Dù đã ở tuổi 73, một cụ bà người Nhật vẫn đều đặn hóa trang thành công chúa Lọ Lem mỗi ngày. “Nàng Lọ Lem của Shinsaibashi” (biệt danh của bà) đã truyền cảm hứng cho nhiều người để họ sống trọn vẹn với đam mê của bản thân, bất chấp tuổi tác.
Vào mỗi buổi sáng, bà Akiko Matsumoto dành 4 tiếng đồng hồ để hóa thân thành nàng công chúa Lọ Lem. Bà đánh một lớp trang điểm đậm, khoác chiếc đầm phồng màu hồng và không thể thiếu những phụ kiện cầu kỳ cài lên mái tóc, như thể đang chuẩn bị tham dự một buổi tiệc khiêu vũ trong truyện cổ tích.
Trước khi trở thành “Cinderella của Shinsaibashi”
Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng tại tỉnh Yamaguchi, bà Matsumoto bước chân vào con đường trở thành một nhà thiết kế thời trang khi vào làm việc tại một công ty may mặc ở Osaka.
Thời đó, mạng Internet vẫn chưa ra đời nên chủ tịch công ty đã bay sang Mỹ và mang về Nhật những mẫu áo thun, quần jeans của phương Tây. Lúc này, bà đảm nhiệm việc cải tạo chúng cho phù hợp với thị trường Nhật Bản, và những mặt hàng đó lập tức "cháy hàng". Nhưng công việc sao chép này khiến bà không hài lòng: “Không hề có niềm vui trừ khi bạn làm ra thứ gì đó khác biệt hoàn toàn”.
Nhận thấy việc tạo ra những sản phẩm "hot" trên thị trường không mấy khó khăn, bà đã nảy ra ý định bán những mẫu thiết kế và ý tưởng của mình cho các công ty đối thủ. Matsumoto giải thích: “Công việc này chẳng ai làm vào thời đó, nhưng bây giờ thì nó được gọi là tư vấn”. Bà đã đề xuất kế hoạch của mình với chủ tịch công ty và được chấp thuận.
Ngay sau đó, Matsumoto nhanh chóng hoàn thành được hơn 10 hợp đồng với các công ty khác và công việc tư vấn của bà tiếp tục tiến triển ổn định. Nhưng sau khi kết hôn và có đứa con đầu lòng, bà đã thôi việc vì xã hội thời bấy giờ quan niệm phụ nữ nên ở nhà nội trợ sau khi sinh con.
Nhưng cuộc hôn nhân của bà kết thúc bằng một vụ ly hôn. Để nuôi con, bà
Matsumoto phải làm tới bốn công việc khác nhau, bao gồm thiết kế đầm và
giảng dạy tại một trường kỹ thuật.
Sáng kiến kinh doanh cho thuê váy cưới
Bước ngoặt đến với Matsumoto khi bà lên kế hoạch cho một triển lãm thương mại về váy cưới với tư cách là nhà thiết kế. Vào cuối những năm 80, Nhật Bản đang ở đỉnh cao của thời kỳ bong bóng kinh tế. Do vậy, không hiếm các cặp đôi sẵn sàng chi mạnh tay để tổ chức một đám cưới hào nhoáng và bỏ ra vài triệu yên cho một chiếc váy cưới.
Nhưng tại buổi triển lãm, bà nghe được các cô gái đi xem váy nói rằng: “Đẹp thật nhưng đắt quá”. Bà nhận ra có rất nhiều phụ nữ ao ước được mặc một chiếc váy cưới lộng lẫy nhưng không thể vì giá quá cao. “Nếu có thể mang đến cho họ những chiếc váy cưới như vậy nhưng với giá thấp hơn thì tôi có thể giúp mọi người đều cảm thấy hạnh phúc”, bà tự nhủ.
Hơn nữa, trong ngành công nghiệp thời trang Nhật Bản lúc ấy, phần lớn những bộ trang phục không bán được sẽ bị hủy vào cuối mỗi mùa. Nhờ vào các mối quan hệ trong ngành thời trang, Matsumoto đã nghĩ đến việc mua lại những chiếc váy cưới đó và cho thuê với giá thấp.
Nghĩ là làm, vào năm 1987, bà Matsumoto đã thành lập nên Bridal Saloon Rouage. Bà mua nhiều bộ váy cưới rồi biến hóa chúng theo phong cách riêng bằng cách trang trí thêm hoa và ruy băng.
Giá thuê một chiếc đầm cưới tại cửa tiệm của bà là từ 20.000 yên đến 50.000 yên. Matsumoto nhớ lại: “Giá thuê váy cưới trên thị trường lúc bấy giờ là từ 500.000 yên đến 800.000 yên nên cửa tiệm của tôi luôn ngập trong các đơn đặt hàng”.
Bà đã thuê 15 nhân viên và doanh thu hàng năm của công ty vượt 100.000 yên. Điều đặc biệt là ngay từ khi kinh doanh cửa tiệm Bridal Saloon Rouage, bà Matsumoto đã bắt đầu trang điểm đậm, mặc những trang phục có gam màu nổi bật và hóa thân thành nàng công chúa Lọ Lem Cinderella.
Bà cũng từng tham gia vào cuộc thi trang điểm được tổ chức bởi một đài truyền hình tại Osaka và giành được vị trí á quân, chính điều này đã tiếp thêm cho bà sự tự tin và động lực để duy trì phong cách công chúa khác lạ của mình.
“Trở thành đối tượng thu hút được sự chú ý của mọi người là điều tốt nhất cho việc kinh doanh, và tôi nhận ra trang điểm cũng giúp mình cảm thấy tự tin hơn”, bà chia sẻ.
Khi thị trường chuyển mình
Theo thời gian, ngành công nghiệp váy cưới Nhật đã thay đổi chóng mặt. Hiện nay, các địa điểm tổ chức đám cưới thu thêm phí nếu cặp đôi mang theo váy cưới bên ngoài vào, nên mô hình kinh doanh của bà mất đi lợi thế về giá. Hơn nữa, lễ cưới không quá rườm rà đã trở thành xu hướng tại đất nước mặt trời mọc. Ngày càng nhiều cặp đôi còn quyết định không tổ chức hôn lễ.
Cũng vì thế, số lượng nhân viên của cửa tiệm Bridal Saloon Rouage đã giảm chỉ còn 3 người. Và đôi khi, Matsumoto cảm thấy không chắc chắn về tương lai, nhưng bà vẫn tiếp tục hướng về phía trước mà không thay đổi phong cách của mình.
Gần đây, bà Matsumoto xuất hiện ngày càng nhiều trên các chương trình truyền hình Nhật Bản và hoạt động tích cực hơn trên mạng xã hội, điều này giúp thu hút nhiều khách hàng nữ trẻ tuổi đến với cửa tiệm.
Matsumoto bộc bạch: “Phụ nữ nên hành động nhiều hơn và dũng cảm hơn hơn. Đừng quá để tâm những gì người khác nói. Hãy làm những gì bạn thích và tạo nên điều kỳ diệu”. Đây là lời nhắn nhủ của bà với những người phụ nữ khác, đó cũng là câu thần chú giúp Matsumoto theo đuổi đam mê với váy cưới trong suốt 35 năm qua.
Erika, 28 tuổi, đã ứng tuyển làm nhân viên của cửa tiệm Bridal Saloon Rouage sau khi thấy bà Matsumoto trên truyền hình. Cô bày tỏ: “Tôi đã luôn sống với "age-age happy" kể từ khi gặp được bà Matsumoto – nàng công chúa Cinderella của Shinsaibashi”.
kilala.vn