Trò chơi Kendama - "Kiếm xuyên ngọc" của người Nhật

Bài: Hoàng Phượng VũNov 6, 2018

Trong tuần lễ Kendama Việt Nam 2018 vừa qua, Kilala đã có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị của bộ môn này qua buổi học “Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản qua Kendama” do Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản (JF) tổ chức, cũng như những chia sẻ của thầy Imada Hiromu - nghệ nhân chơi Kendama.

Khái quát về trò chơi Kendama

Kendama xuất hiện đầu tiên vào thời Edo (khoảng năm 1777), tại Nagasaki - hải cảng duy nhất giao thương trong thời “Bế quan tỏa cảng”. Tại Nhật, vào thời gian đầu thì Kendama chỉ được nam giới sử dụng như một trò giải trí khi uống rượu sau giờ làm việc; sau đó thì tiếp cận đến nhóm phụ nữ nội trợ; đến thời Meiji (Minh Trị), Kendama được Bộ giáo dục công nhận là trò chơi có vai trò trong giáo dục trẻ em vào năm 1876 và từ đó dần được tầng lớp thanh thiếu niên đón nhận.

Hiện nay trên thế giới vẫn có những trò chơi với hình thức và phương pháp tương tự Kendama như Cup and Ball (Anh), Bilboquet (Pháp), Kugelfang (Đức); nhưng có thể thấy để phát triển thành môn thể thao chuyên nghiệp với quy chuẩn dụng cụ cụ thể, bộ khung đáng giá người chơi và những giải đấu mang tính quốc tế thì chỉ có Kendama. Cũng như các môn võ Nhật, Kendama được tập luyện từng bước, từ cơ bản đến nâng cao, chia trình độ người chơi thành các bậc Kyu/Dan (cấp/đẳng). Cụ thể là có 10 cấp (tăng dần từ 10 đến 1) và 6 đẳng (tăng dần từ 1 đến 6). Người chơi được thi và cấp chứng chỉ từ Hiệp hội Kendama Nhật Bản (JKA) ở mọi trình độ.

trò chơi Kendama tại Nhật Bản
Nhóm Zoomadanke nổi tiếng tại Nhật Bản. (Ảnh: Zoomadanke)
chuẩn các cấp Kendama
Bảng quy chuẩn các cấp Kendama - Các con số là số lần thực hiện. (Ảnh: kendama.or.jp)

Tên gọi chính thức Kendama xuất hiện vào thời Chiến tranh thế giới thứ I (1919), được ghép từ Ken剣- có ý nghĩa là kiếm và Dama (tama) 玉- nghĩa là viên ngọc. Hình dáng dụng cụ cũng được cấu tạo như một cây kiếm xuyên qua viên ngọc. Đây là hai biểu tượng văn hóa quen thuộc trong văn học, điện ảnh Nhật Bản. Và cũng có thể tưởng tượng rằng, hình ảnh thanh kiếm sắc bén xuyên qua viên ngọc chính là ẩn dụ cho ý chí sắt đá của con người trong việc chinh phục những thành tựu quý như ngọc.

Dễ chơi nhưng khó giỏi

Khi quen với kỹ thuật, bạn sẽ nhận ra Kendama phức tạp hơn nhiều so với vẻ ngoài của nó. Thoạt nhìn, chỉ có 4 vị trí trên thân Ken để hứng bóng là cốc nhỏ, cốc lớn, cốc đáy và đầu nhọn của Ken; nhưng đối với người chơi Ken thì có đến hơn 10 vị trí, miễn là bạn có thể giữ thăng bằng quả bóng trên 3s tại đó. Khi đổi vị trí tung - hứng giữa bóng và Ken, phối hợp các động tác đơn giản thành tổ hợp chúng ta có thể tạo ra đến hơn 1000 kỹ thuật chơi Kendama. Quy luật về sự phối hợp này cũng đúng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Ở đất nước thường xuyên xảy ra thiên tại như Nhật Bản thì sự phối hợp tốt giữa người với người, giữa các tổ chức xã hội là điều kiện tốt để khôi phục thiệt hại, phát triển đất nước.

Thực hành các động tác Kendama đơn giản cùng thầy Imada Hiromu

Khi học chơi Kendama cùng thầy Imada Hiromu, chúng ta còn có thể thấy được sự chăm chút của người Nhật khi thầy tỉ mỉ gửi gắm những dòng chữ ý nghĩa lên từng bộ phận của cây Kendama. Chẳng hạn như, Nebari 粘り- không bao giờ bỏ cuộc, Kokoro No心の - trong lòng, Ai愛- tình yêu,… với mong muốn người chơi Ken phải luôn chú trọng những giá trị đạo đức nguồn cội.

dòng chữ trên Kendama
Chữ Tâm (bên trái) và Nebari - không từ bỏ (bên phải)

Bên cạnh đó, ta còn thấy những nét tính cách khác mà người Nhật chú trọng trong chơi Kendama như sự tập trung, tính sáng tạo. Tập trung giữ nhịp điệu cơ thể để tung hứng trong một thời gian nhất định hay sáng tạo trong biến hóa trò chơi du nhập từ phương Tây, thành trò chơi truyền thống có nhiều vị trí hứng bóng hơn, sáng tạo ra nhiều kỹ thuật mới, biến Kendama trở thành môn thể thao được ưa chuộng.

Kendama - Cầu nối văn hoá Nhật và thế giới

Ngoài giao lưu văn hóa, Kendama còn gắn kết các cá thể có chung niềm đam mê, cùng luyện tập và chia sẻ niềm vui. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất với Kendama, thầy Imada Hiromu - người gắn bó với Kendama 30 năm cho biết: Thầy là người con của vùng đất Hiroshima - nơi lãnh chịu hậu quả bom nguyên tử nặng nề, người cha của thầy cũng đã hy sinh trong thảm họa đó. Nhưng nhờ Kendama, thầy đã nhẹ nhàng gác lại quá khứ, đến Mỹ giới thiệu bộ môn này và trở thành bạn với người dân nơi đây.

thành viên CLB Kendama VN
Thầy Imada biểu diễn động tác Ngọn hải đăng cùng thành viên CLB Kendama VN.

Với hệ thống kỹ thuật đa dạng, yếu tố cần thiết nhất của một người chơi Kendama giỏi là sự kiên nhẫn. Nhiều người chơi Kendama nhận xét đây là bộ môn “dễ để chơi nhưng khó để giỏi”. Tuy nhiên, cái khó là để sàng lọc người giỏi, để thử thách chính bản thân vượt qua giới hạn. Trong Kendama, sự kiên nhẫn quan trọng ở mỗi giai đoạn, nó giúp cơ thể quen với nhịp điệu tung hứng ở giai đoạn đầu và nâng cao sự khéo léo (nhanh tay, nhanh mắt) trong các giai đoạn kỹ thuật khó hơn.

Câu lạc bộ Kendama Việt Nam cũng đã ghi được một số thành tích ấn tượng trong năm nay với 3 thành viên trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Kendama Nhật Bản (JKA), trong đó có 2 thành viên đạt Dan 5 và 1 thành viên đạt Dan 3.

Thông tin cho các bạn muốn tập luyện Kendama:

CLB KendamaVN (VKC):
https://www.facebook.com/KendamaVN

VKC có các nhóm tập ở Hà Nội (16h-18h chiều chủ nhật hàng tuần ở Bờ Hồ) và TP.HCM (9h-11h sáng chủ nhật hàng tuần tại CV Tao Đàn).

Giá Kendama: từ 250.000 đ/cây

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU