Ngày Thu phân: ngày để kính nhớ ông bà tổ tiên

Bài: Mai Hà LinhSep 21, 2020

Ngày Thu phân là một ngày đánh dấu mốc thời gian giữa mùa thu, là một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch. Chúng ta thường nghe nhắc nhiều về ngày này trong văn hóa của các nước phương Đông hơn là phương Tây, nhưng không có nghĩa là ở phương Tây không có ngày này. Còn đối với một đất nước nổi tiếng với những lễ hội và lễ nghi như Nhật Bản thì ngày Thu phân cũng mang một ý nghĩa đặc biệt.

Ngày Thu phân ở Nhật Bản là ngày mấy?

Ngày Thu phân (Shuubun no Hi - 秋分の日) là một ngày lễ quốc gia tại Nhật Bản. Đây là một ngày lễ được ban hành dựa trên "Bộ luật các ngày lễ quốc gia" được thi hành vào năm 1948. Trước chiến tranh, ngày này được gọi là ngày "Lễ hội Thần Hoàng mùa thu", là lễ cúng những vị thần linh của hoàng gia và các đời hoàng đế trước ở hoàng cung vào tiết thu phân hằng năm. Sau đó, ngày này dần dần lan rộng trong dân chúng và đến sau chiến tranh thì ngày này được đổi tên thành ngày Thu phân.

Thu phân Nhật Bản
Ngày Thu phân là một ngày lễ quốc gia tại Nhật Bản.

Vào ngày này, Mặt Trời sẽ xuất hiện gần xích đạo nhất, dẫn đến hiện tượng ngày và đêm dài gần bằng nhau do lượng ánh sáng từ Bắc và Nam bán cầu nhận được gần bằng nhau. Không chỉ tại Nhật Bản, bạn sẽ được trải nghiệm thời khắc này ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tùy vào số ngày dương lịch trong năm mà ngày thu phân sẽ bị lệch đi một chút (năm nhuận và năm không nhuận). Ngày thu phân trên thế giới thường rơi vào khoảng ngày 21/9 – 24/9, Nội các Nhật Bản thì đã quyết định lấy ngày 23 tháng 9 hàng năm làm ngày Thu phân.

Thu phân Nhật Bản
Ngày Thu phân là ngày mà mặt trời nằm ở gần đường xích đạo nhất. (Ảnh: kazuhiro01.net)

Tuy nhiên, do chế độ “Ngày thứ Hai vui vẻ” (Happy Monday) được ban hành vào năm 2003, mà những ngày lễ ở Nhật cũng được thay đổi linh hoạt hơn. Vì ngày nghỉ Thu phân thường gần với ngày Kính lão nên chính phủ Nhật cũng linh hoạt thay đổi ngày Kính lão để tạo thành một kì nghỉ dài cho người dân. Cụ thể là, theo như quy định ngày nghỉ Nhật Bản thì ngày Kính lão sẽ là thứ Hai tuần thứ ba của tháng 9, thường sẽ rơi vào khoảng từ ngày 15/9 đến 21/9,  trong trường hợp ngày Thu phân rơi vào ngày thứ Ba 21/9, 22/9 hoặc 23/9 thì thứ Hai trước đó sẽ là ngày Kính lão. Như vậy, Nhật Bản sẽ có kì nghỉ 4 ngày từ thứ Bảy cho đến thứ Ba. Còn trong trường hợp ngày Thu phân rơi vào ngày thứ Tư thì ngày thứ Hai vẫn sẽ là ngày Kính lão và thứ Ba cũng sẽ được tính là ngày nghỉ lễ, như vậy Nhật Bản sẽ có kì nghỉ 5 ngày từ thứ Bảy cho đến thứ Tư. Do đó, kì nghỉ ngày Kính lão và ngày Thu phân còn được gọi là Tuần lễ bạc (Silver Week).

Thu phân Nhật Bản
Đây là ngày mà bạn sẽ thấy mặt trời mọc ở hướng chính đông và lặn ở hướng chính tây. (Ảnh: trover.com)

Người Nhật thường làm gì vào ngày này?

Đây là một dịp để người Nhật thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và tưởng nhớ những người đã khuất. Vào ngày này họ thường đi tảo mộ để bày tỏ sự biết ơn và nhớ đến những người đi trước. Ngoài ra, không chỉ vào ngày Thu phân mà khi nhắc đến mùa thu của Nhật Bản nói chung, ai ai cũng sẽ biết đến vô vàn lễ hội, được tổ chức tùy theo từng vùng miền. Với những lễ hội được thu hút như vậy, việc chuẩn bị vô cùng cẩn thận và tổ chức rất cầu kỳ để tạo cho người dân những phút giây vui vẻ nhất.

Thu phân Nhật Bản
Thu phân là dịp để mọi người tảo mộ để tưởng nhớ về tổ tiên và những người đã khuất (Ảnh: toyokeizai.net).

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU