Cắm hoa Ikebana - Đừng chỉ dùng đầu để nghĩ

Bài: Mayu Senda/ Ảnh: Masako Iwasaki, NVCC/ Biên dịch: Lê L. NgọcApr 12, 2018

BTV Kilala đã được nghệ nhân Hoa đạo Kouen Yokoi dành ra ít phút phỏng vấn trước giờ vào dạy Ikebana. Nhân dịp này, chúng tôi đã được cô chia sẻ rất nhiều về Ikebana cũng như văn hóa Nhật Bản. Trước một tác phẩm cắm hoa Ikebana, chúng ta không đơn thuần chiêm ngưỡng hoa lá cỏ cây, mà đang đối diện một vũ trụ thu nhỏ. 
Nghệ nhân Kouen Yokoi
Nghệ nhân Kouen Yokoi (Ảnh: Masako Iwasaki)

"Ikebana không phải là thứ chỉ suy nghĩ bằng đầu"

Có vô số tác phẩm đã ra đời dưới bàn tay sáng tạo của nghệ nhân Kouen. Những bông hoa, cành lá bày trước mắt chúng tôi đều toát lên biểu cảm trầm mặc, thanh cao như thể chúng là những tạo vật có linh hồn, ý chí. Bàn tay thoăn thoắt khi thao tác của cô khiến chúng tôi rất kinh ngạc. “Giống như những môn nghệ thuật truyền thống khác, Ikebana không phải là thứ chỉ suy nghĩ bằng đầu. Bàn tay chúng ta phải ghi nhớ và chuyển động một cách tự nhiên”. Ngay cả với người Nhật, Ikebana vẫn tạo ấn tượng là bộ môn nghệ thuật khó khăn với vô số quy tắc. “Kế thừa” Ikebana tức là đắm mình vào biển quy tắc này.

Nghệ nhân Kouen Yokoi
(Ảnh: Masako Iwasaki)

Nghệ nhân Kouen sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông cô là nghệ sĩ kịch Noh, cha là diễn thuyết gia vũ kịch Butoh, còn bà và mẹ là nghệ nhân Hoa đạo. Bà cô chính là một trong 8 môn đệ của nghệ nhân lỗi lạc Sofu Teshigahara, ông tổ của trường phái Sogetsu. Vì lẽ đó, cô đã dấn thân vào thế giới Ikebana và mĩ thuật không gian một cách rất tự nhiên. Sau khi mẹ qua đời cách đây 16 năm, cô kế thừa đạo trường của mẹ và chính thức bắt đầu sự nghiệp nghệ nhân Hoa đạo. Vậy điều gì ở Ikebana đã lôi cuốn cô đi theo con đường này?

Nghệ nhân Kouen Yokoi
(Ảnh: Masako Iwasaki)

“Nhật Bản là một đảo quốc nhỏ hẹp. Tôi cho rằng chính sự nhỏ hẹp đó đã sinh ra bộ môn nghệ thuật Ikebana. Các trà thất trong Trà đạo hay kịch Noh cũng vậy, vì chúng đều có bản chất là thu nhỏ vũ trụ vào không gian nhỏ bé vô cùng. Ikebana là loại hình nghệ thuật phô diễn vẻ đẹp của không gian. Chỉ bằng một cành hoa, người nghệ nhân có thể tạo ra không gian mà ở đó, người xem như cảm nhận được không khí đang luân chuyển hay gió đang miên man thổi”. Đứng trước một tác phẩm Ikebana, chúng ta không đơn thuần chiêm ngưỡng hoa lá cỏ cây, mà đang đối diện một vũ trụ thu nhỏ. 

Nghệ nhân Kouen Yokoi
(Ảnh: Masako Iwasaki)

“Cắm một cành hoa còn tươi nguyên nghĩa là bạn đang tiếp nhận sinh khí từ cây cối. Khi bị cắt lìa cội rễ, hoa cỏ chỉ còn chờ đón kết cục là rũ mình tàn úa mà thôi, nhưng nếu được chưng cắm đẹp đẽ vào bình thì chúng có thể tái sinh trong một vòng đời mới. Dùng ý chí của mình để thổi sinh mệnh vào hoa cỏ, cây cối chính là tâm niệm của tôi. Cùng là một loài hoa, nhành cây nhưng tất cả đều được ban cho một hình vóc riêng biệt. Khi kết hợp chúng với nhau, sẽ có vô số tác phẩm ra đời. Trong Ikebana, không có gì là toàn bích và chính xác”.

