Yoimiya và Honmiya
Từ thời Edo đến nay, Tenjin Matsuri (天神祭) được biết đến không chỉ như một lễ hội đặc sắc của Osaka mà còn là một trong ba lễ hội mùa hè nổi tiếng toàn quốc, cùng với Kanda Matsuri ở Tokyo và Gion Matsuri ở Kyoto.
Lễ hội được tổ chức tại đền Tenmangu để tưởng nhớ Sugawara no Michizane (845 - 903), một nhân vật có thật trong lịch sử Nhật Bản. Ông được xem là một học giả và một nhà chính trị tài ba vào thời Heian (794 - 1185). Sau khi qua đời, ông được tôn vinh tại đền Tenmangu như vị thần tượng trưng cho sự thông thái và nghệ thuật. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào 2 ngày hạ tuần tháng 7: lễ Yoimiya (宵宮) diễn ra vào ngày 24 và lễ Honmiya (本宮) diễn ra vào ngày 25 với ý nghĩa rước thần linh ra khỏi đền để chiêm ngưỡng sự phồn vinh của thành phố.
Vào sáng sớm ngày 24, nghi lễ cầu bình an, thịnh vượng cho người dân sẽ được tổ chức trọng thể tại đền Tenmangu. Sau đó, đám rước lễ sẽ rời khỏi đền, hướng về sông Dojima và tổ chức nghi lễ Hoko-nagashi (鉾流し) nhằm cầu nguyện thần linh phù hộ cho lễ hội diễn ra tốt đẹp. Hai nghi lễ này được thực hiện bởi các tu sĩ Thần đạo và được xem như phần lễ quan trọng chuẩn bị cho các hoạt động sôi nổi sẽ diễn ra vào ngày tiếp theo. Ngày 25 chính là điểm nhấn của lễ hội, được gọi là Honmiya với hai hoạt động đặc sắc là Rikytogyo và Funatogyo.
Rikutogyo và Funatogyo
Đầu tiên, vào lúc 15 giờ 30 phút của ngày 25, nghi lễ Rikutogyo (陸渡御) được thực hiện tại đền Tenmangu để đưa thần linh ra khỏi đền và đi tham quan thành phố với sự hộ tống của một đoàn diễu hành gần 3.000 người trong các trang phục lộng lẫy, được chia thành 3 đoàn chính.
Đi đầu đoàn diễu hành thứ nhất là Moyooshi Daiko (催し太鼓), một chiếc kiệu được khiêng bởi hàng chục thanh niên lực lưỡng. Trên chiếc kiệu đó là sáu người đàn ông trong trang phục màu xanh, trắng, đầu đội mũ đỏ, xếp thành hai hàng đối diện nhau và cùng đánh những nhịp điệu sôi nổi từ những chiếc trống Daiko. Tiếp theo là sự xuất hiện của Sarutahiko, một vị thần có chiếc mũi dài màu đỏ, biểu tượng của sức mạnh và sự thanh tẩy trong tín ngưỡng Thần đạo. Sau cùng là các nhân vật gắn liền với Thần đạo như nữ quan Uneme, hài nhi Chigo và cô bé hay cậu bé dắt bò thiêng Ushihikidoji. Dẫn đầu đoàn thứ hai là các vị chức sắc của tỉnh và thành phố trên lưng ngựa. Tiếp đó là hàng loạt các kiệu rước như Haguruma và Horen, vốn là những phương tiện được quý tộc thời Heian sử dụng. Đoàn thứ ba là đoàn rước kiệu dành riêng cho thần linh như Tama-Mikoshi và Otori-Mikoshi. Cứ như thế, các đoàn diễu hành sẽ lần lượt đi qua các khu phố chính và hướng về cầu Tenman để tiếp tục tiến hành nghi lễ Funatogyo.
Vào khoảng 18 giờ, đoàn diễu hành sẽ đến sông Okawa. Tại đây, họ sẽ tiếp tục lên những chiếc thuyền đã đợi sẵn ở đó để tiếp tục nghi lễ Funatogyo (船渡御). Đoàn diễu hành sẽ bắt đầu từ phía hạ lưu của dòng sông hướng về phía thượng nguồn với 2 cột mốc là cầu Tenman và cầu Hisho. Vào thời điểm này, dòng sông Okawa bỗng trở nên nhộn nhịp với gần 100 chiếc thuyền lộng lẫy. Trung tâm của đoàn thuyền này là những chiếc thuyền chở kiệu Tama-Mikoshi, Otori-Mikoshi, Horen. Xung quanh là những chiếc thuyền đại diện cho các hiệp hội trong thành phố và nhiều thuyền nhỏ khác. Xen kẽ là những chiếc thuyền dành để biểu diễn kịch Noh, múa Kagura, trình diễn trống Taiko.
Có thể nói, khác với vẻ trầm lặng ngày thường, vào thời điểm này, dòng sông Okawa trở nên sôi động lạ thường trong tiếng hò reo phấn khích của mọi người cùng với những thanh âm nhộn nhịp của đàn và trống. Nhưng có lẽ cao trào nhất của Funatogyo là màn bắn pháo hoa trên sông như một nghi lễ chào mừng thần linh. Đây cũng là hoạt động được du khách háo hức chờ đón nhất. Trong suốt 3 tiếng đồng hồ, từ 19 giờ đến 21 giờ, có khoảng 4000 phát được bắn lên trên bầu trời. Hình ảnh những bông pháo sáng rực trên trời phản chiếu xuống mặt nước khiến cho dòng sông trở nên lung linh và huyền ảo trong đêm hè thực sự trở thành một ấn tượng khó phai đối với những người tham gia lễ hội.
Sau khi Funatogyo kết thúc, từ thuyền chở Otori-Mikoshi, thần linh sẽ được rước bờ và về lại đền Tenman. Tại đây sẽ tiếp tục diễn ra một nghi lễ đón thần Kangyosai kéo dài đến 10 giờ 30 phút tối. Lễ hội kết thúc trong bầu không khí mãn nguyện vì thần linh đã trải qua một chuyến tham quan thành phố trọn vẹn và hào hứng cùng với người dân của mình.
Sức hấp dẫn của Tenjin Matsuri
Có thể nói, cũng như rất nhiều lễ hội mùa hè khác trên khắp nước Nhật, đến với Tenjin Matsuri, ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chiếc kiệu lộng lẫy với hàng chục người khiêng, hay chiêm ngưỡng các đoàn diễu hành với những bộ trang phục lộng lẫy của từng thời đại lịch sử bước đi trong giai điệu réo rắt của sáo hay thanh âm nhộn nhịp của trống. Đồng thời, du khách cũng khó lòng rời mắt khỏi hình ảnh trẻ trung các chàng trai cô gái trong trang phục mùa hè Yukata đang phấn khích tham gia các hoạt động sôi nổi của ngày hội. Dù vậy, có lẽ du khách đồng thời sẽ có một cảm nhận rất riêng khi đến với lễ hội Tenjin khi cùng với người dân địa phương háo hức chờ đón màn trình diễn pháo hoa tưng bừng trên sông Okawa. Trong không khí vui tươi của đất trời, đâu đó con người vẫn cảm nhận được sự hân hoan của thần linh khi chứng kiến sự phồn vinh của một thành phố năng động và đầy sức sống như Osaka. Đó cũng chính là điểm hấp dẫn rất riêng của lễ hội đặc sắc này.
kilala.vn