà vì do không đậu cấp 3 hay không muốn học cấp 3 nên chọn học nghề.
Thay vì vào thành phố lớn mưu sinh thì ở quê các bạn học điêu khắc. Nhưng một thời gian sau, phân nửa số đó thấy mình không có khả năng, không có thiên hướng nghệ thuật, không năng khiếu thì không theo nổi nữa. Lý do khác là khi làm xong khó đạt được thu nhập mong muốn.
Ba mình hiện tại cũng không trực tiếp điêu khắc được 15 năm. Thời điểm ban đầu lập nghiệp ông cũng tự tay điêu khắc tác phẩm và dành thời gian đào tạo nghề cho thanh niên trong làng. Sau này khi đã có đội ngũ thợ lành nghề rồi thì ông dành hẳn thời gian cho sáng tác, ra ý tưởng tác phẩm và điều hành kinh doanh.
Thu nhập chính của mình hiện nay cũng đến từ kinh doanh. Mình không bán tác phẩm do mình làm ra. Mình chỉ làm đúng một tượng để trưng bày, còn nếu khách thích sản phẩm đó, họ phải đặt lại cùng mẫu và sẽ do thợ khác trong xưởng làm. Mình điêu khắc là do đam mê - tạo ra chính tác phẩm cho mình. Thời điểm làm nghề được 2-3 năm, mình còn không biết bao giờ có thể làm được ra tiền luôn. Nhưng đùng phát Ông Trời kêu làm Youtuber!
Theo thông tin từ kênh TikTok, Nghệ Nhân Âu Lạc có mở lớp cùng Hata Daily nhằm giúp các bạn trẻ có một trải nghiệm thật vui khi tự tay làm những tác phẩm điêu khắc nhỏ xinh. Vậy hoạt động cụ thể của lớp học này là gì?
Các hoạt động của Hata Daily được thực hiện ở khu nhà vườn trước xưởng gỗ của mình. Mình cho nhân viên marketing của xưởng qua làm TikTok, cũng như cho họ trải nghiệm nghề luôn - đúng nghĩa người chưa biết gì về nghề trải nghiệm làm điêu khắc.
Bọn mình hầu hết mới chỉ làm nội bộ, các bạn ở quê cũng tham gia nhiều, tác phẩm đầu tay của các bạn cũng ổn, trong vòng 2-3 tiếng là ra thành phẩm rồi. Nam nữ có, con nít học lớp 3-4 cũng hào hứng tham gia. Thường sau hoạt động, các bạn cũng hiểu sự khắc nghiệt của nghề khi đã có thành phẩm trên tay. Họ cũng hiểu làm không dễ như đã nghĩ.
Duy có thể chia sẻ với độc giả về các dự án sắp tới của mình?
Giờ mình chỉ muốn phát triển Hata Daily hơn ở dạng tour trải nghiệm về điêu khắc gỗ. Còn mô hình, tượng thì mình không biết. Vì dù đã chuẩn bị trước mẫu, đến thời khắc làm thì mình mới suy nghĩ, do vấn đề nắm bắt trend thôi.
Hỏi vui một chút, nếu dùng một nhân vật manga/anime để mô tả về bạn, thì đó là nhân vật nào?
Đó là Krillin đầu trọc trong Bảy Viên Ngọc Rồng, bạn thân của Goku. Vì nhân vật này chỉ là một người bình thường đến từ Trái Đất, sau quá trình tập chưởng có được Kamehameha chiến đấu làm bá chủ, không như Goku sinh ra đã có sẵn siêu năng lực. Mình cũng cũng có những người bạn như Goku, cũng có “siêu năng lực” để “bảo kê” cho mình. Mình chưa điêu khắc nhân vật này, vì Krillin không có nhiều fan lắm!
Chân thành cảm ơn Duy đã nhận lời mời phỏng vấn với Kilala. Chúc cho các dự án của Duy sẽ ngày càng lan tỏa đến nhiều người hơn!
kilala.vn