Nghi lễ rước kiệu Mikoshi trong lễ hội Nhật Bản
Bài: Phương Thanh
Jan 3, 2022
Ảnh bìa: makidaisuke.jp
Trong các lễ hội diễn ra trên khắp đất nước mặt trời mọc, chúng ta thường trông thấy những chiếc kiệu Mikoshi mang theo các vị thần được rước vòng quanh thị trấn bởi những nam nữ thanh niên tình nguyện. Xung quanh chiếc kiệu, người dân tập trung reo hò và bày tỏ lòng thành kính, ước nguyện đến thần linh.
Là một quốc gia sở hữu nhiều tập tục độc đáo và đa dạng, văn hóa tín ngưỡng tại Nhật cũng chứa đựng những đặc trưng riêng biệt. Tại nhiều quốc gia, người dân sẽ thờ cúng thần linh tại những địa điểm linh thiêng cố định như đền chùa hay ở các ngôi miếu nhỏ. Người Nhật cũng vậy, tuy nhiên khi đến Nhật Bản lần đầu, các du khách sẽ cảm thấy thú vị khi chứng kiến văn hóa “thờ cúng di động”, thể hiện qua những đền thờ di động là chiếc kiệu rước thần linh Mikoshi. Văn hóa thờ cúng di động xuất hiện trong các lễ hội diễn ra xuyên suốt hằng năm và là phong tục phổ biến, gần gũi đối với người dân Nhật Bản.
Nguồn gốc của kiệu Mikoshi
Trong tiếng Nhật, từ “神輿” (Mikoshi) được ghép từ chữ “神” (thần) và chữ “輿”, tức là kiệu, để chỉ chiếc kiệu dành cho thần linh; hoặc cũng có thể viết là “御輿” với “御” được thêm vào để chỉ sự tôn kính.
Ngày xưa, kiệu được xem là phương tiện đi lại của giới quý tộc bởi được vận hành hoàn toàn bằng sức người. Cần phải có ít nhất từ 2 đến 4 người đặt những cán gỗ lên vai để khuân chiếc kiệu lên, đưa chủ nhân đến nơi mà họ mong muốn.
Trong Thần đạo Nhật Bản, người ta tin rằng vị thần của địa phương ngự trong đền thờ và chỉ có thể di chuyển bằng cách đặt họ trong một cấu trúc tương tự. Do đó, Mikoshi thường là một phiên bản thu nhỏ của ngôi đền.
Việc sử dụng kiệu để di chuyển thần linh bắt nguồn vào thế kỉ thứ 8, từ ngôi đền Usa Hachiman ở Kyushu. Họ đã dùng kiệu để di chuyển Hachiman (còn được biết đến với tên gọi là Bát Phiên Đại Bồ Tát/ Bát Phiên Thần - vị thần chiến tranh của đạo Shinto, người bảo vệ cho người Nhật và nước Nhật). Đến thế kỉ thứ 10, việc di chuyển thần linh bằng kiệu đã tở thành một thông lệ, xuất hiện tại nhiều lễ hội lớn, được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.
Mikoshi trong các lễ hội Nhật Bản
Trong nhiều lễ hội được tổ chức ở đất nước mặt trời mọc ngày nay, thần linh sẽ được đặt ngay ngắn trong những ngôi miếu nhỏ với mái được chạm khắc phượng hoàng mạ vàng, phần thân trang trí bắt mắt, lộng lẫy. Ngôi miếu có hình dạng giống như một cái kiệu nhỏ, thường có hình chữ nhật, hình lục giác và đôi khi là hình bát giác; các góc sẽ được gắn vào các cọc dài để những người tình nguyện sẽ vác ngôi miếu trên vai, đưa vị thần linh thiêng đi bộ quanh những khu vực có người dân qua lại.
Mikoshi được mang vác trên vai của 20 hoặc 30 người tình nguyện, xuất hiện xuyên suốt trong các mùa lễ hội diễn ra hằng năm. Đặc biệt, một số lễ hội thậm chí còn có Mikoshi của trẻ em để giúp các cư dân nhí cũng cảm thấy được trở thành một phần của sự kiện văn hóa này.
Thông thường, hành trình di chuyển của Mikoshi không cố định, họ có thể đang đi theo một con đường thẳng, rồi đột ngột rẽ sang hướng khác. Việc di chuyển không theo một lộ trình định sẵn mà lại rất ngẫu hứng như vậy góp phần diễn tả tâm trạng thất thường, hay thay đổi của các vị thần trong quan niệm tín ngưỡng của người Nhật.
Đội vác kiệu sẽ liên tục hô vang những lời chúc tụng, động viên cho những người tham gia lễ hội, tiếng người cùng hòa với tiếng trống, tiếng nhạc nhộn nhịp tươi vui của buổi lễ. Thậm chí, trong nhiều lễ hội, những người khuân vác còn liên tục lắc lư, nhảy múa để vị thần đang ngồi trong kiệu có thể “vui vẻ’’ hòa cùng mùa lễ với người dân. Trong một lễ hội, có thể có sự xuất hiện của nhiều Mikoshi, đây cũng là lúc mà các vị thần có thể “giao lưu” với nhau.
Người dân tham gia lễ hội sẽ tỏ lòng kính cẩn, thành tâm cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình, cầu thần linh luôn bảo vệ, che chở họ trước những khó khăn, sóng gió. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý về việc giữ khoảng cách với Mikoshi để tránh gây cản trở cho việc di chuyển.
Tham gia khiêng kiệu, cần chuẩn bị những gì?
Trang phục
Rước kiệu Mikoshi là một truyền thống lâu đời và có những quy tắc nghiêm ngặt cần tuân theo, bao gồm cả trang phục. Quần áo thông thường sẽ không được chấp nhận và mỗi đội rước lại có đồng phục riêng của họ, nhưng cơ bản sẽ gồm:
- Vớ Tabi: Vớ hai ngón
- Jika tabi: Đôi bốt hai ngón
- Fundoshi: Khố truyền thống, tương tự như trang phục các đô vật Sumo mặc trên võ đài
- Hachimaki: Băng đội đầu
- Hanten/ Happi: Áo khoác truyền thống
- Khăn: Đặt trên vai như một lớp đệm chống lại các cột hoặc dầm cứng
Thể lực
Việc tham gia vào sự kiện tôn giáo và văn hóa này được coi là một đặc ân nhưng cũng vô cùng mệt mỏi. Nhiệm vụ vốn đã rất gian khổ là vác theo một cấu trúc nặng nề trên vai suốt một quãng đường dài còn khó khăn hơn khi rượu sake cũng là một phần không thể thiếu trong nghi lễ. Những người khiêng kiệu Mikoshi sẽ cần uống rượu gạo, sớm nhất là từ 6 hoặc 8 giờ sáng, trước khi bắt đầu lộ trình của họ. Do đồ uống có cồn cũng như cái nóng của thời tiết, những người tham gia sẽ phải luân phiên nhau để đảm bảo không ai bị kiệt sức.
Mikoshi được xem là một trong những nét văn hóa linh thiêng của Nhật Bản. Sự xuất hiện của các vị thần trên kiệu không làm cho không khí buổi lễ trở nên trầm lắng hay quá trang nghiêm mà ngược lại, khiến cho không khí lễ hội thêm phần tấp nập, rộn ràng, trở thành một dấu ấn văn hóa đặc biệt khi nói về xứ sở Phù Tang.
Xem thêm: 3 lễ hội đặc sắc ở Nhật Bản ra đời từ thời đại Edo
kilala.vn