Cựu cảnh sát Nhật: “Tôi tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự tại Việt Nam!”
Bài: Rin
May 27, 2022
Ảnh: NVCC
Đã bao giờ bạn hoài nghi cuộc sống hiện tại có thật sự là điều bản thân mong ước, liệu bạn đã sống vì chính mình hay chỉ đang sống vì những người xung quanh? Đó là những trăn trở của anh Kaneya Manabu trước khi quyết định từ chức Trưởng phòng hình sự tỉnh Saitama ở tuổi 35 và chuyển đến Việt Nam sinh sống vào năm 2016, trong sự ngỡ ngàng của cha mẹ lẫn đồng nghiệp.
Từ bỏ công việc cảnh sát sau 9 năm, anh Kaneya Manabu đã tay trắng rời Nhật để đến với Thủ đô Hà Nội. Vì “Manabu” trong tiếng Nhật có nghĩa là “Học”, anh đã chọn cái tên Việt dễ thương này khi sống ở Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Học đã gắn bó với dải đất hình chữ S được gần 6 năm, nhận tấm bằng Thạc sỹ ngành Việt Nam học và được mọi người biết đến qua kênh Youtube HOCTV, chuyên cung cấp các bài giảng tiếng Nhật cho người Việt với hơn 75K lượt đăng ký.
Anh bắt đầu hành trình với tiếng Việt vào năm 2011, khi được đơn vị phân công đi học theo chương trình đặc biệt để phục vụ việc phá án. Là một cảnh sát chuyên phụ trách các vụ việc liên quan đến tội phạm người Việt ở Nhật, hẳn từng chứng kiến không ít mặt tối, điều gì khiến anh vẫn “một lòng một dạ” quyết tâm định cư tại Việt Nam?
Vừa qua, Kilala đã có dịp trò chuyện với anh Học để hiểu rõ hơn về hành trình “kỳ lạ” này, và nghe anh chia sẻ một số lời khuyên đúc kết được trong thời gian điều tra các vụ án của người Việt tại Nhật.
Chào anh Học! Cơ duyên nào khiến anh quyết định nghỉ công việc cảnh sát và rời quê hương Nhật Bản đến Việt Nam?
Vào năm 2011, khi vừa làm cảnh sát tại Nhật, vừa học tiếng Việt theo chỉ định của đơn vị, tôi đã có dịp du lịch đến Việt Nam lần đầu tiên. Tôi thật sự cảm động khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh lúc ấy, và thấy rằng Việt Nam là một đất nước quá tuyệt vời. Người Việt thân thiện, món ăn lại ngon, dân số trẻ và tỏa ra nguồn năng lượng rất tích cực. Kể từ đó trở đi, du lịch Việt Nam hằng năm đã trở thành sở thích của tôi.
Điều khiến tôi nảy ra ý định nghỉ công việc cảnh sát và chuyển đến sống tại Việt Nam là nhờ một lần tình cờ được cử đi tham gia chương trình học ngắn hạn tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2012. Khoảng thời gian du học Việt Nam một tháng khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó có lẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi.
Sau khi khóa học kết thúc, tôi cảm thấy “vẫn chưa muốn quay trở lại Nhật”. Do vậy, vào thời điểm đó, tôi hạ quyết tâm nhất định sẽ quay trở lại đây một ngày nào đó, và chuyển đến sống ở Việt Nam trở thành ước mơ của tôi.
Nhưng bản thân từng là cựu cảnh sát xử lý các vụ án liên quan đến người Việt, chứng kiến mặt tối của người Việt tại Nhật, những điều này không ảnh hưởng đến cái nhìn của anh về Việt Nam sao?
Phạm tội là một điều xấu và nó sẽ chẳng thay đổi dù là người Nhật hay người Việt. Bất kỳ ai cũng có thể phạm sai lầm. Tôi không có ác cảm với người Việt, bởi miễn những người phạm sai lầm chuộc lại tội lỗi của họ theo quy định pháp luật và tự kiểm điểm bản thân là được.
Thêm nữa, hầu hết các tội mà người Việt phạm phải tại Nhật thường là bỏ trốn hay trộm cắp, mà không nhiều tội phạm nguy hiểm. Trong khoảng thời gian điều tra nguyên nhân tại sao ngày càng có nhiều người Việt phạm tội tại Nhật, tôi nhận ra rằng có rất nhiều lý do, chẳng hạn như gặp rắc rối trong vấn đề trả nợ cho công ty môi giới hay bị đối xử một cách thô bạo tại chỗ làm.
Nhưng đâu thể nào nói cứ có lý do thì sẽ phạm tội được đúng không nào? Nếu không giải quyết nguyên nhân thì vấn đề mãi vẫn không thể xử lý tận gốc được. Do vậy, thay vì cảm thấy không thích người Việt, tôi muốn làm điều gì đó giúp ích cho Việt Nam.
Vậy với kinh nghiệm xử lý nhiều vụ án liên quan đến người Việt tại Nhật, anh nghĩ người Việt có ý định sang Nhật du học và làm việc cần chuẩn bị những kiến thức gì để tránh vi phạm pháp luật?
Có lẽ nhiều người Việt cho rằng bỏ trốn hay ăn cắp vặt là chuyện bình thường, nhưng tôi muốn cho các bạn biết đó là một sai lầm rất lớn.
Tại Nhật Bản, tội ăn cắp vặt có thể bị phạt đến 10 năm tù hoặc 500.000 yên trở lên, còn tội bỏ trốn cũng dẫn tới hậu quả bị phạt tù đến 3 năm hoặc khoản phạt đến 3 triệu yên, cùng với đó là khả năng bị trục xuất về nước. Và một khi đã có lịch sử phạm tội, bạn cũng rất khó quay trở lại Nhật Bản sau này.
Còn nếu một thực tập sinh bỏ trốn thành công khỏi chỗ làm, họ cũng dễ rơi vào cảnh không thể sử dụng bảo hiểm nên không đến bệnh viện được. Khi đi mua sắm, họ vẫn có khả năng gặp phải cảnh sát nên việc bản thân được tự do đi lại cũng trở thành điều không thể.
Đối với việc trộm cắp, vì những cửa hàng đều lắp đặt sẵn camera an ninh nên sau khi thực hiện hành vi sai trái, bạn cũng dễ trở nên bất an bởi không biết khi nào cảnh sát sẽ ập tới. Tại Nhật, dù chỉ lấy trộm một quả táo thì vẫn có thể bị bắt.
Thậm chí, dù có ăn trộm thành công và trở về nhà thì cảnh sát vẫn luôn truy tìm thủ phạm. Nói cách khác, mặc cho chỉ mắc một tội nhỏ, khả năng trở thành tội phạm ở Nhật cũng rất cao.
Nếu biết được những điều trên, tôi nghĩ rằng dẫu cho ai đó có rủ rê phạm tội, một người cũng sẽ đủ tỉnh táo để từ chối. Bởi nếu sống trong tâm trạng luôn bất an tại xứ người thì quả thật là không hạnh phúc, không vui vẻ chút nào. Vì thế, tôi mong các bạn hãy trân trọng tương lai của chính mình.
Vậy nói một chút về hành trình học tiếng Việt của anh nhé. Vì sao anh lại quyết định lấy bằng Thạc sĩ ngành Việt Nam học? Quá trình học tập và bảo vệ luận văn của anh đã gặp phải những khó khăn gì?
Lý do quan trọng nhất là vì tôi muốn sử dụng tiếng Việt thuần thục hơn. Ngoài ra tôi cũng hứng thú với nhiều điều về nước Việt chẳng hạn như văn hóa, các nhóm dân tộc, tôn giáo, kinh tế và địa lý nên tôi đã quyết định chuyển sang Việt Nam sống và ngay lập tức đăng ký học lên thạc sĩ.
Vì vừa học vừa làm, các buổi học thường tập trung vào cuối tuần hoặc buổi tối nên nói gì thì nói, tôi cũng không có nhiều thời gian lắm. Khó khăn nữa là tất cả các bài học đều bằng tiếng Việt ở trình độ khá cao so với tôi nên rất khó để theo kịp bài. Luận văn tuy cũng thử thách nhưng nhờ có sự giúp đỡ của giảng viên và bạn bè, tôi đã có thể an toàn vượt qua.
Người Việt Nam có câu “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng liệu với anh, ngữ pháp có phải là thử thách khó khăn nhất khi học tiếng Việt? Hay đó là từ vựng, phát âm...?
Nếu hỏi mười người Nhật đang học tiếng Việt, tôi nghĩ rằng tất cả họ đều sẽ trả lời rằng “phát âm là phần khó nhất”. Nhiều người Nhật từ bỏ việc học tiếng Việt vì phát âm quá khó. Còn ngữ pháp thì không quá thử thách với tôi.
Kênh Youtube HOCTV do anh Manabu sáng lập khá nổi tiếng với cộng đồng người Việt học tiếng Nhật, khi đã đạt được hơn 75K lượt đăng ký. Việc phát triển HOCTV có ý nghĩa như thế nào với anh? Sắp tới, anh có dự định gì với kênh?
Tôi rất hạnh phúc khi có nhiều người xem kênh HOCTV. Việc càng có nhiều người xem chứng tỏ rằng càng nhiều người Việt dành sự yêu mến cho Nhật Bản. Chứng kiến tín hiệu tích cực trên cùng việc nhiều người cảm thấy vui vẻ hơn sau khi xem kênh đã trở thành động lực để tôi tiếp tục phát triển HOCTV.
Trong năm nay, kênh đã đạt được thêm 10.000 lượt người đăng ký. Vì mong nhận được nút bạc của Youtube (cười), nên trong tương lai, tôi muốn xây dựng HOCTV trở thành một nơi mà mọi người có thể tương tác với nhau và cùng học tiếng Nhật.
Thông qua một nền tảng như vậy, tôi muốn giải quyết những vấn đề mà người học tiếng Nhật chưa giỏi thường gặp phải. Nếu nhờ đó mà mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản dần trở nên tốt đẹp hơn thì thật tuyệt phải không nào!
Khác với tiếng Việt thuộc hệ chữ cái La tinh, tiếng Nhật lại thuộc ngôn ngữ tượng hình với ba bảng chữ cái, trong đó, Hán tự luôn là thử thách với nhiều người học tiếng Nhật. Với kinh nghiệm dạy tiếng Nhật cho người Việt, anh có thể chia sẻ một số bí quyết để chinh phục tiếng Nhật?
Vào thời xưa, Việt Nam từng sử dụng chữ Hán. Do vậy, trong tiếng Việt, có một số lượng lớn từ loại gọi là “Hán – Việt” mang nguồn gốc là Hán tự như trong tiếng Nhật. Ví dụ như từ “Chú ý” cũng đọc là “注意 – Chuu i” trong tiếng Nhật, như vậy, có thể thấy nghĩa và cách đọc của từ “Chú ý” trong tiếng Việt khá giống với tiếng Nhật.
Trong khoảng thời gian học Thạc sĩ, tôi đã nghiên cứu về Hán – Việt và khám phá ra có rất nhiều từ Hán – Việt có nghĩa giống với tiếng Nhật. Chẳng hạn như:
- “Cô độc” trong tiếng Việt, cũng là “孤独 – CÔ ĐỘC – Kodoku” trong tiếng Nhật.
- “Kỳ vọng” là “希望 – KỲ VỌNG – Kibou”.
- “Lễ nghi” là “礼儀 – LỄ NGHI – Reigi”.
Cuối cùng, nhìn lại 5 năm sống ở Việt Nam, anh cảm thấy như thế nào?
Đến bây giờ, tôi chưa từng nghĩ sẽ quay trở về Nhật mà ngược lại, càng ngày càng muốn sống mãi ở Việt Nam. Mặc dù kể từ khi chuyển đến đây, tôi đã gặp khá nhiều khó khăn, có lần bị người ta thất hứa, bùng lương hay bị lừa nữa. Nhưng luôn có rất nhiều người Việt tốt bụng giúp đỡ, vì vậy tôi vẫn muốn tiếp tục gắn bó dài lâu với Việt Nam.
Chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ cùng Kilala!
kilala.vn