Các mô hình được trưng bày tại Triển lãm tang lễ Endex Japan nhằm cho mọi người thấy được mức độ nghiêm trọng của tình trạng Kodokushi tại Nhật Bản.
Kodokushi - 孤独死 được hiểu là cái chết cô độc của một người trong chính căn nhà hay phòng trọ của họ mà rất lâu sau đó, có khi lên đến vài tháng mới có người phát hiện. Ước tính có khoảng 30.000 trường hợp tử vong do không được giám sát ở Nhật Bản mỗi năm, nhưng chỉ kể từ khoảng năm 2019, vấn đề Kodokushi mới được công nhận rộng rãi.
Vì những người đã qua đời không có người thân quan tâm, chăm sóc nên đa phần việc dọn dẹp nơi ở của họ sẽ do một công ty chuyên nghiệp phụ trách, trong đó có To-Do Company. Công việc này được nhiều người gọi là “dọn dẹp vết thương”.
Khi một cá nhân qua đời một mình ở nhà, các công ty như To-Do sẽ chịu trách nhiệm dọn dẹp căn phòng và biến nó trở thành không gian để người khác có thể sinh sống. Điều này bao gồm việc thu thập bất kỳ vật phẩm nào do người quá cố để lại, loại bỏ rác và những dấu vết sinh học, loại bỏ vết bẩn và mùi hôi, đồng thời khử trùng không gian. “Các khu dân cư thường rơi vào tình trạng lộn xộn kinh hoàng, nhưng chúng tôi đặc biệt chú ý thu thập và rà soát lại đồ đạc của cư dân, phân loại đồ dùng cá nhân, đặc biệt là những vật dụng có giá trị về tiền bạc hay tình cảm. Sau đó chuyển những thứ này cho các thành viên còn lại trong gia đình”, đại diện của To-Do cho biết.
Với mong muốn gia tăng nhận thức của mọi người về tính nghiêm trọng của Kodokushi, về nỗi cô đơn của những người tách biệt với các mối quan hệ xã hội và sự khắc nghiệt của cái chết, To-Do đã đăng ký một gian trưng bày tại triển lãm tang lễ Endex Japan. “Trái với cảm xúc của tôi, điều làm tôi ngạc nhiên là phản ứng của những người xung quanh khi biết đến ý tưởng này. Họ chế giễu và nói rằng ở một đất nước như Nhật Bản, cái chết của một người sẽ không được chú ý trong nhiều ngày, vài tuần hoặc vài tháng, và tự tin khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ phải chịu số phận cô đơn như vậy” - Kojima Miyu, người tạo nên những mô hình này chia sẻ.
Là người tận mắt giải quyết hậu quả của những cái chết Kodokushi, phản hồi trên khiến Miyu không nói nên lời. Điều này làm cô nhận ra rằng cần một cách tiếp cận khác, rõ ràng, trực tiếp và tác động mạnh đến thị giác hơn, nếu muốn truyền tải thông điệp của mình. Suy ngẫm về vấn đề, Miyu nảy ra ý tưởng tạo nên các mô hình thu nhỏ (diorama) không gian của Kodokushi.
Chưa bao giờ làm diorama trước đây, Miyu đã tự học thông qua việc kết hợp xem video và làm theo. Dần dần, cô học được cách xây dựng khung của các căn phòng, cũng như các món đồ nội thất khác nhau, các thủ thuật như dùng phấn mắt để giả làm bụi bẩn...Từ đó Miyu bắt tay vào việc dựng lại những cảnh thu nhỏ chi tiết của Kodokushi, từng câu chuyện một.
Thông qua từng câu chuyện trong mỗi mô hình, Miyu cho mọi người thấy rằng, chính sự định nghĩa sai lệch của xã hội đã khiến cho Kodokushi trở thành vấn đề nhạy cảm, không ai muốn nhắc đến. Từ “Kodoku - 孤独” trong Kodokushi chỉ sự cô đơn, nhưng chỉ một số người chết một mình ở nhà mới thực sự bị cô lập với xã hội. Hầu hết họ đều thích những mối quan hệ sôi nổi với bạn bè và gia đình. Họ tham gia các chuyến du lịch, chia sẻ sở thích, chơi với cháu của mình, và theo những cách khác, họ đã có cuộc sống giàu có, viên mãn. Thật không công bằng khi gán cho họ cái chết như một “cái chết cô đơn” khi họ chỉ có một mình. Một thuật ngữ khác như "Jitakushi" (chết tại nhà) có thể phù hợp hơn, giúp công chúng nhìn nhận vấn đề về cái chết không được giám sát theo một khía cạnh khác.
Thông điệp cuối cùng của Miyu muốn gửi gắm là cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ khi nào, chính vì thế hãy dành thời gian của bản thân để làm những điều mình thích, trải nghiệm những hoạt động thú vị và yêu thương mọi người nhiều hơn, để không phải hối tiếc về sau.
Xem thêm: Kodokushi: Cái chết cô độc trong xã hội Nhật Bản ngày nay
kilala.vn