Phong cách vá giày ở Nhật lấy cảm hứng từ Vua Charles III

Nguồn: Japan Today, scmpFeb 6, 2023

Được đặt theo tên vị vua nước Anh, “Charles patch” là một kỹ thuật đang ngày càng phổ biến ở Nhật Bản khi dùng một miếng da vá cho giày bị hư hỏng.

Nhật Bản nổi tiếng thế giới với kỹ thuật "Kintsugi - 金継ぎ” hay còn gọi là “Kintsukuroi - 金繕い”, phục hồi những món đồ gốm bị nứt bể bằng sơn mài và phủ lên một lớp bột bạc hay vàng. Kỹ thuật truyền thống này vừa thể hiện triết lý “Mottainai” lại vừa thể hiện quan điểm mỹ học có nguồn gốc từ Phật giáo “Wabi Sabi” - trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo.

kintsukuroi

Kỹ thuật Kintsukuroi mang lại vẻ đẹp mới cho những món đồ đã bị vỡ. Ảnh: gearedforgrowth

Từ nước Anh xa xôi, vị vua mới từ lâu đã được biết đến với sở thích sửa chữa những đôi giày và quần áo cũ yêu thích thay vì vứt bỏ. Trong một lần tình cờ nhìn thấy bức ảnh đôi giày da vá của Vua Charles III trên một tờ tạp chí (khi đó là Thái tử Charles), Masatomo Sato – người thợ sửa giày lành nghề làm việc ở quận Shibuya nổi tiếng của Tokyo, đã quyết định thực hiện phương pháp vá giày tương tự và đặt tên là “Charles patch”.

Vua Charles

Năm 2013, Vua Charles III (lúc này là Thái tử Charles) được bắt gặp khoác chiếc áo vest được vá lại, khi tham quan phim trường Doctor Who của đài BBC. Ảnh: Chris Jackson/Getty Images

“Khi đế giày bị hư, mọi người sẽ mang chúng đi sửa, nhưng nếu phần trên bị hỏng thì đó là lúc chúng ta nên mua một đôi giày mới. Tuy nhiên, tôi muốn tìm cách để khách hàng có thể tiếp tục sử dụng đôi giày yêu thích của họ, dù cho chúng đã bị hư hỏng ở bất kì vị trí nào”, ông Sato chia sẻ về việc tìm kiếm phương pháp sửa giày.

giày da của Vua Charles

Đôi giày da được vá một cách tỉ mỉ của Vua Charles lII à nguồn cảm hứng cho "Charles patch". Ảnh: Getty Images

Một miếng vá thường được khâu trên các khu vực bị hư hỏng bằng da có kết cấu tương tự như giày da ban đầu. Bề mặt được xử lý và đánh bóng để hòa hợp với kết cấu của giày đã mòn và được hoàn thiện bằng cách tạo ra các đường viền liền mạch.

Masatomo Sato

Thợ sửa giày Masatomo Sato - người tạo cái tên "Charles patch". Ảnh: Kyodo News

Tuy nhiên, theo Sato, khách hàng có toàn quyền quyết định nên làm cho bộ phận được sửa chữa kín đáo nhất có thể hay thiết kế nó theo phong cách chắp vá cho thêm phần độc đáo và nổi bật. Thông qua phương pháp này, nhiều khách hàng đã đến với tiệm của Sato sau khi không tìm được ai khác sửa giày cho họ.

những đôi giày chờ sửa chữa

Những đôi giày đang chờ để được sửa chữa. Ảnh: Getty Images

Sato giải thích nếu không bảo dưỡng, những đôi giày cao cấp sẽ tồn tại dưới một năm, nhưng khi được đánh bóng thường xuyên, chúng có thể tồn tại từ 20 - 30 năm.

sửa giày

Những người thợ lành nghề sử dụng kỹ thuật để "duy trì sự sống" cho một đôi giày đã sờn rách. Ảnh: SCMP

Theo nhà sử học quần áo Kaori Nakano, Vua Charles III, người luôn ủng hộ các hoạt động bảo vệ môi trường, được biết đến là người sử dụng những bộ vest và giày da của mình trong nhiều thập kỷ. Nếu bị mài mòn hoặc hư, chúng sẽ được vá khi cần thiết. Nakano cho biết thêm: “Vua Charles đã nói về các vấn đề môi trường trong nửa thế kỷ, đôi lúc nội dung truyền đạt của ông khó có thể tiếp cận được với nhiều người, nhưng lập trường nhất quán của ông giờ đây được đón nhận nồng nhiệt”.

Thợ sửa giày

Những người thợ đóng giày ở Nhật Bản "hồi sinh" những đôi giày quý giá với phương pháp “Charles patch”. Ảnh: Getty Images

Theo Hiệp hội sửa chữa giày Nhật Bản ở Tokyo, việc vá giày đã có từ rất lâu, nhưng cái tên Charles patch chỉ mới được chú ý trong vài năm gần đây tại các cửa hàng sửa giày trải dài khắp đất nước, chủ yếu ở Tokyo. Osamu Hashiguchi - Giám đốc điều hành của hiệp hội, cho biết: "Bằng cách đặt tên nó theo tên Vua Charles III, ấn tượng tiêu cực do cảm giác rằng một người đã đi một đôi giày quá lâu đã biến mất và nó trở nên dễ chấp nhận hơn”.

Xem thêm: Những người đánh giày cuối cùng trên đường phố Nhật Bản

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU