金継ぎ Kintsugi - Khi sự nứt vỡ tạo nên vẻ đẹp độc tôn
Bài: Lê Mai/ Hỗ trợ hình ảnh: Kintsugi ToshokanSep 15, 2017
“Kintsugi - 金継ぎ”, còn gọi là “Kintsukuroi - 金繕い” là một kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản được sử dụng để phục hồi những món đồ gốm bị nứt bể. Mặc dù tên gọi “Kintsugi” khiến nhiều người lầm tưởng là “dùng vàng để chắp vá” nhưng nguyên liệu chính được sử dụng trong kỹ thuật này lại là sơn mài. Sau khi dùng sơn mài để vá các chỗ hư hỏng, người thợ sẽ phủ lên trên vết vá một lớp bột vàng, bạc hoặc bạch kim để món đồ tăng thêm phần thẩm mỹ. Tương tự với tranh sơn mài Maki-e, Kintsugi được xem là kỹ thuật đặc trưng trong nền văn hóa Nhật Bản.
Nguồn gốc gắn liền với Trà đạo
Người Nhật cho rằng, khởi nguồn của kỹ thuật Kintsugi là từ thời đại Muromachi (từ thế kỉ 14 - 16). Đây vốn là thời kỳ mà văn hóa Trà đạo đang trở nên vô cùng thịnh hành. Khi tướng quân Ashikaga Yoshimasa làm vỡ chén uống trà yêu thích, ngài đã gửi những mảnh vỡ của nó sang Trung Quốc để sửa chữa. Tuy nhiên, món đồ mà ngài nhận lại chỉ là một chiếc chén với những vết vá bằng kim loại vô cùng xấu xí. Do đó, ngài đã yêu cầu những người thợ Nhật Bản tìm ra phương thức sửa chữa mới, tạo tiền đề cho kỹ thuật Kintsugi được ra đời. Từ đó, Kintsugi chủ yếu được sử dụng để sửa chữa những món đồ gốm dùng trong Trà đạo.
Kintsugi - Trái tim của người Nhật Bản
Khi sử dụng đồ gốm, bạn đã biết chắc rằng một ngày nào đó chúng sẽ bị nứt vỡ. Theo quan niệm người Nhật Bản, dù đã hư hỏng nhưng chúng là những món đồ đã từng đồng hành và mang lại niềm vui cho người sử dụng. Do đó, kỹ thuật “Kintsugi” ra đời nhằm lưu giữ hình dáng thuở ban đầu của những món đồ mà chúng ta từng rất trân quý, qua đó thể hiện tâm ý cảm ơn và tấm lòng yêu mến vẫn vẹn nguyên. Đây chính là suy nghĩ rất đặc trưng của người Nhật Bản, thể hiện quan điểm mỹ học có nguồn gốc từ Phật giáo “Wabi Sabi” vốn trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo.
Những phương pháp Kintsugi tiêu biểu
Sử dụng sơn mài và bột vàng để kết dính các mảnh vỡ với nhau. Đối với những món đồ gốm bị vỡ nhưng không tìm được mảnh ghép cùng bộ, người thợ có thể thay thế bằng mảnh vỡ của món đồ gốm khác, kỹ thuật này gọi là Yobitsugi (呼び継ぎ).
Các bước cơ bản trong kỹ thuật Kintsugi
Sơn mài vốn không có độ kết dính cao. Đối với phương pháp Hibi hoặc tương tự, sơn mài sẽ được trộn chung với bột mì và nước để tăng khả năng kết dính.
Gia cố hộn hộp trám
Khi trám vết mẻ hoặc thủng, lớp sơn mài sẽ lâu khô và kém nhẵn mịn bề mặt nếu đắp quá dày. Để khắc phục điểm yếu này, người thợ sẽ trộn sơn mài chung với bột gạo, một loại sợi chuyên dụng trong Kintsugi có tên “Kokuowata” và bột gỗ.
Đối với phương pháp Ware, sau khi hỗn hợp trám (gồm sơn mài, bột Tonoko và nước) đã khô, người thợ sẽ dùng giũa để gọt nhẵn bề mặt vết trám.
Để lớp bột vàng, bạc hoặc bạch kim có thể lên màu chuẩn xác và tươi tắn hơn sau khi hoàn thành, một lớp sơn mài đỏ sẽ được phủ lên bề mặt vết trám.
Không có vết nứt nào giống vết nứt nào, cũng như không có vết hàn trám nào lại giống y như nhau. Sự kém hoàn thiện ban đầu hóa ra lại chính là cơ sở để những món đồ gốm vốn sứt mẻ rũ bỏ sự cô tịch để khoát lên người vẻ đẹp độc tôn đầy kiêu hãnh. Bởi vậy, quả thật không ngoa khi nói rằng, Kintsugi là một phương pháp phục hồi truyền thống không những mang đầy tinh thần nhân đạo mà còn thể hiện cảm quan đầy tinh tế của người Nhật đối với cuộc sống.