Vì sao có rất nhiều lễ hội mùa hè ở Nhật Bản?

Bài: Rin
Aug 29, 2021

Ảnh bìa: PIXTA

Mùa hè ở Nhật Bản là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc nhất trong năm với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết việc có nhiều lễ hội mùa hè (Natsu Matsuri) bắt nguồn từ những câu chuyện nhuốm đầy màu sắc ma quái. 

Bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 9, mùa hè ở Nhật đặc trưng bởi thời tiết nóng ẩm với những cơn mưa rả rích nhiều ngày và các lễ hội lớn đặc sắc cùng những màn pháo hoa lung linh, đèn lồng sặc sỡ. Rất nhiều lễ hội quy mô lớn được tổ chức vào mùa hè ở Nhật Bản, nổi bật như lễ hội Thất tịch (Tanabata Matsuri) diễn ra vào tháng 8, lễ hội pháo hoa (Hanabi) vào tháng 7 hoặc tháng 8, lễ hội Tenjin Matsuri nổi tiếng ở Osaka, lễ hội Kanda Matsuri ở Tokyo, lễ hội Gion Matsuri ở Kyoto, lễ hội múa truyền thống Bon Odori… Các lễ hội này đều có nguồn gốc từ xa xưa với nhiều mục đích khác nhau và bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi biết được!

gion-matsuri-kyoto
Gion Matsuri diễn ra ở Kyoto vào mùa hè. Ảnh: PIXTA

Bảo vệ mùa màng 

“夏祭り– Natsu Matsuri – Lễ hội mùa hè” được tổ chức tại Nhật Bản với mong muốn bảo vệ mùa màng khỏi các loài sâu hại. Bởi vì thời xưa, có tới 85% người dân Nhật tham gia vào nông nghiệp, khác với bây giờ chỉ khoảng 4% người Nhật làm nông. Khi nông nghiệp đóng vai trò lớn trong đời sống của người Nhật, nông dân Nhật phải nộp cho địa chủ một khoản thuế gọi là “年貢 – Nengu – Thuế đất”. Trong thời kỳ Trung Cổ (1185-1603) và thời kỳ Đầu Cận đại (1603-1850), Nengu trở thành nguồn thu chính của giai cấp thống trị, đồng thời là gánh nặng với người dân thấp cổ bé họng. Đặc biệt, dù mùa vụ có bội thu hay thất bát, người nông dân vẫn phải đóng Nengu bằng 40% sản lượng lúa thu được. Do vậy, nông dân đặc biệt chú trọng vào năng suất vì với nhiều người, nó là vấn đề sống còn. 

nguoi-nhat-thu-hoach-lua
Thời xưa nhiều lễ hội được tổ chức vào mùa hè để bảo vệ mùa màng. Ảnh: PIXTA

Để bảo vệ mùa màng và cầu mong một vụ mùa bội thu, rất nhiều lễ hội đã được tổ chức tại Nhật. Vào đầu mùa hè, lễ hội đơn giản, mộc mạc “田楽 – Dengaku” được tổ chức trong mùa gieo cấy lúa. Ở lễ hội này, người nông dân chơi loại nhạc cụ gõ bằng gỗ Sasara và nhảy múa nên nó còn có tên gọi khác là “田遊び – Ta-asobi – Chơi trên cánh đồng”.

le-hoi-sanemori
Hình nộm rơm được sử dụng trong lễ hội Sanemori Okuri. Ảnh: univie.ac.at

Thêm vào đó, lúc bấy giờ vẫn chưa có thuốc diệt côn trùng, thuôc diệt cỏ, nên lễ hội “虫送り – Mushi Okuri – Đuổi côn trùng”, đôi khi cũng được gọi là “実盛送り– Sanemori Okuri”, đã được tổ chức vào mùa hè. Lễ hội này bắt đầu vào khoảng 10h sáng và kết thúc vào lúc 6h tối, những người tham gia sẽ nhảy múa và chơi nhạc cụ xung quanh làng rồi dừng lại biểu diễn ở nhiều nơi trong làng. Các vũ công mặc Yukata, đội mũ rơm rộng vành được trang trí sặc sỡ, còn nhạc công chơi trống, chuông, sáo. Đặc biệt, đi cùng với các vũ công còn có hình nộm bằng rơm tạo hình như một Samurai đang cưỡi ngựa, được xem là vật tế thần của lễ hội này.

Hình nộm có tên là Sanemori, được đặt theo tên của vị tướng Saito Sanemori sống vào thời Heian. Trong truyền thuyết Heike Monogatari, Saito đã bị kẻ thù giết chết trong một ruộng lúa, sau đó ông biến thành Unka, loại rầy lưng trắng chuyên phá hoại mùa màng. Từ đó, các loại sâu, côn trùng hại lúa thường được gọi là Sanemori. Vào ban đêm, cùng với “松明 – Taimatsu – Đuốc nhựa thông” được thắp sáng, dân làng rung chuông để xua đuổi côn trùng ra khỏi cánh đồng. Vào cuối lễ hội, hình nộm rơm Sanemori được thả xuống một con sông chảy xiết, khép lại lễ đuổi côn trùng Mushi Okuri. 

Làm dịu các linh hồn và cung cấp thức ăn cho những Obake bị đói 

Vào những tháng mùa hè nóng ẩm ở Nhật Bản, nhiều thiên tai thường xảy ra như bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán hay đói kém. Người Nhật xưa cho rằng chúng được gây ra bởi các hồn ma báo oán “怨霊 – Onryou” và “御霊 – Goryou”, những hồn ma đầy thù hận thuộc tầng lớp quý tộc Nhật thời xưa. 

Hồn ma Goryou nổi tiếng nhất Nhật Bản có thể kể đến là Tenjin-sama (vị thần của Bầu trời) do Sugawara no Michizane (845-903), một học giả và nhà chính trị sống ở thời Heian sau khi chết hoá thân thành. Vào năm 901, cả gia đình Sugawara bị lưu đày đến Kyushu sau khi bị đối thủ Fujiwara no Tokihira hãm hại và ông đã mất khi lưu vong vào năm 903. Mang theo lòng oán hận, Sugawara đã biến thành hồn ma Goryou và những năm sau đó, Nhật Bản gánh chịu nhiều bệnh dịch, hạn hán trên diện rộng. Chưa dừng lại ở đó, ba thập kỷ sau, Kyoto cũng gặp phải mưa lớn và sét đánh làm nhiều quý tộc triều đình tử vong. Đây đều được cho là do sự oán giận của Sugawara mang đến. 

Sugawara-no-Michizane
Sugawara no Michizane đang tạo ra cơn bão từ đỉnh núi Tempai, tranh được vẽ bởi hoạ sĩ Utagawa Hiroshige. Ảnh: chadkohalyk

Để làm an lòng Goryou Sugawara, bức thư lưu đày của ông đã được đốt đi, thanh danh cũng được khôi phục. Ông được tôn thờ làm “Tenjin-sama – Vị thần của Bầu trời” và thờ phụng tại đền Kitano Tenmangu ở Kyoto. Từ đó trở đi, trên khắp Nhật Bản, lễ hội Tenjin Matsuri được tổ chức vào ngày 24/7 và ngày 25/7 để tôn thờ Tenjin-sama. Trải qua nhiều thế kỷ, Tenjin-sama từ hồn ma báo thù đã trở thành một vị thần bảo trợ cho học tập. 

Ngoài ra, trong lễ Obon, Segaki, một nghi lễ trong Phật giáo cũng thường được tổ chức nhằm xoa dịu sự đau khổ của những hồn ma oán hận Onryou, Muen-boteke (người mất khi không còn bất kỳ ai thân thích) và Gaki hay còn gọi là Jikininki (những hồn ma bị các cơn đói khủng khiếp dày vò). Thêm vào đó, để cúng các hồn ma lang thang này, trong những ngôi chùa hoặc gia đình theo đạo Phật ở Nhật, bên cạnh bàn thờ gia tiên Butsudan, Segaki-dana hay Gaki-dana là các bàn thờ dùng để cúng dường gồm gạo và nước cho các hồn ma không siêu thoát cũng được lập ra. 

Phòng tránh bệnh tật

Tại Heian-kyou (平安京), tên gọi cũ của cố đô Kyoto vào thời Nara (710-794), rất nhiều dịch bệnh xảy ra vào mùa hè do nhiều nguyên nhân như mật độ dân số đông, hệ thống thoát nước thải không được trang bị đầy đủ khiến nguồn nước uống ô nhiễm, dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Đa số dân thường vào thời này không có chế độ ăn uống lành mạnh, và chỉ giới quý tộc mới có những hầm băng Himuro để bảo quản thực phẩm. Do vậy, nhiều dịch bệnh như kiết lỵ, cúm, đậu mùa, sốt rét, sởi tấn công Heian-kyou với sức công phá dữ dội, đáng báo động. Giống với thiên tai, người Nhật xưa cho rằng những trận dịch này cũng là do linh hồn ma quỷ tạo nên. 

Hakata-gion-yamakasa-Kyoto
Lễ hội Hakata Gion Yamakasa tại tỉnh Fukuoka. Ảnh: blog.gaijinpot

Vì vậy, từ thế kỷ 9, lễ hội Gion Matsuri đã được tổ chức và xem như một nghi thức thanh tẩy để xoa dịu các vị thần cùng những hồn ma oán hận đã gây ra thảm hoạ dịch bệnh cho Heian-kyou. Cũng có cùng mục đích như Gion Matsuri, vào năm 1241, tại tỉnh Fukuoka, một trận đại dịch đã xảy ra ở thị trấn Hakata nên lễ hội Hakata Gion Yamakasa cũng được tổ chức từ ngày 1/7 đến ngày 15/7 và duy trì đến ngày nay. Vào thời bấy giờ, vị sư sáng lập nên chùa Jotenji cho phép người dân thị trấn khiêng ông trên chiếc xuồng Yamakasa đi quanh những con phố nhỏ và làm sạch chúng bằng nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Truyền thống khiêng xuồng Yamakasa vẫn được duy trì ở các lễ hội Gion ngày nay. 

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU