JLPT có phải là thước đo tốt nhất để tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật?
Bài: Happy
Dec 8, 2022
Nguồn: Kyodo News
Chỉ bao gồm phần kiểm tra kỹ năng nghe và đọc một cách thụ động, JLPT bị cho rằng không đủ để làm thước đo đánh giá năng lực tiếng Nhật của lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Chủ nhật, 04/12/2022 vừa qua, kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật JLPT (tiếng Anh: Japanese Language Proficiency Test, tiếng Nhật: 日本語能力試験) đã diễn ra trên toàn thế giới.
JLPT là một bài kiểm tra bao quát, đánh giá và chứng nhận năng lực tiếng Nhật của những người có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Nhật, là kỳ thi Nhật ngữ có sự tham gia đông đảo nhất của các công dân nước ngoài, những người tham gia để mở ra cơ hội việc làm và học tập.
Hiện nay, nhiều công ty tại Nhật Bản đang tìm kiếm và tuyển dụng lao động nước ngoài có khả năng tiếng Nhật bằng cách đưa ra yêu cầu về cấp độ JLPT đạt được là N2 hoặc N1 (hai cấp độ cao nhất trong số năm cấp độ của bài kiểm tra).
Tuy nhiên, kỹ năng nghe và đọc được kiểm tra một cách thụ động thông qua hình thức trắc nghiệm, mặt khác không có phần thi nói và viết khiến người ta nghi ngờ về tính phù hợp của JLPT như một tiêu chuẩn để đánh giá các ứng viên muốn làm việc trong môi trường Nhật Bản.
Bài thi đánh giá năng lực tiếng Nhật JLPT được thành lập vào năm 1984 bởi bởi Japan Foundation, quỹ giao lưu văn hóa thuộc Bộ Ngoại Giao Nhật Bản. JLPT tự hào có số lượng thí sinh khổng lồ và đang tăng mạnh trước đại dịch COVID-19. Năm 2013 có 571.075 người ở 65 quốc gia và khu vực đã tham gia kỳ thi và đến năm 2019, con số này tăng lên mức kỷ lục với 1.168.535 người dự thi ở 87 quốc gia.
Về động cơ đằng sau việc tham gia kỳ thi, một cuộc khảo sát năm 2018 của ban tổ chức đối với các thí sinh ở nước ngoài cho thấy 33,4% thí sinh mong muốn cải thiện cơ hội làm việc trong nước hoặc ở Nhật Bản, trong khi 26,6% khác cần chứng chỉ JLPT cho các yêu cầu học tập.
Tất cả các cấp độ từ N1 đến N5 đều yêu cầu thí sinh đạt điểm tối thiểu trong phần đọc và nghe để vượt qua kỳ thi. Các câu hỏi điển hình bao gồm chọn đúng từ còn thiếu và lắng nghe các đoạn hội thoại để quyết định xem người nói sẽ làm gì tiếp theo.
Tuy nhiên việc thiếu vắng các bài kiểm tra về hiệu quả sử dụng ngôn ngữ đã khiến JLPT không được công nhận tương đương với Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu (CEFR), tiêu chuẩn quốc tế sáu cấp độ có thể được sử dụng để đánh giá khả năng của người sử dụng ngôn ngữ hoặc độ khó của bài kiểm tra đối với tất cả các kỹ năng ngôn ngữ.
Mặt khác, ở bên ngoài nước Nhật, các bài thi đánh giá năng lực tiếng Nhật ngoài JLPT ít phổ biến hơn, chẳng hạn như bài kiểm tra năng lực tiếng Nhật thương mại BJT (tiếng Nhật: Business Japanese Proficiency Test) chỉ có 5.200 người dự thi vào năm 2021, trong khi kỳ thi J Test (được giới thiệu là bài kiểm tra sau N1) cho biết họ nhận được khoảng 60.000 người dự thi hàng năm.
Đối với những nhà tuyển dụng như anh Kentaro Hayashi, làm việc tại Workport Global Partners, doanh nghiệp chuyên hỗ trợ người nước ngoài tìm việc tại Nhật Bản từ năm 2018, việc thiếu các bài kiểm tra kỹ năng nói khiến anh cảm thấy bằng cấp JLPT không có nhiều ý nghĩa.
Thay vào đó, Workport Global Partners tiến hành các buổi phỏng vấn kéo dài một giờ với những ứng viên tiềm năng để quyết định xem tiếng Nhật của họ có đủ để làm việc cho một công ty tại Nhật hay không.
Hayashi cho biết công ty cũng tránh liệt kê các cấp độ tiếng Nhật cụ thể trên quảng cáo việc làm để tránh mất các ứng viên triển vọng. Anh chia sẻ thêm: “Nếu một ứng viên có năng lực (nhưng không có chứng chỉ) nhìn thấy yêu cầu về chứng chỉ, họ có thể sẽ không nộp đơn ứng tuyển. Có nhiều người sử dụng tiếng Nhật rất lưu loát nhưng không có JLPT, ngược lại cũng có những người có N1 nhưng hầu như không nói được tiếng Nhật".
Ichiro Asami từng làm giáo viên tiếng Nhật, hiện là người đứng đầu Naitei Bridge Co., một công ty tư vấn hỗ trợ các công ty trong nước giúp nhân viên nước ngoài của họ thành công trong công việc, cho biết anh tin rằng các công ty có thể khắc phục vấn đề này.
“Tôi bị sốc khi các công ty nói rằng họ tuyển dụng người có trình độ N1 hoặc N2, nhưng sau đó phát hiện ra họ không yêu cầu ứng viên xuất trình chứng chỉ. Bởi vì không có tiêu chuẩn thống nhất về tuyển dụng, các công ty yêu cầu JLPT nhưng biết rất ít về nó, họ thậm chí không biết cách sử dụng chứng chỉ này để đánh giá ứng viên,” cựu giáo viên tiếng Nhật chia sẻ.
Asami đang kêu gọi các công ty áp dụng CEFR trong hoạt động tuyển dụng của họ như một "cách thực sự thuận tiện" để đặt kỳ vọng về các kỹ năng cụ thể với những ứng viên không phải là người bản xứ.
Với tiêu chí cho từng cấp độ được xác định rõ ràng, một ứng viên có thể đưa ra bản tự đánh giá mà nhân viên tuyển dụng sau đó sẽ kiểm tra dựa trên nhận định của chính họ.
Một hệ thống như vậy dường như còn xa vời, nhưng các động thái nhằm giới thiệu một khuôn mẫu tương tự đang được thực hiện trong chính phủ. Vào tháng 10/2021, Cơ quan Văn hóa, trực thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã công bố một báo cáo về khung tham chiếu mới cho tiếng Nhật, trong đó sử dụng CEFR để phác thảo 5 lĩnh vực đánh giá mức độ thông thạo.
Họ cũng tìm cách tạo ra một tiêu chuẩn đánh giá mới được sử dụng trong và ngoài Nhật Bản. Trong đó, ba tiêu chuẩn chính của khung tham chiếu này là tập trung vào những gì một người sử dụng ngôn ngữ có thể làm và cải thiện các tiêu chuẩn ngôn ngữ để đảm bảo số lượng người nước ngoài ngày càng tăng ở Nhật Bản có thể tham gia vào xã hội. Khung tham chiếu này cũng chú trọng đến sự phong phú của các bài kiểm tra đọc và nghe.
Hiroko Yamamoto, hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Kai ở Tokyo bày tỏ sự lạc quan đối với khung đánh giá mới và sự chuyển hướng tập trung của chính phủ trong việc học ngôn ngữ. "Dù phần nào khó để hiện thực hóa, nhưng đây là lần đầu tiên chính phủ đặt những điều người học có thể làm và chất lượng ngôn ngữ ở vị trí trung tâm. Cho đến bây giờ, vấn đề là liệu các trường có thể giúp học viên nâng cao trình độ trong học tập hay không”, cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Yamamoto cũng lưu ý rằng, JLPT không đủ để đánh giá các kỹ năng được nêu trong khung tiêu chuẩn mới. Mặt khác, làm thế nào để đánh giá sẽ là vấn đề lớn nhất và để có một hình thức mà tất cả các trường dạy tiếng Nhật đều có thể áp dụng sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế của JLPT, cô Yamamoto vẫn nghĩ rằng bài kiểm tra này tạo động lực mạnh mẽ cho các học viên.
Đáp lại yêu cầu lên tiếng, Japan Foundation cho biết họ liên tục xem xét cách cải thiện JLPT với các cân nhắc bao gồm đầu vào và đầu ra ngôn ngữ, nhưng hiện tại tổ chức không thể bình luận về kế hoạch cho việc thay đổi hoặc sửa đổi.
Mặc dù thừa nhận những kỳ vọng về bài kiểm tra JLPT đã thay đổi, nhưng Japan Foundation cho biết cách sử dụng kết quả hoặc điểm số của bài kiểm tra tùy thuộc vào ứng viên và các nhóm hoặc tổ chức.
Xem thêm: Bằng JLPT ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp ở Nhật như thế nào?
kilala.vn