Vì sao Nhật Bản có nhiều nhà hàng đạt sao Michelin đắt đỏ nhất thế giới?
Bài: Rin
Feb 14, 2022
Nguồn: cnbc.com
Ảnh bìa: savvytokyo.com
Nổi tiếng với nền ẩm thực đặc sắc, hài hòa, đạt đến đỉnh cao về sự tinh tế, Nhật Bản đang dẫn đầu về số lượng nhà hàng nằm trong top 10 nhà hàng đạt sao Michelin có giá đắt đỏ nhất thế giới.
Sao Michelin là gì?
Sao Michelin xuất phát từ cuốn Cẩm nang ẩm thực Michelin Guide của anh em nhà Édouard và André Michelin, nhà điều hành doanh nghiệp sản xuất lốp xe Michelin tại Pháp.
Ban đầu, Michelin Guide là một cuốn sách hướng dẫn nhỏ màu đỏ được tạo ra vào năm 1900, nhằm khuyến khích nhiều người lái xe ô tô hơn trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô của Pháp chỉ có chưa đầy 3.000 xe trên cả nước vào năm 1889.
Nó dành cho các tài xế Pháp, cung cấp thông tin hữu ích như bản đồ, hướng dẫn sửa chữa và thay lốp xe, danh sách trạm sửa xe, khách sạn và trạm xăng trên khắp nước Pháp.
Cẩm nang Michelin Guide bắt đầu chấm sao cho các địa điểm ăn uống chất lượng vào năm 1926. Ban đầu, các nhà hàng này chỉ được trao một sao Michelin. Đến năm 1931, hệ thống sao Michelin gồm không, một, hai và ba sao đã được giới thiệu.
Vào năm 1936, tiêu chí xếp hạng sao Michelin đã được công bố và dần vượt ra ngoài biên giới, trở thành tiêu chuẩn ẩm thực trên toàn thế giới. Sao Michelin trong ẩm thực được xem là vô cùng cao quý, tương tự giải Oscar trong điện ảnh và giải Grammy trong âm nhạc:
- Một sao Michelin dành cho một nhà hàng rất tốt trong danh mục của nó.
- Hai sao Michelin dành cho một nhà hàng có món ăn tuyệt vời và đáng để đi lòng vòng.
- Ba sao Michelin cho một nhà hàng có ẩm thực ngon hiếm có và đáng để có một hành trình đặc biệt.
Nhật Bản thống trị 5/10 nhà hàng Michelin đắt nhất thế giới
Trong khi một bữa ăn tại nhà hàng cơm gà Hong Kong đạt 1 sao Michelin - Soya Sauce (Singapore) có giá thấp nhất thế giới, khoảng 1,5 USD/đĩa, hầu hết các nhà hàng đạt được danh hiệu cao quý này đều đưa ra mức giá cao hơn rất nhiều.
Điển hình như một số nhà hàng sao Michelin có giá từ 300 USD (khoảng 6.800.000 VND) đến 400 USD (khoảng 9.000.000 VND), thậm chí một số nơi, giá còn hơn con số này.
Để tìm ra nhà hàng đạt sao Michelin có mức giá đắt đỏ nhất thế giới, website về nấu ăn Chef’s Pencil đã tiến hành khảo sát thực đơn bữa tối tại hơn 450 nhà hàng trên khắp thế giới. Kết quả, 10 nhà hàng trong top đầu và chi phí bữa ăn (không bao gồm đồ uống và phí dịch vụ) như sau:
- Hạng 1: Sublimotion, Ibiza, Tây Ban Nha: 1.740 USD/người
- Hạng 2: Ultraviolet của Paul Pairet, Thượng Hải, Trung Quốc: 1.422 USD/người
- Hạng 3: Kitcho Arashiyama Honten, Kyoto, Nhật Bản: 910 USD/người
- Hạng 4: Azabu Kadowaki, Tokyo, Nhật Bản: 825 USD/người
- Hạng 5: Masa, Thành phố New York, Hoa Kỳ: 800 USD/người
- Hạng 6: Joel Robuchon, Tokyo, Nhật Bản: 637 USD/người
- Hạng 6: Kikunoi Honten, Kyoto, Nhật Bản: 637 USD/người
- Hạng 6: Gion Maruyama, Kyoto, Nhật Bản: 637 USD/người
- Hạng 9: Guy Savoy, Paris, Pháp: 615 USD/người
- Hạng 10: Piazza Duomo, Alba, Ý: 580 USD/người
Trong top 10 nhà hàng đắt nhất đạt sao Michelin, Nhật Bản chiếm tới một nửa, bao gồm các nhà hàng tại Tokyo và Kyoto, riêng Joel Robuchon dù tọa lạc tại Tokyo nhưng là nhà hàng phục vụ món Pháp. Đặc biệt, nhà hàng duy nhất tại Hoa Kỳ lọt vào top 10 - Masa cũng là một nhà hàng Nhật Bản.
Cũng theo Chef’s Pencil, Nhật Bản là quốc gia có số lượng nhà hàng Michelin trên đầu người cao nhất thế giới, và Tokyo có nhiều nhà hàng đạt sao Michelin hơn bất kỳ thành phố nào.
Vì sao nhà hàng ở Nhật Bản lại đắt đỏ đến như vậy?
Theo đầu bếp Masaharu Morimoto, ngôi sao của các chương trình truyền hình về nấu ăn như “Iron Chef” và “Iron Chef America”, có rất nhiều lý do dẫn đến việc các nhà hàng Nhật Bản đạt sao Michelin lại có mức giá cao như vậy.
Ông Morimoto cho biết: “Các nhà hàng Nhật nhập khẩu nguồn cá theo mùa trên khắp thế giới, điều này làm cho giá nguyên liệu tăng lên. Ngoài ra, còn có thêm chi phí vận chuyển và bảo quản vì hải sản tươi sống có thời gian sử dụng ngắn”.
Ông Morimoto bật mí thêm một yếu tố khác là kỹ năng của đầu bếp, sự chính xác và tính nghệ thuật trong việc chế biến và trang trí món ăn. Các nhà hàng Nhật Bản có thể hơi nhỏ về diện tích nhưng thực khách nhận được sự quan tâm tận tình, chu đáo từ đầu bếp.
“Các nhà hàng thường có chỗ ngồi giới hạn và họ cố gắng mang đến trải nghiệm ẩm thực ấm cúng, ý nghĩa nhất cho thực khách. Nhiều nhà hàng Sushi Nhật Bản chỉ có tối đa 8 chỗ ngồi, không có phục vụ hay nhân viên khác”, ông Morimoto chia sẻ.
Morimoto cho biết thêm rằng nhiều bữa ăn tại các nhà hàng cao cấp Nhật Bản được phục vụ theo phong cách Omakase, nghĩa là các đầu bếp tự lựa chọn món để phục vụ cho khách. Điều này cho phép họ chuẩn bị một hành trình mỹ vị không giống bất kỳ nơi nào để mang đến trải nghiệm ẩm thực khó quên cho thực khách, được đặc trưng bởi những loại cá tươi ngon nhất cùng các nguyên liệu đặc biệt nhất.
Điển hình cho một nhà hàng Omakase là nhà hàng Sukiyabashi Jiro lừng danh tại Ginza, Tokyo, được sở hữu và điều hành bởi bậc thầy về Sushi Jiro Ono. Đây là nhà hàng Sushi đầu tiên trên thế giới nhận được 3 sao Michelin vào năm 2007. Điểm đặc biệt là nhà hàng chỉ có 10 chỗ ngồi nên việc đặt bàn là một thử thách.
Vào năm 2011, bộ phim tài liệu “Jiro Dreams of Sushi” của đạo diễn David Gelb ra mắt công chúng đã đưa tên tuổi của nhà hàng vươn ra toàn cầu. Đặc biệt, vào ngày 23/04/2014, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã cùng cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dùng bữa tại đây, càng làm cho danh tiếng của nhà hàng vang xa.
Một bữa ăn tại Sukiyabashi Jiro có giá khoảng 30.000 yên/người (khoảng 5.900.000 VND), chưa bao gồm thuế. Thực khách được phục vụ một thực đơn theo kiểu Omakase với 20 miếng Sushi. Hơn nữa, nếu đã đặt bàn mà không thể đến, thực khách phải trả phí phạt 16.200 yên/người (khoảng 3.100.000 VND).
Tuy nhiên, để được thưởng thức bữa ăn tại đây, tiền có thể là chưa đủ. Nhà hàng thường kín bàn trong vài tháng, thậm chí phải chờ cả năm. Ngoài ra cần đáp
ứng các điều kiện như: khách quen, có quan hệ đặc biệt hay đặt bàn qua
nhân viên của một khách sạn lớn như Grand Hyatt Tokyo, Park Hyatt Tokyo,
Shangri-La Hotel...
Tuy nhiên, cũng vì không nhận đặt chỗ trực tiếp từ công chúng nên vào tháng 11/2019, Sukiyabashi Jiro đã bị tước sao Michelin. Mặc dù vậy, đây vẫn luôn là điểm đến cuốn hút với nhiều thực khách, trong đó có các đầu bếp hàng đầu thế giới.
Xếp hạng chi phí trung bình cho một bữa ăn tại nhà hàng đạt sao Michelin theo quốc gia
Mặc dù có nhiều nhà hàng nằm trong danh sách các nhà hàng đạt sao Michelin có bữa ăn đắt nhất, nhưng nếu xét chi phí trung bình của một bữa ăn trên quy mô quốc gia, Nhật Bản không phải là đất nước đứng đầu.
Theo nghiên cứu của Chef’s Pencil công bố vào tháng 09/2021 về giá trung bình của những nhà hàng đạt hai và ba sao Michelin theo quốc gia, Nhật Bản xếp ở hạng 4.
Cụ thể, Đan Mạch mới là quốc gia có những bữa ăn tại các nhà hàng Michelin đắt đỏ nhất thế giới, với thực đơn dao động trung bình 404 USD/người (khoảng 9.100.000 VND). Trong khi đó, ở Singapore là 346 USD/người (khoảng 7.800.000 VND) và ở Thụy Điển là 327 USD/người (khoảng 7.400.000 VND), lần lượt xếp thứ hai và ba.
Tại Nhật Bản, chi phí trung bình để dùng bữa tại một nhà hàng đạt hai hay ba sao Michelin là 322 USD/người (khoảng 7.300.000 VND).
Xem thêm: Những đặc trưng của ẩm thực Washoku
kilala.vn