Tác phẩm ở Palau
Tác phẩm ở Palau (Ảnh: NVCC)
Tác phẩm trong phim
Tác phẩm trong phim "Ooku" (Ảnh: NVCC).

Tôi thường cắm hoa theo điệu nhạc

“Khi trình diễn, tôi thường cắm hoa theo điệu nhạc. Tôi vừa muốn khán giả bên dưới có thể vui vẻ thưởng thức tiết mục của tôi, vừa từng chút vun đắp cho một thế giới mới hình thành”. - Đó chính là tâm niệm của nghệ nhân Koen khi cắm hoa.

 Ngoài ra, trong cuốn “Sách trắng đô thị Tokyo” (東京都市白書) ấn hành năm 2016, nghệ nhân Koen cũng chia sẻ: “Dù hiện tại Edo đã chuyển thành Tokyo, nhưng thói quen tận dụng góc Tokonoma, trà thất, vườn đá và không gian để trồng kiểng hay cắm hoa của người dân vẫn tiếp diễn trong nếp sống sinh hoạt. Tôi muốn chúng ta hãy luôn ưỡn ngực tự hào về những đặc tính dân tộc này của mình. Với những du khách ghé thăm Tokyo, hãy nghênh đón họ bằng hoa lá, cỏ cây cùng tấm lòng hiếu khách “Omotenashi”. Những phong tục đã được gìn giữ từ thời Mạc mạt (1853 – 1869) đến nay, tôi vẫn muốn có thể lưu truyền chúng đến 100 năm nữa”.

Màn trình diễn cắm hoa tại Đà Nẵng, năm 2016
Màn trình diễn cắm hoa tại Đà Nẵng năm 2016 (Ảnh: NVCC)

Thích mặc áo dài để trình diễn

“Tôi cũng thường mặc áo dài trình diễn đấy!” – khoác trên người bộ trang phục Kimono trang nhã, nghệ nhân Koen chia sẻ một điều khá bất ngờ với chúng tôi. “Tôi thường phải di chuyển rất nhiều khi thực hiện những tác phẩm lớn, do đó áo dài là phù hợp nhất”. Điểm này cũng nói lên sự gắn bó của cô với Việt Nam.

Chụp ảnh lưu niệm với trẻ em Đà Nẵng sau workshop
Nghệ nhân Kouen Yokoi chụp ảnh lưu niệm với trẻ em Đà Nẵng Ảnh: NVCC)

Năm 2016, cô đã được mời đến Việt Nam để biểu diễn Ikebana trên sân khấu chính của Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật tổ chức tại Đà Nẵng. “Ngay hôm trước đó tôi mới cùng những học sinh bản xứ đi thu nhặt cành cây, đính từng bông hoa lên để làm thành một cành anh đào giống hệt như thật. Các học sinh thấy tôi chỉ thu gom những cành cây giống như rác thì dường như rất ngạc nhiên. Nhưng khi nhìn thấy thành phẩm thì các em vô cùng bất ngờ và nhận ra sự thú vị của công việc sáng tạo”. - Nghệ nhân vui vẻ khi nhớ lại. 

Đón xem bài hướng dẫn cắm hoa Ikebana của nghệ nhân Kouen Yokoi độc quyền trên Kilala.vn vào ngày 14/4/2017

Mayu Senda/ kilala.vn

Kouen Yokoi

Nghệ nhân Hoa đạo thuộc trường phái Sogetsu. Lĩnh vực hoạt động khá đa dạng từ trình diễn sân khấu đến đóng phim, tổ chức hướng dẫn cắm hoa. Tích cực tham gia biểu diễn tại nước ngoài như Việt Nam, Palau, Ấn Độ và chinh phục người xem bằng những tác phẩm đồ sộ tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa.
Mail: kurenai_kouen@yahoo.co.jp 
Tel: +81 (0)46 660 1916
"Tôi luôn sẵn lòng tạo cơ hội trải nghiệm Ikebana cho những ai có đam mê với văn hóa và du lịch Nhật Bản. Nhất định hãy liên lạc vào những dịp tôi tổ chức liveshow hoặc diễn giảng tại Việt Nam".

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU