4 tác phẩm điêu khắc công cộng ấn tượng tại Tokyo

Bài: Ngọc OanhMar 23, 2021

Không cần phải bước chân vào bảo tàng nghệ thuật, bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng một loạt các tác phẩm điêu khắc công cộng độc đáo tại đường phố Tokyo. 

Tokyo nổi tiếng với số lượng lớn viện bảo tàng, phòng triển lãm tranh nghệ thuật đương đại cùng nhiều buổi triển lãm đặc sắc, ấn tượng. Đặc biệt hơn nữa, bên ngoài đường phố Tokyo sầm uất còn trưng bày rất nhiều tác phẩm điêu khắc công cộng “có một không hai” mà du khách thoải mái chiêm ngưỡng miễn phí. Cùng Kilala điểm qua 4 tác phẩm nghệ thuật đường phố nổi bật tại Tokyo! 

NI-Tele Really Big Clock

Chiếc đồng hồ khổng lồ bằng đồng và thép “NI-Tele Really Big Clock” được thiết kế bởi đạo diễn nổi tiếng của Studio Ghibli - Hayao Miyazaki. Tác phẩm được đặt ở bên ngoài Tòa nhà Nittele, khu phố Shiodome, quận Minato, Nhật Bản. Hayao Miyazaki đã mất 4 năm để hoàn thiện tác phẩm này.

tác phẩm điêu khắc công cộng ấn tượng tại tokyo
Đồng hồ “NI-Tele Really Big Clock” được thiết kế bởi đạo diễn Hayao Miyazaki. 

Đồng hồ được thiết kế theo phong cách cổ điển của thời kỳ những đầu máy hơi nước còn được sử dụng nên cơ chế hoạt động của nó khá phức tạp nhưng cũng không kém phần tinh tế. Với thiết kế cổ điển này, tác phẩm phần nào làm gợi nhớ về lâu đài của phù thủy Howl trong phim “Howl’s Moving Castle” của chính đạo diễn Hayao Miyazaki. Đồng hồ sẽ phát nhạc và chuyển động vào các khung giờ nhất định: 12h, 15h, 18h, 20h các ngày trong tuần và thêm một khung giờ 10h sáng vào cuối tuần. 

The Eye of Shinjuku

“The Eye of Shinjuku” (Mắt của Shinjuku) ra đời vào khoảng năm 1969, là một tác phẩm của Yoshiko Miyashita. Nó nằm bên trong lối đi ở nhà ga Shinjuku, Tokyo, bên dưới tòa nhà Subara. Đúng như cái tên của tác phẩm, nó chứng kiến nhịp sống hối hả của hàng triệu người đi làm mỗi ngày tại nhà ga Shinjuku nhộn nhịp nhất thế giới. Với thiết kế bắt mắt, tác phẩm như hút hồn người xem vào bên trong nó. 

the eye of shinjuku
Tác phẩm "The Eye of Shinjuku" mang vẻ huyền bí làm người xem không thể rời mắt.

Bức tượng nhện khổng lồ Maman

Ngay trước bảo tàng Nghệ thuật Mori, quận Minato, tượng điêu khắc chú nhện đang mang thai có tên là “Maman” đã trở thành biểu tượng của khu phức hợp Roppongi Hills. Tượng Maman được thiết kế bởi nghệ sỹ người Mỹ gốc Pháp Louise Bourgeois năm 1999 và được đúc hoàn thiện vào năm 2002. 

tượng chú nhện mang thai maman
Tượng chú nhện mang thai Maman và thông điệp về tình mẫu tử. 

Điểm độc đáo của tác phẩm là có chiều cao lên đến 10,32 mét và nặng 11 tấn. Bức tượng được làm chủ yếu từ thép không gỉ, tuy nhiên, phần ngực và bụng thì được đúc bằng đồng. Đặc biệt, bức tượng nhện này có một túi trứng với 32 quả trứng cẩm thạch. Qua hình ảnh chú nhện mang thai, nghệ sĩ Louise Bourgeois muốn truyền tải đến người xem về thiên chức làm mẹ đó là nuôi dưỡng, bảo bọc cho những đứa con thơ. 

Tác phẩm Cloud của Leandro Erlich

“Cloud” – Đám mây là tác phẩm nghệ thuật công cộng của nghệ sĩ người Argentina Leandro Erlich, được trưng bày bên ngoài tòa nhà lino Building tại ga Kasumigaseki, Tokyo. 

cloud
Tác phẩm "Cloud" tạo thêm điểm chấm phá cho tòa nhà lino Building, Tokyo.

Tác phẩm mang đến cho người xem hình ảnh một đám mây đang bay lơ lửng bên trong hộp kính. Để tạo nên tác phẩm này, nghệ sĩ Leandro Erlich đã cẩn thận tạo ra hàng ngàn miếng thủy tỉnh được nhuộm bằng mực gốm. Dù ban ngày hay ban đêm, du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng tác phẩm đặc sắc này. Nhất là trong đêm, tác phẩm “Cloud” được thắp đèn LED trở nên cực kỳ lung linh và cuốn hút. 

Mỗi tác phẩm nghệ thuật công cộng mang nét đẹp riêng, góp phần tạo nên sức hút đặc biệt của Tokyo trong lòng du khách quốc tế. Nếu có dịp du lịch đến Tokyo, việc chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật công cộng tại đây sẽ làm cho chuyến đi của bạn thêm phần thú vị đấy.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU