Xuất phát từ vùng Kaga thời Edo, phong cách nhuộm Kaga Yuzen được ưa chuộng vì đem lại cảm giác trang nhã, thanh thoát với bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống trên vải.
Nguồn gốc của Kaga Yuzen
Khoảng hơn 500 năm trước, vùng Kaga vẫn duy trì lối nhuộm Umezome từ vỏ và rễ của cây mơ được đun sôi. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào năm 1712 khi họa sĩ Yuzensai Miyazaki đến đây và giới thiệu kỹ thuật Yuzenzome.
Nhuộm Yuzen đặc biệt vì tạo ra các mảng chuyển màu đẹp mắt. Kỹ thuật này không chỉ đẹp mà còn giúp màu sắc trên vải ổn định, cũng như không kén loại vải sử dụng. Các loại Yuzen được chia theo vùng: Kyo Yuzen của vùng Kyoto, Tokyo Yuzen và Kaga Yuzen của vùng Kaga.
Song hành những lối nhuộm Yuzen khác, Kaga Yuzen tạo nên trường phái nhuộm họa tiết trên vải khác biệt so với các cách nhuộm Kimono còn lại.
Kanazawa chứng kiến sự hình thành và phát triển bùng nổ của Kaga Yuzen. Nghề nhuộm ở đây phát triển mạnh mẽ dưới sự bảo trợ của các lãnh chúa phong kiến. Hiện nay, tại khu vực lân cận lâu đài Kanazawa, nhiều thợ nhuộm, nhà thiết kế xuất sắc vẫn giữ được truyền thống của tổ tiên và duy trì các nhà may uy tín.
Năm màu đặc trưng của Kaga Yuzen
Nhắc đến Kaga Yuzen, mọi người nhớ ngay đến Kaga Gosai - năm màu cơ bản dùng để nhuộm vải. Đó là chàm (藍 - Ai), đỏ thẫm (臙脂 - Enji), vàng đất (黄土 - Oudo), xanh lá đậm (草 - Kusa), đỏ tía đậm (古代紫 - Kodai murasaki).
Từ năm màu này, nghệ nhân pha ra nhiều màu khác và có thể họa nên cả một khu vườn đầy hoa khoe sắc và sống động. Họ dùng cọ tô màu tỉ mẩn cho từng cánh hoa, chiếc lá, từ đó điểm lên miếng vải cả một vườn hoa thi vị.
Những màu sắc thiên về tông màu nhẹ nhàng, không quá sặc sỡ hay chói sáng. Nhờ vậy, các đường nét của chủ thể rõ ràng, hiện lên mặt vải tựa má hồng hây hây trên gương mặt của cô gái vào ngày xuân.
Các tông màu nóng như hồng, đỏ, cam thường dùng để tô màu hoa, còn xanh lá diễn tả sắc độ của thiên nhiên xung quanh. Quan sát kỹ, bạn còn có thể thấy một chiếc lá có thể đi từ màu xanh lá sang vàng một cách uyển chuyển.
Quy trình nhuộm Kaga Yuzen
Kimono nhuộm theo phong cách Kaga Yuzen được gọi là Eba và khi bung ra, tà áo tựa như một bức tranh hoàn chỉnh. Vì thế, nghệ nhân cố định các miếng vải theo dáng kimono trước, sau đó chép thiết kế đã chuẩn bị lên áo để hình ảnh không bị lệch khỏi tà và thể hiện đúng ý định của người vẽ.
Sau đó, người nhuộm dùng Aobana (mực màu xanh chiết xuất từ hoa thài lài) để vẽ các hình dáng cảnh vật lên vải. Điều đặc biệt là loại mực này có thể dễ dàng tẩy đi với nước để tinh chỉnh đường nét.
Để tránh màu có thể “chạy” ra ngoài khung vẽ, người Nhật viền họa tiết bằng một loại keo làm từ bột nếp, được gọi là Itome Nori. Những kỹ thuật “đi nét” này thể hiện trình độ và kinh nghiệm của nghệ nhân, đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn.
Tiếp theo, nghệ nhân vận dụng Bokashi - kỹ thuật tô màu từ đậm đến nhạt. Họ diễn tả tài tình ánh sáng của khung cảnh, thể hiện các sắc độ của thực vật, động vật hài hòa với nhau. Hơn nữa, cách tô này giúp các chủ thể nhìn có vẻ 3D, có chiều sâu với cách đổ bóng thuần thục.
Ngoài ra, trong Kaga Yuzen, kỹ thuật nhuộm Mushi Kui (côn trùng cắn) được sử dụng thường xuyên nhằm diễn tả chiếc lá úa thật sống động và tự nhiên.
Sau khi tô màu hết chi tiết, người thợ dùng cọ quét màu toàn bộ vải nhằm nhuộm hết bề mặt. Lưu ý là những chi tiết hoa lá được phủ keo Fuse Nori để tránh ảnh hưởng màu sắc.
Tuy nghe có vẻ dễ, công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm lâu năm để quét màu đẹp và đều khắp bề mặt.
