Những câu chuyện kinh dị trong tranh của Katsushika Hokusai
Bài: Ái ThươngOct 26, 2022
Danh họa bậc thầy Katsushika Hokusai đã từng tạo nên một bộ tranh có tên là "Hyaku monogatari" (Một trăm câu chuyện ma quái), phác họa những truyền thuyết rùng rợn về Yokai tại xứ Phù Tang xưa.
Katsushika Hokusai (1760 -1849) là một họa sĩ nổi tiếng của dòng tranh Phù Thế Ukiyo-e, nổi tiếng như tác phẩm mang tính biểu tượng "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" thuộc bộ tranh "Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ". Tranh của Hokusai đa dạng, phong phú về chủ đề, sự sống, thiên nhiên và con người đều được tái hiện chân thực, đẹp đẽ dưới bàn tay tài hoa của người họa sĩ.
Khoảng vào năm 1830, Hokusai đã thực hiện một bộ tranh mang chủ đề là "Hyakumonogatari", sưu tầm và tái hiện một trăm câu chuyện ma được lưu truyền trong dân gian. Sau này, những bức họa ma mị và đầy ám ảnh của Hokusai đã được ghi lại bằng chuyện kể trong quyển "Hokusai Beyond the Great Wave" do Timothy Clark biên soạn.
Bối cảnh của "Hyakumonogatari" diễn ra với một cuộc trò chuyện của người Nhật xưa vào ban đêm (gọi là "Hyakumonogatari Kaidankai"), khi mọi người quây quần bên nhau và kể những câu chuyện ma quái truyền miệng trong dân gian hay là trải nghiệm đáng sợ của chính họ. Chuyện được kể sau khi thắp lên một trăm đèn lồng andon, mỗi chuyện kết thúc thì lại thổi tắt một ngọn đèn. Cứ thế đến khi ngọn đèn cuối cùng bị dập tắt thì một linh hồn sẽ xuất hiện, ám cả thế gian.
Dưới đây là những chuyện ma phổ biến và kinh điển nhất đã được lưu truyền từ tranh của Hokusai.
Sarayashiki
"Sarayashiki" (Dinh thự của những chiếc đĩa) được xem là một trong những kiệt tác kinh dị nổi tiếng tại xứ sở hoa anh đào. Tác phẩm này rất phổ biến và có nhiều dị bản tùy theo từng địa phương. Gây tiếng vang và phổ biến nhất chính là chuyện “Dinh thự của những chiếc dĩa vùng Bancho”.
Truyện kể rằng tại vùng Bancho có cô hầu gái Okiku đang làm công tại dinh thự của một Samurai tên Tessan Aoyama. Nàng ta đã vô tình làm vỡ một trong mười chiếc đĩa mà chủ nhân yêu quý. Thế nên Okiku đã bị trừng phạt, Tessan Aoyama đã chặt ngón tay của nàng rồi bắt trói, nhốt vào phòng tối. Trong lúc uất ức, tuyệt vọng, Okiku đã tìm cách trốn thoát rồi gieo mình xuống một giếng nước cũ.
Sau đó, mỗi khi đêm về, từ giếng nước đó thường vọng lên một giọng nữ thê lương cứ đếm “một chiếc, hai chiếc…” khiến ai nghe thấy cũng kinh hoàng sợ hãi. Rồi đứa con mới ra đời của chủ nhân dinh thự lại không có tay. Những điều quái lạ cứ thế được đồn đoán và đến tai của một quan thần Mạc phủ và sau đó Tessan Aoyama đã bị tịch thu toàn bộ đất đai lẫn tài sản.
Thế nhưng tiếng đếm từ giếng nước vẫn cứ thế vang vọng mỗi khi đêm về khiến chính quyền Mạc phủ phải mời hòa thượng có pháp lực cao cường đến để tụng kinh cầu siêu. Một đêm nọ, nhà sư đang tụng kinh thì nghe thấy tiếng đếm đĩa, ông liền hô nối thêm đến “mười chiếc”, lúc này linh hồn của Okiku siêu thoát và không còn vương vấn tại dương gian nữa.
Năm 1795, có chuyện kỳ lạ đã xảy ra khi các giếng nước tại Nhật Bản bỗng bị nhiễm một loài giun được bao phủ bởi những sợi chỉ mỏng quấn quanh, rất nhiều người tin rằng đó là hóa thân của Okiku. Và người dân đặt tên cho loài vật này là Okiku mushi.
Warai Hannya
Trong bức họa này, Hokusai đã vẽ một nữ quỷ xuất hiện bên khung cửa sổ với nụ cười ma quái, tay cầm đầu của một đứa trẻ xấu số. Nữ quỷ trong tranh là sự kết hợp của hai kẻ đáng sợ, đó là Yamauba và Hannya.
Theo truyền thuyết, Hannya vốn là nữ nhân phàm trần nhưng vì tổn thương, đau khổ do bị phản bội trong chuyện tình cảm mà sinh lòng căm hận rồi hóa thành yêu nữ báo thù.
Cái tên Hannya được đặt dựa theo câu chuyện dân gian trong tác phẩm "Genji Monogatari" của Murasaki Shikibu, xuất bản từ thế kỷ thứ 10. Nội dung miêu tả việc oan hồn Rokujou no Miyasundokoro, người tình đầu tiên của Hikaru Genji đã ám vào thân xác chánh thất của ông là Aoi no Ue.
Để cứu lấy người vợ đang bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, Genji đã mời các vị cao tăng vào cung để xua đuổi tà ma. Sau đó, Rokujou với gương mặt ác quỷ đầy oán hận đã xuất hiện, giao đấu với các nhà sư và thất bại, phải buông tha cho Aoi.
Còn Yamauba là một Kijo (quỷ nữ), từng là con người nhưng sau hóa thành yêu quái, thường xuất hiện với ngoại hình như một bà lão tốt bụng sống trên núi hoặc trong những túp lều bên đường.
Bà lão này sẽ giúp đỡ những vị khách đi lạc, cho họ nơi trú ẩn và thức ăn. Nhưng khi đêm về, lúc nạn nhân ngủ say thì hiện nguyên hình và ăn thịt họ. Yamauba được cho là có một cái miệng trên đỉnh đầu, giấu dưới tóc. Ở thời xa xưa, Yamauba còn bắt cóc và ăn thịt trẻ con.
Oiwa-san
Oiwa-san xuất hiện lần đầu trong vở kịch kabuki Yotsuya Kaidan, được viết vào năm 1825 bởi Tsuruya Nanboku IV, đây là một trong những tác phẩm kinh dị hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản. Hình mẫu về Oiwa được xây dựng dựa trên một nhân vật có thật trong lịch sử, đó là nàng Iwa Tamiya – con gái của một quan thần Mạc phủ thời Edo, sống tại vùng Yotsuya và nay được người dân thờ phụng tại đền Oiwa Inari Tamiya.
Oiwa là đại diện cho một Onryo hay oán linh, tức linh hồn mang oán khí trước khi chết nên trở lại dương gian để báo thù. Chuyện kể rằng nàng Oiwa có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với samurai Tamiya Iemon. Hắn là một kẻ xấu xa, đã ám sát cha nàng rồi lừa dối vợ mình và còn hứa sẽ báo thù kẻ giết chết cha vợ.
Một thời gian sau, Oiwa mang thai và hạ sinh nhưng cũng từ đây sức khỏe của nàng ngày càng yếu đi khiến Iemon chán ghét. Thế rồi hắn đã dan díu với Oume, cháu gái của thầy y Itou Kihei. Sau này vì muốn cháu gái cưới Iemon mà Itou đã đưa cho Oiwa một loại thuốc mỡ chữa bệnh nhưng thực ra là độc dược.
Thuốc mỡ đã hủy hoại dung nhan của Oiwa khiến nàng trở nên xấu xí, dị dạng kinh hoàng. Iemon thấy vậy đã yêu cầu ly hôn Oiwa để đến bên nhân tình. Để có cớ cắt đứt mối quan hệ vợ chồng với Oiwa, Iemon đã rủ bạn hắn là Takuetsu cưỡng hiếp chính vợ mình.
Tuy nhiên trong lúc thực hiện kế hoạch, vì quá sợ hãi khi nhìn vào gương mặt biến dạng của Oiwa mà Takuetsu đã nói ra kế hoạch. Sau đó, gã đưa gương cho Oiwa để nàng thấy rõ dung mạo hiện tại của bản thân, biết được sự thật về thuốc chữa bệnh mà nàng đã ngây thơ tin tưởng dùng. Sau đó, Oiwa đau khổ, uất ức mà cầm kiếm tự sát và gieo lời nguyền lên gã chồng độc ác.
Xem thêm: 10 chuyện ma rùng rợn của Nhật Bản (phần 1)
Khi biết tin Oiwa đã chết, Iemon vui mừng khôn xiết, hắn đã đến bên Oume và lúc này lời nguyền của Oiwa bắt đầu ứng nghiệm. Vào đêm tân hôn với Oume, Iemon gặp ác mộng. Thấy gương mặt biến dạng của Oiwa nằm bên cạnh, hắn liền tỉnh dậy lấy kiếm chém nàng nhưng hóa ra người hắn chém lại là Oume. Thế rồi khi biết rõ sự tình, hắn đã hóa dại chạy đi và lại chém nhầm vào người ông của Oume.
Iemon cứ thế chạy trốn trong đêm tối với Oiwa truy đuổi từ phía sau. Ở bất kỳ nơi đâu, Oiwa cũng bám theo ám Iemon khiến hắn hóa điên. Oan hồn của Oiwa dùng nhiều cách thức khác nhau để ám, có khi nàng còn hiện hồn từ chiếc đèn lồng giấy.
Vì vậy trong tranh của Hokusai phác họa một gương mặt quỷ dị nhập vào chiếc đèn lồng được dùng trong lễ hội Obon. Đèn lồng này như một sự kết nối với linh hồn, làm tăng thêm vẻ ma quái, huyền bí của Oiwa-san.
Kohada Koheiji
Kohada Koheiji của Hokusai xuất hiện với cái đầu lâu rùng rợn khi vẫn còn ít thịt và tóc quấn quanh, xương bàn tay lộ ra đè tấm màn xuống để nhìn kẻ thù với đôi mắt trắng dã đáng sợ. Câu chuyện về nhân vật này liên quan đến việc báo thù, trừng trị kẻ ác với loạt tình tiết rùng rợn.
Tương truyền rằng Kohada Koheiji là một diễn viên kịch Kabuki, sống ở thời Edo. Vì ngoại hình có nhiều nét giống với nhân vật Yurei (hồn ma) trong kịch Kabuki nên Kohada thường được giao hóa thân thành ma quỷ và chàng ta đã thành công. Sau này khi sự nghiệp diễn kịch dần khởi sắc, Kohada đã lấy người con gái mình yêu là Otsuka làm vợ. Tiếc thay cô ta không yêu chàng mà lại dan díu mập mờ với Adachi Sakuro. Họ cùng nhau lên kế hoạch sát hại Kohada Koheiji.
Trong một chuyến đi chơi, Adachi đã mời Kohada đến đầm lầy Asaka câu cá và gã đã dìm chết chàng xuống làn nước lạnh giá. Sau đó, Adachi vui mừng quay trở về và bắt đầu cuộc sống vợ chồng với tình nhân Otsuka.
Kohada khi chết đi đã hóa thành oan hồn và mỗi khi đêm về, anh lại đến tìm hai kẻ độc ác đã hãm hại mình. Kohada thường xuất hiện bên giường ngủ của đôi gian phu dâm phụ để hù dọa, ám họ đến phát điên. Kết quả là Otsuka hóa dại và qua đời vì bệnh tật, còn Sakuro vì lo chạy chữa, tổ chức tang lễ cho Otsuka mà mất hết tài sản, lại còn bị lừa rồi bị đánh trọng thương. Sau đó gã cũng trở bệnh, dần điên loạn và chết đi, thi thể của gã lúc qua đời phình lên và đổi màu trông như cái xác chết đuối.
kilala.vn