Những phần trình diễn kết hợp nhạc cụ và nhảy múa đồng đều của những nữ sinh Nhật trong ban nhạc diễu hành khiến nhiều người choáng ngợp.
Ban nhạc diễu hành là gì?
Ban nhạc diễu hành là tập hợp các màn trình diễn âm nhạc từ nhảy múa đến sử dụng nhạc cụ, với số lượng người biểu diễn có thể lên đến 100 người. Loại hình biểu diễn này thịnh hành ở trường học với đa dạng độ tuổi khác nhau, từ trẻ em hai - ba tuổi đến người lớn có kinh nghiệm.
Không chỉ có âm nhạc là phần chính của dàn nhạc, mà ấn tượng về thị giác do màn trình diễn tạo ra cũng vô cùng đặc sắc. Những người cầm cờ và vũ công, những màn thay đổi đội hình mượt mà mang đến một bữa tiệc nghe - nhìn đủ làm choáng ngợp khán giả.
Ở Nhật Bản, Âm nhạc được chú trọng không kém những môn học chính như Toán và Khoa học. Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ đã được dạy ca hát và chơi nhạc cụ. Trẻ em mẫu giáo sẽ học melodica, đây là một cây đàn mini mà bạn sẽ thổi hơi vào và bấm các phím để tạo ra âm thanh. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều quốc gia khi âm nhạc chỉ là một môn học tự chọn.
Từ nền tảng âm nhạc vững chắc này mà ban nhạc diễu hành đã ra đời. Trong số đó, nổi tiếng nhất là ban nhạc đến từ Khoa biểu diễn của trường Trung học Kyoto Tachibana. Với những màn trình diễn đáng kinh ngạc của mình, họ được gọi là “Orange Devil”. Năm 2022, ban nhạc đã trở thành nhóm nhạc nước ngoài đầu tiên biểu diễn trong lễ kỷ niệm Quốc khánh của Đài Loan.
Điều gì giúp ban nhạc diễu hành tồn tại và phát triển?
Giáo dục âm nhạc được xem trọng
Cuộc Duy tân Minh Trị trở thành một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Trong chính sách cải cách giáo dục trên quy mô lớn, âm nhạc cũng là một phần rất quan trọng. Bộ Giáo dục đã ban hành các luật và quy định liên quan để thúc đẩy việc thực hiện giáo dục âm nhạc trong nhà trường.
Họ tìm kiếm sự cân bằng giữa âm nhạc phương Tây và văn hóa địa phương, đồng thời không quên hồi sinh âm nhạc truyền thống, mang đến những yếu tố mới nhưng không làm mất đi nét độc đáo riêng.
Trong giai đoạn này, giáo dục âm nhạc ở Nhật Bản đã chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực ca hát, và đến sau Thế chiến II, những thay đổi mới được mở rộng sang cả nhạc cụ, sáng tác…
Chỉ cần nhìn vào nội dung hướng dẫn học nhạc của các trường tiểu học Nhật Bản, bạn có thể cảm nhận được sự tỉ mỉ trong giáo dục âm nhạc của họ như thế nào.
Từ việc trải nghiệm bầu không khí âm nhạc, tiếp xúc với biểu diễn và sáng tạo ở lớp một, đến việc đánh giá cao khả năng sáng tác âm nhạc và thực hiện các hoạt động âm nhạc sáng tạo ở lớp năm và lớp sáu, trình độ âm nhạc của trẻ được cải thiện dần dần.
Nuôi dưỡng tài năng từ khi còn trẻ
Được xem là một cường quốc âm nhạc, những tài năng của nước Nhật không phải tất cả đều sở hữu năng khiếu bẩm sinh, mà phần nhiều trong số họ phải trải qua quá trình luyện tập chăm chỉ và khắc nghiệt. Chính vì thế nhiều học sinh ngay từ khi còn nhỏ đã sở hữu những kỹ năng như một người trưởng thành.
Tham gia vào các câu lạc bộ âm nhạc
Trường học có rất nhiều CLB âm nhạc đa dạng: dân ca, thính phòng, nhạc nhẹ và nhạc jazz, rock… Học sinh không tham gia các câu lạc bộ này chỉ để giải trí hoặc vui chơi với bạn bè, hay vì buộc phải tham gia một môn tự chọn. Các em biết rằng việc đăng ký đồng nghĩa phải hy sinh rất nhiều thời gian rảnh để học và thực hành. Giáo viên hoặc nhạc trưởng sẽ không nắm tay và trông chừng học sinh hay cho phép mắc lỗi nhiều lần.
Vì vậy, ngoài việc luyện tập theo ban nhạc, nhiều em sẽ chủ động học các phần của mình và cải thiện. Học sinh sẽ luyện tập trong thời gian nghỉ giải lao, nhờ tiền bối giúp đỡ và cho lời khuyên, quan sát các nhạc sĩ khác và làm bất cứ điều gì có thể để tiến lên phía trước. Trẻ em Nhật Bản biết rằng tất cả đều là những việc khó khăn và chúng có thể thành công nếu đủ nỗ lực.
Sự cạnh tranh khắc nghiệt
Những ban nhạc học đường có khối lượng thành viên lớn nhưng chỉ những người giỏi nhất mới được chọn biểu diễn. Đặc biệt chỉ có một người được chọn cho vị trí solo.
Ngay cả màn trình diễn đầy tính giải trí như của Kyoto Tachibana, thì sự chăm chỉ đằng sau nó là không thể tưởng tượng: mỗi thành viên trong nhóm đều có những yêu cầu nghiêm ngặt về độ dài sải chân và độ cao bước nhảy, họ cũng chịu trách nhiệm về các màn trình diễn nhạc cụ phức tạp. Mọi người đều có lòng kiên trì và nghị lực để không ngừng tập luyện.
Sẵn sàng giành thời gian để luyện tập
Trên trang Kyoto Tachibana Fanpage, các sinh viên được hỏi họ đã tập luyện trong bao lâu. Phần lớn cho biết 35-40 giờ một tuần, thậm chí một số còn nói 50 giờ trở lên. Mặc dù phần lớn thời gian này sẽ diễn ra trước và sau giờ học, trong quá trình sinh hoạt câu lạc bộ của họ.
Nhưng có một lý do bổ sung cho điều này. Hầu hết người Nhật sống trong các ngôi nhà phố hoặc căn hộ nhỏ, vì vậy việc chơi những nhạc cụ ồn ào như vậy ở nhà là không thể, đặc biệt là vì họ sẽ quan tâm đến hàng xóm của mình và không muốn làm phiền ai. Vì vậy, học sinh cần tập luyện ở trường học, hoặc công viên địa phương - những nơi không làm phiền người khác.
kilala.vn