Gyotaku là gì?
“Gyotaku” là sự kết hợp giữa 2 chữ Ngư - 魚 (con cá) và Tháp - 拓 (in ấn). Nhật Bản ngày xưa xem câu cá như một trong những phương pháp huấn luyện Samurai, kích cỡ của những con cá được ví như sức mạnh quân địch và để ghi dấu chiến tích, họ đã sử dụng phương pháp in cá lên tranh gọi là Gyotaku. Về sau có những cuộc thi câu cá diễn ra giữa những Samurai và Gyotaku chính là bằng chứng cho thành quả mà họ bắt được. Ngoài ra, đôi khi ngư dân Nhật Bản cũng sẽ phóng thích những con cá sau khi bắt được. Tuy nhiên trước khi thả về biển, họ sẽ sử dụng Gyotaku để ghi chép lại những chiến tích đánh bắt của mình.
Lịch sử của Gyotaku
Người ta nói rằng lịch sử của Gyotaku bắt đầu từ thời Edo. Có một câu chuyện nhỏ liên quan đến sự bắt nguồn của phương pháp Gyotaku này. Một bản thảo cũ kì lạ đã vô tình được tìm thấy trong gia đình Hayashi. Trên đó là bức vẽ của một con cá hồi dài 39cm và bên cạnh có ghi một dòng ghi chú của tác giả. Thông qua các tài liệu cũ vào thời điểm đó cũng như nhờ vào việc nghiên cứu từ góc độ của người Edo, cuối cùng chúng ta có thể xác định con cá hồi được “in” trên đây là do Sakai Tadaaki (một lãnh chúa phong kiến vùng Shonai) bắt. Ngoài ra, ngư dân của gia đình Hayashi cũng đã từng ghi chép lại việc này dưới dạng hình gấp và gửi chúng đến một ngôi nhà được cho là đã từng được sử dụng bởi các chiến binh samurai trong lâu đài Tsuruoka vào thời điểm đó. Đây cũng là một bằng chứng khác cho thấy Gyotaku được thực hiện bởi Sakai Tadaaki. Hiện nay, bản “ghi chép” đặc biệt này đang được lưu giữ tại viện bảo tàng nghệ thuật Honma (thành phố Sakata, tỉnh Yamagata).
Phương pháp Gyotaku
Có 2 cách để thực hiện Gyotaku. Phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp.
Phương pháp Gyotaku trực tiếp
- B1: loại bỏ chất nhờn nhầy nhụa trên bề mặt cơ thể cá bằng cách rắc muối lên và chà xát bằng tay. Nếu không làm vậy màu sắc sau khi “in” sẽ không được tốt.
- B2: rửa kỹ cơ thể cá bằng nước và sử dụng giấy báo cũ để hấp thụ độ ẩm bề mặt.
- B3: đặt con cá trên một tờ báo cũ với đầu của cá ở phía bên phải (bên trái dành cho cá lưỡi trâu, cá bơn,…..), đặt khăn giấy ở mặt sau của vây lưng và đuôi để cố định chúng, mở vây ra và sắp xếp hình dạng. Bạn cũng có thể cắt những miếng các-tông hình sóng theo kích thước của chiếc vây và sắp xếp chúng lại.
- B4: dắt giấy Gyotaku với kích cỡ bằng khoảng hai lần chiều dài và chiều rộng của cá.
- B5: tô màu. Cần phải chú ý không nên sử dụng mực tàu vì như vậy sẽ làm con cá bị nhiễm mùi mực, khuyến khích sử dụng loại mực đen dành cho áp phích. Để tạo ra một con cá có hiệu ứng ba chiều, hãy tô màu phần đầu và lưng với màu đen sẫm và phần bụng với màu đen nhạt. Đặc biệt là không tô màu mắt của cá, sau khi gỡ giấy mới chi tiết lại phần mắt sau.
- B6: trước khi màu khô, phủ giấy lên cá sao cho cá nằm ở giữa tờ giấy và ấn mạnh bên mép bằng đầu ngón tay. Cần làm thật cẩn thận để giấy bám tốt vào cá. Sau khi kiểm tra chắc chắn rằng mọi thứ đã ổn, hãy nhẹ nhàng bóc giấy Gyotaku ra khỏi cá.
- B7: viết một dòng chữ ghi chú trên phần giấy trống.
Phương pháp Gyotaku gián tiếp
Đối với phương pháp gián tiếp, các bước ban đầu cũng tương tự như phương pháp trực tiếp. Tuy nhiên, thay vì bôi mực trực tiếp lên cá, người ta làm ẩm một miếng vải hoặc giấy bằng bình xịt và để nó dính vào cá trước. Sau đó mới dùng một cây “cọ” đặc biệt (trên đầu dùng vải bọc bông gòn) đã chấm mực ấn lên toàn bộ bế mặt cá. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng bọt biển để thay thế.
Từ đó chúng ta có thể thấy được, phương pháp trực tiếp khá phổ biến và tương đối dễ làm. Tuy phương pháp gián tiếp tốn nhiều công sức hơn nhưng con cá có thể được sao chép một cách chi tiết và những tác phẩm đạt đến cảnh giới nghệ thuật vì màu sắc được sử dụng một cách linh hoạt hơn!
Ở Nhật Bản ngày nay, Gyotaku chỉ được thực hiện bởi một số người yêu thích việc câu cá. Tuy nhiên các nghệ sĩ đương đại ở nước ngoài lại khá hứng thú với loại hình văn hóa độc đáo này và họ đang tiếp tục sáng tạo "nghệ thuật Gyotaku" theo nhiều cách khác nhau.
Cùng Kilala xem qua quá trình thực hiện Gyotaku của nghệ nhân in cá Naoki Hayashi nhé!
kilala.vn