Lễ hội lửa Kurama độc đáo ở Kyoto vào mùa thu

Bài: Tố Nga
Oct 17, 2021

Ảnh bìa: plaza.rakuten.co.jp, kyoto-np.co.jp

Là một trong ba lễ hội lớn nhất Kyoto, Lễ hội lửa Kurama được xem là một trong những lễ hội “độc lạ” nhất ở Nhật Bản, thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm các nghi lễ tôn giáo đặc sắc, hấp dẫn.

Lễ hội lửa Kurama (tiếng Nhật: 鞍馬の火祭 - Kurama no Hi Matsuri) là một trong những lễ hội mùa thu nổi tiếng nhất ở Nhật Bản với lịch sử hơn 1.000 năm. Lễ hội được tổ chức vào ngày 22 tháng 10 tại đền Yuki-jinja thuộc ngôi làng miền núi Kurama, Kyoto.

le-hoi-lua-karuma-kyoto
 Không khí tưng bừng tại lễ hội Kurama thu hút rất đông người tham dự. Ảnh: Flickr: @ JosseLiten

Nguồn gốc Lễ hội lửa Kurama

Lễ hội Kurama có lịch sử từ thời Heian (794 – 1185). Vào khoảng thế kỷ 10, tình hình Nhật Bản cực kì hỗn loạn, chiến tranh, hoả hoạn và thiên tai xảy ra thường xuyên, gây hoang mang cực độ trong dân chúng. Chính vì vậy, vào năm 940, Thiên hoàng Suzaku (923 – 952) đã quyết định dời đền Yuki-jinja từ Heian-kyo (thủ đô lúc bấy giờ, hiện tại là thành phố Kyoto) đến núi Kurama để cầu mong các vị thần phù hộ, cứu đất nước khỏi thảm hoạ và chiến tranh loạn lạc.

Ngọn núi Kurama nằm ở phía Bắc của thành phố, mà theo truyền thuyết, phía Bắc được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới của linh hồn và ma quỷ. Chính vì thế, đây là địa điểm lý tưởng để đặt ngôi đền trấn giữ, bảo vệ kinh đô khi ấy. Để dẫn đường cho Yuki Daimyojin (vị thần bảo hộ Kurama) và các vị thần khác đến ngôi đền mới, người dân đã đốt lửa dọc bên đường, cũng từ đó mà nghi thức đốt lửa trong lễ hội ra đời.

Lễ hội Lửa Kurama cũng là một nghi thức trưởng thành dành cho những đứa trẻ trong vùng. Trước đây, chỉ có các bé trai mới có thể tham gia nhưng vì dân số ở Kurama đã suy giảm, ngày nay các bé gái cũng được phép tham dự.

Các hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Kurama

Các nghi lễ của Lễ hội lửa Kurama bắt đầu vào lúc hoàng hôn khi cư dân làng Kurama đốt lên những đống lửa, được gọi là kagaribi (篝火), trước nhà của họ. Vào lúc 6 giờ chiều, khi nghe tiếng hô “Shinji ni mairasshare” (Lễ hội bắt đầu!), những người tham gia sẽ thắp lên ngọn đuốc của riêng mình và cùng nhau diễu hành về phía đền Yuki-jinja.

le-hoi-lua-kurama-2
Người dân đốt những đống lửa trước nhà để bắt đầu lễ hội. Ảnh: Flickr @victorillen

Đám rước đuốc hoàng tráng

Hơn 250 ngọn đuốc tiến đến các bậc cổng dẫn vào đền Yuki-jinja, cùng với đó là âm thanh rộn ràng của trống Taiko, tiếng người la hét tạo nên cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Những ngọn đuốc lớn nhỏ được mang theo bởi đoàn diễu hành, đám đông cùng nhau hét lên "Saireya sairyo!" (Chúc bạn có một lễ hội tốt lành!). Trẻ em và thanh thiếu niên cầm trong tay những ngọn đuốc nhỏ, trong khi những ngọn đuốc thông tự chế “khổng lồ” có trọng lượng lên đến 100kg được khiêng bởi nhóm đàn ông trưởng thành.

tre-em-mang-duoc
Trẻ em mang những ngọn đuốc nhỏ hơn. Ảnh: Flickr: @Joe Newman
nguoi-lon-mang-duoc
Những người trưởng thành mang ngọn đuốc lớn nặng đến 100kg. Ảnh: Flickr: @Ocelyn

Nghi lễ rước đền thờ di động Mikoshi

Mikoshi (神輿) là đền thờ di động với bốn cột tương tự như một đền thờ Thần đạo nhỏ, khá nặng nên việc vận chuyển cũng vô cùng khó khăn. Khoảng gần 9 giờ tối, sau khi kết thúc lễ cầu nguyện, những người đàn ông trong làng sẽ khiêng kiệu Mikoshi rời khỏi đền Yuki-jinja.

Khi khiêng Mikoshi xuống các bậc thang dốc của đền, để giảm tốc độ của kiệu, những phụ nữ trẻ sẽ nắm lấy dây thừng được nối với Mikoshi và kéo mạnh về phía sau (nghi thức này được cho là giúp phụ nữ sinh nở an toàn). Đồng thời, hai thanh niên mặc khố sẽ ôm thanh xà của kiệu và được nâng bổng lên; khi đi hết các bậc cầu thang, họ cũng được thả xuống khỏi thanh xà. Đây được gọi là Choppen, một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của đàn ông ở Kurama.

ruoc-dien-tho-di-dong
Nghi thức rước điện thờ di động Mikoshi thiêng liêng. Ảnh: Flickr: @victorillen

Khi đến quận Otabisho vào khoảng nửa đêm, một buổi biểu diễn Kagura (điệu múa linh thiêng trong nghi lễ Thần đạo) được tổ chức để dâng lên các vị thần. Sau đó, khi lễ hội kết thúc vào khoảng 2 giờ sáng, Mikoshi được đưa trở lại đền Yuki-jinja.

Chiêm ngưỡng các trang phục truyền thống đặc sắc

Lễ hội lửa Kurama là một bữa tiệc văn hóa dân gian Nhật Bản, không chỉ nằm ở những nghi lễ sống động hay đoàn rước đuốc hoành tráng mà còn thể hiện qua trang phục của những người tham gia diễu hành. Tất cả các thành viên của đám rước đều mặc trang phục truyền thống với những phụ kiện đặc trưng như vào thế kỷ 10. Bất kể thời tiết, họ mặc khố cùng váy bện bằng dây quanh eo, đi dép chiến binh và quàng một tấm vải chéo qua vai để đỡ ngọn đuốc nặng.

dan-ong-mac-trang-phuc-truyen-thong
Tại lễ hội, đàn ông mặc trang phục truyền thống thời xưa với khố, dép chiến binh. Ảnh: Flickr @Stephanie Emory

Chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp ở làng Kurama

Ngôi làng nằm trong một thung lũng xinh đẹp của ngọn núi Kurama. Ngoài lễ hội đặc sắc, du khách có thể dành thời gian tham quan ngôi làng, thư giãn tại suối nước nóng Kurama Onsen và chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt vời của mùa thu.

Vào dịp lễ hội, người dân trong làng sẽ trang trí nhà cửa bằng cách trưng bày đồ gia truyền, đồ cổ ở cửa sổ và sân nhà. Những đồ vật đó có thể là áo giáp của Samurai, đồ sành sứ, tranh... tất cả tạo nên một khung cảnh cổ xưa, đưa du khách trở về với quá khứ cách đây hàng thế kỷ.

trang-tri-nha-le-kurama
Người dân trang trí nhà cửa vào dịp lễ hội với áo giáp, tranh ảnh, bình sứ. Ảnh: Flickr @Doug Knuth

Với nhiều điểm hấp dẫn kể trên, Lễ hội lửa Kurama luôn là một trong những sự kiện mùa thu được mong đợi nhất tại Nhật Bản, thu hút hơn 10.000 du khách trong lẫn ngoài nước đổ về mỗi năm.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU