Những tòa nhà có hình thù độc đáo ở Nhật Bản
Bài: Happy
Mar 20, 2023
Nguồn: Spoon & Tamago
Tại đất nước Mặt trời mọc, có những tòa nhà với kiến trúc cực ấn tượng mang hình thù độc đáo như chú chó lạp xưởng đáng yêu hay thỏi chocolate ngọt ngào. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala khám phá top 5 tòa nhà có hình thù độc đáo ở Nhật Bản nha!
DoggyMan Kansai Logistics Center
Ở thành phố Izumisano, Osaka có một tòa nhà mang dáng vẻ như một chú chó lạp xưởng vô cùng ngộ nghĩnh và đáng yêu. Tòa nhà nói trên là DoggyMan Kansai Logistics Center, có chức năng là nhà kho và trung tâm phân phối của DoggyMan - thương hiệu sản phẩm dành cho thú cưng hàng đầu Nhật Bản.
Công trình kiến trúc độc đáo này do Nikken Sekkei - một công ty kiến trúc, quy hoạch và kỹ thuật có trụ sở chính tại Tokyo thiết kế và hoàn thành vào năm 2011. DoggyMan Kansai Logistics Center thật sự đã được các kiến trúc sư chăm chút đến từng chi tiết, chẳng hạn như phần mở rộng của tòa nhà đã được uốn cong nhẹ nhàng nhô ra khỏi bức tường để trông như phần đuôi. Vào ban đêm, đường viền dọc theo mái nhà được thắp sáng cho phép mọi người khi đi ngang qua có thể nhìn thấy dáng vẻ đáng yêu của chú chó lạp xưởng ngay cả khi trời tối.
Xem thêm:5 kiến trúc sư sáng tạo nhất Nhật Bản
Nhà máy bia Kirin ở Nagoya
Bên cạnh Sake, bia cũng là một loại đồ uống có cồn được yêu thích nhất tại Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng văn hóa nomikai. Khi nói về bia Nhật, không thể không nhắc đến các tên Kirin Beverage. Hãng bia khá quen mặt với người dân xứ Phù Tang này sở hữu nhiều nhà máy trải dài khắp các tỉnh thành, một trong số đó là nhà máy bia ở Nagoya – tòa nhà có kiến trúc “cực độc”.
Nhà máy bia Kirin Nagoya tọa lạc ở tỉnh Aichi, nằm dọc theo tuyến Tokaido Shinkansen và có thể nhìn thấy ngay khi rời nhà ga Nagoya. Khi nhìn vào kiến trúc của nhà máy bạn sẽ đoán được ngay nơi đây sản xuất thứ gì. Công trình được xây dựng và sơn màu y hệt như một ly bia cao: đáy màu nâu vàng và bọt trắng ở trên cùng.
Nhà máy chocolate Meiji ở Osaka
Nhà máy chocolate Meiji ở Osaka không phải là trung tâm sản xuất duy nhất của công ty tại Nhật Bản, nhưng nó là trung tâm độc đáo nhất. Năm 2011, Meiji đã quyết định tân trang lại nhà máy đầu tiên được xây dựng vào năm 1955 của mình. Kể từ đó, nơi này đã trở thành một thế giới diệu kỳ dành cho trẻ em.
Để tạo nên điều kỳ diệu đó, Meiji đặc biệt chú trọng đến kiến trúc của nhà máy. Vì tuyến tàu JR Kyoto chạy thẳng về phía nam, công ty xây dựng Taisei Design đã đề xuất ý tưởng làm cho toàn bộ mặt tiền tòa nhà trông giống như một thanh chocolate và có thể quan sát từ trên tàu.
Cuối cùng công trình này đã được hoàn thành với chiều cao 28m, chiều dài 166m, kích cỡ tương đương với 380.000 thanh chocolate Meiji. Để mọi người có thể cảm nhận được sự thú vị, hấp dẫn và thơm ngon của thanh kẹo, đơn vị thiết kế đã lựa chọn cẩn thận vật liệu, loại bỏ triệt để các chi tiết kiến trúc và chế tác thủ công từng miếng với độ chính xác nghiêm ngặt.
Vật liệu này là nhựa gia cố sợi (FRP), có khả năng chống chịu thời tiết và khả năng chống nấm mốc cao, đồng thời có thể đạt được độ bóng, mịn như chocolate và bề mặt liền mạch.
Vì nhà máy vẫn đang hoạt động nên có nhiều hạn chế đối với việc tham quan bên trong. Du khách chỉ có thể đến thăm vào những thời điểm nhất định trong ngày. Nhà máy thường chỉ tổ chức các chuyến tham quan cho nhóm trẻ em đi dã ngoại hoặc đặt chỗ từ 10 người trở lên.
Sweets Bank – trụ sở của công ty bánh kẹo Shunkado
Shunkado bắt đầu là một cửa hàng bánh kẹo nhỏ kiểu Nhật Bản vào năm 1887. Họ nổi tiếng với một số sáng tạo đặc trưng bao gồm chiếc bánh ngọt Unagi Pie biểu tượng được làm từ lươn. Để đánh dấu kỷ niệm 130 năm thành lập công ty, Shunkado đã làm mới trụ sở của mình với ý tưởng thiết kế đặc biệt.
Tọa lạc tại thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, Sweets Bank – trụ sở chính của Shunkado do Nikken Sekkei thiết kế là một khối kính hai tầng, bao quanh bởi những chiếc bàn ghế ngoại cỡ có kích thước lớn gấp 13 lần phiên bản được đặt tại quán cà phê của Shunkado. Những chiếc bàn ghế khổng lồ này được làm bằng gỗ sáng màu, thiết kế tối giản với các đường cong và một số chi tiết được sắp xếp hợp lý.
Kiến trúc đặc biệt của Sweets Bank dễ khiến nhiều người liên tưởng đây là một cửa hàng bán đồ nội thất. Tuy nhiên ý tưởng thiết kế này xuất phát từ khẩu hiệu của Shunkado “Chúng tôi muốn mọi người dành thời gian cho gia đình bên bàn ăn với đồ ngọt”.
Quán ăn Taru Tonneau ở Okinawa
Ở thành phố Okinawa, tỉnh Okinawa có một Barrel Restaurant – mô hình quán bar kết hợp quán ăn tên là Taru Tonneau. Taru (樽) trong tiếng Nhật có nghĩa là cái thùng, và đúng như tên gọi, quán có hình dáng của một thùng rượu whisky khổng lồ.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)
Tòa nhà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được thiết kế vào năm 1896 theo phong cách Tân Baroque (Ba Rốc)* bởi Tatsuno Kingo – kiến trúc sư cũng đã thiết kế Ga Tokyo.
* Kiến trúc Tân Baroque là một phong cách kiến trúc vào cuối thế kỷ 19. Thuật ngữ này mô tả những kiến trúc trình bày các khía cạnh của phong cách Baroque, nhưng không phải xây dựng trong thời kỳ Baroque, Ý (cuối thế kỷ 16).
Dưới góc nhìn bình thường từ đường phố, bạn không thể phát hiện ra sự đặc biệt của tòa nhà này. Tuy nhiên, ở góc nhìn toàn cảnh từ trên cao thông qua Google Earth, chúng ta có thể thấy tòa nhà ngân hàng trông giống Hán tự “円” – nghĩa là đồng yên trong tiếng Nhật.
Tuy nhiên, có thể đây chỉ là sự tình cờ chứ không phải dụng ý trong thiết kế ban đầu. Bởi vào thời điểm tòa nhà được xây dựng, chữ kanji chính thức được sử dụng để chỉ yên – đơn vị tiền tệ của nước Nhật là “圓” và mãi đến năm 1946 mới được giản lược thành “円” như ngày nay.
Nhưng cũng có một số nghiên cứu nhỏ cho thấy, chính quyền Minh Trị điều hành nước Nhật sau sự sụp đồ của Mạc phủ Edo từng thiết lập một loại tiền tệ chính thức vào năm 1871, 25 năm trước khi Kingo thiết kế BOJ. Và vào thời điểm đó, chính quyền cũng chỉ định “円” là chữ Hán biểu trưng cho tiền tệ.