Nét đặc sắc trong nghệ thuật thiết kế bao bì của người Nhật

Bài: Ái ThươngApr 11, 2023

Chân thực và độc đáo với những thiết kế thông minh đến ngỡ ngàng, lại hài hòa cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, đó là những gì mà bao bì xứ anh đào mang đến cho khách hàng.

Tại Nhật, đóng gói không chỉ đơn thuần là bảo vệ và cất giữ hàng hóa mà còn thể hiện sự chu đáo, tinh tế của người dân nước này. Không dừng ở việc quảng cáo hay tính thẩm mỹ, bao bì còn phản ánh chân thực chất lượng sản phẩm và mang tới sự tiện lợi khiến chúng ta phải bất ngờ.

onigiri
Ảnh: Time Out

Dưới đây là những đặc trưng trong nghệ thuật thiết kế bao bì của người Nhật.

Đề cao tính chân thực

Bạn bè quốc tế khi sử dụng những sản phẩm "made-in-Japan" đều lấy làm bất ngờ và thán phục vì độ chân thật đến hoàn hảo của bao bì hàng hóa xứ Nhật: hình minh họa thế nào thì sản phẩm được đóng gói bên trong cũng như vậy, từ vẻ ngoài cho đến kích thước.

bao bì chân thực
Kích thước sản phẩm bên trong hoàn toàn trùng khớp với bao bì. Ảnh: Ikidane Nippon

Đa dạng, hiện đại hài hòa với tối giản, truyền thống

Người Nhật thể hiện phong cách sống, văn hóa và nghệ thuật qua những thiết kế bao bì thu hút và phù hợp với thị hiếu của từng nhóm người tiêu dùng trong xã hội.

Sản phẩm dành cho trẻ em, giới trẻ thường có thiết kế rực rỡ, nhiều màu sắc theo kiểu kawaii (dễ thương, đáng yêu) hay in hình các nhân vật trong thế giới 2D như anime và manga.

bao bì kiểu trẻ em
Bao bì đồ ăn vặt của trẻ em với màu sắc rực rỡ và hình ảnh vui nhộn. Ảnh: shopify.com

Tương phản với thiết kế màu sắc, nổi bật là những thiết kế đầy thanh lịch và tinh tế theo phong cách Nhật Bản truyền thống. Chúng được đặc trưng bởi bảng màu cổ điển, kiểu dáng truyền thống, kết hợp cùng họa tiết Nhật Bản như Seigaiha (sóng biển), hoa anh đào, cá koi...

Vẻ đẹp văn hóa đan xen giữa truyền thống và hiện đại thể hiện rất rõ trong các xu hướng thiết kế bao bì phong phú của xứ Nhật.

thiết kế tối giản
Thiết kế truyền thống theo phong cách tối giản. Ảnh: designmadeinjapan.com
bao bì truyền thống
Bao bì với hoa văn và cách gói truyền thống. Ảnh: blog.pack.ly

Xem thêm:Các hoa văn truyền thống Nhật Bản

Độc đáo, mới lạ và tiện lợi

Hàng hóa, sản phẩm của nước Nhật thoạt nhìn đôi khi có vẻ khó hiểu hoặc kỳ lạ vì có những thiết kế trông khá dư thừa. Tuy nhiên, khi ứng dụng trong thực tế, chúng lại mang đến sự tiện lợi đầy bất ngờ và không kém phần thú vị.

Như phần đáy của mỳ ly Nhật luôn tặng kèm một miếng dán trong suốt hình chữ nhật. Miếng dán này giúp bạn cố định nắp hộp mì trong lúc ủ mì. Ngoài ra còn có những hộp mì xào tiện lợi có lỗ thoát nước ở góc cho phép bạn dễ dàng đổ nước nóng ra ngoài khi mỳ chín, sau đó trộn các gói gia vị vào và thưởng thức.

Các lọ sốt kiểu Nhật thường có vòi rót rất nhỏ, giúp kiểm soát tốt lượng sốt khi đổ ra. Còn các gói sốt trong sản phẩm ăn liền luôn có thiết kế mở độc đáo với lằn ranh ở giữa, khi gập đôi lại là sốt bên trong sẽ tuôn ra dễ dàng. Các sản phẩm thường có gói đựng sốt 2 trong 1 để giúp người dùng tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong việc chế biến sốt ăn kèm.

chai nước tương
Ảnh: Time Out

Nước Nhật cũng nổi tiếng khi sở hữu những nắp hộp sữa chua chống dính, không bị trường hợp sữa chua dính trên nắp giấy bạc như chúng ta thường thấy. Công ty Meiji đã ứng dụng một công nghệ chống dính vào sản phẩm của họ, đó là phủ thêm một lớp mỏng sáp nano kị nước, hoạt động tương tự tính chất của lá sen, trên nắp vỏ hộp sữa chua.

bao bì sữa chua nhật bản
Nắp sữa chua chống dính. Ảnh: Cool Japan
nắp hộp sữa
Hộp sữa được thiết kế có một góc lõm nhỏ ở viền trên cùng hộp để người khiếm thị có thể phân biệt sữa với các đồ uống khác khi sờ vào. Ảnh: Time Out

Thân thiện với môi trường

Ngày nay, xu hướng sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới và người Nhật đã đưa bao bì "xanh" lên tầm cao mới khi sử dụng các loại giấy truyền thống như washi cùng giấy kraft để sáng tạo nên nhiều mẫu mã đẹp mắt.

Thực phẩm ăn liền như Onigiri (cơm nắm) cũng dùng giấy để gói tại các cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven và FamilyMart. KitKat hay các sản phẩm bánh kẹo cũng thay bằng bao bì giấy, những bao bì này được nhiều người tận dụng để theo đuổi nghệ thuật gấp giấy Origami hay nghệ thuật cắt giấy Kirigami.

kitkat nhật
Tận dụng bao bì để xếp Origami.
kirigami
Tác phẩm cắt giấy của nghệ sĩ Harukiru tận dụng vỏ hộp bánh. Ảnh: kharukik97@instagram

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU