Công việc nào ít phải làm thêm giờ nhất tại Nhật Bản?
Bài: Rin
Feb 11, 2022
Nguồn: soranews24.com
Ảnh bìa: blog.gaijinpot.com
Môi trường công sở tại Nhật Bản nổi tiếng khắt khe và một trong những nét đặc trưng của văn hóa làm việc tại quốc gia này là làm thêm giờ.
Để xếp hạng các công việc có thời gian làm thêm giờ (OT) từ ít nhất đến nhiều nhất, website tuyển dụng việc làm Doda của Nhật Bản đã tiến hành khảo sát 15.000 người thuộc 90 ngành nghề khác nhau.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 04/2021 đến tháng 06/2021, đây cũng quý đầu tiên trong năm tài chính 2021 ở hầu hết các công ty Nhật Bản. Dưới đây là thống kê về thời gian OT và top những ngành nghề nằm ở hai đầu của bảng xếp hạng.
Thời gian làm thêm giờ trung bình của người Nhật
Độ tuổi của những người tham gia khảo sát của Doda nằm trong khoảng từ 20 đến 59 và trung bình, họ làm thêm 20,8 giờ/tháng. Như vậy, nếu 1 tháng có trung bình 20 ngày làm việc thì họ làm thêm 1 tiếng/ngày.
Tuy nhiên, 20,1% người khảo sát trả lời rằng họ làm thêm 40 giờ/tháng. Đỉnh điểm, 5,5% cho biết có thời gian OT lên tới 60 giờ/tháng.
Xem thêm: Lần đầu đi làm công ty Nhật, cần lưu ý điều gì?
Top công việc làm thêm giờ ít nhất tại Nhật Bản
Theo khảo sát của công ty Doda, dưới đây là top 5 công việc có thời gian làm thêm ít nhất mỗi tháng:
- Hạng 1: Thư ký/Lễ tân: 10,5 giờ
- Hạng 2: Trợ lý phòng khám: 10,5 giờ
- Hạng 3: Trợ lý bán hàng: 11,1 giờ
- Hạng 4: Đại lý bán hàng trong lĩnh vực tài chính: 11,4 giờ
- Hạng 5: Trợ lý chung văn phòng: 11,8 giờ
Trong top 10 công việc có thời gian OT ít nhất, có đến 7 công việc liên quan tới vị trí trợ lý. Ngoài ra, đáng chú ý còn có đồng hạng 13 - “Biên dịch viên”, “Đầu bếp/ Phục vụ” với 14,4 giờ; hạng 17 - “Chuyên gia thẩm mỹ” bao gồm nhà tạo mẫu tóc, nhân viên massage với 16,1 giờ.
Xem thêm: Nhìn lại lịch sử 100 năm nghề văn phòng ở Nhật Bản
Danh sách công việc làm thêm giờ nhiều nhất tại Nhật Bản
Ngược lại với danh sách trên, khảo sát của Doda cũng chỉ ra top 5 công việc có thời gian làm thêm giờ nhiều nhất tại Nhật bao gồm:
- Hạng 1: Quản lý xây dựng (tại văn phòng): 38,3 giờ
- Hạng 2: Xuất bản/ quảng cáo/ web/ sản xuất video/ đạo diễn/ planner: 32,5 giờ
- Hạng 3: Quản lý xây dựng (tại công trường): 31,8 giờ
- Hạng 4: Thiết kế kiến trúc: 29,8 giờ
- Hạng 5: Nhân sự: 29,2 giờ
Ngoài ra, xếp ở vị trí thứ 16 và 17 là “Tư vấn CNTT” với 26,1 giờ và “Sáng tạo video game” với 25,8 giờ.
Xem thêm: Bài học từ văn hoá công sở của người Nhật
Thời gian làm việc thêm giờ phân theo độ tuổi, giới tính
Kết quả khảo sát cũng cho thấy người trẻ Nhật Bản làm thêm giờ ít hơn người lớn tuổi, trong đó đứng đầu danh sách là lao động ở độ tuổi 40. Điều này phần nào phản ánh người ở vị trí quản lý thường làm việc ngoài giờ nhiều hơn người trẻ mới vào nghề. Cụ thể:
- Độ tuổi từ 20 đến 29: 16,8 giờ
- Độ tuổi từ 30 đến 39: 21,7 giờ
- Độ tuổi 40 đến 49: 22,2 giờ
- Độ tuổi 50 đến 59: 20,8 giờ
Hiện tại, số lượng nam giới giữ cương vị quản lý nhiều hơn phụ nữ. Đây cũng có thể là một yếu tố dẫn đến nam giới tham gia khảo sát làm việc ngoài giờ nhiều hơn đáng kể so với nữ giới.
So với cuộc khảo sát tương tự của Doda vào năm 2020, kết quả khảo sát năm 2021 có tín hiệu khả quan hơn. 24% người khảo sát cho biết họ làm thêm từ 5 giờ trở xuống mỗi tháng và trung bình của top 20 công việc có thời gian OT ít nhất là 13,5 giờ/tháng, giảm 1,1 so với năm 2020.
kilala.vn