Câu chuyện về người phụ nữ bán hoa dạo cuối cùng ở Ginza

Bài: Rin
Nov 15, 2022

Nguồn: Asahi

Giữa phố Ginza xa hoa bậc nhất của Nhật Bản, hình ảnh một người phụ nữ bình dị cầm những bó hoa hồng chào mời khách đã trở thành nguồn cảm hứng cho đạo diễn người Syria dựng nên một bộ phim tài liệu. 

Ngay từ khi còn bé, bà Yoshie Kimura đã bán hoa tươi ở quận Ginza để phụ giúp gia đình cùng vượt qua nạn đói, hậu quả do Thế chiến thứ hai để lại. Hiện tại, dù đã ở tuổi 80, bà vẫn khoác lên chiếc tạp dề, tay cầm những bó hoa hồng và mời người qua đường mua hoa. “Người phụ nữ bán hoa dạo cuối cùng ở Ginza” là biệt danh mà bà Kimura tự gọi mình, bởi cả cuộc đời bà đã luôn gắn bó với công việc ấy, ngay cả khi đại dịch COVID-19 ập tới. 

Công việc để sống sót qua thời hậu chiến

Sinh ra tại quận Minato, Tokyo trong Thế chiến thứ hai và lớn lên ở phường Taito, quận Asakusa, bà Yoshie Kimura là con út trong số ba chị em. Sau khi chiến tranh kết thúc, người dân ở Tokyo phải vật lộn vượt qua đống đổ nát do những trận không kích để lại, và gia đình bà cũng không ngoại lệ. Trong thời điểm khó khăn ấy, cuộc sống gia đình bà trải qua không ít biến cố. 

Yoshie Kimura
Bà Yoshie Kimura, người bán hoa dạo ở phường Chuo, quận Ginza, Tokyo. Ảnh: Asahi 

Bà Kimura hồi tưởng: “Cha tôi đã lừa dối mẹ và rời bỏ gia đình, vì vậy, mẹ con chúng tôi đã có khoảng thời gian rất vất vả để kiếm đủ thức ăn mỗi ngày. Tôi cùng chị cả bán hoa dạo với hy vọng giữ được miếng ăn cho cả nhà”. 

Vào thời hậu chiến, trẻ em làm công việc bán hoa khá phổ biến tại các khu mua sắm ở Tokyo như Ginza, Yurakucho và Shinbashi. Chứng kiến điều này, Haruo Oka, một ca sĩ trong thời Showa (1926 – 1989) ra mắt ca khúc “Tokyo no Hanauri Musume”, tạm dịch “Những cô bé bán hoa dạo ở Tokyo” vào năm 1946 và đã trở thành bản hit lúc bấy giờ. 

Trên ấn phẩm báo Tokyo buổi sáng của Asahi Shimbun phát hành vào ngày 13/11/1952, kết quả từ một cuộc khảo sát về tình hình của những đứa trẻ bán hoa dạo ghi nhận có một bé gái mới 4 tuổi đã bắt đầu làm công việc này. 

Bấy giờ, Kimura ở tuổi 13 và những người chị gái của bà đã hỏi thăm một người đang bán hoa dạo trên đường phố ở Ginza để nhờ giới thiệu việc làm. Bà Kimura đã làm công việc bán hoa quanh Ginza cho đến khi bước sang tuổi 20, sau đó, bà đã tập đánh máy bằng tiếng Anh và tìm được một công việc ở hiệu buôn.

Kết hôn vào năm 25 tuổi, bà Kimura đã có được ba đứa con. Sau khi hai vợ chồng bà ly dị cách đây hơn 40 năm, bà đã quay trở lại Ginza để làm công việc năm xưa. 

cô bé bán hoa ở Shinbashi
Cô bé bán hoa ở quận Shinbashi vào năm 1952. Ảnh: Asahi 

Kimura chia sẻ: “Từng có lần con gái tôi bảo mẹ đừng đi bán hoa dạo nữa và nói rằng nghề này xấu hổ làm sao. Tôi đã nói lại rằng con vào được cao đẳng bởi mẹ đã kiếm được thu nhập từ nghề này”. Sau khi những đứa con đã trưởng thành chuyển khỏi nhà, bà vẫn tiếp tục công việc tại các con đường ở Ginza. 

Bà bán từ 8 - 11 giờ tối mỗi ngày, trừ cuối tuần và những ngày lễ. Những khách hàng quen của bà là chủ quán bar, các câu lạc bộ đêm và nhân viên tại những nơi này. 

Mỗi bó hoa bà Kimura bán có giá dao động từ 1.000 yên đến 3.000 yên. Hơn nữa, vì biết rõ địa chỉ của khoảng 3.000 quán bar, nhà hàng và cửa hàng ở Ginza nên bà luôn sẵn lòng hướng dẫn du khách tìm đến địa chỉ họ muốn. Bà cho biết mỗi ngày bà đi bộ ít nhất 10.000 bước. 

Xem thêm: Sự thay đổi diện mạo bất ngờ của "phố hàng hiệu" Ginza

Công việc khá đặc biệt của bà Kimura đã được đạo diễn Syria Ammar Al-Beik chú ý đến trong một lần ông ghé thăm Tokyo. Ông đã gặp gỡ, trò chuyện và sản xuất một bộ phim tài liệu về bà với tựa đề “La Dolce Tokyo”. Mặc dù bộ phim đã được phát sóng ở Nhật, nhưng bà nói rằng mình chưa xem nó. 

Bà Kimura kể lại: “Ông ấy đã mua rất nhiều hoa của tôi và ghi lại cảnh tôi bán hoa ở Ginza. Khi quá trình ghi hình kết thúc, chúng tôi đã ôm nhau chào tạm biệt. Một khách hàng từng kể với tôi về bộ phim, nhưng tôi thì không quan tâm nhiều lắm”. 

Giữ nghề bất chấp đại dịch

Với bà Kimura, Ginza hoa lệ luôn phát triển vô cùng mạnh mẽ. Bà kể rằng từng nhìn thấy một chiếc xe Mercedes-Benz cỡ lớn màu trắng được buộc nơ đỏ đậu trước một câu lạc bộ có tiếp viên nữ (hostess club) nổi tiếng ở Ginza. Đó là món quà tặng cho bà chủ câu lạc bộ. Thế nhưng, sự sầm uất xa hoa đã thay đổi khi đại dịch ập tới. 

Ginza giữa đại dịch
Ginza giữa đại dịch vào năm 2020. Ảnh: reuters.com

Bà Kimura cho biết: “Chưa đến một nửa các nightclub còn hoạt động. Mỗi ngày, trong lúc đi bộ, tôi thường kiểm tra bảng hiệu xem liệu họ còn mở cửa không”.

Bản thân bà cũng đã tạm dừng công việc bán hoa trong hơn một tháng vì đại dịch. “Tôi yêu lao động nhưng việc ở nhà trong tình hình ấy là điều hữu ích nên làm. Tôi đã ăn tỏi và Umeboshi mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe. Mặc dù tôi có đi bộ quanh quận Ginza, nhưng thật may không bị nhiễm bệnh”, bà Kimura tâm sự.

Theo ước tính của bà, chỉ có một nửa khách hàng bình dân đã quay trở lại Ginza. Còn giám đốc các công ty hay những khách hàng quen giàu có khác thì vẫn chưa xuất hiện. 

Bà cũng khảng khái chia sẻ rằng miễn là mình còn có thể đứng thì vẫn tiếp tục công việc bán hoa. “Tôi yêu Ginza. Các quán bar và quán ăn cùng khách hàng ở quận Ginza đại diện cho sự phát triển của Nhật, chỉ cần nhìn họ là tôi đã thấy vui rồi. Công việc bán hoa dạo cũng cho phép tôi gặp khách hàng quen là những người chủ và nhân viên các câu lạc bộ", bà Kimura bày tỏ. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU