Lễ hội tâm linh “tiễn đưa linh hồn” ở Nagasaki và Hiroshima

Bài: Inako
Jul 25, 2020

Ảnh: PIXTA

Dù không cùng chung xuất phát điểm, nét tương đồng của hai lễ hội này là sự tưởng nhớ nguồn cội, tri ân những người đã khuất. Có lẽ ở xứ Hoa anh đào, không nơi nào mà khoảnh khắc giao hòa giữa sự sống và cái chết lại trở nên thiêng liêng hơn thế.

Lễ hội Shoro-nagashi ở thành phố Nagasaki

Shoro-nagashi (精霊流し) là sự kiện văn hóa được tổ chức vào ngày 15/8 hàng năm ở thành phố Nagasaki, cũng là ngày chuẩn bị khép lại kì lễ Obon. Sau khi rước vong linh của người thân đã khuất trở về sum họp với con cháu vào ngày 13/8, đến ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau tiễn đưa người quá cố về thế giới bên kia. Họ viết tên của người quá cố lên “con thuyền linh hồn” (shoro-bune) được trang trí bằng đèn lồng và hoa, khiêng diễu hành qua phố để đưa đến địa điểm “thả linh hồn” (cũng là ý nghĩa tên lễ hội). Từ chạng vạng chiều ngày 15/8, phố phường Nagasaki sẽ rộn ràng lên trong tiếng đốt pháo, tiếng chuông và tiếng hô vang. Tại nơi “thả linh hồn” – thường là bờ sông hoặc bến tàu, những chiếc thuyền sẽ được thả trôi lênh đênh ra biển. Song kể từ năm 1871, chính quyền thành phố Nagasaki đã cấm không cho thả thuyền thật ra biển vì vấn đề môi trường, nay chỉ còn là một nghi thức tượng trưng. Chỉ khi phong tục này lan rộng ra các thành phố cùng tỉnh như Shimabara, Saikai, Matsuura và Goto, người ta mới được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của những con thuyền nối đuôi nhau mất hút vào màn đêm thăm thẳm.

lễ hội tâm linh tiễn đưa linh hồn ở Nagasaki và Hiroshima
những chiếc thuyền linh hồn được khiêng diễu hành
Những chiếc “thuyền linh hồn” được khiêng diễu hành trên đường phố.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc ra đời của Shoro-nagashi. Giả thuyết có “trọng lượng” nhất trong số đó là Shoro-nagashi bắt nguồn từ nhà Đường, Trung Quốc. Tương truyền, lúc bấy giờ có một số người đảm nhiệm vai trò thông ngôn và giao dịch đến cảng Nagasaki để trao đổi hàng hóa, thế nhưng họ đã mất mạng trên đường đi hoặc trước khi trở về, do đó những người đồng hương đã tổ chức nghi lễ này để cúng tế vong hồn họ. Vì vậy dù đến nay Shoro-nagashi đã được nâng tầm quy mô như một “lễ hội” địa phương, về bản chất đây vẫn là một nghi lễ Phật giáo nhằm truy điệu người quá cố.

Lễ hội Toro-nagashi ở Hiroshima

Vào lúc 8:15 ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử thế giới đã được thả xuống Hiroshima. Trong chớp mắt, quả bom đã hủy diệt sinh mệnh của hơn trăm ngàn người, gồm cả những người bị bỏng nặng phải nhảy xuống những dòng nước gần nhất rồi vĩnh viễn ngủ yên dưới lòng sông.

lễ hội Toro-nagashi ở Hiroshima
Pháo hoa mang ý nghĩa thanh tẩy cho con đường nơi những chiếc thuyền linh thiêng sắp đi qua.

Để tưởng niệm những người đã khuất, trong những năm 1947 – 1948, cư dân trong thành phố đã kêu gọi nhau đem những chiếc lồng đèn tự tay làm, có ghi tên họ của người thân đã mất thả ra sông. Có lẽ sự “đồng cảnh ngộ” đã giúp cho phong tục của vùng Nagasaki được người dân Hiroshima đón nhận mạnh mẽ, sau đó biến tấu và hình thành nên lễ hội mang đậm bản sắc địa phương mình.

lễ hội tiễn đưa linh hồn
Nghi thức thả đèn được tổ chức ngay bên cạnh Vòm bom nguyên tử - biểu tượng của thành phố Hiroshima.
lễ hội tiễn đưa linh hồn
Ngoài ghi tên người quá cố, những chiếc đèn lồng còn được gửi gắm thông điệp hòa bình.

Mặt khác, trong giai đoạn nửa cuối thập niên 50 – nửa đầu thập niên 60, Hiroshima là một trong những thành phố đạt tốc độ tăng trưởng “thần kỳ” hiếm hoi tại Nhật. Đại lộ Hòa Bình (nằm ở trung tâm thành phố Hiroshima) được coi là biểu tượng của đô thị kiểu mẫu mới và được nhiều phái đoàn từ khắp Nhật Bản ghé thăm, học hỏi. Bởi thế mà đối với người dân thành phố hòa bình này, ngày 6/8 là ngày cúng tế vong linh những người tử nạn cho đến hết buổi trưa, còn từ chiều tối trở đi là thời khắc để người dân hòa mình vào lễ hội ăn mừng sự chuyển mình rực rỡ của Hiroshima. Cứ đến ngày hội, sẽ có khoảng 10.000 chiếc lồng đèn được thắp sáng thả trôi trên 6 con sông lớn trong thành phố, kết nên một “dải Ngân Hà” vừa diễm lệ, vừa đậm sắc màu tâm linh.

Ngày nay, cư dân từ những vùng miền khác đến Hiroshima vào dịp này cũng có thể ghi nguyện ước hòa bình của mình lên đèn lồng, thả đèn cùng người dân địa phương, qua đó càng nhân rộng lên ý nghĩa nhân văn của hoạt động này.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU