Asako Kitamura: Nữ nghệ nhân làm đèn Nebuta duy nhất của Nhật

Bài: Rin Aug 18, 2022

Là nữ nghệ nhân Nebuta duy nhất của xứ sở Phù Tang, Asako Kitamura đã cống hiến hết mình để tạo nên những chiếc đèn lồng Nebuta khổng lồ vô cùng tinh xảo, một phần không thể thiếu trong các lễ hội Nebuta Matsuri. 

Trong số những hình ảnh biểu tượng của mùa hè Nhật Bản, không thể thiếu đi các lễ hội văn hóa lung linh đầy màu sắc. Trong đó phải kể đến Lễ hội Nebuta truyền thống diễn ra vào các buổi tối của thượng tuần tháng 8 với điểm nhấn là những cỗ đèn lồng Nebuta xuất hiện trên các con đường của thành phố Aomori, tỉnh Aomori. 

"Nebuta - ねぶた" là được khiêng diễu hành qua các con phố trong những lễ hội mùa hè nhằm xua đuổi tà ma, dịch bệnh thường hoành hành vào mùa hè oi bức. Điều này xuất phát từ tục lệ "Nebuta Nagashi - ねぶた流し", thả các vật như tre, hình nộm búp bê, hoa đăng, thuyền bện bằng rơm xuống sông hoặc biển.
tác phẩm Nebuta năm 2022 của nghệ nhân Asako Kitamura
Tác phẩm đèn Nebuta năm 2022 của nghệ nhân Asako Kitamura. Ảnh: spoon-tamago.com

Những chiếc đèn lồng khổng lồ rực rỡ và tinh xảo ấy là tác phẩm được làm hoàn toàn thủ công bởi các nghệ nhân trong nhiều tháng liền. Cũng như nhiều nghề truyền thống khác đang dần bị mai một, số lượng nghệ nhân Nebuta cũng ngày càng ít dần. Hiện tại, ở Aomori chỉ còn 14 người được gọi là "Nebuta-shi - ねぶた師", tức chuyên gia về Nebuta. Và cô Asako Kitamura là một trong số đó.

Nữ nghệ nhân Nebuta đầu tiên

Sinh vào tháng 10/1982, Asako Kitamura là nữ chuyên gia Nebuta đầu tiên trong lịch sử của nghề thủ công truyền thống lâu đời này tại xứ sở hoa anh đào. Cô học nghề từ cha mình, ông Takashi Kitamura, thế hệ làm Nebuta thứ 6 của Nhật Bản với nhiều tác phẩm tiếng tăm. 

nghệ nhân Nebuta Asako Kitamura
Asako Kitamura, nữ nghệ nhân làm đèn Nebuta duy nhất của Nhật Bản. Ảnh: asako-kitamura.com

Vào năm 2007, khi ở tuổi 25, Asako quyết định nghiêm túc theo đuổi nghề sau khi chứng kiến tác phẩm “Thánh Đức Thái tử Shotoku” của cha mình chiến thắng giải thưởng danh giá nhất “Nebuta Taisho” và được truyền cảm hứng mãnh liệt từ đó. 

Đến năm 2012, Asako đã chính thức trở thành một nghệ nhân Nebuta dưới sự ghi nhận của Ban tổ chức Nebuta thành phố Aomori. Tác phẩm đầu tiên của cô mang tên “Takuroku no Tatakai” đã thu hút nhiều sự chú ý khi mang về cho Asako giải thưởng "Nghệ nhân xuất sắc nhất".

Cùng với tài năng hiếm có, Asako nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật trong nghề thủ công truyền thống Nebuta, xuất hiện trên nhiều đài truyền hình lớn của Nhật như Nippon TV, NHK, TBS và tiếp tục cống hiến cho những lễ hội truyền thống của đất nước Nhật Bản.

Quá trình hoàn thành một tác phẩm Nebuta 

Các cỗ đèn lồng đều được làm hoàn toàn thủ công và mất nhiều tháng liền để lắp đặt hoàn thiện. Theo dõi cách Asako tạo nên một chiếc lồng đèn Nebuta có thể thấy quá trình này được chia làm 5 công đoạn chính. 

Công đoạn 1: “骨組 – Honegumi” – Xây dựng bộ khung

Một số lượng lớn gỗ và dây thép được quấn với nhau vô cùng phức tạp để làm nên bộ khung. Nó không chỉ tạo nên hình dáng cuối cùng của đèn lồng, mà còn giúp lắp đặt hệ thống chiếu sáng bên trong. Thông thường, bộ khung được làm trong thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. 

công đoạn 1 xây dựng bộ khung
Xây dựng bộ khung cho đèn lồng. Ảnh: spoon-tamago.com

Công đoạn 2: “紙貼り – Kamihari” – Dán giấy lên khung 

Bước tiếp theo là bọc giấy cho bộ khung cũng tốn không ít thời gian. Với những cỗ đèn lồng lớn cao 5m và rộng 9m, quá trình dán giấy sẽ kéo dài từ đầu đến giữa tháng 6. 

công đoạn dán giấy lên khung
Công đoạn dán giấy lên bộ khung. Ảnh: spoon-tamago.com

Công đoạn 3: “描き割 – Kakiwari” – Vẽ tranh lên đèn lồng 

Ngay khi lớp giấy bên ngoài đã được dán lên toàn bộ khung, các nghệ nhân bắt đầu vẽ tranh lên khung. Họ sử dụng sáp thoa lên những khu vực để trắng không sơn màu. Công đoạn Kakiwari thường sẽ kéo dài đến đầu tháng 7. 

công đoạn vẽ tranh lên giấy
Công đoạn vẽ tranh lên giấy. Ảnh: spoon-tamago.com

Công đoạn 4: “色付け – Irotsuke” – Tô màu 

Đến công đoạn này, những chiếc đèn lồng đã hoàn thành hơn một nửa và bắt đầu được lên màu. Lúc này, Kitamura và nhóm của mình bắt đầu sơn màu lên toàn bộ đèn lồng. 

công đoạn sơn màu
Ảnh: spoon-tamago.com

Quá trình này là sự kết hợp giữa đi cọ và phun màu, sử dụng các tờ báo che chắn những phần còn lại để không bị dính màu vẽ. Vì lễ hội sẽ diễn ra vào tháng 8 nên công đoạn tô màu này sẽ phải hoàn thành trước cuối tháng 7. 

sử dụng báo trong lúc sơn màu
Ảnh: spoon-tamago.com

Công đoạn 5: “台上げ – Daiage” – Đặt lên xe rước

Sau một số thao tác cuối cùng nhằm đảm bảo biểu cảm của nhân vật đúng với ý của nghệ nhân, các bộ phận hỗ trợ khác sẽ được đặt vào bộ khung và cố định lại. Các nghệ nhân cũng kiểm tra thử hệ thống chiếu sáng bên trong Nebuta để sẵn sàng ra mắt công chúng tại lễ hội. 

hoàn thiện tác phẩm đèn lồng nebuta
Hoàn thiện tác phẩm. Ảnhspoon-tamago.com

Lễ hội Aomori Nebuta Matsuri quay trở lại

Trong số các lễ hội Nebuta, Aomori Nebuta Matsuri có quy mô lớn hơn cả. Và năm 2022 là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức trở lại, sau 3 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tại lễ hội năm nay, 18 cỗ đèn lồng Nebuta thể hiện các cảnh trong những bức tranh cuộn về chiến binh, thần thoại đã làm bừng sáng cả trung tâm thành phố Aomori.
lễ hội aomori nebuta năm 2022 1
lễ hội aomori nebuta năm 2022 2
lễ hội aomori nebuta năm 2022 3
Đèn lồng Nebuta rực rỡ sắc màu trong lễ hội Aomori Nebuta năm 2022. Ảnh: Mainichi

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU