Yurei-zu: Dòng “tranh ma” xứ Phù Tang

Bài: Ái ThươngAug 9, 2023

Linh hồn hay ma là một chủ đề lớn trong hội họa truyền thống xứ Phù Tang. Dòng tranh này sở hữu cho mình một thuật ngữ riêng - Yurei-zu, với rất nhiều tác phẩm huyền bí từ những danh họa như Kunisada Utagawa hay Katsushika Hokusai.

Yurei-zu là gì?

Yurei-zu (幽霊図 - U Linh Đồ) là một thể loại tranh truyền thống của xứ hoa anh đào vẽ ma quỷ và các sinh vật siêu nhiên khác. Dòng tranh này thuộc thể loại Fuzokuga (風俗画) - tranh vẽ về ứng xử và phong tục trong đời sống.

Người Nhật xưa quan niệm rằng đồ vật tồn tại ở trần thế qua nhiều năm sẽ có thần linh hoặc linh hồn trú ngụ bên trong và Yurei-zu cũng vậy. Từ đây mà dân gian bắt đầu lưu truyền các câu chuyện ma quái về những bức tranh kỳ bí này.

yurei-zu tranh ma
Bức họa "Yurei" của Sawaki Sushi (1737).

Nguồn gốc của “tranh ma”

Yurei (幽霊) có nghĩa là "linh hồn" hay "bóng ma". Theo tín ngưỡng Phật giáo, cuộc hành trình từ thế giới của người sống (konoyo - この世) đến thế giới của người chết (anoyo - あの世) mất 49 ngày và trong giai đoạn này, linh hồn vẫn tồn tại ở dương gian trước khi hoàn toàn siêu thoát. Tuy nhiên có những linh hồn vẫn mang oán hận nên đã lưu lại nơi trần thế và gây ra những bi kịch đáng sợ.

Từ quan niệm dân gian này, Yurei-zu ra đời với những hình vẽ về các bóng ma ở lại ám ảnh thế gian vào thời phong kiến, rồi trở nên phổ biến vào thời Edo (1603 - 1868) và đạt đến đỉnh cao trong khoảng giữa đến cuối thế kỷ 19. Lúc này Yurei-zu không chỉ thể hiện ở tranh mà còn phát triển trong các vở kịch kabuki và truyện ma.

Xem thêm:Chuyện về Kohada Koheiji - hồn ma Kabuki báo thù

tranh ukiyoe kohadda koheiji

Tranh vẽ Kohada Koheiji - hồn ma Kabuki báo thù - của danh họa Katsushika Hokusai. Ảnh: art.famsf.org

Bức Yurei-zu đầu tiên được cho là Hồn ma Oyuki (Oyuki no maboroshi - お雪の幻) của Okyo Maruyama (1733-1795). Tác phẩm miêu tả một ma nữ được cho là người tình của Maruyama, nàng là một geisha đã không may qua đời ở tuổi thiếu nữ. 

Người ta kể rằng hồn ma này đã đến gặp vị họa sĩ trong giấc mơ, rồi khi tỉnh dậy ông đã vẽ bức chân dung về nàng với một hình ảnh rất nghệ thuật và ám ảnh.

hồn ma oyuki
Hồn ma Oyuki của Maruyama.

Bản sắc riêng của “tranh ma”

Nghệ thuật Yurei-zu tỏa sáng rực rỡ nhất là trong tranh Ukiyo-e thời Edo và được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau với chủ đề chung là bộc lộ sự huyền bí, ma quái.

Các nhân vật xuất hiện trong tranh là ma quỷ, linh hồn của con người hay động vật. Tuy nhiên, nhân vật trong tranh thường hay xuất hiện và được vẽ nhiều nhất là ma nữ với đặc điểm chung là có mái tóc đen dài rũ xuống, mặc bộ kimono mỏng màu trắng. Ma nữ thường xuất hiện trong hình dạng trong suốt với bối cảnh về đêm có Hitodama (quả cầu lửa nổi lơ lửng giữa trời đêm) màu lam hoặc tím.

hồn ma thác nước
Shimobe Fudesuke và hồn ma người phụ nữ trong thác nước của Tsukioka Yoshitoshi (1865).

Nét đặc sắc của Yurei-zu là vừa kinh dị vừa truyền thống, toát lên vẻ đáng sợ với những hình vẽ quái dị, dọa người xem và khiến họ tò mò tìm hiểu về câu chuyện phía sau của nhân vật trong tranh.

Tầm ảnh hưởng của tranh ma trong văn hóa đại chúng

Tất cả các nghệ sĩ Ukiyo-e lỗi lạc thời Edo đều sáng tác về chủ đề Yurei-zu như Kunisada Utagawa, Katsushika Hokusai và Kuniyoshi Utagawa. Hay Yoshitoshi Tsukioka - bậc thầy vĩ đại cuối cùng của thể loại tranh in mộc bản Ukiyo-e cũng từng nổi danh với tác phẩm “Ba mươi sáu hồn ma” và tập tranh "Wakan hyaku monogatari" (Một trăm câu chuyện ma của Trung Quốc và Nhật Bản).

Từ xa xưa, Yurei-zu xuất hiện trong những câu chuyện dân gian với oan hồn bước ra từ bức tranh đến trần thế và ám cả thế gian. Sau đó, những câu chuyện cổ dần được dựng thành kịch cho sân khấu Noh và kịch rối Bunraku, từ đây mà phổ biến hơn trong đời sống của người dân.

Ở thời hiện đại, “tranh ma” tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tác và thể hiện trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Điển hình như Fuyuko Matsui - nữ nghệ sĩ đương đại Nhật Bản chuyên vẽ tranh Nihonga, cô thường thể hiện sự ma quái và tính truyền thống trong tranh của chính mình. 

Tác phẩm Nyctalopia (2005) của cô đặc biệt gợi nhớ đến Yurei-zu cổ điển trong Hồn ma Oyuki của Maruyama. Yurei-zu đương đại theo phong cách truyền thống cũng được họa sĩ người Mỹ sống ở Nhật là Matthew Meyer thể hiện qua cuốn sách minh họa Bách quỷ dạ hành.

fuyuko matsui
Fuyuko Matsui và tác phẩm Nyctalopia.

Ngoài ra Yurei-zu còn xuất hiện trong phim ảnh, phim hoạt hình, truyện tranh và truyền hình. Câu chuyện nổi tiếng nhất thường xoay quanh bức tranh về ma nữ báo thù đến dương gian để trừng phạt những kẻ làm điều sai trái. 

Ảnh hưởng của Yurei-zu cũng được thể hiện rõ trong manga của Mizuki Shigeru và Hiroshi Shiibashi, hai tác giả này thường có các tác phẩm đề cập đến linh hồn, ma quỷ, khía cạnh siêu nhiên truyền thống đậm chất Nhật.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU