Higashiyama - nền văn hóa mang đậm tính thiền
Bài: Kim Oanh /Hình ảnh: PixtaFeb 22, 2019
Tìm về cội nguồn Higashiyama
Dựa trên tinh thần giản dị của Thiền tông, vị tướng quân thứ 8 của Mạc phủ Muromachi là Yoshimasa Ashikaga đã khởi xướng phong cách văn hóa Higashiyama. Năm 1482, Yoshimasa đã cho xây dựng sơn trang Ginkakuji (Ngân Các Tự) ở dãy núi Higashiyama thuộc phía Đông Kyoto để làm nơi nghỉ dưỡng. Không lâu sau, khi Yoshimasa qua đời vào năm 1490, ngôi sơn trang này đã được chuyển đổi thành một ngôi chùa theo phong cách Thiền tông mang đậm nét u hoài và trầm mặc. Khác biệt với phong cách tẩm điện lộng lẫy của ngôi chùa Kinkakuji (Kim Các Tự - một biểu tượng của phong cách văn hóa Bắc Sơn - Kitayama), Ginkakuji đã trở thành đại diện tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn - Higashiyama.
Cùng với việc xây dựng chùa chiền theo phong cách Thiền tông là việc kiến tạo vườn tược cũng theo phong cách đơn sơ thấm nhuần tinh thần đó. Lối vườn tược trên cạn, được làm bằng cát và đá Kare Kansui đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt trong kiến trúc của Nhật Bản thời kỳ này.
Với tinh thần đề cao sự giao tiếp với thần linh thông qua từng ngọn cây, hòn đá và hồ nước, phong cách hoa viên này đã tạo ra một khung cảnh tĩnh lặng, gần gũi với thiên nhiên. Khi ở trong không gian ấy, con người có thời gian để chiêm nghiệm những triết lý sâu xa của cuộc sống. Trải qua muôn vàn biến thiên thăng trầm suốt hàng trăm năm lịch sử, ngày nay, du khách đến với Kyoto vẫn có thể trải nghiệm cảm giác tĩnh lặng đó khi tham quan hoa viên của chùa Ryuanji (Long An Tự), Daitokuji (Đại Đức Tự) và Saihoji (Tây Phương Tự).
Những ai yêu thích tìm tòi và nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cũng sẽ phát hiện ra một vài điều thú vị khác nữa. Chính trong giai đoạn này, người Nhật Bản bắt đầu ưa chuộng kịch Kyogen - một loại hình kịch châm biếm và thơ Renga - lối làm thơ một nửa đầu và nửa sau sẽ do người khác làm tiếp. Các lễ hội bắt đầu có màn trình diễn qua các khu phố như trình diễn kiệu Dashi trong lễ hội nổi tiếng Gion ở Kyoto.
Lấy tinh thần Thiền tông làm chủ đạo
Cùng với hai loại hình kịch và thơ nói trên, tranh thủy mặc Suiboku-ga vốn có gốc gác từ Trung Hoa nhưng vào thời kỳ này cũng phát triển rực rỡ và trở thành nghệ thuật điển hình của dân tộc Nhật Bản.
Người có công lao đưa tranh thủy mặc Nhật Bản lên một tầm cao mới là nhà sư Sesshu (1420 - 1506). Chính ông đã cất công sang tận Trung Quốc để nắm bắt những điểm cốt lõi của hội họa nước bạn và đem những vốn liếng ấy quay trở về quê hương Nhật Bản. Trường phái tranh thủy mặc mà nhà sư Sesshu hướng đến chủ yếu lấy cảm hứng từ Thiền của Phật giáo. Đề tài của tranh thủy mặc hết sức bình thường như xoay quanh những trải nghiệm của con người, nhưng ẩn sâu bên trong những nét vẽ giản dị của hai màu đen và trắng là một ý thức mạnh mẽ về lý tưởng tinh thần. Tiêu biểu trong các tác phẩm của danh họa Sesshu chính là bức Shiki Sansui (Tứ quý sơn thủy) dài hơn 15.7m, mô tả sự biến đổi của thời gian qua phong cảnh bốn mùa và tiếp theo là bức Shuto Sansui (Thu đông sơn thủy).
Văn hóa Đông Sơn - Higashiyama cũng sẽ thiếu vắng một phần linh hồn nếu bỏ qua nghệ thuật cắm hóa Ikebana có nguồn gốc từ nghi thức cắm hoa dâng bàn thờ Phật. Bộ môn này không chỉ tạo cơ hội cho người cắm hoa trình diễn kỹ năng của mình mà còn để cho người ngắm hoa được hòa mình vào không gian thu nhỏ, hòa quyện bởi ba yếu tố biểu trưng cho Trời - Đất - Người. Trong đó, cách cắm hoa đứng Rikka chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo nhằm gợi lại hình ảnh ngọn núi thiêng trong thế giới quan của Phật giáo là được yêu chuộng hơn cả. Điều đó đòi hỏi người thưởng thức cần phải có một năng lực cảm thấu, khiếu thẩm mỹ cao mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên được thể hiện trong cách cắm hoa này.
Tinh hoa văn hóa Nhật Bản
Với những sản phẩm văn hóa đặc trưng như chùa Ginkakuji, hoa viên của chùa Ryoanji, tranh thủy mặc của danh họa Sesshu và phong cách cắm hoa Rikka... nền văn hóa Higashiyama đã mang đến cho văn hóa dân tộc Nhật Bản những nét tinh túy không thể lẫn lộn vào đâu được. Ở đó, ai cũng có thể cảm nhận được một nét u hoài, trầm mặc, không phô trương bên ngoài mà chủ yếu hướng vào nội tâm theo tinh thần của Thiền tông Nhật Bản.
Chính nhờ những nét riêng biệt ấy mà bất cứ du khách người nước ngoài nào khi đến đây cũng có thể cảm nhận rằng, dù xã hội Nhật Bản có phát triển đến mức độ nào đi chăng nữa, nhưng trong từng biểu hiện văn hóa ở quốc gia này vẫn toát lên một nét gì đó rất trầm lắng, tĩnh tại, an nhiên mà nền văn hóa Higashiyama đã tạo ra từ hàng trăm năm trước.
kilala.vn