Vì sao nhà ở tại Nhật lại có kiến trúc khác thường?
Bài: Rin
Oct 12, 2022
Nguồn: Archdaily
Ảnh: Archdaily
Đứng trước những thiết kế nhà ở khác lạ, đi ngược lại với quy chuẩn xây dựng thông thường của Nhật Bản, nhiều người nước ngoài không khỏi sửng sốt.
Trên bản đồ kiến trúc thế giới, Nhật Bản được ví như “miền đất hứa” với các kiến trúc sư, nhất là lớp trẻ, bởi nơi đây họ được thỏa sức sáng tạo nên những căn nhà khác thường. Điển hình như nhà có cầu thang và ban công không tay vịn, nhà không mái, không cửa sổ hay được xây theo kiểu lâu đài cát...
Nhật Bản cũng là quốc gia có tỉ lệ kiến trúc sư trên đầu người khá cao và có lẽ do vậy mà sự bứt phá, dấu ấn riêng trở thành chìa khóa cho thành công của các kiến trúc sư trẻ. Nhưng điều gì khiến cho người dân Nhật sẵn sàng chấp nhận những bản thiết kế nhà ở khác thường, phá cách từ các kiến trúc sư?
Không mong đợi có thể bán được nhà cũ
Để một ngôi nhà độc đáo được thành hình thì rõ ràng chủ nhà cũng cần là người ưa chuộng những điều mới lạ, sẵn sàng chấp nhận hoặc có thể bỏ qua một hay nhiều rủi ro như sự riêng tư, thoải mái, tính hiệu quả, thẩm mỹ của căn nhà...
Ở Nhật, không nhất thiết là những căn biệt thự xa hoa, mà rất nhiều những thiết kế khác lạ lại nằm ở những ngôi nhà nhỏ tầm trung – loại công trình hiếm được mọi người mong đợi sẽ tiên phong trong xu hướng thiết kế nhà ở.
Tại nhiều nơi khác trên thế giới, chẳng hạn ở phương Tây, chủ nhà thường tính toán và đưa ra phương án thích hợp nhất để thu lợi tối đa khi bán nhà trong tương lai. Thiết kế táo bạo, lệch chuẩn có thể tác động xấu đến giá trị của ngôi nhà, bởi có thể gây khó chịu cho người mua. Vì vậy, họ thường cố gắng hạn chế bộc lộ sở thích cá nhân nhằm phù hợp với quy chuẩn chung.
Tuy nhiên, quan điểm trên lại hoàn toàn trái ngược tại xứ sở hoa anh đào, lý do là người Nhật không mong đợi có thể bán lại ngôi nhà cũ của họ. Nhà ở Nhật Bản mất giá nhanh chóng tương tự như các mặt hàng tiêu dùng lâu bền: xe ô tô, tủ lạnh hay gậy đánh golf.
Một ngôi nhà ở Nhật thông thường sẽ mất toàn bộ giá trị sau 15 năm và bị phá dỡ trung bình khoảng 30 năm sau khi xây dựng. Theo một bài báo của Viện nghiên cứu Nomura, điều này là rào cản lớn nhất cho kinh tế của các gia đình Nhật Bản. Việc các ngôi nhà bị phá bỏ tương đương với tổn thất 4% tổng GDP của Nhật, chưa kể đến núi chất thải xây dựng.
Xem thêm: Kiến trúc nhà không mái độc đáo của đôi vợ chồng Nhật Bản
Do vậy, mặc dù dân số giảm, hoạt động xây dựng nhà ở của Nhật vẫn giữ ở mức ổn định, đến 87% doanh số bán nhà thuộc về mặt hàng nhà mới. Trong khi đó ở phương Tây, số nhà mới bán ra chỉ chiếm khoảng 11-34%. Mặc dù dân số Nhật chỉ bằng 1/3 dân số Hoa Kỳ, nhưng tổng số nhà mới được xây dựng tại đây lại ngang ngửa với đất nước cờ hoa.
Vậy vì sao người Nhật không mấy trân trọng ngôi nhà cũ?
Trước hết, người Nhật bị "ám ảnh" với cái mới. Thường xuyên gánh chịu thiên tai như động đất, sóng thần khiến họ nhận ra không nên quá mong đợi vào tuổi thọ của các công trình, và nhận ra sự vô thường của vạn vật. Trong văn hóa và tín ngưỡng của Nhật Bản, sự vô thường luôn được xem trọng, điển hình như Thần cung Ise cứ 20 năm lại được xây mới một lần.
Kế đó, sau Thế chiến thứ hai, khi cả nước gấp rút tiến hành công nghiệp hóa và kiến thiết lại các thành phố, những đơn vị xây dựng nhà ở tại Nhật cũng nhanh chóng sáng tạo nên nhà khung gỗ chất lượng thấp, giá rẻ, xây dựng một cách vội vã mà không có vật liệu cách nhiệt hay gia cố địa chấn thích hợp. Những ngôi nhà cũ ra đời trong thời kỳ này được cho là không đạt tiêu chuẩn xây dựng, thậm chí nguy hiểm nên việc đầu tư vào bảo trì, cải tạo là vô ích, đơn giản chỉ có thể dỡ bỏ.
Xem thêm: Nhà phố Nhật Bản sở hữu sáu khu vườn trên mái
Sau khi bong bóng kinh tế vỡ vào cuối những năm 80, Nhật rơi vào tình trạng giảm phát, giá nhà sụt giảm nhanh chóng nên các công trình đều bị coi là tạm bợ và không còn là khoản đầu tư dài hạn.
Mặc dù chất lượng các ngôi nhà điển hình ở Nhật hiện nay (thường là lắp ghép các tấm bê tông đúc sẵn) đã được cải thiện đáng kể nhưng lối nghĩ trên đã cắm rễ sâu trong thị trường bất động sản Nhật. Việc nhà ở mất giá khiến cho dù có nỗ lực cải tạo đi nữa, nhà cũ vẫn không thể cung cấp chỗ trú ẩn lâu dài được.
Những người làm công ăn lương ở Nhật thường mong muốn có công việc ổn định và hiếm khi nhảy việc. Mặc dù xu hướng này đang dần thay đổi nhưng có được một công việc trả lương ổn định vẫn là điều kiện tiên quyết cho khoản vay mua nhà đất, trả góp dần trong suốt cuộc đời làm công của họ.
Việc mua đi bán lại nhà đất với họ không thu được nhiều lợi nhuận bởi chẳng ai muốn mua ngôi nhà cũ. Dù họ có đầu tắt mặt tối làm việc để trả nợ vay mua nhà đất thì tài sản này vẫn bị mất giá, đến cuối cùng chỉ còn lại giá trị đất đã trừ đi chi phí phá dỡ ngôi nhà. Đây là thực tế khó thay đổi mà hầu hết các chủ nhà người Nhật đều phải đối mặt.
Xem thêm: Edo Sashimono: Kỹ thuật ghép gỗ không cần đinh của Nhật Bản
So với các quốc gia khác, nơi chỉ những người có điều kiện mới thuê kiến trúc sư thiết kế nhà, thì tại Nhật, khá nhiều người trẻ thuê kiến trúc sư để thiết kế cho tổ ấm của mình. Có lẽ điều này xuất phát từ những khó khăn về việc bán nhà, khiến họ chấp nhận sống suốt đời mình trong một ngôi nhà.
Động lực cho sự sáng tạo trong kiến trúc
Rõ ràng, khi chủ nhà không phải đắn đo việc tìm được người mua nhà tiềm năng trong 8-10 năm tới, điều này giúp họ và các kiến trúc sư tự do thể hiện cá tính hơn bao giờ hết.
Khi không có sự đảm bảo về giá bất động sản, chính quyền cũng không thể tiến hành các kế hoạch nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc khuyến khích bảo vệ, giữ gìn cảnh quan địa phương. Những người hàng xóm thì hầu như không có quyền phản đối về thẩm mỹ của ngôi nhà cạnh bên.
Mặc dù đây là lợi thế cho sự sáng tạo của các kiến trúc sư, nhưng lại làm giảm đi nỗ lực của tập thể trong việc duy trì và làm đẹp cảnh quan chung như trồng cây xanh hay hạ ngầm dây điện.
Tự do xây dựng nhà là biểu hiện cao nhất trong lối sống, sở thích và khát vọng của một cá nhân, biến Nhật Bản trở thành mảnh đất màu mỡ dành cho các kiến trúc sư và khách hàng của họ để thử nghiệm giới hạn của thiết kế nhà ở.
Khác với giới kiến trúc sư ở châu Âu và Hoa Kỳ thường lo sợ vướng vào các vụ kiện tụng, kiến trúc sư Nhật hiếm khi lo lắng về việc phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra (cho những người hàng xóm), giúp họ dũng cảm chấp nhận nhiều rủi ro hơn để tạo nên thiết kế đột phá.
Xem thêm: Nhà Nhật Bản trông hẹp nhưng rộng không tưởng
Khách hàng của các kiến trúc sư trẻ ở Nhật cũng cởi mở hơn trong việc chấp nhận rủi ro, xem việc xây nhà là cơ hội thử nghiệm các ý tưởng mới, mặc dù đây có vẻ là quyết định mang tính hệ trọng. Với tư cách là cư dân trong ngôi nhà, họ phải chấp nhận sống ở đó cả đời.
Tạm kết
Một sự thật đáng buồn là các gia đình Nhật Bản phải làm việc cật lực, tằn tiện chi tiêu để xây một căn nhà, để rồi chứng kiến khoản đầu tư của họ thua lỗ nặng sau hơn 15 năm. Trong hoàn cảnh buộc lòng phải xuôi theo dòng chảy xã hội, các khách hàng Nhật Bản đã giành lại quyền kiểm soát và lặng lẽ nổi loạn trong khuôn khổ những gì có thể, chính là thiết kế nên những ngôi nhà táo bạo cho dù sau cùng chúng cũng sẽ bị phá bỏ.
Xem thêm: Weather House với kiến trúc như một công viên giữa Tokyo
kilala.vn