Cuối cùng, những tấm vải sẽ được thả trôi trên sông để rửa sạch các lớp keo, gọi là Yuzen Nagashi. Cảnh tượng này bạn có thể bắt gặp thường xuyên tại Kanazawa vào mùa đông.
Khác biệt so với kiểu Yuzen khác
Hai kỹ thuật Bokashi và Mushi Kui là điều làm cho Kaga Yuzen khác biệt so với cách nhuộm Yuzen của nơi khác. So với Kyo Yuzen rực rỡ, Kaga Yuzen có một vẻ duyên dáng thoải mái. Có lẽ, quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp và khí hậu ôn hòa của khu vực địa phương được phản ánh trong cách sử dụng màu sắc.
Một điều bất ngờ, dù Kanazawa là “thủ phủ lá vàng”, Kimono theo kỹ thuật Kaga Yuzen không chuộng dát vàng lên vải như kiểu Kyo Yuzen.
Điều này cũng góp phần phản ánh gu ăn mặc của người dân nơi đây. Vùng Kaga mang đậm tinh thần Samurai và mọi người thích những thiết kế Kimono mang lại sự điềm tĩnh, thanh lịch.
Người dân cũng xem trang phục như là cách bày tỏ tinh thần ngưỡng mộ của con người đối với thiên nhiên và bốn mùa luân chuyển.
Mang đậm bản sắc của nghệ nhân
Kaga Yuzen được mường tượng là công việc lẳng lặng diễn ra trong không gian nhỏ ấm cúng. Nơi đây, mỗi người thợ đắm chìm trong thế giới riêng và tự mình thực hiện toàn bộ các công đoạn.
Nghĩa là mỗi Kimono là “đứa con tinh thần” và được nghệ nhân chăm bẵm mỗi ngày. Quá trình này trung bình mất sáu tháng đến một năm.
Một trong những nghệ nhân có ảnh hưởng nhất là Kimura Uzan (1891–1977), người đặt nền tảng cho kỹ thuật vẽ hoa văn đến các nghệ sĩ sau này.
Sau khi được anh trai dạy cách phối màu truyền thống và thư pháp, Kimura tập phác thảo hoa, chim, cá và những thứ quen thuộc khác trong cuốn sổ ký họa ông luôn mang theo lúc đi dạo ở Kanazawa.
Nghệ nhân tạo ra các tác phẩm theo mô típ “vẻ đẹp tự nhiên”, nghĩa là những điều bắt gặp được trong cuộc sống. Với sức ảnh hưởng của ông, văn phòng Quan hệ công chúng Nhật Bản ghi nhận: “Chịu ảnh hưởng của Kimura Uzan, nhiều nghệ sĩ Kaga Yuzen hiện nay học hội họa Nhật Bản và tái hiện các họa tiết trên Kimono xưa”.
Thông thường, trước khi bắt tay thực hiện Kaga Yuzen, nghệ nhân sẽ tự mình đi tìm cảm hứng. Họ ghé thăm và quan sát các cảnh quan thiên nhiên, kết hợp với yếu tố bốn mùa để chọn ra thiết kế cuối cùng.
Như Kenrokuen – thuộc hàng top các khu vườn đẹp nhất Nhật Bản – là hình ảnh quen thuộc trên Kimono. Những nghệ nhân dùng cách tô chuyển màu để thể hiện cảm xúc. Với hàng trăm đầu cọ khác nhau, họ hạ bút và đem thế giới thực qua góc nhìn cá nhân vào tấm vải.
Không chỉ là trang phục
Trên trang kaname-inn, nghệ nhân Ikkou Teranishi - thế hệ thứ bảy của gia đình có truyền thống làm Kimono tại phố Samurai Nagamichi (Kanazawa) – cho rằng mục đích của Kaga Yuzen không phải là để trông bắt mắt hoặc để người mặc khoe khoang rằng họ có một bộ Kimono tuyệt đẹp.
Thay vào đó, ông nhận định rằng người mặc Kaga Yuzen sở hữu lòng nhiệt thành và sự khoan dung. "Họ ung dung với cuộc sống, thoải mái với mọi người, trân trọng các giá trị đích thực và luôn vươn tới sự hài hòa”, ông nói.
Kaga Yuzen gói gọn trong ba điều: giản đơn – trang nhã – thuần thục. Những bức họa điểm trên tà áo Kimono là thiên nhiên đơn sơ, người mặc toát ra sự thanh thoát từ tâm hồn yêu mến, trân trọng cái đẹp và nghệ nhân đều là những người lành nghề, có kỹ thuật cao, luôn chăm chút từng chi tiết.
Từ đây, ta thấy được trang phục chứa đựng cả nền văn hóa và con người nối kết những giá trị. Kaga Yuzen hiện hữu như lời nhắc nhở ta yêu thương thiên nhiên và đối xử tử tế với nhau.
Chính vì thế, Kimono theo phong cách Kaga Yuzen thường được diện trong các bữa tiệc quan trọng, nghi thức trà đạo, lễ Thành nhân và đám cưới. Lụa nhuộm kiểu Kaga Yuzen còn được làm thành Hanayome Noren - tấm rèm được treo ở lối vào gian bàn thờ Phật của nhà chú rể để cô dâu bước qua trong đám cưới.