Cựu Yakuza trở thành tiểu thuyết gia sau khi ra tù

Bài: NatsumeNov 16, 2021

Ở tuổi 44, người đàn ông từng “ngang dọc giang hồ” bắt đầu hành trình hòa nhập với thế giới bên ngoài. Và anh đã quyết định viết một cuốn sách dựa trên những trải nghiệm của bản thân mình. Cuốn sách gần đây cũng đã được chuyển thể thành series phim truyền hình cùng tên phát sóng trên đài TV Asahi.

Cuốn tiểu thuyết “Mushoboke” được xuất bản bởi Shogakukan Inc. Ngay từ khi xuất bản, cuốn sách đã gây được sự tò mò với độc giả vì câu chuyện được dựa trên những trải nghiệm của tác giả - cựu Yakuza Garyo Okita, 45 tuổi, người đã ở trong tù 14 năm.

yakuza

Tác giả Garyo Okia. Ảnh: Mainichi

Câu chuyện trong Mushoboke bắt đầu khi nhân vật chính – Sosuke Jinnai tốt nghiệp trung học cơ sở. Thay vì học tiếp, Jinnai lại quyết định bỏ học và chuyển từ băng nhóm đua xe sang tham gia vào băng nhóm tội phạm có tổ chức. Thời gian dần trôi, cậu thiếu niên Sosuke Jinnai đã trở thành một người đàn ông có gia đình. Ngày nọ, Jinnai nói với vợ rằng anh có “một công việc lớn cần phải thực hiện” và theo mệnh lệnh của ông trùm, Jinnai tiến hành ám sát người đứng đầu băng đảng đối thủ. Để thực hiện điều này, Jinnai được hứa hẹn nhận 50 triệu yên (khoảng gần 10 tỷ đồng) và một vị trí cao trong tổ chức.

yakuza

Ảnh: Yahoo Jp

Khi bị bắt, Jinnai đã bị buộc tội cố gắng giết người và chịu án tù 14 năm. Ngay lập tức, anh bị trục xuất khỏi băng đảng và đồng thời, vợ của Jinnai cũng yêu cầu ly hôn. 14 năm trôi qua, Jinnai đã mãn hạn tù. Lần đầu tiên anh được cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh và hai đứa con của anh giờ đây đã 18 và 21 tuổi.

Sau khi ra tù, Jinnai bắt đầu kiếm việc làm để trang trải cuộc sống. Anh đến công ty nội thất do một cựu lãnh đạo của tổ chức điều hành và yêu cầu một công việc để bù đắp lại những gì Jinnai đã hi sinh cho tổ chức. Sau phản ứng khó chịu ban đầu, ông chủ cũ cũng chấp nhận và Jinnai bắt đầu làm việc tại công ty nội thất. Anh làm việc chăm chỉ với mức lương 8.500 yên (khoảng 1.680.000 đồng) mỗi ngày trong khi chịu sự cô lập của xã hội. “Dù chịu những sự kì thị thì bạn vẫn phải làm việc, thất nghiệp ở độ tuổi 40 thật đáng sợ. Ngay cả một cựu sát thủ cũng có cuộc sống và gia đình nên chúng tôi phải cố gắng bắt đầu lại từ đầu. Không lãng mạn hóa câu chuyện, tôi chỉ muốn miêu tả những khó khăn khi một Yakuza sống và tồn tại sau khi ra tù”, tác giả Garyo Okita chia sẻ.

yakuza

Sosuke Jinnai (phải) do Yukiya Kitamura thể hiện, Itsuji Itao (trái) thủ vai một cai ngục. Ảnh: Yahoo Jp

Okita đến từ thành phố Amagasaki của tỉnh Hyogo, phía tây Nhật Bản. Giống như Jinnai, anh gia nhập một tổ chức địa phương thuộc nhóm Yakuza Yamaguchi-gumi khi mới 16 tuổi. Trong thời gian anh bị giam giữ, nhóm đã giải thể. Trong tiểu thuyết có tình tiết Jinnai say mê với kẹo KitKat, điều này cũng dựa trên trải nghiệm của Okita. Vào khoảng thời gian anh 30 tuổi và trải qua đêm giao thừa trong tù, một người quản giáo đã phát sôcôla KitKat. Đó là một sự đãi ngộ đặc biệt, không giống như những thứ thường được phân phát trong nhà tù. Một số tù nhân đã ngạc nhiên đến mức hoài nghi. Okita cười và nói: "Ở trong đó, chúng tôi hạnh phúc ngay từ những điều nhỏ bé giản dị”.

yakuza

Ảnh: Natively

Niềm đam mê viết lách đến với Okita ở tuổi 25, anh đã khóc khi đọc cuốn tiểu thuyết Poppoya của Jiro Asada trong tù. Điều đó đã khiến anh mong muốn trở thành một tiểu thuyết gia có thể lan tỏa cảm xúc đến mọi người. Okita chọn cách chép tiểu thuyết để rèn luyện khả năng viết của mình. Có những ngày anh viết suốt 13 tiếng. Để đảm bảo không lãng phí giấy, Okita giảm kích thước chữ viết của mình hết mức có thể, thay vì lượng chữ đó sẽ khoảng 3 dòng thì giờ đây được nằm trên 1 dòng.

Sau khi ra tù, Okita bắt đầu xuất bản các tác phẩm do mình tự viết, Mushoboke là tác phẩm thứ 12 của anh và cũng được chuyển thể thành phim truyền hình, phát sóng trên Asahi Television và các đài khác vào tháng 10 vừa qua.

yakuza

Yakuza đang dần mất vị thế tại Nhật. Ảnh: qz

Trong nhiều năm gần đây, chính phủ Nhật bắt đầu những cuộc đàn áp nhắm vào các băng nhóm tội phạm khiến số lượng của những Yakuza giảm mạnh. Vào cuối năm 2011, có khoảng 73.000 thành viên, nhưng đến cuối năm 2020, số thành viên đã giảm xuống còn khoảng 25.900 người. Nhưng không phải tất cả những người rời khỏi tổ chức đều đã có thể tái hòa nhập xã hội. Những vụ bắt giữ trong quá khứ của họ có thể được biết đến từ các hồ sơ trực tuyến, khiến họ bị những người xung quanh xa lánh. Đồng thời, họ cũng không có kinh nghiệm làm việc, có nhiều người ngay cả khi tìm được công việc cũng vẫn phải khó khăn để giữ được.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU