Edo Sarasa – Phong cách nhuộm vải mang đến vẻ đẹp kì ảo

Bài: NatsumeJul 4, 2023

Người Nhật đã kế thừa phong cách nhuộm du nhập từ nước ngoài, sáng tạo và biến thành phương pháp nhuộm của riêng mình, tạo nên những tấm vải tuy có vẻ giống nhau nhưng vẫn có nét khác biệt, mang đến tính độc bản.

Sarasa là gì?

Hoa văn Sarasa hay còn gọi là Calico, có nguồn gốc từ Ấn Độ cách đây hơn 3.000 năm, là loại vải bông nhuộm ngũ sắc (đỏ sẫm, chàm, lục, vàng, nâu). Calio đến Nhật Bản trong Thời kỳ Muromachi (1336-1573) nhưng phải đến thời Edo (1603-1868), khi các sắc tố có màu sắc sống động được sử dụng thì loại hình nghệ thuật thủ công này mới phát triển mạnh mẽ.

Calico

Bảo tàng trưng bày những mẫu in Calico. Ảnh: trc-leiden

Edo Sarasa là kết quả của quá trình phát triển đặc biệt, áp dụng phương pháp nhuộm “Katazome - 型染” truyền thống của Nhật Bản để tạo ra những hoa văn phức tạp với nhiều màu sắc. Bằng cách lặp lại quy trình Katazome 20 lần đối với các mẫu ít phức tạp hoặc 90 lần đối với các mẫu phức tạp hơn, có thể chuyển màu bằng cách sử dụng các tông màu tương tự. Độ bóng và chuyển màu được tạo ra thông qua kỹ năng của người thợ nhuộm trong việc điều khiển bàn chải để chà thuốc nhuộm vào vật liệu.

Không chỉ quần áo, Edo Sarasa hướng đến việc ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như các vật dụng trang trí nội thất, vách ngăn… Sự pha trộn của các hoa văn với màu sắc thẩm mỹ của phong cách này mang đến cho sản phẩm vẻ đẹp vượt qua ranh giới văn hóa.

Theo Some no Sato Ochiai, một hiệp hội có trụ sở tại phường Shinjuku của Tokyo chuyên sản xuất và bán Edo Sarasa, một cuộc cạnh tranh dường như đã hình thành giữa các nghệ nhân ở Edo để tạo ra các kiểu và kỹ thuật nhuộm mới.

Edo Sarasa

Ảnh: Ikidane Nippon

Cách tốt nhất để mô tả kiểu vải nhuộm được gọi là Edo Sarasa sẽ là “vẻ đẹp kỳ ảo”. Sức hấp dẫn của nó không chỉ dừng lại ở những bộ Kimono mà còn mở rộng sang các phụ kiện và đồ trang trí sử dụng hàng ngày.

Sự hấp dẫn của Edo Sarasa có nhiều mặt. Hoa văn, họa tiết đa dạng như hoa lá, chim muông, năng động mà không phô trương. Cùng một mẫu nhưng thợ nhuộm có thể biến tấu thành một mẫu khác bằng cách thay đổi màu vải nền. Dù là một phương pháp nhuộm được du nhập nhưng những mẫu Edo Sarasa vẫn mang một cảm giác rất Nhật Bản.

Quá trình tạo nên một tấm vải Edo Sarasa

Quá trình sản xuất gồm nhiều công đoạn. Trong công đoạn gọi là “Suri”, người nghệ nhân đặt những khuôn giấy nến đã được cắt họa tiết theo thứ tự cụ thể lên tấm vải và bôi thuốc nhuộm một cách tỉ mỉ. Khi tiếp tục thay thế các khuôn, một mẫu đầy màu sắc sẽ xuất hiện. Đôi khi các thiết kế có thể phức tạp đến mức có thể cần đến hơn 40-50 khuôn.

Hanako Inoue, một thợ thủ công tại Some no Sato Ochiai, cho biết: “Công việc chi tiết được làm đi làm lại, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Một số khuôn tô được sử dụng và mỗi khi các bản in chồng lên nhau, vải sẽ trở nên sặc sỡ và xuất hiện nhiều hoa văn hơn”.

Edo Sarasa

Đầu tiên đặt giấy nến có hoa văn lên tấm vải. Ảnh: Ikidane Nippon

Cô nói thêm rằng việc chọn một bàn chải khác hoặc thay đổi áp lực khi đổ màu cũng có thể tạo ra sự khác biệt nhỏ dù dùng cùng một khuôn. Đó cũng là một trong những nét quyến rũ của phong cách này.

Dùng cọ tô màu

Tiếp theo sử dụng cọ đầu ngang đã nhúng qua nước màu và tô lên giấy nến để lấy màu. Ảnh: Ikinade Nippon

In màu

Phần hoa văn đã được tạo ra. Ảnh: Ikinade Nippon

Sau giai đoạn Suri, toàn bộ vải được nhuộm trong quy trình gọi là “Hikizome” hay nhuộm cọ, đây là phương pháp sử dụng cọ để quét màu nhuộm lên vải và để khô tự nhiên. Sau đó, vải được hấp ở nhiệt độ cao, làm sạch rồi sấy khô để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

In màu

Tiếp tục đặt những khuôn giấy nến và tô màu cho đến khi hoàn thiện các hoa văn. Ảnh: Ikinade Nippon
hấp vải
Mang những tấm vải đã hoàn thiện đi hấp. Ảnh: Ikinade Nippon

Edo Sarasa

Những tấm vải sau khi hoàn thành. Ảnh: Ikinade Nippon

Trong quá khứ, Edo sarasa được coi là tác phẩm nghệ thuật dành cho giới tinh hoa thưởng thức và ngoài tầm với của hầu hết mọi người. “Vì lý do đó, tôi sẽ rất xúc động nếu mọi người ngày nay có thể biến nó thành một phần trong cuộc sống của họ như một vật dụng quen thuộc”, Hanako Inoue chia sẻ.

Ứng dụng Sarasa

Ứng dụng Edo Sarasa trong cuộc sống. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU