Gặp gỡ "Soái ca" làm gốm Nerikomi

Bài: Lăng Vi, Ảnh: Tomoro MizunoApr 19, 2018

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Seto - thành phố của gốm sứ, tỉnh Aichi, Tomoro Mizuno tiếp xúc với gốm sứ từ khi còn bé thông qua việc quan sát cha và ông làm việc trong xưởng gốm của gia đình bằng kỹ thuật Nerikomi (hay Neriage, là kỹ thuật tạo hoa văn bằng đất sét màu trong nghệ thuật gốm truyền thống Nhật Bản). Theo một cách tự nhiên niềm đam mê với gốm Nerikomi cũng nảy nở và được nuôi dưỡng trong anh từ đó.

Ý tưởng về một loại "gốm đáng yêu"

Khác với hai thế hệ trước vốn tập trung vào phong cách mộc mạc, thô ráp, Tomoro muốn tạo cho mình một phong cách hoàn toàn khác mang hơi hướng tân thời, hiện đại hơn, hướng đến đối tượng người trẻ tuổi, nữ giới và trẻ em. Sau nhiều tìm tòi và học hỏi, những sản phẩm gốm Nerikomi với các hoa văn đáng yêu và nhã nhặn ra đời, không những mới mẻ mà còn giữ vẹn nguyên cái hồn của gốm Nhật Bản - chính là sự tỉ mẩn, nhẫn nại và cũng lắm công phu.

IMG_5303.jpg

Chân dung "soái ca làm gốm" Tomoro. (Ảnh: Tomoro Mizuno)

tomoro1.jpg

Bên cạnh tình yêu to lớn với gốm, anh cũng rất yêu thú cưng. (Ảnh: Tomoro Mizuno)

"Vì cha và ông tôi đều làm gốm nên từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với gốm và học làm theo. Mỗi lần tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tôi đều tự làm cốc trà bằng kỹ thuật Nerikomi để tặng thầy cô giáo đã dạy mình. Nhưng từ năm 2009, tôi bắt đầu mày mò và phát triển kỹ thuật Nerikomi của riêng mình và gặp rất nhiều khó khăn cũng như thất bại, ví dụ như sau khi nung các hoa văn bị nứt ra ở những chỗ dán. Lúc đó, tôi thảo luận với bố và suy nghĩ tìm giải pháp, sau nhiều lần thì cũng thành công." - Tomoro chia sẻ. 

gốm Nerikomi

Nerikomi, hay Neriage, là kỹ thuật tạo hoa văn bằng đất sét màu trong nghệ thuật gốm truyền thống Nhật Bản (Ảnh: Tomoro Mizuno)

gốm Nerikomi

Những sản phẩm gốm Nerikomi mang phong cách dễ thương của Tomoro (Ảnh: Tomoro Mizuno)

Làm gốm: Không chỉ đơn thuần là nung

Tomoro mất khá nhiều thời gian cho một sản phẩm, thời gian trung bình để hoàn thành là 1 tháng. Sau khi hình dung được hoa văn và hình dáng thì bắt tay vào làm các công đoạn sau:

Đầu tiên là trộn đất sét trắng với khoáng vật hoặc chất màu để có đất sét màu, rồi tạo hình bằng cách cắt, uốn, dán,... để ghép thành hoa văn mong muốn. Sau đó phải kéo dài thanh đất sét hoa văn to đã làm thành sợi nhỏ dài. Đây là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất và cũng quan trọng nhất. Tiếp theo cắt thành nhiều sợi ngắn, gắn ghép lại thành một khối lớn trước khi cắt lần nữa thành những miếng dày khoảng 7,5mm và tạo hình bát cơm, chén trà, đĩa ăn,...

Sau khi tạo hình, phơi khô sản phẩm 1 ngày, Tomoro bắt đầu gọt tỉa mặt trong và ngoài với bàn xoay. Tiếp theo là phơi khô hoàn toàn sản phẩm, chà mịn bề mặt bằng giấy nhám, thổi hết bụi dư thừa trên bề mặt bằng máy thổi. Kế đến, sản phẩm sẽ được tráng men, cho vào lò nung đến nhiệt độ 1.230 độ C trong khoảng 2 ngày. Cuối cùng, sau khi lấy ra khỏi lò, phải đổ nước vào để kiểm tra xem có rò rỉ chỗ nào hay không.

gốm Nerikomi

Gốm có hoa văn đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mẩn của nghệ nhân. (Ảnh: Tomoro Mizuno)

làm gốm Nerikomi

Một công đoạn trong quy trình làm gốm Nerikomi: ghép những đoạn gốm ngắn thành khối hoa văn lớn (Ảnh: Tomoro Mizuno)

làm gốm Nerikomi

Sản phẩm dần thành hình trong quá trình cắt gọt (Ảnh: Tomoro Mizuno)

"Đến nay, thật may mắn là gốm Nerikomi của tôi cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người, có lẽ cũng do gốm Nerikomi còn khá mới lạ với mọi người. Nhưng điều mà tôi lấy làm tự hào chính là sự chăm chút, tỉ mẩn trong việc sáng tạo và thiết kế hoa văn không màng đến thời gian của bản thân. Tôi từng làm một chiếc cốc rượu ghép từ hơn 100 bông hoa, mỗi bông 7,5mm. Hiện tại tôi vẫn còn nhiều thứ muốn cải thiện vì một số sản phẩm sau khi nung bị nứt vỡ. Tôi sẽ không ngừng cải tiến phương pháp của mình." - Tomoro tâm sự. 

Hiện tại gốm Nerikomi của Tomoro chỉ được bán tại Nhật Bản, nhưng trong tương lai anh cũng muốn mang sản phẩm ra bày bán và triển lãm cá nhân ở nước ngoài, thử sức và khám phá thêm nhiều hoa văn mới.

Cùng xem qua một số clip tác phẩm hết sức "đã mắt" của Tomoro nhé! 





Kilala Vol.24 được "khoe" trên Instagram của Tomoro. Anh viết: "Tôi được giới thiệu trên tạp chí Kilala ở Việt Nam này. Đây là tạp chí thông tin Nhật Bản, viết về phong cách sống và văn hóa Nhật Bản hướng đến đối tượng người Việt..."

Lăng Vi/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU